4
18
/
1018189
Bài 1: Quyết tâm "xanh hóa" những mảng "nâu"
longform
Bài 1: Quyết tâm "xanh hóa" những mảng "nâu"

 

Là địa phương khá sớm thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, đến nay sau gần 1 thập kỷ, Quảng Ninh đã vươn lên trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nước; cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng nhanh, bền vững. Quảng Ninh là một trong những minh chứng sinh động để Chính phủ triển khai nhiều nghị quyết, chỉ thị liên quan đến tăng trưởng xanh; là bài học kinh nghiệm cho nhiều địa phương trong nước đến trao đổi, tìm hiểu.

Quảng Ninh bắt đầu xây dựng và thực hiện lộ trình “xanh hóa” từ năm 2011, là một trong những địa phương chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” sớm nhất nước, gần như song hành cùng với các chỉ đạo, mục tiêu, định hướng của Đảng, Nhà nước ta ở giai đoạn khởi phát chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Hành trình chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” của Quảng Ninh không trải hoa hồng, bởi tỉnh không có bài học kinh nghiệm đi trước, mà vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm, bài học.

Quảng Ninh được ví như một Việt Nam thu nhỏ với nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội. Với vị trí địa kinh tế, địa chính trị có tầm chiến lược, Quảng Ninh có điều kiện phát triển, giao lưu, hợp tác kinh tế, văn hóa đối ngoại với Trung Quốc, đất nước đông dân nhất, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới; phát triển liên kết vùng với các tỉnh đồng bằng sông Hồng - vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc Việt Nam.

Tỉnh cũng là một trong số ít những địa phương trong nước được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều nguồn tài nguyên phong phú. Nổi bật là nguồn tài nguyên khoáng sản giàu có bậc nhất Việt Nam, là tiềm năng lớn để phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp khai thác và chế biến. Ước tính, sản lượng khai thác một năm các loại khoáng sản như than đạt trên 40 triệu tấn, vật liệu xây dựng trên 1,4 triệu m3, đá vôi xi măng trên 6,5 triệu tấn, sét xi măng trên 1,3 triệu tấn...

Cảnh quan thiên nhiên của Quảng Ninh cũng mang những giá trị đặc sắc nổi trội, bậc nhất của cả nước, nổi bật như Vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên và Di sản về địa chất, địa mạo của thế giới; năm 2011 được bầu chọn là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới do New Open World tổ chức. Vịnh Bái Tử Long, bãi biển Trà Cổ và hàng nghìn hòn đảo ngoài khơi rất có giá trị về mặt du lịch.

Những lợi thế trên đóng góp rất quan trọng để tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh luôn ở mức ổn định, trung bình trên 10%/năm. Tuy nhiên, cũng chính trong quá trình phát triển, Quảng Ninh dần nhận ra, ngày càng phải phải đối mặt nhiều mâu thuẫn, thách thức. Kinh tế địa phương chỉ trông chờ phần lớn vào ngành công nghiệp khai khoáng than, kế đến là nhiệt điện, xi măng. Dù sản lượng khai thác than năm sau cao hơn năm trước, nhưng công nghệ khai thác, nhất là việc đảm bảo môi trường thì lại không theo kịp. Khai thác lộ thiên trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 50%.

Ngoài ra, vấn đề về bãi thải, hệ thống cảng biển, các điều kiện đảm bảo giảm thải ô nhiễm môi trường như xử lý nước thải, bụi, khí thải… cũng quy hoạch chưa đồng bộ. Nhiệt điện phát triển ồ ạt, tăng nhanh, đã tạo ra áp lực lớn đối với vấn đề môi trường sinh thái. Thực tế đã cho thấy sự xung đột, mâu thuẫn với phát triển dịch vụ thương mại, du lịch trên cùng một địa bàn, đặc biệt là đối với Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn đứng trước một số mâu thuẫn khác, như: Giữa việc giải phóng tiềm năng vô hạn trong khi nguồn lực chỉ có hạn; giữa tiềm năng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh với cơ chế chính sách còn hạn chế; giữa sự phát triển kinh tế nhanh, mạnh, trong khi phải nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo; giữa phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai...

Thực tiễn trên khiến kinh tế Quảng Ninh dù vẫn đang trên đà phát triển, nhưng được đánh giá là tăng trưởng “nóng”, thiếu tính bền vững. Về lâu dài, khi những nguồn tài nguyên hữu hạn như than, khoáng sản dần cạn kiệt; đất đai sử dụng thiếu quy hoạch; tài nguyên rừng, biển khai thác thiếu tính bảo tồn... tất yếu không còn nhiều dư địa cho sự phát triển.

Tháng 9/2012, Quảng Ninh báo cáo Bộ Chính trị Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh”. Theo đó, trên cơ sở định vị lại chính mình trong tương quan với quốc gia và quốc tế, nhận diện tiềm năng, thế mạnh, mâu thuẫn, thách thức, mục tiêu quan trọng được xác định trong Đề án là tạo bước phát triển đột phá, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, giữ vai trò là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc, là địa phương đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, tạo nền tảng vững chắc để phát triển nhảy vọt sau năm 2020.

Trên cơ sở lý luận và thực tiễn khoa học, Đề án đã đưa ra mục tiêu, nguyên tắc phát triển rõ ràng, không gian phát triển kinh tế - xã hội “Một tâm - Hai tuyến - Đa chiều - Hai điểm đột phá” với 3 trụ cột phát triển kinh tế, 2 nhóm nhiệm vụ giải pháp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trước mắt và lâu dài.

Đề án khi báo cáo Bộ Chính trị đã được đánh giá cao về tư duy, tầm nhìn và các giải pháp trọng tâm thực hiện. Đã quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tổng kết lý luận của Đảng sau 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Đồng thời tiếp thu và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, nhất là Nghị quyết và Kết luận tại các Hội nghị Trung ương 3, 4, 5 (khóa XI) về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, tập trung vào 3 khâu đột phá để phát triển nhanh, bền vững qua việc khai thác tối đa tiềm năng đặc biệt, cơ hội nổi trội của tỉnh Quảng Ninh.

Đặt trong bối cảnh thời điểm năm 2011-2012, mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” mới được Chính phủ đưa vào định hướng phát triển, vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ đối với nhiều địa phương trong nước. Đối với tỉnh Quảng Ninh, công nghiệp đang là chỗ dựa vững chắc, xương sống trọng yếu của nền kinh tế, đã cho thấy tư duy mang tầm nhìn chiến lược, là quyết tâm, nỗ lực vượt bậc của Quảng Ninh.

Tại các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (2010-2015), XIV (2015-2020), Quảng Ninh kiên định với mục tiêu tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh". Trong đó, tại Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh (tháng 10/2015) đã xác định: Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp; là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giảm nghèo bền vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; giữ vững chủ quyền biên giới; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ và cải thiện rõ rệt môi trường sinh thái; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị của Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và các khu danh thắng, di tích lịch sử.

Bài 2: Đổi mới từ nền tảng quy hoạch

Bài: Hồng Nhung;

Ảnh: Minh Đức - Hùng Sơn - Đỗ Phương

Trình bày: Hùng Sơn
 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu