4
18
/
1017190
Bài 2: Khẳng định vị thế, thương hiệu quán quân PCI
longform
Bài 2: Khẳng định vị thế, thương hiệu quán quân PCI

6 năm liên tiếp trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất, 3 năm liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), là minh chứng cho sự nỗ lực, quyết tâm không ngừng của Quảng Ninh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... Với phương châm dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, cùng sự chân thành, cởi mở, Quảng Ninh đã xây dựng thương hiệu, không chỉ tạo môi trường ngày càng tốt hơn cho doanh nghiệp, mà còn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Không thuộc nhóm dẫn đầu trong những năm bảng xếp hạng PCI mới được công bố, nhưng sau 11 năm bứt phá liên tục, đến năm 2017 Quảng Ninh đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Từ năm 2017 đến nay, Quảng Ninh đã vượt qua những đối thủ rất “nặng ký” như Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh..., vươn lên giành ngôi vị quán quân. Đặc biệt, PCI năm 2019 của Quảng Ninh có tổng điểm 73,4, cao nhất toàn quốc từ trước tới nay, giúp Quảng Ninh giữ vững xếp hạng ở vị trí thứ 1/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc dự án PCI, cho hay: Thời gian qua, Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực quan trọng trong việc tạo lập một môi trường kinh doanh ổn định, vững chắc và khuyến khích tinh thần phát triển của các doanh nghiệp. Qua nhiều kết quả điều tra doanh nghiệp mà VCCI tiến hành những năm qua, Quảng Ninh đã không còn là một hiện tượng, mà đã thực sự chứng minh được vị thế của mình trong việc trở thành một địa bàn năng động, hiệu quả và thân thiện, là điểm sáng trong thu hút đầu tư. 3 năm liên tiếp giữ vững ngôi vị quán quân PCI, cùng với những thành quả hiện hữu về kinh tế - xã hội suốt những năm qua đã khẳng định cách làm đúng đắn, đột phá, hiệu quả của Quảng Ninh.

Kết quả này không chỉ khẳng định vị trí các địa phương về chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất, mà còn thể hiện niềm tin, sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với sự chỉ đạo điều hành của tỉnh Quảng Ninh. Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, chia sẻ: Chính quyền tỉnh luôn luôn lắng nghe và đồng hành với doanh nghiệp trong tất cả các công việc. Khi có phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp đến các cấp, ngành đều được phản hồi và tìm ra giải pháp tháo gỡ nhanh nhất. Trên tinh thần đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ với nhau, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ nỗ lực nâng cao hiệu quả quản trị, năng lực sản xuất, kinh doanh, đồng hành cùng tỉnh trên chặng đường phát triển. 

Chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây, với những nỗ lực, quyết tâm trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư là các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã đến với Quảng Ninh cùng những dự án hàng nghìn tỷ đồng, làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của tỉnh. Hiện tỉnh đang thu hút được vốn đầu tư của các nhà đầu tư từ trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, với nhiều nhà đầu tư mang tầm cỡ quốc tế như: Wyndham, Starwood, ISC Corp, Amata, Nakheel, Hilton, các Tập đoàn Sun Group, Vingroup, FLC, BIM, Tuần Châu...

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn tỉnh tăng cao qua các năm. Trong giai đoạn trước năm 2012, Quảng Ninh chỉ có khoảng 6.000 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ; hoạt động khối doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa cao, thể hiện ở sự khiêm tốn, đóng góp cho thu ngân sách địa phương. Đến hết quý I/2020, toàn tỉnh có 19.353 doanh nghiệp, đơn vị phụ thuộc, thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân tăng nhanh; trong đó, tổng vốn FDI trên địa bàn tỉnh đến nay đạt khoảng 6,8 tỷ USD. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Tại Hội nghị công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 (tháng 5/2020), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: Thời gian qua, việc triển khai sáng kiến PCI đã được Quảng Ninh thực hiện rất bài bản, khoa học, liên tục cập nhật những phương pháp luận mới mẻ, phù hợp thực tiễn thông qua bộ chỉ số PCI do VCCI tiến hành. Cách làm này đã giúp lãnh đạo tỉnh xác định những điểm nghẽn trong điều hành kinh tế, cũng như lựa chọn những giải pháp phù hợp để tiến hành cải cách và điều hành kinh tế một cách hiệu quả nhất. PCI đã giúp tỉnh nhận thức rõ những lĩnh vực cần cải thiện, nhận diện những khoảng cách về chính sách và thực thi chính sách cần phải lấp đầy, những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp cần phải tháo gỡ cũng như những kỳ vọng, mục tiêu cần hướng tới. Do đó, Quảng Ninh luôn xác định việc nâng cao chỉ số PCI là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục.

Kết quả 3 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI đã thể hiện khát vọng sáng tạo của Quảng Ninh, mang lại cho tỉnh kết quả vượt trội về phát triển kinh tế - xã hội. Trong 5 năm gần đây, Quảng Ninh luôn đứng vững trong top những địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP, thu ngân sách cao nhất cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong suốt 2 thập kỷ qua đạt trên 10%/năm. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 6.135 USD/năm, gấp hơn 2 lần so với mức bình quân chung cả nước…

Trong điều hành kinh tế, Quảng Ninh luôn bám sát các chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là các nghị quyết của Chính phủ, như: Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2018 (từ năm 2019 là Nghị quyết 02/NQ-CP) về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp... Đây chính là kim chỉ nam giúp Quảng Ninh triển khai thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hiệu quả nhất. 

Nhận diện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân, thu hút đầu tư sẽ là một trong những trợ lực quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, mạnh, bền vững, Quảng Ninh đã thay đổi tư duy, lựa chọn góc nhìn của doanh nghiệp tư nhân để đánh giá chất lượng điều hành cấp tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững, như: Tái cơ cấu chi tiêu công, tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển để tạo vốn mồi; thực hiện 3 đột phá chiến lược... Đặc biệt, Quảng Ninh thấy rõ cơ sở hạ tầng phát triển là một lợi thế cạnh tranh tối ưu, là một trong những yếu tố quyết định đối với nhà đầu tư. Do đó, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; đa dạng hóa các hình thức đầu tư công - tư (PPP) để doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia hợp tác. Cùng với đó, là sự cởi mở của tỉnh đối với các nhà đầu tư mang tầm cỡ quốc tế với những dự án hàng nghìn tỷ đồng.

Khoảng 5 năm trở lại đây, tổng vốn đầu tư PPP cho các công trình giao thông tại Quảng Ninh đạt trên 47.000 tỷ đồng; trong đó, vốn nhà nước chỉ tham gia khoảng 9% để thực hiện GPMB, đầu tư công trình đối ứng. Nhiều dự án lớn do tư nhân triển khai, đã được đưa vào sử dụng hiệu quả như: Cầu Bạch Đằng; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (sân bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam); Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (cảng tàu chuyên biệt cho du lịch đầu tiên ở Việt Nam)…

Quảng Ninh đã tạo bước đột phá trong tư duy, nhận thức và hành động đối với hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tỉnh đã thực hiện hiệu quả “xúc tiến đầu tư tại chỗ”, “đồng  hành cùng doanh nghiệp” với nhiều giải pháp thiết thực. Hoạt động khởi nguồn cho hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh chính là Hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô quốc tế với sự tham dự của hơn 1.200 đại biểu là các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp… trong và ngoài nước được tổ chức vào năm 2012. Từ đó, trung bình 1 năm, tỉnh tổ chức 4 hội nghị gặp gỡ tiếp xúc quy mô cấp tỉnh và hàng trăm cuộc gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp cấp sở, ban, ngành, địa phương và các cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chuyên đề.

Không "ngủ quên" trên chiến thắng, ngay sau khi VCCI công bố kết quả chỉ số PCI năm 2019, trên cơ sở kiểm soát tình hình dịch Covid-19, Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh để phân tích chuyên sâu các chỉ số tăng điểm, thăng hạng, chỉ số giảm điểm, giảm hạng, để tiếp tục bàn các giải pháp nâng cao chất lượng PCI bền vững. Đồng thời, tổ chức hàng chục hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đây không chỉ là cách tỉnh thể hiện sự quan tâm và lắng nghe mức độ hài lòng của doanh nghiệp với môi trường đầu tư, mà còn là dịp tìm kế sách duy trì vị trí quán quân PCI.

Để luôn theo sát, hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả, Quảng Ninh tiến công vào khâu đột phá cải cách hành chính thực chất hơn, hiệu quả hơn. Tỉnh quyết liệt, sáng tạo trong cải cách bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; cải cách TTHC ngay từ việc thành lập, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm hành chính công; xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh để hiện đại hóa nền hành chính…

Tỉnh triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương thông qua Bộ chỉ số DDCI.  Dù không phải là địa phương triển khai DDCI đầu tiên, nhưng Quảng Ninh lại được đánh giá là địa phương thực hiện bài bản và chuyên nghiệp nhất, do thực hiện trên phạm vi rộng, đánh giá đa chiều và  mỗi năm đều có sự bổ sung, hoàn thiện bộ chỉ số. Chỉ số này đã góp phần không nhỏ, tạo được “sức ép” thay đổi, chuyển đổi tư duy của cả hệ thống chính quyền cơ sở, cung cấp các thông tin quý báu cho lãnh đạo điều hành và thúc đẩy đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp. Thống kê hằng năm cho thấy, sau khi thực hiện Bộ chỉ số DDCI, các chỉ số PCI của Quảng Ninh có sự thăng hạng đáng kể.

Nhiều doanh nghiệp đánh giá cao những cơ chế, chính sách quyết liệt, kịp thời của tỉnh trong thu hút đầu tư cũng như đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đại diện nhà đầu tư dự án KCN Tiền Phong và Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên) chia sẻ: "Chúng tôi đang phát triển 2 KCN tại TX Quảng Yên. Chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng thu hút mạnh mẽ đầu tư của tỉnh. Hiện chúng tôi đã làm việc với rất nhiều nhà đầu tư đến từ Trung Quốc; Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc… và họ rất sẵn sàng đầu tư. Chúng tôi cũng tin tưởng một làn sóng nhà đầu tư thứ 2 đến từ châu Âu và Mỹ khi các quốc gia này chuyển hướng đầu tư vào các quốc gia an toàn, không chịu quá nhiều tác động và rủi ro từ dịch Covid-19 như Việt Nam. Trong đó, Quảng Ninh là một sự lựa chọn tốt về sự an toàn và tính năng động".

Trong năm 2020, Quảng Ninh đề ra mục tiêu tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện bền vững năng lực cạnh tranh PCI, hướng tới mục tiêu tăng dần điểm tổng PCI qua từng năm; tổng điểm phấn đấu được cải thiện từ 73,4 lên 75,3 điểm, tăng 1,9 điểm so với năm 2019; có 8/10 chỉ số thành phần trong top 5/63 (chi phí gia nhập thị trường; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý; an ninh trật tự), 2 chỉ số nằm trong top 10/63 (tiếp cận đất đai; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp).

Năm 2020 và các năm tiếp theo dự báo là giai đoạn khó khăn. Kinh tế - xã hội, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều thách thức, năng lực cạnh tranh sẽ phần nào bị suy yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Quảng Ninh đã và đang tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, để luôn xứng đáng với niềm tin, sự trung thành, gắn kết và tình hữu nghị hợp tác giữa chính quyền địa phương với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư vì tương lai cùng phát triển.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký, khẳng định: Ngôi vị quán quân PCI 3 năm liên tiếp của Quảng Ninh là thông điệp mạnh mẽ nhất về nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gửi tới các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Nhưng thời thế đang đòi hỏi nỗ lực này không có giới hạn. Bởi vậy với mục tiêu giữ vững thương hiệu, vị thế của mình, Quảng Ninh sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan nhà nước ở từng cấp, lấy mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia, dân tộc là ưu tiên hàng đầu; xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước các cấp của tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động công khai, minh bạch, rõ ràng. Đồng thời, xây dựng tổ chức bộ máy gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, hoạt động trên nền tảng công nghệ cao; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công vụ, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu tiêu cực; bố trí cán bộ có trình độ, năng lực làm việc trong môi trường công khai, minh bạch, nhanh - sạch - chuyên nghiệp - chính xác tại các trung tâm hành chính công; khi bổ nhiệm cán bộ, bắt buộc phải có tiêu chí đã làm việc tại trung tâm hành chính công cấp huyện, cấp tỉnh và phải có thành tích công tác…

Thực hiện: Hoài Anh  - Trúc Linh

Trình bày: Đỗ Quang 

Bài 3Được nguồn lực, được hiệu quả bộ máy, được niềm tin

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu