4
18
/
1055812
Bài 4: Thiên nhiên - Con người - Văn hóa: Thế chân kiềng phát triển bền vững
longform
Bài 4: Thiên nhiên - Con người - Văn hóa: Thế chân kiềng phát triển bền vững

 

 

Quảng Ninh được ví như một Việt Nam thu nhỏ - Nơi có cả biển, đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi, biên giới, tài nguyên khoáng sản, nơi hội tụ đầy đủ tinh hoa về văn hóa, con người, cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, đặc sắc, hiếm có. Nhận thức rõ vị thế quan trọng về an ninh chính trị, vị trí chiến lược, cũng như tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên ban tặng, Quảng Ninh đã và đang kiên trì thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh ngày càng phát triển bền vững hơn thông qua những quy hoạch, đề án, kế hoạch, chương trình mang tính chiến lược, lâu dài. Đặc biệt, Quảng Ninh xây chắc thế chân kiềng, phát triển hài hoà giữa: Thiên nhiên - Con người - Văn hóa.

Khi nhắc đến Quảng Ninh không ai là không nghĩ tới Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Với diện tích 1.553km2, Vịnh Hạ Long là nơi hội tụ của gần 2.000 hòn đảo lớn nhỏ. Hàng ngàn đảo đá nhấp nhô trên mặt nước tạo ra một cảnh quan tuyệt đẹp, đường nét kỳ vỹ, đẹp mắt, mê hoặc, đắm say lòng người. Chẳng vậy mà trong bài thơ “Lộ nhập Vân Đồn”, Nguyễn Trãi đã lần đầu tiên ca ngợi Vịnh Hạ Long là "Kỳ quan đá dựng giữa trời cao".

Với kiến tạo địa chất đặc biệt hình thành từ hàng nghìn năm trước, Vịnh Hạ Long chứa trong mình nhiều đảo đá có hình dáng đẹp lạ kỳ, như: Hòn Gà Chọi, Đỉnh Hương, Con Cóc…, cùng với đó là hàng trăm hang động có cảnh sắc vô cùng đặc biệt, huyền ảo mà thiên nhiên kiến tạo nên như: Hang Sửng Sốt, động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, Bồ Nâu, động Mê Cung, hang Luồn…

Sự kết hợp giữa môi trường, khí hậu, địa chất, địa mạo đã đưa Vịnh Hạ Long trở thành quần tụ của đa dạng sinh học bao gồm hệ sinh thái rừng, biển, ven bờ với nhiều loài động, thực vật đặc hữu mà không nơi nào có được.

Khi nhắc đến Quảng Ninh không ai là không nghĩ tới Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long
Khi nhắc đến Quảng Ninh không ai là không nghĩ tới Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long

Với những giá trị vô giá đó, từ năm 1962, Vịnh Hạ Long được Bộ Văn hóa - Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng là Di tích danh thắng cấp quốc gia. Ngày 12/8/2009, Vịnh Hạ Long được Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt (đợt 1 năm 2009). Ngày 8/7/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao tặng danh hiệu Khu du lịch hàng đầu Việt Nam 2017 cho Vịnh Hạ Long.

Vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Lần thứ nhất vào ngày 17/12/1994, UNESCO đã công nhận Vịnh Hạ Long vào danh mục Di sản Thiên nhiên Thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mỹ theo tiêu chí của Công ước Quốc tế về bảo vệ di sản tự nhiên và văn hóa của thế giới. Ngày 2/12/2000, UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản Thiên nhiên Thế giới lần thứ 2 theo tiêu chí về giá trị địa chất - địa mạo. Đặc biệt, ngày 27/4/2012, Tổ chức New Open World đã trao tặng danh hiệu Kỳ quan Thiên nhiên Thế giới mới cho Vịnh Hạ Long.

ngoài vịnh Hạ Long
Ngoài vịnh Hạ Long, Quảng Ninh còn rất nhiều địa điểm tham quan, du lịch nổi tiếng như Bãi đá Móng Rồng (Móng Cái), vịnh Bái Tử Long (Cẩm Phả), thác Khe Vằn (Bình Liêu), mũi Lòng Vàng (Tiên Yên), hồ Yên Trung (Uông Bí)...

Với những giá trị ngoại hạng về cảnh quan, địa chất, địa mạo, sự phong phú, giàu có về sinh thái, lịch sử văn hóa, Vịnh Hạ Long là nơi có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Những năm qua, Quảng Ninh đã luôn phát huy tốt lợi thế này với nhiều loại hình phục vụ du khách, như: Du lịch tham quan ngắm cảnh; Chèo thuyền nan; Du lịch văn hóa; Du lịch sinh thái; Du lịch giải trí, mua sắm; Nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long… Đây đều là những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, thú vị trên Vịnh Hạ Long mà du khách có thể tận hưởng khi đến với Quảng Ninh.

Quảng Ninh giờ đây không chỉ có Vịnh Hạ Long. Với địa hình đặc biệt, ở bất kỳ địa phương nào trong tỉnh đều được thiên nhiên ban tặng cho những cảnh quan hết sức đặc sắc, kỳ vỹ. Như ở Cẩm Phả, Vân Đồn có Vịnh Bái Tử Long, với hàng ngàn đảo lớn, nhỏ trong không gian biển trời mênh mông chẳng thua kém gì Vịnh Hạ Long. Hay như ở Cô Tô có bãi Móng Rồng cùng nhiều bãi tắm cát trắng mịn; Bình Liêu có thác Khe Vằn, Sông Móc, núi Cao Xiêm, Cao Ly, Cao Ba Lanh…; Tiên Yên sở hữu mũi Lòng Vàng, thác Pạc Sủi…; Uông Bí có thác Lựng Xanh, núi Yên Tử; Quảng Yên sở hữu Thác Mơ…

Những năm qua, Quảng Ninh luôn nỗ lực bảo tồn, phát huy những gì mà thiên nhiên ban tặng, để xây dựng những chiến lược, quy hoạch lâu dài hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đưa kinh tế chuyển dần từ “nâu” sang “xanh”.

Trong bất kỳ thời kỳ nào, giai đoạn nào, phát triển kinh tế - xã hội luôn gắn liền với phát triển con người, văn hoá. Như trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định một trong những khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025 là kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh.

Trước đó, nhằm xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU. Qua đó phát triển con người Quảng Ninh hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học. Nghị quyết đặt ra các mục tiêu: Xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng “Năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện”; phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển Quảng Ninh với mục tiêu: “Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc”.

Nói đến phát triển con người, văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, có lẽ không thể không nhắc đến giá trị tốt đẹp của truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của người Vùng mỏ. Tinh thần kỷ luật, sự đoàn kết một lòng đã tạo nên vùng đất với con người toả sáng với tinh thần luôn năng động, sáng tạo, hào sảng, thân thiện. Từ cái chân chất, chăm chỉ của hàng vạn thợ lò đã lan toả, trở thành một phần không thể thiếu về tính cách con người Quảng Ninh. Cùng với đó, với bờ biển trải dài thì con người và văn hóa biển cũng là một phần làm nên tính chân chất, hiền hậu, mến khách, hào sảng của con người Vùng mỏ.

Quảng Ninh – nơi hội tụ của 22 dân tộc anh em cùng sinh sống đã tạo nên sự giao thoa đặc biệt. Ở đó tạo nên con người Quảng Ninh năng động, sáng tạo, hào sảng bởi sự kết hợp giữa văn hoá biển, văn hoá bản địa, cùng cái chất của người thợ mỏ đã góp phần làm nên khí chất của vùng đất địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc.

Quảng Ninh đã xây dựng thương hiệu địa phương
Quảng Ninh đã xây dựng thương hiệu địa phương "Nụ cười Hạ Long" xuất phát từ chính giá trị của con người vùng đất này

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Quảng Ninh là nơi hội tụ của rất nhiều người từ tỉnh, thành phố khác đến làm ăn, sinh sống, lập nghiệp, đặc biệt là ở những khu vực còn nhiều khó khăn. Trong mỗi con người đến với Vùng mỏ đều chứa trong mình khí chất vươn lên, năng động, sáng tạo, quyết tâm vượt khó, mong một cuộc sống đủ đầy, giàu có hơn và đó cũng làm nên tinh thần của người Quảng Ninh hôm nay.

Nhằm dần hình thành con người giàu bản sắc Quảng Ninh, tỉnh cũng đã chủ động nghiên cứu, xây dựng, ban hành nhiều bộ quy tắc, như: Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”; Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh; Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Bộ tiêu chí người Quảng Ninh…, qua đó tạo nên cái chất riêng của người Vùng mỏ.

Với 22 dân tộc anh em cùng sinh sống đã tạo nên cho Quảng Ninh sự giao thoa, kết tinh nền văn hoá đặc sắc, đa sắc màu. Trong quá trình phát triển của mình, Quảng Ninh luôn xác định phải kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh.

Những năm qua, Quảng Ninh từng bước nghiên cứu, định vị rõ bản sắc riêng, đặc sắc của văn hóa vùng miền Quảng Ninh. Bước đầu được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa thống nhất xác định gồm văn hóa biển và văn hóa người thợ mỏ. Tỉnh cũng dành nhiều sự quan tâm, đầu tư phát triển văn hoá với những cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, đưa văn hoá phát triển xứng tầm với vị thế của tỉnh đang phát triển mạnh mẽ.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các danh thắng, các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh đã thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến tham quan hàng năm
Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các danh thắng, các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh đã thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến tham quan hàng năm

Một trong những nét văn hoá đặc trưng của người Quảng Ninh đó là truyền thống văn hóa “Kỷ luật và Đồng tâm”, “văn hoá công nhân mỏ” gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng, lao động sản xuất của con người Vùng mỏ. Chính vì vậy, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của người Vùng mỏ cũng chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà tỉnh đề ra trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trong giai đoạn mới.

22 dân tộc anh em cùng sinh sống là bấy nhiêu nét văn hoá đặc sắc được lưu truyền, gìn giữ, bảo tồn từ đời này sang đời khác, như lễ mừng cơm mới, hát then, đàn tính của đồng bào Tày ở Bình Liêu, hát soóng cọ của đồng bào Sán Chỉ ở Tiên Yên, tục nhảy lửa của đồng bào Dao ở Ba Chẽ, hát đối dân tộc Dao ở TP Hạ Long, hát đúm ở TX Quảng Yên… Các lễ hội văn hoá, tết của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đang được Quảng Ninh chú trọng khôi phục, bảo tồn tạo nên những nét văn hoá riêng có cho người dân nơi đây.

Quảng Ninh với 22 dân tộc anh em cùng sinh sống
Quảng Ninh với 22 dân tộc anh em cùng sinh sống cùng nhiều nét văn hóa đặc sắc

Không chỉ vậy, nhằm nâng cao hơn nữa đời sống văn hoá cho người dân, Quảng Ninh tiếp tục đầu tư từ ngân sách Trung ương, tỉnh, xã hội hóa để thực hiện tu bổ, tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của hơn 600 di tích lịch sử, danh thắng. Qua đó, những địa danh này không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của người dân, mà hằng năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến tham quan đem về khoản kinh phí lớn cho các địa phương.

Quảng Ninh xác định phát triển văn hóa đồng bộ với phát triển kinh tế, coi văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng tinh thần, là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025 xác định "Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu nghèo" là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Đặc biệt, thiên nhiên, con người, văn hóa được xác định là 3 trụ cột, thế chân kiềng để Quảng Ninh chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững.

Bài 5: Chuyên nghiệp hành chính công – Lan tỏa từ Quảng Ninh

Bài: Thái Bình

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu