Trong vô vàn những cảm xúc của người dân đôi bờ dòng Cửa Lục trước bước ngoặt lịch sử của vùng đất mình đang sinh sống thì niềm vui, niềm tin vào ngày mới rực rỡ hơn bao trùm trong những ánh mắt, nụ cười, câu chuyện ngày “châu về hợp phố”. “Hoành Bồ vào Hạ Long”- chuyện trong nhà, ngoài phố, trên bản, dưới làng râm ran hơn 2 tháng qua nay được khẳng định chắc một điều chính thức sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long.
Đọc xong thông tin về việc 100% ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thống nhất tán đồng biểu quyết thông qua Đề án sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long thành TP Hạ Long, ông Hoàng Văn Phấn, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 3, thị trấn Trới (huyện Hoành Bồ) phấn khởi nói: Đây chính là lòng dân, ý Đảng. 100% ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành thông qua việc sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long đã thỏa sự mong ngóng, chờ đợi gần 2 tháng nay của cử tri khu tôi, cử tri thị trấn Trới. Đây cũng chính là tiếng lòng của chúng tôi về việc thống nhất, đồng thuận mở ra cơ hội phát triển mới của huyện, của tỉnh.
2 tháng trước ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Đề án sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long thành TP Hạ Long, ngày 19/10, HĐND 33 xã, phường, thị trấn của huyện Hoành Bồ và TP Hạ Long đồng loạt tổ chức kỳ họp bất thường bàn, cho ý kiến về việc hệ trọng của mình. Những đại biểu hội đồng nhân dân cấp phường đại diện cho ý trí, nguyện vọng, nói tiếng nói của cử tri nơi mình đang sinh sống đã từ trái tim mình bày tỏ niềm tin chiến thắng vào đột phá mới. Có chút tiếc nuối trước sự thay đổi lớn nhưng không hề tâm tư, không băn khoăn, không lo lắng, 724 đại biểu hội đồng nhân dân của 33 xã, phường, thị trấn đã đồng lòng, nhất trí bằng những cánh tay biểu quyết dứt khoát, thống nhất nhập địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long.
Ngay sau khi giơ tay biểu quyết tán đồng việc nhập địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, bà Linh Thị Phượng, người dân tộc Dao, đại biểu HĐND xã Kỳ Thượng (huyện Hoành Bồ) chia sẻ: Có niềm vui nào hơn khi quê hương mình có cơ hội phát triển mới, cuộc sống của mình, gia đình mình, bà con trong bản, trong xã sẽ tốt hơn nữa. Trước khi tham dự kỳ họp HĐND của xã tôi đã đọc rất kỹ Nghị quyết 18-NQ/TU ngày 2/10/2019 của BCH Đảng bộ tỉnh về nhập địa giới hành chính của huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long. Trong đó tôi đặc biệt nghiên cứu kỹ nội dung khai thác, phát huy lợi thế kinh tế du lịch rừng, du lịch văn hóa của huyện Hoành Bồ vào bổ trợ cho định hướng phát triển của TP Hạ Long tới đây. Đó cũng là mong mỏi của người dân Kỳ Thượng về thế mạnh của Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn-Kỳ Thượng chưa được khai thác, phát huy hiệu quả cho sự phát triển của địa bàn và người dân sinh sống trên đó. Hạ Long là đầu tàu, là địa phương phát triển nhất tỉnh, Hoành Bồ là huyện miền núi, đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn, vì vậy chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm, đầu tàu Hạ Long kéo toa tàu Hoành Bồ là chủ trương của tình đoàn kết, là truyền thống tốt đẹp của đất nước ta. Chúng tôi tin quyết định nhập Hoành Bồ vào Hạ Long của Tỉnh ủy sẽ đem lại tương lai tươi sáng hơn cho Kỳ Thượng, cho Hoành Bồ và cho Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh chúng ta sẽ giàu hơn, đẹp hơn.
Nhập địa giới hành chính huyện này vào huyện kia, chuyện không hề nhỏ, vì đó không chỉ là câu chuyện về quyền lợi mà là truyền thống, lịch sử, là sự tự tôn của người dân sở tại của địa phương đó, là tính cục bộ địa phương luôn tiềm ẩn trong suy nghĩ của mỗi người. Khó là vậy nhưng Quảng Ninh đã làm được, làm một cách tròn trịa, thành công. Tính từ khi chủ trương sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính của huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long thành TP Hạ Long được Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng Đề án vào ngày 1/10/2019 đến khi Đề án đươc Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua là 77 ngày. Những con số 98% cử tri nhân dân đồng thuận, 100% đại biểu HĐND cấp xã, 100% đại biểu HĐND cấp huyện, 100% đại biểu HĐND cấp tỉnh biểu quyết tán thành thông qua nghị quyết sáp nhập địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long là con số của sức mạnh niềm tin!
Trong quá trình thực hiện các quy trình theo quy định về việc sáp nhập, tỉnh Quảng Ninh đã song hành triển khai các công việc để sáp nhập không gây ảnh hưởng, xáo trộn đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cả hai địa phương, hoạch định những nhiệm vụ trọng tâm tập trung thực hiện trước, trong và ngay sau khi thực hiện sáp nhập. Trong chỉ đạo xây dựng Đề án sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, tính toán kỹ lưỡng, cẩn trọng, dân chủ, khách quan để thực hiện từng nội dung công việc đảm bảo toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố Hạ Long mới vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; giải quyết tốt nhất mọi vướng mắc nảy sinh, đảm bảo phát huy cao nhất hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực và cải thiện dân sinh sau khi nhập địa giới hành chính. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh quyết định, trước mắt, giữ nguyên các đơn vị hành chính cấp xã, trường học, bệnh viện, trung tâm y tế ... của hai địa phương trước khi sáp nhập, toàn bộ các phòng, ban, đơn vị trực thuộc giữ nguyên như hiện tại. Riêng việc chuyển đổi các giấy tờ có liên quan đến nhân thân hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới hành chính, nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp đảm bảo các quy định của pháp luật.
Đặc biệt một trong những vấn đề “nhạy cảm” là cơ chế chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, Hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản khu phố chịu tác động do quá trình sắp xếp, sáp nhập hai địa phương đã được giải quyết thấu đáo bằng Nghị quyết vừa được HĐND tỉnh ban hành. Cụ thể, đối với người thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm, bầu cử vào chức vụ mới có phụ cấp chức vụ thấp hơn so với phụ cấp chức vụ đang hưởng ngoài việc được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng đến hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm hoặc hết nhiệm kỳ bầu cử (trường hợp đã giữ chức vụ theo thời hạn được bổ nhiệm hoặc nhiệm kỳ bầu cử còn dưới 6 tháng thì được bảo lưu 6 tháng) còn được tỉnh hỗ trợ một lần bằng tiền tương đương với 60 tháng chênh lệch giữa mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ với mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo mới tại thời điểm thôi giữ chức vụ lãnh đạo cũ. Đối với người nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc ngay, ngoài việc được hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi theo quy định hiện hành còn được hỗ trợ: 3 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi nghỉ hưu tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội; 5 tháng tiền lương bình quân cho 20 năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội, từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp ½ tháng tiền lương. Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, khu phố, hỗ trợ một lần bằng tiền tương đương 2 lần mức phụ cấp hàng tháng hiện đang hưởng tại thời điểm nghỉ công tác theo quy định cho mỗi năm đã công tác....
Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Sáp nhập địa giới hành chính cấp huyện chắc chắn bộ máy, tổ chức sẽ có nhiều xáo trộn. Vì vậy, tỉnh đã có chỉ đạo rất kỹ về việc sắp xếp, bố trí vị trí việc làm đúng với công việc chuyên môn, thực hiện công tâm, đảm bảo dân chủ, công khai, không để ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, ảnh hưởng đến giải quyết thủ tục liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Chúng ta xác định trước mắt, sau khi sáp nhập nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân sẽ rất nhiều cần bố trí cán bộ, hướng dẫn người dân giải quyết nhanh gọn. Trong bối cảnh đội ngũ cán bộ cũng có sự sắp xếp cho phù hợp với mô hình, bộ máy mới cần sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa. Vừa qua HĐND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố chịu tác động do việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, trong đó có việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long. Với sự chuẩn bị rất chu đáo về công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, Quảng Ninh sẵn sàng cho việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long.
Ngọc Lan
Trình bày: Tất Đạt
Bài 2: Đúng mùa trái ngọt chín
Ý kiến ()