4
18
/
1016468
Bài 1: Đột phá từ hạ tầng, hiện đại hóa đô thị
longform
Bài 1: Đột phá từ hạ tầng, hiện đại hóa đô thị

 

Từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, Quảng Ninh đã vươn lên tốp các tỉnh phát triển năng động nhất cả nước. Trong đó đột phá nhất phải kể đến đó là tỉnh đã vận dụng hiệu quả các giải pháp trong thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Phương thức đầu tư này được ví như “làn gió mới”, thổi bùng lên khát vọng phát triển, để hôm nay Quảng Ninh đã sở hữu một hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nằm trong tốp 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước (đạt 65,5%), trở thành cực tăng trưởng mạnh, toàn diện khu vực miền Bắc Việt Nam.

Với quan điểm đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực để phát triển trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, từ năm 2013, trong điều kiện khung pháp lý về đầu tư công - tư chưa đầy đủ, Quảng Ninh đã mạnh dạn nghiên cứu một số mô hình đầu tư mới, nhằm kết hợp và huy động nguồn lực từ khối tư nhân. Trong đó phải kể đến là thí điểm đầu tư theo các hình thức: “Đầu tư công - quản lý tư” (Nhà nước bỏ vốn đầu tư, giao cho đơn vị có đủ năng lực để quản lý, khai thác); “Đầu tư tư - sử dụng công” (nhà đầu tư bỏ vốn, Nhà nước thuê lại).

Để có căn cứ triển khai, tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm, trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU (ngày 5/12/2013) chỉ đạo các địa phương áp dụng mô hình đầu tư mới; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện… Tỉnh ban hành danh sách công trình để áp dụng thí điểm. Trong quá trình triển khai, tỉnh chủ động ưu tiên bố trí vốn ngân sách cho chuẩn bị đầu tư, cụ thể là các phần việc tham gia của Nhà nước, đền bù GPMB, cam kết đảm bảo tiến độ.

Nhằm xây dựng niềm tin, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, Quảng Ninh đã phát thông điệp: "Nhà nước sẽ không trực tiếp làm những gì nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn". Tỉnh nỗ lực, quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, thay cho bị động chờ nhà đầu tư đến với mình như trước. Tỉnh định kỳ tổ chức các buổi gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, cafe doanh nhân; chỉ đạo sở, ngành chuyên môn vận dụng các cơ chế chính sách hướng dẫn. Qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng từ doanh nghiệp, nhà đầu tư để đồng hành, tìm giải pháp hỗ trợ, nhất là về các khung pháp lý, huy động nguồn vốn, đảm bảo tính khả thi đối với các dự án thu hút đầu tư. Với cách làm bài bản, giải pháp căn cơ, cụ thể tại từng dự án, chỉ sau thời gian ngắn, đầu tư theo hình thức PPP đã như một luồng gió mới nhanh chóng lan rộng ra toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Hàng loạt các dự án trọng điểm, lần đầu có trên địa bàn, như sân bay, đường cao tốc…được các nhà đầu tư đăng ký và triển khai thực hiện.

Với 1 đồng ngân sách bỏ ra làm vốn mồi, Quảng Ninh đã huy động được 8-9 đồng từ khối tư nhân đầu tư vào tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư PPP tại Quảng Ninh đạt 47.000 tỷ đồng với 44 dự án ở các lĩnh vực giao thông, hạ tầng kỹ thuật, dân dụng, văn hóa... Trong đó, vốn Nhà nước tham gia vào các dự án PPP khoảng trên 4.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung cho công tác GPMB. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 345.000 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015.

Cách làm này đã cho ra đời các công trình hạ tầng động lực, hiện đại, tầm cỡ quốc tế như hệ thống đường cao tốc, sân bay Vân Đồn, cảng tàu khách chuyên biệt, dịch vụ vui chơi giải trí hiện đại, đẳng cấp thế giới đã được đưa vào khai thác đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa rất lớn. “Làn gió” PPP trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ… đã và đang được Quảng Ninh triển khai đã lan tỏa, mở ra cơ hội phát triển mới không chỉ cho Quảng Ninh mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Đầu tư hạ tầng mới bằng PPP, Quảng Ninh không chỉ gia tăng cơ hội thu hút thêm các nhà đầu tư, mà còn để ra một khoản không nhỏ dành đầu tư cho các hạ tầng khác để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hợp lý, hiện đại có hiệu quả và gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. PPP ở Quảng Ninh đã giải quyết được vấn đề vốn, quản lý công trình sau đầu tư, nâng cao hiệu quả vốn ngân sách, tránh được những khoản nợ công, giải tỏa được “cơn khát” về hạ tầng, giải tỏa những e ngại của nhà đầu tư khi đến với địa bàn có nhiều tiềm năng để khai thác trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ, kinh tế cảng biển, biên mậu…

Nói về thành công của Quảng Ninh trong việc huy động các nguồn đầu tư kết cấu hạ tầng, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GT-VT, khẳng định: Trong những năm gần đây, Quảng Ninh đã tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông với chính sách thu hút đầu tư, huy động nguồn vốn xã hội hoá cho công cuộc đổi mới. Từ nguồn lực xã hội hoá chỉ trong 4 năm gần đây, tỉnh đã  tạo nên những công trình hiện đại bậc nhất cả nước, như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Tôi đánh giá rất cao cách làm này của Quảng Ninh đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Đặc biệt chính quyền địa phương rất năng động, sâu sát với cơ sở, tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp. Đây là điều kiện tiên quyết giúp cho Quảng Ninh thu hút được nhiều nhà đầu tư trong thời gian qua. 

Với những cách làm sáng tạo và vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư cho hạ tầng, sau tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái tiếp tục được đầu tư xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Với tuyến cao tốc này, các trung tâm kinh tế, du lịch lớn nhất phía Bắc từ Thủ đô Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn đến vùng đất biên giới Móng Cái sẽ được kết nối đồng bộ bằng hệ thống cao tốc. Qua đó giảm thời gian di chuyển từ 6h trước đây xuống chỉ còn 3h. Mở ra những cơ hội phát triển, thu hút đầu tư cho cả khu vực, đặc biệt là với Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. 

Cùng với hệ thống đường cao tốc, tỉnh Quảng Ninh cũng đã thu hút được các dự án hạ tầng giao thông đường không, đường thủy tầm cỡ quốc tế do tư nhân đầu tư. Trong đó điểm nhấn mang đậm dấu ấn đầu tư của tư nhân phải kể đến là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Công trình này có tổng vốn đầu tư 7.463 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Ninh là 734 tỷ đồng, còn lại 6.729 tỷ đồng là vốn của nhà đầu tư. Đây là sân bay quốc tế đầu tiên trong cả nước do tư nhân đầu tư, hoàn thành sau hơn hai năm thi công, xây dựng và được đầu tư theo hình thức BOT với thiết kế đồng bộ, hiện đại, dùng chung dân dụng và quân sự. Đây cũng là cảng hàng không cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), sân bay quân sự cấp II, có thể đón được tất cả các loại máy bay hiện đại như Boeing 787, 777 và Airbus A350, A320; công suất nhà ga giai đoạn một là 2,5 triệu lượt hành khách/năm. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn không chỉ "mở cửa" trên bầu trời mà còn hỗ trợ cho cả vùng Đông Bắc, đưa Quảng Ninh tiến gần hơn với thế giới, từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong chuỗi giao thương khu vực và thế giới.

Một công trình trọng điểm khác là Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng tàu khách chuyên biệt đầu tiên ở Việt Nam có thể tiếp nhận đồng thời 2 tàu khách cỡ lớn có trọng tải đến 225.000GT, sức chở lên đến 8.400 khách và thủy thủ đoàn. Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu khách quốc tế đến với Hạ Long mà không phải qua chuyển tải, đảm bảo sự an toàn cho du khách.

Đối với hạ tầng giao thông đường bộ, Quảng Ninh đang là một trong những tỉnh sở hữu đường cao tốc dài nhất Việt Nam với tổng số gần 200km tính đến thời điểm này. Các tuyến đường đã cho thấy rõ vai trò kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển, liên kết chặt chẽ các khu kinh tế, cực tăng trưởng phía Bắc và các sân bay quốc tế gồm: Nội Bài (Hà Nội) - Cát Bi (Hải Phòng) - Vân Đồn (Quảng Ninh). 

Đặc biệt, bằng nguồn lực của mình, trong năm 2020 này, Quảng Ninh sẽ khởi công tuyến đường tốc độ cao 10 làn xe ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đi qua Quảng Yên - Uông Bí đến Đông Triều... rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Hạ Long đến TX Đông Triều từ 1,5h trước đây xuống còn 30 phút. Tỉnh cũng đã thống nhất với TP Hải Phòng xây dựng cầu Rừng, cầu Lại Xuân để kết nối giữa hai địa phương; sử dụng vốn ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng cầu Triều, cầu Đông Mai nối Quảng Ninh với Hải Dương…

Ngoài thu hút nguồn lực cho các dự án giao thông trọng điểm, Quảng Ninh cũng đã rất thành công trong thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư lớn để đầu tư hạ tầng du lịch và đô thị. Hàng loạt các khu nghỉ dưỡng, khách sạn đẳng cấp quốc tế được hoàn thành như Công viên Đại Dương; Khu nghỉ dưỡng biển cao cấp Vinpearl Ha Long Bay Resort; Quần thể du lịch nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC; Khu du lịch đảo Tuần Châu, cảng tàu Tuần Châu; các trung tâm thương mại Vincom, BigC, Mega Market; sân golf Ngôi sao Hạ Long... Nhiều khu đô thị kiểu mẫu được quy hoạch đồng bộ như Khu đô thị Vinhomes, Khu đô thị phía đông hòn Cặp Bè, Khu đô thị Hùng Thắng… góp phần tạo nên đô thị Hạ Long hiện đại, văn minh. Cùng với đó, các dự án hạ tầng văn hóa, thể thao như: Bảo tàng, Thư viện tỉnh; Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh; Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ; Công viên hoa Hạ Long… cũng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch.

Với những chiến lược phát triển khác biệt để bền vững, Quảng Ninh đã và đang thực sự đổi khác về mọi mặt, khẳng định tầm vóc mới, diện mạo mới, vị thế mới, là địa phương đi đầu trong thúc đẩy liên kết vùng cũng như liên kết quốc tế. Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến về thăm và làm việc với Quảng Ninh đã nhận định:  Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh đã năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đưa tỉnh nhà phát triển nhanh, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt là việc vận dụng linh hoạt trong huy động các nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng giao thông. Đây cũng là minh chứng cụ thể nhất cho tư duy dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Thực hiện: Minh Thu - Đỗ Phương - Mạnh Trường

Trình bày: Đỗ Quang

 Bài 2: Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân cùng hưởng lợi.

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu