4
18
/
1056692
Bài 2: Từ quy hoạch chiến lược đến không gian phát triển "một tâm hai tuyến"
longform
Bài 2: Từ quy hoạch chiến lược đến không gian phát triển "một tâm hai tuyến"

 

Đổi mới tư duy, tăng cường nhận thức theo hướng bám sát thực tiễn, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, trên cơ sở nhận diện và định vị lại các giá trị, cơ hội và thách thức, xác định rõ hơn mục tiêu và định hướng phát triển, tỉnh Quảng Ninh đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đồng bộ các quy hoạch và chiến lược để thực hiện chức năng kiến tạo, phát triển xanh, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Gần 10 năm kiên trì, tuân thủ với các quy hoạch chiến lược được xây dựng, tỉnh Quảng Ninh đã tạo dựng được hành lang phát triển bền vững, tạo niềm tin vững chắc với các nhà đầu tư chiến lược.

Năm 2011 khi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Cương lĩnh phát triển đất nước (bổ sung và phát triển 2011), Quảng Ninh nhận thấy trong những mâu thuẫn đặt ra thì mâu thuẫn giữa giải phóng tiềm năng thế mạnh và không gian phát triển rộng lớn với cơ chế chính sách còn hạn hẹp; mâu thuẫn giữa khai thác than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn có phần nguyên nhân rất quan trọng đó là tỉnh thiếu hẳn quy hoạch chỉ dẫn cho sự phát triển đồng bộ của lĩnh vực đó trên cùng địa bàn. Cùng với đó, sự thiếu vắng các nhà đầu tư chiến lược sẵn sàng bỏ hàng trăm, hàng tỷ đô la vào địa bàn cũng chính từ chưa xây dựng được niềm tin thực sự cho nhà đầu tư về một môi trường đầu tư ổn định, phát triển. Đặc biệt, xuất phát từ bài toán quy hoạch để xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án Phát triển KT-XH nhanh, bền vững, bảo đảm vững chắc QP-AN theo tinh thần Kết luận 47, Thông báo 108 và Đề án Xây dựng khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có casino theo Thông báo 138 của Bộ Chính trị, tỉnh đã lựa chọn khâu đi trước mở đường là xây dựng quy hoạch tổng thể, có chất lượng, có định hướng chiến lược, tầm nhìn khoa học với sự tham gia của các nhà tư vấn hàng đầu thế giới; quản lý, công khai, giám sát thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo tính ổn định, tạo tiền đề hấp dẫn và đột phá trong thu hút các nguồn lực đầu tư được Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ ưu tiên trọng điểm hàng đầu ngay khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ giai đoạn phát triển 10 năm (2011-2020). Tỉnh xác định đây là công cụ quan trọng của quản lý nhà nước; là khung pháp lý cho việc đầu tư phát triển các lĩnh vực; là cơ sở để lập kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội; là điều kiện để có thể giải phóng được tiềm năng, thế mạnh và thu hút các nguồn lực đầu tư.

Theo đó năm 2011 tỉnh tập trung triển khai lập 7 quy hoạch quan trọng cấp tỉnh gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch vùng tỉnh; quy hoạch phát triển du lịch; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; quy hoạch phát triển khoa học công nghệ; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch bảo vệ môi trường. Các quy hoạch này được thực hiện dưới sự tư vấn của các Tập đoàn, đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới như McKinsey (Mỹ), Nikken Seikei (Nhật Bản), BCG (Mỹ), Nippon Koie (Nhật Bản)... Với sự tư vấn của các đơn vị tư vấn nước ngoài trong lập các quy hoạch chiến lược của tỉnh, Quảng Ninh khẳng định khát vọng hội tụ trí tuệ tầm quốc tế, sự đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị, để từ đó lan tỏa lợi ích, tư duy nhận thức mới, động lực mới, cơ hội đầu tư mới trong chiến lược phát triển mới của Quảng Ninh - một chiến lược phù hợp với xu thế phát triển xanh dựa trên kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, danh lam thắng cảnh, văn hóa, truyền thống lịch sử... để phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao. 7 quy hoạch được hoàn thành trong thời gian 2 năm và các quy hoạch cấp ngành, địa phương cũng đồng thời được triển khai lập sau đó đã đưa Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên hoàn thành đồng thời 7 quy hoạch quan trọng cấp tỉnh do tư vấn hàng đầu thế giới tham gia, cùng các ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, các bộ ngành thẩm định; Thủ tướng Chính phủ và HĐND tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền; được mô hình hóa để trưng bày, giới thiệu tại Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh. Đến nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu các địa phương đạt 56,6%, quy hoạch chi tiết xây dựng các địa phương đạt 56,9%, quy hoạch nông thôn mới đạt 100%.

 

Bám sát 7 quy hoạch chiến lược, kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh của tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Với tâm là TP Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện; trung tâm dịch vụ, du lịch quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Đặc biệt sau khi được mở rộng địa giới, không gian phát triển sau khi nhập huyện Hoành Bồ tạo ra dư địa mới và nguồn lực mới với tầm nhìn dài hạn, đồng thời tạo cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã còn nhiều khó khăn. TP Móng Cái giữ vai trò hạt nhân, nòng cốt của khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, đã triển khai thực hiện có hiệu quả 2 quy hoạch chiến lược khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. TP Cẩm Phả đang được xây dựng theo hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại, đồng bộ, bền vững, điển hình về chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. TP Uông Bí và TX Đông Triều đang dần trở thành trung tâm du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, động lực trong chuỗi đô thị - công nghiệp xanh phía Tây của tỉnh. KKT Vân Đồn thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung xây dựng. Nhờ đó huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội để đầu tư tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại của khu kinh tế như sân bay, đường cao tốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển hạ tầng dịch vụ, du lịch…, tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ đẳng cấp, từng bước xây dựng khu kinh tế Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, là một trong những mũi đột phá của tỉnh. Tỉnh đã đề xuất và được Chính phủ đồng ý cho thành lập khu kinh tế ven biển Quảng Yên với các cơ chế, chính sách tương đương khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng). Sau khi hoàn thành tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng, cùng với việc đang triển khai tuyến đường ven sông tốc độ cao Quảng Yên - Uông Bí - Đông Triều đã đánh thức tiềm năng, lợi thế to lớn của Quảng Yên, giữ vai trò động lực, hạt nhân mới thúc đẩy tăng trưởng của tuyến phía Tây của tỉnh.

10 năm qua với tính đồng bộ và thống nhất 7 quy hoạch chiến lược đã đảm bảo cho Quảng Ninh phát triển trong xu thế hội nhập, không đơn lẻ, không tách rời, mang tính chất liên vùng cao. Sự phát triển đồng bộ và hệ thống của tỉnh đáp ứng mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển kinh tế xanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh, gắn kết chặt chẽ với các Vùng đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Bắc Bộ, vùng biên giới Việt - Trung, khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt - Trung, tạo động lực cho phát triển của các vùng lân cận và thúc đẩy hội nhập quốc tế... 7 quy hoạch chiến lược trở thành chỉ dẫn quan trọng trong thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, phân bố không gian phát triển theo hướng “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai điểm đột phá”, làm thay đổi nhanh diện mạo, tạo ra một Quảng Ninh khác biệt phát triển vượt trội về đẳng cấp và bứt phá về thời gian. Hệ thống đô thị của tỉnh được tập trung phát triển, nâng cấp theo quy hoạch, trong đó TP Hạ Long được công nhận là đô thị loại I; TP Móng Cái, TP Cẩm Phả, TP Uông Bí là đô thị loại II; TX Đông Triều, TX Quảng Yên là đô thị loại III; thị trấn Cái Rồng, thị trấn Tiên Yên mở rộng là đô thị loại IV. Đến nay, toàn tỉnh có 13 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 65,5%, là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước. Các dự án đầu tư, nhà đầu tư vào Quảng Ninh đều là những tập đoàn hàng đầu trong nước, có tiếng trên thế giới như Vingroup, Sun Group, FLC, BIM Group, Him Lam, My Way, Texhong, Rent A Port...

Trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, với vị trí, vai trò trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và những tiềm năng, lợi thế riêng có của tỉnh, Quảng Ninh đã mời đơn vị tư vấn nước ngoài tham gia triển khai lập quy hoạch chung tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, theo hướng tích hợp được giá trị của các quy hoạch giai đoạn trước còn phù hợp, nâng cao chất lượng và tạo thương hiệu của quy hoạch tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời kiên quyết hoàn thành đồng bộ các quy hoạch phân khu phù hợp với các quy hoạch chung xây dựng, đồng bộ với các quy hoạch  3 loại rừng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thúc đẩy tăng tỷ lệ phê duyệt các quy hoạch chi tiết đạt trên >60%.

Bài 3: Từ không gian phát triển tầm quốc gia, quốc tế đến cực tăng trưởng

Bài: Ngọc Lan

Trình bày: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu