4
18
/
1016980
Bài 4: Kinh nghiệm của Quảng Ninh
longform
Bài 4: Kinh nghiệm của Quảng Ninh

Chia sẻ những kinh nghiệm của tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Thời gian qua, tỉnh luôn nêu cao tinh thần chủ động, tích cực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; bám sát các định hướng của Trung ương để mạnh dạn đề xuất, xây dựng và triển khai các mô hình mới, cách làm mới; phát huy và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong thực hiện các mô hình mới, tỉnh nghiên cứu kỹ lưỡng, trên cơ sở lựa chọn thí điểm, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm và giải quyết dần những khó khăn, mâu thuẫn trong quá trình triển khai, từ đó mới triển khai trên diện rộng. Về đầu tư, tỉnh đẩy mạnh phân cấp đầu tư xây dựng cơ bản cho các địa phương; nâng cao hiệu quả đầu tư công với phương châm “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, nguyên tắc Nhà nước không trực tiếp làm những gì nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn...

Địa bàn rộng, phức tạp, nhiều đồi núi với 92 xã, phường biên giới, biển đảo nên suất đầu tư trên địa bàn tỉnh thường lớn hơn so với các tỉnh, thành phố khác trong nước; trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương rất hạn hẹp. Đây là vấn đề trăn trở, luôn được các thế hệ lãnh đạo tỉnh trong nhiều năm gần đây suy nghĩ, tư duy và tìm cách đổi mới.

Một trong những vấn đề được Quảng Ninh vạch ra trước mắt và lâu dài, đó là cần phải có những quy hoạch chiến lược để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, làm cơ sở để triển khai các dự án đầu tư công bài bản, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm, tạo sức lan tỏa để thu hút các nhà đầu tư với phương châm “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”. Tháng 9/2014, sau rất nhiều thời gian triển khai lập quy hoạch, tỉnh Quảng Ninh đã công bố 7 quy hoạch chiến lược quan trọng, tạo nền móng vững chắc để tỉnh cụ thể hóa các mục tiêu đã xác định.

Bám sát các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020), kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) của quốc gia, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, XIV, trên cơ sở nguồn vốn đầu tư công được Trung ương phân bổ hằng năm, tỉnh đã linh hoạt phân cấp triệt để nguồn vốn cho các sở, ngành, địa phương để chủ động phân bổ, lựa chọn các dự án, công trình đầu tư. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến những dự án cải thiện mạnh mẽ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông vùng khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; không dùng tiền ngân sách đầu tư vào lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư.

Trong quá trình phân bổ vốn đầu tư công, Quảng Ninh thực hiện nguyên tắc phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh, đảm bảo cân đối chung và thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội. Tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư tập trung, không đầu tư phân tán, dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và đặc biệt là bảo đảm công khai, minh bạch, có xem xét đảm bảo tính hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực và các địa phương, vùng miền.

Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Quán triệt tinh thần Đề án cơ cấu lại đầu tư công của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền và trả nợ đọng xây dựng cơ bản. Không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư.

Với quan điểm chỉ đạo, điều hành rõ nét về thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, đến hết năm 2019, tỉnh đã hoàn thành Chương trình 135, Đề án 196, đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; 100% các xã có điện lưới quốc gia, nước sạch sinh hoạt; các đường giao thông liên thôn, liên xã được kiên cố hóa.

Với phương châm “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, trên cơ sở kiên trì, quyết liệt thực hiện cơ cấu đầu tư công có hiệu quả, tỉnh đã phân bổ trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 trên 50.800 tỷ đồng, chiếm gần 63% tổng chi ngân sách địa phương. Nguồn vốn này không chỉ để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, có tính lan tỏa, liên kết vùng, tạo sự đột phá, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tại những vùng sâu, vùng xa, khó khăn của tỉnh, mà còn tạo nguồn “vốn mồi”, huy động thêm các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong những năm gần đây, ngân sách tỉnh đã dành khoảng 10.000 tỷ đồng, chủ yếu để thực hiện GPMB, thu hút các dự án động lực, trọng điểm của các nhà đầu tư chiến lược. Có thể kể đến các dự án: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; cải tạo, nâng cấp QL18A đoạn Hạ Long - Mông Dương; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chia sẻ: Quảng Ninh đã tận dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế để chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội. Đặc biệt, sự công khai, minh bạch của Quảng Ninh trong công bố các quy hoạch chiến lược, các dự án thu hút đầu tư là một nhân tố quan trọng tạo nên những nguồn lực đầu tư mới đến từ các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước.

Theo thống kê, từ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của tỉnh, đến nay đã thu hút được 44 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, với tổng nguồn vốn trên 47.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 10% (tập trung cho công tác GPMB). Như vậy, cứ 1 đồng ngân sách nhà nước bỏ ra, có thể huy động được từ 8-9 đồng từ khối kinh tế tư nhân tham gia đầu tư vào Quảng Ninh.

Dự kiến trong năm 2021, tỉnh Quảng Ninh dành trên 16.000 tỷ đồng vốn đầu tư công để thực hiện một số dự án động lực, như: Đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều giai đoạn 2; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả giai đoạn 2; cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đoạn Vân Đồn - Tiên Yên; đường trục chính trung tâm Khu đô thị Cái Rồng (Vân Đồn) giai đoạn 2… Nguồn vốn này được huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có sử dụng từ nguồn siết chặt chi thường xuyên. Sau khi các dự án được hoàn thành, không chỉ góp phần tạo nên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông đồng bộ, hiện đại, thông suốt, mà còn thu hút thêm các nguồn lực đầu tư đến từ các nhà đầu tư chiến lược, khi mà không gian được mở rộng, quỹ đất được tạo ra dọc hai bên các tuyến đường.

Với sự đổi mới về tư duy, cách làm bài bản, khoa học, quá trình tái cơ cấu đầu tư công tại Quảng Ninh đã gặt hái được những thành công quan trọng, tạo thêm động lực mới để xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Đây cũng là cơ sở thực tiễn để Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2018/NĐ-CP "Về đầu tư theo hình thức đối tác công tư" (ngày 4/5/2018), Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (ngày 18/6/2020).

Thực hiện: Minh Thu - Mạnh Trường - Đỗ Phương

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu