4
18
/
1057620
Bài 2: Phân định rõ, giải quyết phù hợp mối quan hệ "cầm quyền" và "lãnh đạo"
longform
Bài 2: Phân định rõ, giải quyết phù hợp mối quan hệ "cầm quyền" và "lãnh đạo"

 

 

Đại hội XI, XII của Đảng khẳng định: “Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả; giữ vững bản lĩnh chính trị của Đảng, của các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên”. Và đặt ra yêu cầu phải “Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền, xác định mục đích cầm quyền, phương thức cầm quyền, nội dung cầm quyền, điều kiện cầm quyền; vấn đề phát huy dân chủ trong điều kiện Đảng duy nhất cầm quyền; các nguy cơ cần phải đề phòng đối với Đảng cầm quyền”. Trên cơ sở chủ trương, định hướng của Đảng, từ nhận diện rõ tình hình thực tiễn của địa phương, 8 năm trước tỉnh Quảng Ninh bắt tay xây dựng, triển khai thực hiện quyết liệt Đề án 25, Nghị quyết 19 về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Từ đó phân định rõ, giải quyết phù hợp mối quan hệ giữa “cầm quyền” và “lãnh đạo” của Đảng ở thực tiễn địa phương. 

Năm 2011 khi xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh tỉnh Quảng Ninh đã nhận diện rõ việc đổi mới chính trị chưa tương xứng với đổi mới kinh tế, lý luận chưa theo kịp với thực tiễn, lực lượng sản xuất chưa hiện đại, quan hệ sản xuất còn nhiều mặt bất hợp lý là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự bứt phá của địa phương. Năm 2013, qua cuộc tổng rà soát toàn bộ hệ thống chính trị để xây dựng Đề án 25, cơ sở ban hành Nghị quyết số 19 của tỉnh về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”, Quảng Ninh tiếp tục nhận thấy năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng tuy có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn chưa theo kịp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Phương thức lãnh đạo của Đảng bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước chưa được xác định đầy đủ, rõ ràng, triệt để nên dẫn đến tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng, bỏ sót… Chưa làm rõ mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, nhất là phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Đặc biệt là trong lãnh đạo, chỉ đạo chưa phân định rõ và giải quyết phù hợp mối quan hệ giữa “cầm quyền” và “lãnh đạo” của Đảng nên thực tế có 2 chủ thể cầm quyền tương đối độc lập (Đảng và chính quyền) với 2 bộ máy giúp việc dẫn đến cồng kềnh về tổ chức, bộ máy, trùng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bao biện làm thay hoặc buông lỏng, bỏ sót, Đảng chưa thực hiện triệt để việc lãnh đạo bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước. Một loạt những bất cập của tổ chức bộ máy được phơi bày, đó là sự cồng kềnh, chồng chéo và có xu hướng ngày càng phình ra, nhất là ở cơ sở và các đơn vị sự nghiệp; quyền hạn, trách nhiệm của nhiều cơ quan chưa được xác định rõ ràng; Quản lý và sử dụng biên chế còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế... Đổi mới chính trị chưa theo kịp đổi mới kinh tế, chưa xác định rõ và tạo được sự thống nhất cao về thể chế và những đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dẫn đến sự chậm chạp trong thích ứng và chuyển đổi phương thức phát triển của tỉnh. Nhận thức và tư duy lý luận chính trị còn những bất cập, chưa luận chứng một cách sắc bén nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách, quan trọng trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền...

Những hạn chế, bất cập này biểu hiện rõ ràng trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là ở từ cấp huyện trở xuống như ít xây dựng được các nghị quyết, chỉ thị chuyên đề theo đặc thù tình hình của địa phương, đơn vị. Phân công thực hiện các chỉ thị, nghị quyết thì không rõ, triển khai không có kế hoạch, thiếu cụ thể, thiếu nhanh nhạy trước các vấn đề mới, khó, phức tạp phát sinh. Còn trong tổ chức bộ máy là do cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng độc lập với cơ quan chuyên môn của chính quyền cùng cấp dẫn đến sự cồng kềnh về bộ máy, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, nhiều khâu trung gian, biên chế gia tăng. Một số cơ quan có chức năng tương đồng, mục tiêu và đối tượng tương đối trùng khớp nhưng vẫn có hai bộ máy thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý với các thủ tục và cách thức xử lý khác nhau, quy trình lặp lại, nhiều khi không kế thừa kết quả của nhau, thủ tục rườm rà, hiệu quả chưa cao. Cấp ủy và tập thể lãnh đạo các cơ quan chưa xây dựng và thực hiện tốt các quy chế, quy định về mối quan hệ trong thực hiện công tác quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ. Vẫn còn tình trạng cấp uỷ bao biện làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo đối với hoạt động của hệ thống chính trị trên một số lĩnh vực...

Đặt trong tình thế bắt buộc là phải nâng cấp toàn diện, Quảng Ninh đã quyết tâm phải đổi mới tổ chức, bộ máy theo đúng xu hướng đổi mới chính trị phải đi trước đổi mới kinh tế, dẫn dắt sự đổi mới toàn diện của địa phương, tạo sức bật hoàn toàn mới.

Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, bám sát thực tiễn, chủ động, kịp thời vận dụng sáng tạo chủ trương, nghị quyết của Đảng, có những quyết sách và hành động phù hợp theo quy luật khách quan, lựa chọn đúng trọng tâm, khâu đột phá, tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn lực, tổ chức thực hiện dứt điểm, đo lường được kết quả, hiệu quả - đó là những kinh nghiệm mà tỉnh Quảng Ninh đúc rút ra. Để giải quyết phù hợp mối quan hệ giữa “lãnh đạo” và “cầm quyền” ở tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cấp huyện được tổ chức theo hướng tích hợp cao (với mô hình cơ quan ủy ban kiểm tra - thanh tra, cơ quan tổ chức - nội vụ, cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung khối mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội) là phù hợp, vừa tinh gọn tổ chức bộ máy, vừa đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể, đối với cơ quan ủy ban kiểm tra - thanh tra cấp huyện, thực hiện đồng bộ, thống nhất chương trình kiểm tra, giám sát và thanh tra của cả hệ thống chính trị, đồng bộ trong sử dụng kết quả và theo dõi thực hiện kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, đảm bảo thống nhất trong xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính. Đối với cơ quan tổ chức - nội vụ cấp huyện, hiệu quả công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan của hệ thống chính trị toàn tỉnh được nâng lên, đồng bộ, thống nhất hơn; nâng cao hiệu quả tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong công tác quản lý, sử dụng, đào tạo, đánh giá, điều động, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (trong khi chờ Trung ương có hướng dẫn, tỉnh đã vận dụng giao biên chế toàn hệ thống chính trị theo quy trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương để Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo Hội đồng nhân dân tỉnh giao biên chế gắn với việc giao ngân sách, phân bổ chi thường xuyên). Tập trung huy động được nguồn lực con người, phương tiện, cơ sở vật chất và kinh phí trong tổ chức thực hiện. Hiệu lực, hiệu quả, chất lượng công việc từng bước được nâng lên. Giảm được đầu mối cơ quan, giảm số lượng cấp phó; tiết kiệm được biên chế so với quy định (mô hình mới giảm được 28 đầu mối cơ quan, 28 vị trí, chức danh cấp trưởng, 70 vị trí, chức danh cấp phó).

Thực hiện mô hình cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội 13/13 địa phương, hoạt động tương đối hiệu quả, phù hợp với thực tiễn khách quan, bước đầu có những chuyển biến tích cực, thể hiện trên các mặt. Đó là, tăng cường vai trò liên minh chính trị của Mặt trận Tổ quốc, phát huy sức mạnh tổng hợp, gắn kết các tổ chức trong hệ thống chính trị; thống nhất ý chí, nguyện vọng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị chung, vì lợi ích của nhân dân. Khắc phục tình trạng hành chính hóa, giảm các cuộc họp, các cuộc kiểm tra, giám sát, công tác sơ kết, tổng kết, báo cáo, tiết kiệm được thời gian, kinh phí và cơ sở vật chất, tập trung hướng về cơ sở. Xây dựng, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn nhưng đủ mạnh, tập trung chức năng, chia sẻ nhiệm vụ, khắc phục được sự cồng kềnh, chồng chéo; tinh giản được biên chế, tạo môi trường cọ sát, cạnh tranh để rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, cơ cấu lại đội ngũ gắn với phát huy tối đa sở trường, năng lực sức sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức. Huy động được lực lượng, có thêm nguồn lực, góp phần thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ quan trọng của địa phương; nhiệm vụ chuyên biệt của từng tổ chức được cả hệ thống quan tâm, chung tay; nâng cao vị thế, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Mở rộng dân chủ, có điều kiện để đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân hơn; hỗ trợ giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; không để hình thành các “điểm nóng” về an ninh, trật tự; đổi mới và nâng cao hiệu quả giám sát. Nổi bật nhất là công tác vận động nhân dân có chuyển biến rõ nét như việc hoàn thành Chiến dịch cao điểm “30 ngày đêm” vận động nhân dân đồng thuận, ủng hộ bàn giao mặt bằng sớm để triển khai tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sau điều chỉnh với diện tích đất gần 187 ha, đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của hệ thống chính trị toàn tỉnh và 1.168/1.168 hộ gia đình, các tổ chức chịu tác động, hoàn thành chỉ sau 15 ngày triển khai.

Đối với cấp xã do đặc thù là cấp cơ sở, nơi thực hiện trên thực tế mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; cấp trực tiếp quan hệ với dân, "sống với dân"; nơi trực tiếp diễn ra các quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự; nơi hiện thực hoá sinh động cơ chế Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ; đòi hỏi sự gắn liền, hữu cơ trực tiếp lãnh đạo của cấp ủy đảng với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Do vậy tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cấp xã đòi hỏi sự “hóa thân” cao của Đảng vào Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, thông qua kiêm nhiệm, lồng ghép nhiều vị trí công tác, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy. Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhất thể hóa 119/177 (67,23%) bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã, thực hiện 150/177 (84,75%) bí thư cấp xã không phải là người địa phương, 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố theo phương châm “Dân tin - Đảng cử”.

Đi sâu sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức, cơ quan chuyên môn theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động đã tạo sự đổi mới rõ nét phương thức lãnh đạo của các cấp ủy. Tăng cường vai trò lãnh đạo đối với chính quyền đảm bảo đúng thẩm quyền, không buông lỏng hay bao biện làm thay, nhất là thông qua mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ở những nơi có điều kiện và 100% số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Lãnh đạo nâng cao chất lượng xây dựng, triển khai các chiến lược, quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kiểm soát, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, đất đai, ngân sách, tài sản công; cải cách hành chính... Quyết liệt đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng được bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả đã trở thành một trong những động lực quan trọng giúp Quảng Ninh đạt được những kết quả toàn diện, nổi bật trên các lĩnh vực, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao, ổn định, bình quân 5 năm (2015-2020) đạt 10,7%; thu ngân sách trên địa bàn luôn đứng trong nhóm đầu các tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước; kết cấu hạ tầng chiến lược có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện vượt bậc; cải cách hành chính chuyển biến mạnh mẽ, thực chất.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt gắn với việc sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phương thức, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và năng lực điều hành, quản lý của chính quyền các cấp được nâng cao, nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả được Trung ương ghi nhận và nhiều tỉnh, thành tham khảo kinh nghiệm. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, là động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh… đó là những thành công mà tỉnh Quảng Ninh đạt được sau gần 10 năm quyết liệt thực hiện việc đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu. Quảng Ninh tự tin trước cả nước về một tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Bài 3: Tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu quả

Bài: Ngọc Lan

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu