4
18
/
1016798
Bài 2: Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân cùng hưởng lợi
longform
Bài 2: Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân cùng hưởng lợi

 

 

Với cách làm bài bản của tỉnh, PPP như một luồng gió mới nhanh chóng lan rộng ra toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Nhận thấy những ưu điểm mà hình thức đầu tư này mang lại, từ đầu năm 2014, trong quá trình thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển, Quảng Ninh đã chủ trương thí điểm ở một số dự án. Ngay từ những công trình ban đầu, hình thức đầu tư PPP đã cho thấy những tác động tích cực trong việc nâng cao năng lực quản lý, tăng nguồn thu và giảm thiểu rất nhiều chi phí từ ngân sách...

Trước khi áp dụng theo mô hình PPP, Cụm Thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ (TP Móng Cái) là công trình tốn nhiều chi phí trong quản lý, sử dụng, nhưng hiệu quả khai thác không được như kỳ vọng. Kể từ khi TP Móng Cái cấp phép cho Công ty TNHH Trí Lực quản lý, khai thác du lịch theo mô hình “Đầu tư công - Quản lý tư”, đơn vị này đã đầu tư bổ sung các hạng mục phụ trợ phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, vận hành công trình. Qua công tác quản lý của doanh nghiệp đã thu hút du khách sử dụng các dịch vụ tại đây nhiều hơn, doanh thu cao hơn. Không những thế, ước tính mỗi năm, ngân sách thành phố tiết kiệm khoảng 1 tỷ đồng từ công tác quản lý công trình này.

Một công trình khác cũng được Quảng Ninh thí điểm thực hiện “Đầu tư công - Quản lý tư” là chợ Trung tâm huyện Tiên Yên. Đây là công trình tỉnh phân cấp cho UBND huyện Tiên Yên thực hiện từ tháng 4/2014. UBND huyện đã giao cho tư nhân quản lý dịch vụ trông giữ phương tiện, vệ sinh và bảo vệ tại chợ. Sau 5 năm trao quyền quản lý cho tư nhân, tổng thu từ 3 dịch vụ này tại chợ Trung tâm huyện tăng hơn 4 lần; công tác quản lý, vận hành, bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự đều chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Đánh giá tổng quan từ các dự án thí điểm của tỉnh cho thấy, PPP đã giảm thiểu đáng kể gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong đầu tư kết cấu hạ tầng cũng như dịch vụ công trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp hiện nay. Nhưng ưu việt nằm ở chỗ, PPP có khả năng khắc phục những nhược điểm cố hữu của đầu tư nhà nước là thiếu tính cạnh tranh, hiệu quả thấp; tiến độ dự án được bảo đảm tốt hơn; cơ chế phân chia trách nhiệm quản lý rủi ro hợp lý, nâng cao hiệu quả dự án. PPP còn phát huy được thế mạnh của nhà đầu tư tư nhân trong chuyển giao công nghệ, phát minh, kỹ năng quản trị…

 

Nhà nước giảm được biên chế nhân sự cho các dịch vụ công, tăng thu ngân sách từ nguồn thuế các doanh nghiệp đầu tư PPP. Cách làm của Quảng Ninh được coi là "một mũi tên trúng nhiều đích" khi mang lại lợi ích cho nhiều bên. Đặc biệt, xã hội và người dân được hưởng lợi từ các dự án có chất lượng tốt, tạo thêm việc làm cho người lao động, thu nhập cho người dân, ổn định đời sống, ổn định xã hội. Nhất là đối với các dự án giao thông sau khi hoàn thành tạo điều kiện để phát triển du lịch, giao lưu, giao thương, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống dân sinh. Qua đó góp phần đắc lực nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương, thu hút đầu tư và cải thiện đời sống của người dân. Đây cũng chính là minh chứng cho sự đúng đắn của chủ trương xã hội hóa nguồn lực đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Để huy động được khoản kinh phí lớn đầu tư cho cơ sở hạ tầng là việc làm không hề đơn giản. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng “Thành công trên một phần nhờ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Và quan trọng hơn cả là tỉnh luôn đảm bảo hài hòa 3 yếu tố: Lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trên cơ sở tuân thủ các quy định của luật pháp hiện hành.

Trong bối cảnh hiện nay, để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong đầu tư kết cấu hạ tầng cũng như dịch vụ công buộc mỗi địa phương phải tự đặt mình vào “ghế nóng” để thí điểm tiên phong vận dụng những chủ trương của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị từ cơ sở. Thí điểm thực hiện PPP, Quảng Ninh ban hành nghị quyết, tạo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, với quan điểm Nhà nước không làm những gì doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cơ chế này thể hiện sự bình đẳng trong quan hệ đối tác giữa Nhà nước - nhà đầu tư, sẽ thu hút khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP. Đầu tư PPP không chỉ để bù đắp thiếu hụt, có thêm nguồn lực đầu tư, mà còn giúp tận dụng công nghệ, chuyên môn, kinh nghiệm quản lý của khu vực tư nhân vào xây dựng, quản lý công trình hạ tầng, dịch vụ công hiệu quả hơn, qua đó người dân được hưởng dịch vụ chất lượng cao hơn với mức chi phí hợp lý. Cách làm của Quảng Ninh trong huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng từ mô hình hợp tác công - tư được Trung ương đánh giá là tiên phong, táo bạo, tạo nền tảng vững chắc cho sự bứt phá lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực tế cho thấy, những công trình hợp tác công - tư được tỉnh triển khai thời gian qua về hạ tầng giao thông, trụ sở làm việc của các cơ quan, sở, ngành; giao các công trình nhà nước đầu tư cho tư nhân quản lý... đã huy động rất tốt nguồn lực của doanh nghiệp, không làm phình to bộ máy của Nhà nước trong việc vận hành hoạt động công trình, gánh nặng ngân sách, biên chế cũng giảm đáng kể. PPP còn khắc phục được một số nhược điểm cố hữu của đầu tư nhà nước là thiếu tính cạnh tranh, hiệu quả thấp.

Từ hiệu quả rõ rệt, Quảng Ninh tiếp tục triển khai PPP với hàng loạt các công trình mang tính động lực, ở nhiều lĩnh vực, nhất là về hạ tầng giao thông. Không chỉ các công trình trọng điểm của tỉnh, việc triển khai hợp tác đầu tư mới này cũng nhanh chóng lan tỏa đến các địa phương trong tỉnh với việc thu hút thành công các nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Phạm Văn Thể cho biết: Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao những giải pháp của tỉnh trong đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thời gian qua. Tỉnh ngày càng quan tâm, tôn vinh giá trị của doanh nghiệp thông qua chủ trương để doanh nghiệp được tham gia vào quá trình triển khai đầu tư, quản lý công trình. Hiệu quả của chủ trương này có thể thấy rõ qua tiến độ các dự án được bảo đảm tốt hơn; cơ chế phân chia trách nhiệm, quản lý rủi ro hợp lý, nâng cao hiệu quả dự án. Hợp tác công - tư cũng phát huy rõ thế mạnh của nhà đầu tư tư nhân trong chuyển giao công nghệ, phát minh và kỹ năng quản trị; Nhà nước thì giảm được biên chế, nhân sự cho các dịch vụ công, tăng thu ngân sách từ nguồn thuế các doanh nghiệp đầu tư PPP.

Hàng chục dự án và hàng nghìn tỷ đồng từ thu hút nguồn lực đầu tư, không chỉ là kết quả từ các chính sách hiệu quả, mà còn là thành quả từ sự nỗ lực của từng cá nhân, cộng đồng, ở từng khâu, đoạn, để tạo ra thành công như ngày hôm nay. Thành quả ấy xuất phát từ sự hài hòa giữa lợi ích và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng và mỗi người dân.

Thực hiện: Minh Thu - Đỗ Phương - Mạnh Trường

Trình bày: Đỗ Quang

Bài 3:  Khơi thông nguồn lực con người và xã hội.

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu