Vị trí địa kinh tế, chính trị của tỉnh Quảng Ninh là giá trị vô giá mà các địa phương khác khao khát. Như một Việt Nam thu nhỏ, tỉnh Quảng Ninh hội tụ đủ các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, con người, khát vọng phát triển, khát vọng mở đường nơi có rừng vàng, biển bạc, có đường biên giới cả trên bộ, trên biển với nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, cánh cửa mở giữa ASEAN và Trung Quốc. Trong xây dựng các chiến lược phát triển của mình, Quảng Ninh đều đặt ra mục tiêu phải là một trong những cực tăng trưởng của đất nước, giữ vai trò dẫn dắt, “đầu tàu” phát triển của vùng Đông Bắc bộ. Để đạt được điều này đương nhiên vai trò hạt nhân của sự phát triển buộc phải bắt đầu từ Hạ Long- trái tim của vùng Mỏ!
Trong kết quả phát triển 10 năm (2011-2020) mà tỉnh Quảng Ninh đạt được là luôn đứng trong top 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng tốt nhất, ổn định, bền vững nhất thì Hạ Long đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trên biểu đồ tăng trưởng đó. PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trong trao đổi tại Hội thảo “Du lịch Quảng Ninh - Vươn tầm Di sản” năm 2019 cho rằng: Sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong những năm gần đây cho thấy một định hình rất rõ đó là tính đẳng cấp, có hệ thống kết nối và tính quản trị. Tỉnh Quảng Ninh lấy thế mạnh là dịch vụ-du lịch làm trọng tâm phát triển thì Hạ Long chính là điểm khởi đầu và là trụ cột của chiến lược phát triển đó. Chúng ta nhìn từ Hạ Long những năm gần đây có thể khái quát, đánh giá được sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh, và nhìn từ sự phát triển tỉnh Quảng Ninh sẽ thấy rõ giá trị của TP Hạ Long.
Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, thương mại, dịch vụ của tỉnh Quảng Ninh là TP Hạ Long gần như sở hữu trọn vẹn những giá trị riêng có mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho. Đó là có vịnh Hạ Long được UNESCO hai lần công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới, vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Bắc Việt Nam, gần 2 đô thị lớn là thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và tương đối gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Với vị trí gần các trung tâm dân cư lớn của khu vực phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, cùng với 2 vùng phát triển chiến lược khác là Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái và Khu kinh tế Vân Đồn, đường bờ biển trải dài trên Vịnh Bắc Bộ, Hạ Long có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong quan hệ thương mại và đảm bảo quốc phòng an ninh. Có điều kiện thuận lợi để phát triển thành một trung tâm du lịch, đầu mối về công nghiệp, thương mại và giao thông vận tải dọc hành lang kinh tế ASEAN - Việt Nam - Trung Quốc. Và trong chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Ninh thì tâm Hạ Long cũng luôn luôn được xác định là “đầu tàu”, động lực phát triển.
Nhiều chuyên gia khi khảo sát tại Hạ Long đã đưa ra những khuyến cáo rất xác đáng rằng, để biến lợi thế thành cơ hội bứt phá trong giai đoạn mới thì Hạ Long cần được bung ra khỏi sự chật chội về không gian phát triển, về cơ chế quản lý. Đó là, về mặt địa lý Hoành Bồ ở đầu nguồn, Hạ Long ở cuối nguồn, sẽ là vô cùng bất cập trong việc bảo vệ nguồn thải chảy về vịnh Hạ Long, bảo vệ các đầu nguồn nước cung cấp cho hoạt động dịch vụ, du lịch của Hạ Long khi cơ chế quản lý không trong sự thống nhất, trong một mục tiêu phát triển chung. Về đầu tư, sức hút của Hạ Long đang rất lớn, thành phố có dư tiềm lực tài chính hỗ trợ nhà đầu tư về điều kiện cơ sở hạ tầng, nhưng lại không còn quỹ đất cho nhà đầu tư triển khai, trong khi đó Hoành Bồ có dư đất lại thiếu nguồn lực để hỗ trợ nhà đầu tư, và Quảng Ninh nếu không dung hòa được vấn đề này thì sẽ vuột mất những “con cá to”. Về du lịch, đến Hạ Long giai đoạn này rất tuyệt vời, rong ruổi trên vịnh ngắm núi non, biển cả, vui chơi trong các khu dịch vụ đẳng cấp nhưng sẽ là đơn điệu bởi du khách không thể lựa chọn hàng tháng, hàng năm chỉ là đi du lịch biển, du lịch 1 mùa. Trong khi đó Hoành Bồ, sát sàn sạt, một huyện miền núi với những giá trị tài nguyên vô giá của thiên nhiên núi rừng kỳ thú Đồng Sơn-Kỳ Thượng, của nền văn hóa bản địa vô cùng đặc biệt của đồng bào Dao, Sán Dìu. Thế mạnh này của Hạ Long-Hoành Bồ nếu bổ trợ cho nhau sẽ là “song kiếm hợp bích” để du lịch, dịch vụ của khu vực này phát triển mạnh mẽ, bền vững và hành trình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” của Quảng Ninh sẽ nhanh đến đích.
Những khuyến cáo này được Quảng Ninh giải bằng giải pháp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long, trái tim của vùng Mỏ được xây dựng thành thành phố du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ, du lịch đẳng cấp quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có đầy đủ các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch khám phá liên thông rừng - biển, kéo dài lưu trú, tăng doanh thu, nâng cao chất lượng du lịch, dịch vụ… Tất cả những bất cập đều được giải quyết trong một thể thống nhất của một đơn vị hành chính, tạo hứng khởi mới, động lực mới cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người dân.
Đề án, Tờ trình, Nghị quyết sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long thành TP Hạ Long đã được các cấp có thẩm quyền từ tỉnh, Bộ Nội vụ, Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét rất kỹ lưỡng. 843,54 km2 diện tích tự nhiên, 51.003 người của huyện Hoành Bồ và 275,58km2 diện tích tự nhiên, 249.264 người của TP Hạ Long nhập vào với nhau để ra một TP Hạ Long mới có diện tích tự nhiên 1.119,12 km2, quy mô dân số 300.267 người. Những con số không chỉ đảm bảo tiêu chí diện tích, dân số của đô thị, mà khẳng định vị thế của đô thị xứng tầm là hạt nhân vùng Đông Bắc. Huyện Hoành Bồ từ thực hiện mô hình quản lý chính quyền nông thôn khi sáp nhập vào thành phố Hạ Long sẽ chuyển đổi sang mô hình quản lý của chính quyền đô thị, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và điều kiện hoạt động của chính quyền được nâng lên, người dân sẽ được phục vụ tốt hơn. Hạ Long-Hoành Bồ hợp lại, hội tụ nguồn lực về đất đai, dân số để quy hoạch đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên, khoáng sản để phát triển. Từ bộ máy điều hành hai địa phương gộp thành một sẽ góp phần giảm chi ngân sách nhà nước cho việc xây dựng công sở, mua sắm thiết bị, tổ chức bộ máy được tinh gọn, biên chế tinh giản chất lượng phục vụ tổ chức, công dân, năng lực quản lý, điều hành được nâng cao, tiết kiệm chi thường xuyên để tăng cường nguồn ngân sách dành cho phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế.
Trong phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định quan điểm: Mỗi nấc thang của tăng trưởng kinh tế phải tạo ra bước phát triển mới về văn hóa, phát triển văn hóa để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân gắn với bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, giảm chênh lệch khoảng cách phát triển, chất lượng cuộc sống vùng miền là nhiệm vụ của chúng ta trong công tác chỉ đạo, điều hành. Vì vậy việc sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính của huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long chúng ta không chỉ kỳ vọng về một Hạ Long phát triển đột phá mới mà quan trọng hơn là tạo ra sự công bằng, mọi người dân đều phải được thụ hưởng thành quả phát triển chung của tỉnh. Người dân trên xã vùng cao Kỳ Thượng hay người dân ở phường trung tâm đô thị Hòn Gai đều phải được đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, điều kiện cơ sở hạ tầng, vật chất thụ hưởng ngang bằng nhau hoặc chí ít thì sự chênh lệch đó không được quá lớn như hiện nay.
Không băn khoăn, không lo lắng câu chuyện hậu sáp nhập cho tương lai của người dân Hoành Bồ, bởi sau đây sẽ là một trang mới tốt đẹp hơn, đồng bào Dao, Sán Dìu sẽ xuống phố trong tâm thế tự tin, mang văn hóa của đồng bào mình hòa vào dòng chảy phát triển của văn minh nhân loại, nâng tầm thành những di sản quý báu. Nối đôi bờ Cửa Lục không chỉ là những dự án đang được xúc tiến khởi công như đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3 mà mái nhà chung Hạ Long mới cho 300.267 người được xây bằng nền tảng vững chắc của sự kết nối bền chặt.
Nhập Hoành Bồ vào Hạ Long - điều đương nhiên không còn phải bàn luận, Trung ương đã quyết định, lòng dân đồng thuận, ủng hộ, Quảng Ninh chủ động, sẵn sàng cho ngày công bố “khai sinh” một Hạ Long mới. Ngày mai của đôi bờ Cửa Lục sẽ là một đô thị loại I thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính trực thuộc và sự đa dạng độc đáo “có một, không hai” về cảnh quan, địa hình, tài nguyên du lịch, hạt nhân thúc đẩy tỉnh Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đó là nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Hoành Bồ, Hạ Long, tạo động lực cho thời kỳ mới xây dựng phát triển tỉnh Quảng Ninh.
Ý kiến ()