4
18
/
1058302
Bài 1: Xứng đáng là "cánh tay" nối dài của Đảng
longform
Bài 1: Xứng đáng là "cánh tay" nối dài của Đảng

Ngày 28/12/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2017-2020 và quyết tâm nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu tại 100% thôn, khu. Sau gần 5 năm nỗ lực thực hiện, từ chỗ gần 60% trưởng thôn, khu chưa phải là đảng viên, nay tỉnh đã có 1.542/1.542 Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, chiếm tỷ lệ 100%. Đội ngũ này đã phát huy vai trò của chi bộ cơ sở, là hạt nhân chính trị ở thôn, khu phố, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân.

Bằng sự hoạt động, điều hành hiệu quả của mình, các bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố của tỉnh Quảng Ninh đã nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, góp phần củng cố và xây dựng các tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân; qua đó, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

Gặp gỡ, tìm hiểu hoạt động của đội ngũ Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố ở nhiều địa phương của Quảng Ninh sau hơn một nhiệm kỳ triển khai thực hiện Chỉ thị 12-CT/TU, chúng tôi nhận thấy họ đã thể hiện rất rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị, trung tâm đoàn kết của tổ chức đảng, của thôn, khu. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Nhiều bí thư kiêm trưởng thôn, bản, khu phố đã tích cực đổi mới phương thức hoạt động của chi bộ, đẩy mạnh toàn diện các mặt công tác xây dựng Đảng và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các chi bộ đã chủ động xây dựng các kế hoạch cụ thể, triển khai các biện pháp phù hợp, tập trung đổi mới cách thức tổ chức sinh hoạt chi bộ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên, đưa các mô hình kinh tế mới vào triển khai. Nhờ họ, Quảng Ninh đã xây dựng được những tổ chức Đảng vững mạnh ngay từ cơ sở, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Đến thôn Phai Lầu, xã Đồng Văn vào một ngày giáp tết nguyên đán Tân Sửu, chúng tôi được cùng Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Chìu Văn Phúc đi nắm tình hình đời sống, lao động sản xuất của người dân nơi đây. Vốn là thôn đặc biệt khó khăn giáp biên giới của huyện Bình Liêu với 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, có vị trí quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh quốc phòng, để người dân nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện nghiêm các quy định, Bí thư Chi bộ Chìu Văn Phúc đã tới từng hộ để gặp gỡ, tuyên truyền, vận động bà con. Bên cạnh đó, anh Phúc còn vận động bà con áp dụng cách làm mới, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, trước diễn biến của dịch Covid-19, anh Phúc đã thường xuyên nắm địa bàn, tuyên truyền người dân cách phòng, chống dịch bệnh; vận động bà con chấp hành nghiêm pháp luật, không vượt biên trái phép...Anh Phúc chia sẻ: Đảng viên gương mẫu đi đầu thực hiện các phong trào chính là hình thức vận động hiệu quả nhất để nhân dân đồng thuận, noi gương. Vì vậy, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mỗi đảng viên phải nắm, hiểu rõ và làm đúng, để người dân làm theo. Đến nay, nhận thức của bà con trong thôn đã có sự chuyển biến mạnh, từ đó chấp hành tốt pháp luật; tích cực lao động sản xuất làm giàu cho gia đình và địa phương...

Chia sẻ về hoạt động của đội ngũ Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn, khu trên địa bàn huyện, đồng chí Dương Mạnh Cường, Bí thư huyện uỷ Bình Liêu khẳng định: Thời gian qua, đội ngũ bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu trên địa bàn huyện Bình Liêu đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Mặc dù gánh vác "2 vai", đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản đã trở thành những "cánh tay nối dài" của Đảng, gắn kết sức mạnh, tinh thần đoàn kết giữa đảng viên và nhân dân ở cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.  

Cũng như anh Phúc, bà Nguyễn Thị Minh Tư, Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Phúc Thị (xã Việt Dân, Đông Triều) từ khi được Đảng và nhân dân giao phó trọng trách quan trọng này đã có những cống hiến lớn cho địa phương. Tham gia công tác thôn từ năm 1996, bà Tư được lãnh đạo, địa phương, nhân dân tín nhiệm giao đảm nhận nhiều vị trí khác nhau, như: Chi hội trưởng Nông dân, Chi hội trưởng Phụ nữ, Phó thôn, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn, trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn. Năm 2015, thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nhất thể hóa bí thư kiêm trưởng thôn, khu, bà Tư được “dân tin, Đảng cử” vị trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Phúc Thị; tiếp đó đến nhiệm kỳ 2020-2022 bà tiếp tục được tín nhiệm giữ những trọng trách quan trọng này. 

Được biết, thời kỳ đầu khi bà Tư đảm nhận vị trí Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn cũng là lúc thôn Phúc Thị được lựa chọn là 1 trong số thôn điểm triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Khó chồng thêm khó bởi thôn Phúc Thị có địa bàn tương đối rộng, với tổng chiều dài các tuyến đường ngõ, xóm lên tới 10km, hộ dân sống không tập trung, thu nhập của người dân chủ yếu là nông nghiệp, do đó đầu tư cơ sở hạ tầng gặp nhiều trở ngại. Khó khăn là vậy, song với sự nhiệt huyết, trách nhiệm, tận tâm với công việc bà đã “thổi lửa” cho phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Phúc Thị.  Bà Tư chia sẻ: Để hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nói riêng và các phong trào nói chung, người cán bộ thôn phải luôn gương mẫu đi đầu. Bởi không chỉ là những đảng viên "miệng nói, tay làm"  mà cán bộ thôn còn là những người đang "thổi lửa" nhiệt tình ở cơ sở. Nói được, làm được thì nhân dân mới tin tưởng, nhất trí, ủng hộ”. Quả vậy, ngày ngày, hình ảnh bà trưởng thôn trồng từng cụm hoa, đẩy từng xe nước tưới cây bên đường, thậm chí làm cả những công việc nặng nhọc như đội đá hay làm “thợ xây” trên những tuyến đường mới... đã trở nên thân thuộc với người dân trong thôn.

Ông Nguyễn Văn Minh, một người dân trên địa bàn thôn Phúc Thị, cho biết: “Khi bắt đầu triển khai xây dựng thôn kiểu mẫu, Phúc Thị gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại nhưng các đồng chí đảng viên, đội ngũ cán bộ thôn rất nhiệt huyết, trách nhiệm, tận tâm với công việc và thúc đẩy người dân tham gia. Bà Tư tuổi cũng không còn trẻ mà trực tiếp đến từng nhà vận động, tham gia làm đường, trồng cây tạo cảnh quan, dọn vệ sinh môi trường… Người dân cũng cuốn theo, nhiều nhà hiến đất mở đường, tham gia việc chung, triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế… Nhờ đó, chỉ sau một năm, Phúc Thị đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và năm 2018, thôn vinh dự là một trong 141 tập thể, cá nhân trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.

Trải qua các thời kỳ phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc xây dựng mối liên hệ, sự gắn bó mật thiết với nhân dân luôn được Đảng ta coi trọng. Đây là cội nguồn sức mạnh, nhân tố làm nên mọi thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Bài học lớn rút ra từ thực tiễn là trong điều kiện Đảng cầm quyền, phải đặc biệt chăm lo, củng cố mối liên hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân vì sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Thấm nhuần tư tưởng đó, năm 2016, Quảng Ninh quyết định thực hiện nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố. Bước đầu thực hiện, tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, bởi đây là một mô hình mới, ảnh hưởng đến hàng nghìn bí thư chi bộ, trưởng thôn đương nhiệm. Nhưng với quyết tâm chính trị cao nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu “việc gì có lợi cho dân thì làm”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, đưa ra các giải pháp cụ thể, phù hợp để gỡ  từng "nút thắt", nhằm thực hiện thành công mô hình này.

Để triển khai hiệu quả Chỉ thị, Quảng Ninh thực hiện quy trình Đảng giới thiệu nhân sự để nhân dân lựa chọn, bầu vào các chức danh trưởng thôn. Sau đó cấp ủy mới giới thiệu để bầu các chức danh trong chi bộ theo phương châm “Dân tin - Đảng mới cử”. Các bước giới thiệu nhân sự đều được thông qua ban công tác mặt trận để đàm thoại, lấy ý kiến người dân, đảng viên. Bên cạnh cấp ủy lựa chọn, giới thiệu, thì nhân dân, đảng viên có quyền giới thiệu người mình tín nhiệm cho thôn, cho chi bộ.

Để đạt kết quả như mong đợi, các địa phương đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân đồng thời linh hoạt, chủ động phương án kết nạp vào Đảng những quần chúng có năng lực, uy tín với dân và có khả năng làm trưởng thôn để thực hiện chủ trương nhất thể hoá chức danh này. Đồng thời, chủ động rà soát, đánh giá thực trạng trình độ, năng lực, uy tín của đội ngũ cán bộ đang đảm nhiệm các chức danh ở thôn và đội ngũ đảng viên trong chi bộ để lựa chọn nhân sự, trong đó có những tiêu chuẩn cụ thể là người đảm nhận vị trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn phải có phẩm chất, năng lực toàn diện, vừa có khả năng lãnh đạo, tập hợp quần chúng, đồng thời phải là người có thể triển khai thực hiện đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống.

Tuy nhiên, từ chủ trương đến thực tiễn triển khai, Quảng Ninh cũng vấp phải không ít khó khăn, thách thức, đó là những ý kiến lo ngại về việc liệu một người làm 2 nhiệm vụ quan trọng đó ở cơ sở có được không? Nhất là trong bối cảnh tâm tư, tình cảm của một số bí thư chi bộ, trưởng thôn còn băn khoăn; ở một số nơi, tư duy dòng họ vẫn còn rất nặng nề... Nhưng với quyết tâm cải thiện, nâng cao năng lực hoạt động của các chi bộ, nhất là chi bộ ở khu dân cư và bắt đầu từ việc “sốc” lại đội ngũ bí thư chi bộ và trưởng thôn, các địa phương đã quyết tâm gỡ từng “nút thắt” để hiện thực hóa chủ trương. Đến năm 2018, tỷ lệ bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố đạt 98,53% (năm 2016, tỷ lệ trưởng thôn bản, khu phố chưa là đảng viên chiếm hơn 60%). Trên cơ sở những kết quả đạt được, đến nhiệm kỳ 2020 - 2022, Tỉnh ủy Quảng Ninh chỉ đạo đồng loạt thực hiện bầu trưởng thôn, bản, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh vào ngày 5/1/2020; sau đó, đồng loạt tổ chức đại hội chi bộ thôn, bản, khu phố để bầu bí thư chi bộ vào ngày 18/1/2020 hoàn thành mục tiêu 100% số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố…

Đây là một giải pháp, nhằm cụ thể hóa một cách sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, không chỉ tạo ra đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, ngày hội của toàn dân, mà quan trọng hơn chính là nhằm thúc đẩy, làm tốt hơn nữa việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Thành công của hai sự kiện được tổ chức trong cùng một tháng đã thể hiện niềm tin của nhân dân tỉnh Quảng Ninh đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất ý chí giữa Đảng và nhân dân; qua đó, đã khẳng định quy trình nhân sự “Dân tin - Đảng cử” trong thực hiện mô hình “bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố” là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn.

Bài 2: Khi Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương

Bài: Hoài Anh

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu