4
18
/
1057775
Bài 2: Khi Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương
longform
Bài 2: Khi Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương

Chủ trương luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương đã được tỉnh triển khai thực hiện từ rất sớm, đồng bộ ở cấp xã và cấp huyện. Đến nay, Quảng Ninh là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ Bí thư cấp ủy, cấp huyện (100%), xã (85%) không phải người địa phương. Qua thực tiễn công tác, các cán bộ được luân chuyển về địa phương đã phát huy năng lực, tâm huyết, được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận đánh giá cao. 

 

 

Tháng 4/2019, đồng chí Nguyễn Quốc Hùng nhận quyết định luân chuyển từ Chánh Văn phòng HĐND-UBND thị xã Đông Triều về đảm trách chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Khê. Việc thay đổi nhiệm vụ công tác và phương thức quản lý từ cấp huyện sang cấp xã, đặc biệt là không phải người địa phương nên thời gian đầu đồng chí không tránh khỏi những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên đã trải qua nhiều năm công tác, lại có kinh nghiệm quản lý ở cấp huyện cùng năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, đồng chí Hùng đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, bắt tay ngay vào sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức, bộ máy tinh gọn theo hướng hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

Chia sẻ về công việc của mình, đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, cho biết: Bước đầu cá nhân tôi cũng gặp những khó khăn, bỡ ngỡ bởi vai trò, nhiệm vụ mới, địa bàn mới nhưng với quyết tâm hoàn thành thật tốt công việc được tín nhiệm giao phó, bản thân tôi luôn cố gắng, tranh thủ lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên trong xã; chủ động nắm rõ tư tưởng, dư luận của từng chi bộ, từng ngành, địa bàn để tranh thủ quy tụ được sức mạnh của tập thể cán bộ, tập thể BTV Đảng ủy, đội ngũ cán bộ đảng viên, quần chúng nhân dân trong xã. Từ đó đưa ra được các chủ trương đảm bảo phù hợp với thực tiễn và phát huy được thế mạnh của địa phương.

Với sự nỗ lực và quyết tâm không ngừng, đồng chí Hùng đã vượt qua rào cản về phong tục tập quán với người dân, cùng tập thể cấp ủy địa phương cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương đạt hiệu quả. Từ đảng bộ ở mức hoàn thành nhiệm vụ, xã Bình Khê đã vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tháng 9/2020, xã về đích NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 85,2 triệu đồng/người/năm. Xã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các hộ giàu, hộ khá chiếm đa số. Các tuyến giao thông kết nối được nhựa hóa, bê tông hóa đồng bộ đến tất cả thôn, khu dân cư.... Kết quả đạt được là minh chứng cho thấy sự đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Bình Khê và không thể phủ nhận vai trò của đồng chí đứng đầu cấp ủy.

Tương tự như vậy, đồng chí Đồng Nguyên Khánh sau thời gian công tác tại Huyện ủy Ba Chẽ và UBND thị trấn Ba Chẽ, tháng 6/2019, đồng chí được điều động từ Chủ tịch UBND thị trấn Ba Chẽ sang giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đạp Thanh. Khi nhận nhiệm vụ mới, đồng chí được BTV Huyện ủy lưu ý về địa bàn công tác mới là tập trung giải quyết tranh chấp đất đai, đơn thư khiếu nại tố cáo; đẩy mạnh CCHC, giảm nghèo, xây dựng NTM ở địa phương.

Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Đồng Nguyên Khánh, cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được giao, khi về công tác tại địa phương, tôi xác định việc khó thì người đứng đầu chịu trách nhiệm nên hàng tuần đều dành thời gian xuống cơ sở, nắm bắt địa bàn, gặp gỡ cán bộ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng; tổ chức đối thoại với nhân dân để lắng nghe nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của người dân. Mọi công việc đều được công khai, minh bạch, có sự bàn bạc, thống nhất trong Đảng ủy mới triển khai.

Chỉ gần 2 năm, từ địa phương có xuất phát điểm thấp về NTM, Đạp Thanh đã hoàn thành ngoạn mục chương trình xây dựng NTM và trở thành địa bàn có nền tảng KT-XH, an ninh trật tự, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ổn định, vững chắc; nhân dân tin tưởng, ủng hộ, đồng thuận cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/người/năm. Xã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo chỉ chiếm 0,3%. Các mô hình kinh tế như chăn nuôi trâu bò, trồng cây ba kích, trà hoa vàng có sự hỗ trợ của nhà nước ngày càng phát triển đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân. 

Từ thực tiễn của một số đồng chí Bí thư cấp ủy được điều động, luân chuyển, hoán đổi địa bàn công tác cho thấy, chủ trương bố trí Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương rất có ý nghĩa trong thử thách rèn luyện cán bộ, giúp nâng cao bản lĩnh kỹ năng trong giải quyết các vấn đề đặt ra để lãnh đạo địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ. Riêng trong nhiệm kỳ 2015-2020, Quảng Ninh đã luân chuyển, điều động 61 Bí thư cấp ủy các cấp. Trong đó từ tỉnh luân chuyển về huyện, thị, thành phố 3 đồng chí; từ huyện, thị xã, thành phố về xã, phường, thị trấn 36 đồng chí; từ xã, phường này sang xã, phường khác 22 đồng chí. Khi được luân chuyển về các cơ sở mới, tuy không phải quê hương bản quán, nhưng nhiều Bí thư cấp ủy đã phát huy kinh nghiệm, trình độ năng lực, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng tổ chức đảng nơi công tác trong sạch, vững mạnh. 

Theo thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đến nay Quảng Ninh đã có 13/13 huyện, thị xã, thành phố có Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương (100%); 150/177 Bí thư cấp xã không phải là người địa phương, đạt 85%, (vượt 10% so với kế hoạch đề ra). Trong đó có nhiều địa phương đạt 100% như Móng Cái, Ba Chẽ, Tiên Yên, Cô Tô cán đích trước 5 năm so với Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) và kế hoạch 308-KH/TU của Tỉnh ủy yêu cầu từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 có 100% Bí thư cấp ủy, cấp huyện không là người địa phương, 75% trở lên Bí thư cấp xã không là người địa phương.

Đồng chí Vũ Quyết Tiến, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Qua thực tế cho thấy, những cán bộ được điều động, luân chuyển về giữ chức vụ Bí thư cấp ủy, cấp huyện và xã thời gian qua đã phát huy được vai trò, giải quyết được nhiều vấn đề còn tồn tại của cấp ủy, chính quyền địa phương. Hơn nữa, những cán bộ được luân chuyển hầu hết đều là những người có trình độ năng lực, có kinh nghiệm lãnh đạo, được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện ở cơ sở nên đã ghi dấu ấn đậm nét ở địa bàn công tác, tạo sự đoàn kết trong tập thể cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần quan trọng vào sự bứt phá của địa phương. Kết quả đó đã cho thấy đây là chủ trương đúng, nên làm và phải làm để góp phần củng cố mạnh mẽ hoạt động của cả hệ thống chính trị ở cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở trưởng thành nhanh hơn, tích lũy được nhiều kinh nghiệm; duy trì ổn định, đẩy mạnh phát triển kinh tế trên địa bàn quản lý, nhất là củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Chủ trương Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện từ rất sớm. Cụ thể, ngay sau khi có Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25/1/2002 của Bộ Chính trị “về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung chỉ đạo quán triệt, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả.

Ngày 27/4/2002, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 05-KH/TU thực hiện đợt luân chuyển lớn, với tổng số 16 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh về làm cán bộ chủ chốt các xã miền núi, hải đảo khó khăn thuộc 11 địa phương trong tỉnh,trong đó có nhiều đồng chí giữ chức vụ Bí thư cấp ủy. Thời điểm sau đó, trải qua các nhiệm kỳ Đại hội, việc điều động, luân chuyển cán bộ đã được tỉnh thực hiện theo lộ trình bài bản, không nóng vội, chủ quan, chạy theo thành tích, làm đến đâu chắc đến đấy. Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh ủy đẩy mạnh công tác điều động, luân chuyển cán bộ gắn với chủ trương người đứng đầu cấp ủy không phải là người địa phương. Nhất là từ khi có Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, tỉnh Quảng Ninh đã đưa công tác này trở thành nền nếp thường xuyên trong công tác cán bộ. Trong đó, coi trọng luân chuyển cán bộ trẻ, có triển vọng; kiên quyết không luân chuyển đối với cán bộ có khuyết điểm, hạn chế về năng lực, uy tín.

Trong nhiệm kỳ, tỉnh đã thực hiện điều động, luân chuyển 1.026 cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, trong đó có 61 cán bộ được luân chuyển từ tỉnh về làm Bí thư cấp ủy cấp huyện, từ huyện về làm Bí thư cấp ủy cấp xã, 55 đồng chí Bí thư cấp ủy cấp huyện, cấp xã được luân chuyển từ huyện lên tỉnh, từ xã lên huyện. Về hình thức luân chuyển, tỉnh ưu tiên luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trên xuống cấp dưới, nhằm đảm bảo cán bộ chủ chốt cấp trên phải kinh qua chức vụ chủ chốt cấp dưới.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương, việc luân chuyển, điều động cán bộ tại Quảng Ninh trong thời gian qua, đã tiến hành theo đúng các quy định, hướng dẫn của cấp trên, đảm bảo dân chủ, công khai, nghiêm túc, chặt chẽ, có kế hoạch và lộ trình thực hiện cụ thể, không chạy theo thành tích. Quá trình luân chuyển bảo đảm đúng nguyên tắc, giải quyết tốt giữa vấn đề luân chuyển với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn sâu; giữa rèn luyện, đào tạo với thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Thực tế vừa qua cũng cho thấy, trước khi luân chuyển gắn với bố trí Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ, chu đáo và làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương cả nơi cán bộ đi và đến, để mọi người đều thống nhất trong nhận thức việc thực hiện chủ trương này là cần thiết, thường xuyên trong công tác cán bộ.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh việc luân chuyển cán bộ từ nơi khác về giữ vị trí người đứng đầu cấp ủy, Quảng Ninh đã tạo nên đột phá trong công tác cán bộ, mang lại những luồng gió mới cho cơ sở, tạo được sự đồng thuận, tăng niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng được đổi mới rõ rệt, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức đảng và chính quyền, không để tình trạng bao biện làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo. Những cán bộ qua quá trình luân chuyển đó đều khẳng định được mình bằng năng lực, uy tín. Đó là yếu tố bền vững nhất để các đồng chí Bí thư cấp ủy dù không phải là người địa phương nhưng vẫn bồi đắp niềm tin nơi tập thể cán bộ, đảng viên và thu được những “lá phiếu tín nhiệm” từ đảng viên, quần chúng nhân dân.

Tạị Đại hội Đảng các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vừa qua, 177 đồng chí Bí thư cấp ủy, cấp xã và 13 đồng chí Bí thư cấp ủy cấp huyện được bầu trực tiếp tại đại hội đều trúng cử, đặc biệt là 100% đồng chí Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương chiếm số phiếu rất cao, nhiều đồng chí đạt tỷ lệ tín nhiệm tuyệt đối hoặc gần tuyệt đối, như tại Hạ Long (100%), Móng Cái (100%), Ba Chẽ (100%), Đầm Hà (98%)...Niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với Đảng, chính quyền ngày càng được củng cố vững chắc, từ 73,3% năm 2016 lên khoảng 96% năm 2020.

Cũng từ việc lựa chọn người năng lực, triển vọng giữ vị trí người đứng đầu cấp ủy các cấp, các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn để thử thách rèn luyện giúp cán bộ trưởng thành, nâng cao bản lĩnh, khẳng định được trình độ và tạo dựng được uy tín. Qua đó, đã tạo nguồn cung cấp nguồn cán bộ lãnh đạo chủ chốt cho cấp tỉnh, cấp huyện của tỉnh. Riêng nhiệm kỳ 2015-2020, qua luân chuyển gắn với bố trí cán bộ không phải là người địa phương, nhiều đồng chí trưởng thành, được bố trí đảm nhiệm chức vụ trong Quốc hội, các bộ, ban, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.

Từ thực tiễn thực hiện Bí thư cấp ủy cấp huyện, xã không phải người địa phương đã, đang được Quảng Ninh thực hiện, với những kết quả rõ nét, được đong đếm rõ bằng con số cụ thể, bằng sự tin tưởng, niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sẽ là một trong những nền tảng quan trọng để Quảng Ninh thực hiện những mục tiêu, chiến lược trong giai đoạn mới đưa tỉnh phát triển mạnh mẽ, vững chắc hơn.

Bài 3: Cơ quan khối từ xã lên huyện – Giải pháp mở rộng dân chủ trong Đảng, trong xã hội

Bài: Thu Chung
Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu