4
18
/
1018423
Bài 3: Xây dựng động lực tăng trưởng mới
longform
Bài 3: Xây dựng động lực tăng trưởng mới

 

Nhận thấy rõ nhất trong 1 thập kỷ trở lại đây, Quảng Ninh là một trong những địa phương điển hình của cả nước thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Đây cũng là điểm tựa để tỉnh khơi thông các nguồn lực phát triển, tạo bàn đạp để chuyển dần mục tiêu tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” nhanh chóng, bền vững hơn.

Trong phát triển hạ tầng, từ mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, Quảng Ninh đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và niềm tin rất lớn từ các nhà đầu tư. Quảng Ninh là tỉnh đi đầu thành công phương thức huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trên cơ sở kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, từ đó đã huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế trở thành giải pháp mang tính đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, dịch vụ, du lịch, khu công nghiệp, khu kinh tế.

Tính riêng 5 năm qua, tỉnh đã thực hiện 44 dự án với tổng vốn đầu tư 47.000 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước khoảng 10%, chủ yếu tập trung cho công tác GPMB. Nhiều công trình trọng điểm được đưa vào hoạt động thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng và hợp tác quốc tế, như cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.

Hạ tầng du lịch ngày càng đồng bộ, hiện đại, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, nâng cao chất lượng dịch vụ, như: Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long, Công viên Đại Dương, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC, Khu nghỉ dưỡng Yên Tử Legacy, Khu nghỉ dưỡng cao cấp suối khoáng nóng Quang Hanh... Hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp từ 3 sao trở lên được đầu tư, hiện có gần 8.000 phòng, tăng 68% so với năm 2015...

Cùng với phát triển hạ tầng, Quảng Ninh tập trung cao độ cho khâu cải cách hành chính để phục vụ phát triển xanh; trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xây dựng chính quyền điện tử và thành lập trung tâm hành chính công; đào tạo công dân điện tử. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong nước xây dựng Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh sau đó triển khai đồng loạt đến tất cả địa phương cấp huyện, đồng thời kết nối một cửa hiện đại đến tất cả các xã, phường, thị trấn; cũng là tỉnh đầu tiên thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) trực thuộc UBND tỉnh, để hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư khi đến với tỉnh.

Đón bắt xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tỉnh đã tập trung xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử giai đoạn 2016-2019; xây dựng, triển khai Đề án thành phố thông minh trên các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, tài nguyên và môi trường, an ninh trật tự thông minh; đưa vào thí điểm hoạt động Trung tâm Điều hành thành phố thông minh với các ứng dụng tiện ích về điều hành phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp thông tin, dịch vụ trên các lĩnh vực, tiếp nhận ý kiến phản ánh hiện trường của người dân…, bước đầu đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh và cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp.

Đối với phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu đưa nhân lực trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Quảng Ninh đã dành nguồn lực thỏa đáng cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đáng chú ý, năm 2014, Quảng Ninh đã thành lập Trường Đại học Hạ Long, đặt mục tiêu rất rõ về lộ trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, cung ứng cho nhu cầu của chính địa phương.

Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 85%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5% (tăng 8,9% so với năm 2015). Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Đó là: Khu vực nông nghiệp 23,8%; công nghiệp, xây dựng 31%; dịch vụ 45,2%.

Song hành thực hiện 3 đột phá chiến lược, Quảng Ninh đã thực hiện cơ cấu lại tất cả các ngành kinh tế của địa phương, theo hướng bền vững hơn, phù hợp với lộ trình đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh.

Xuất phát điểm với nền kinh tế “nâu” đã được định hình rõ, có đà tăng trưởng nhất định, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh; để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tỉnh đã định hướng rõ cơ cấu trong ngành công nghiệp, với việc giảm dần công nghiệp khai khoáng với thiết bị lạc hậu, chuyển sang khai thác hầm lò sử dụng thiết bị, máy móc hiện đại, đồng thời nâng cao tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. Theo thống kê của UBND tỉnh, giai đoạn 2015-2020, bình quân giá trị tăng thêm ngành chế biến, chế tạo tại tỉnh tăng 15%/năm, cao hơn so với giai đoạn 2010-2015 (10%/năm), chiếm 9,6% trong cơ cấu kinh tế (năm 2015 là 7,9%). Tỉnh đặc biệt quan tâm vấn đề quy hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ theo hướng bền vững; thực hiện lộ trình chấm dứt khai thác đá vôi để giữ gìn cảnh quan. Giá trị tăng thêm của ngành xây dựng theo giá hiện hành ước đạt 45.823 tỷ đồng, tốc độ bình quân tăng 17%/năm, đóng góp 6,0% GRDP của tỉnh.

Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết: Thực hiện chủ trương của Chính phủ và đồng hành cùng tỉnh trong thực hiện chiến lược xanh, TKV đã đẩy nhanh thực hiện tái cơ cấu ngành. Theo đó, TKV đã chuyển hướng đổi mới ứng dụng mạnh mẽ “3 hóa” là cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào các công đoạn sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên trong khai thác hầm lò từ 23,5% xuống 20%, trong khai thác lộ thiên từ 4,9% xuống 4,3%; năng suất lao động toàn Tập đoàn tính theo giá trị tăng bình quân 12%/năm.

Để bảo vệ môi trường bền vững, tránh những tác động xấu, Quảng Ninh đã xây dựng lộ trình, báo cáo Chính phủ di dời các nhà máy gây ô nhiễm môi trường, đồng thời điều chỉnh quy hoạch các nhà máy nhiệt điện, xi măng theo hướng ra xa khu vực đông dân cư. Trong năm 2019, tỉnh đã di dời và chấm dứt hoạt động của Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng ra khỏi khu vực Vịnh Hạ Long; đến năm 2020 chấm dứt khai thác than lộ thiên tại khu vực Hạ Long, tiến đến năm 2030 di chuyển các nhà máy xi măng ra khỏi vùng Hạ Long...

Không chỉ có các doanh nghiệp truyền thống, đứng chân trên địa bàn lâu năm, Quảng Ninh ngày càng thu hút các nhà đầu tư lớn có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp sạch vào nghiên cứu, đầu tư, như TCL, Foxconn, Thành Công...

Đối với phát triển nông - lâm - thủy sản, tỉnh có những cơ chế, chính sách mới, đặc thù, nhằm hướng các ngành kinh tế này đến mục tiêu tăng trưởng xanh, như: Hỗ trợ ngân sách đầu tư công nghệ cao trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp; chỉ đạo triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững; ban hành chỉ thị phát triển ngành thủy sản bền vững; hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch... Qua đó, từng bước phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn.

5 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông - lâm - thủy sản của tỉnh đạt 3,5%/năm; tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 295.300 tấn, bình quân tăng 8,1%/năm. Một số khu vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đã định hình, phát huy hiệu quả, như: Đầm Hà, Đông Triều, Uông Bí... Đây là những bước phát triển, cho thấy rõ sự thay đổi theo hướng "xanh hóa" của các ngành, lĩnh vực của tỉnh.

PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, đánh giá: Qua thực tiễn nghiên cứu cho thấy, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm, chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng, tích cực tổng kết thực tiễn và đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế; đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế, đề ra được những chủ trương, chính sách phù hợp với sự phát triển của tỉnh; từng bước hình thành lý luận mới có nét riêng của Quảng Ninh, góp phần vào xây dựng hệ thống lý luận của Đảng…

Bài 4: Động lực cho tăng trưởng quốc gia

Bài: Hồng Nhung;

Ảnh: Minh Đức - Hùng Sơn - Đỗ Phương

Trình bày: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu