4
18
/
1058924
Bài 5: IPA Quảng Ninh - Truyền lửa cải cách
longform
Bài 5: IPA Quảng Ninh - Truyền lửa cải cách

 

 

Cuối năm 2011, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh (IPA Quảng Ninh). Đây là tổ chức chuyên trách trực thuộc UBND tỉnh, trực tiếp do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, làm công tác xúc tiến và hỗ trợ các nhà đầu tư. IPA Quảng Ninh được định hình hoạt động theo mô hình chuẩn quốc tế, với vai trò thực hiện chiến lược dài hạn thay vì ngắn hạn trong quá trình chuyển đổi tập trung thu hút đầu tư. Mô hình này một lần nữa khẳng định quyết tâm đổi mới, tư duy sáng tạo, bứt phá của Quảng Ninh ngay từ giai đoạn đầu đất nước thực hiện Cương lĩnh 2011, chiến lược phát triển KT-XH 2010-2020, thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”.

 

 

Dù được đánh giá là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển, song giai đoạn 2010 trở về trước, việc thu hút các dự án lớn, các nhà đầu tư tầm cỡ tại Quảng Ninh tăng trưởng không nhiều. Tỉnh đã sớm nhận diện được những “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư. Trong đó, đi cùng với việc hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, một nguyên nhân quan trọng khác đến từ cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cũng như những hỗ trợ nhà đầu tư phát triển dự án tại tỉnh còn nhiều hạn chế. Nhà đầu tư phản ánh, họ mất quá nhiều thời gian để tìm hiểu các dự án đầu tư tại tỉnh cũng như thực hiện các thủ tục hành chính để được nghiên cứu, triển khai dự án.

Mở lối đi mới, Quảng Ninh quyết định thành lập một cơ quan chuyên biệt về xúc tiến đầu tư. Đầu năm 2012, Quảng Ninh tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô quốc tế với sự tham dự của hơn 1.200 đại biểu là các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế, tổ chức kinh tế và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhân sự kiện này, Quảng Ninh đã giới thiệu mô hình cơ quan Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh đầu tiên trong cả nước, như một lời khẳng định về sự đổi mới trong hoạt động hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, đồng hành, theo sát doanh nghiệp, nhà đàu tư.

Ngày 8/3/2012, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 504/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức và hoạt động IPA Quảng Ninh. Quy chế nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và lao động của cơ quan này. Theo đó, Ban có nhiệm vụ xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư; tiếp nhận và xử lý thủ tục đầu tư; thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp; quản lý cán bộ, viên chức, tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp của UBND tỉnh; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất về hoạt động của Ban theo quy định; thực hiện các nhiệm vụ khác khi được UBND tỉnh giao hoặc theo quy định của pháp luật. IPA Quảng Ninh chịu sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Chủ tịch UBND tỉnh; đồng thời, có mối quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan liên quan của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ nhằm thực hiện cơ chế “một cửa” để giải quyết các công việc liên quan đến hoạt động xúc tiến đầu tư.

Năm 2016, IPA Quảng Ninh tiếp tục được chuyên biệt hoá rõ về nhiệm vụ tại Quyết định số 2136/QĐ-UBND ngày 11/7/2016 của UBND tỉnh, tập trung vào các mảng chính: Hoạt động xúc tiến đầu tư; Công tác giải quyết thủ tục đầu tư; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh PCI.

Với chức năng, nhiệm vụ có sự liên kết, bổ trợ lẫn nhau từ khâu mời gọi đến giải quyết thủ tục ban đầu cho nhà đầu tư, sau hơn 7 năm đi vào hoạt động, IPA Quảng Ninh được đánh giá là mô hình hoạt động hiệu quả và chuyên nghiệp. "IPA đã chủ động tham khảo, dịch thuật các tài liệu của nước ngoài để vận dụng vào điều kiện cụ thể của Quảng Ninh; sớm hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu xúc tiến đầu tư Quảng Ninh; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về xúc tiến đầu tư hằng năm, hệ thống hóa và chuyên nghiệp hóa các ấn phẩm, tài liệu xúc tiến đầu tư theo chuẩn quốc tế với nhiều ngôn ngữ phổ biến."- bà Vũ Thị Kim Chi, Phó Trưởng ban IPA Quảng Ninh cho biết.

Không để nhà đầu tư "đau đầu" với việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, IPA Quảng Ninh đã phối hợp với các cơ quan xây dựng và trình UBND tỉnh công bố quy trình giải quyết các thủ tục kèm theo các biểu mẫu hướng dẫn và đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của IPA và tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh. Nhờ đó, thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư được rút ngắn gần 50% so với quy định của pháp luật; số lượng thủ tục được cắt giảm từ 35 thủ tục xuống còn 13 thủ tục trong 2 lĩnh vực chấp thuận địa điểm và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Chính vì vậy, IPA Quảng Ninh được xem như “hệ thống một cửa minh bạch, rút gọn” và là đầu mối chính thức để hỗ trợ các nhà đầu tư tìm kiếm và thực hiện dự án đầu tư hiệu quả tại Quảng Ninh.

Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn đánh giá: Việc thành lập và vận hành Ban Hỗ trợ và Xúc tiến Đầu tư (IPA) là một kinh nghiệm rất thành công của Quảng Ninh. IPA Quảng Ninh là một cách tiếp cận mới về xúc tiến đầu tư và thể hiện ngay trong tên gọi của nó. Đây là tổ chức cho mục tiêu xúc tiến đầu tư nhưng chức năng hỗ trợ đầu tư được nhấn mạnh ngang với mục tiêu xúc tiến. Xúc tiến đi kèm với hỗ trợ hay nói cách khác hỗ trợ nhà đầu tư là cách xúc tiến quan trọng nhất. Xúc tiến không chỉ là tổ chức nhiều hoạt động hoành tráng, hội nghị lớn, đoàn đi nước ngoài đông đảo mà ở đây nhấn mạnh chức năng cốt lõi là hỗ trợ nhà đầu tư. Trên thực tế, ở nhiều tỉnh, thành phố, dù truyền thông, thông tin rầm rộ về môi trường đầu tư nhưng nhà đầu tư vẫn rất thất vọng, thậm chí là chán nản khi vẫn phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn trên thực tế, trong đó có những vướng mắc về thủ tục liên ngành mà đôi khi không có “lối ra”.

Những đổi mới mang tính sáng tạo, chuyên nghiệp trong hoạt động xúc tiến đầu tư, cải cách mạnh mẽ quy trình, thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, gắn với văn hóa đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp đã góp phần quan trọng trong kết quả thu hút đầu tư tại Quảng Ninh.

Tính riêng giai đoạn 2016-2020, tỉnh có trên 9.300 doanh nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp hiện có trên địa bàn đạt trên 19.600 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 180.000 tỷ đồng; cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 179 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 89.087 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm ước đạt 344.916 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015, bình quân tăng 11,3%/năm.

Hiệu quả đầu tư không ngừng được cải thiện, chỉ số ICOR từ 8,03 giai đoạn 2011-2015 xuống còn 4,94 giai đoạn 2016-2020. Quảng Ninh đã thu hút được những dự án lớn, đa dạng trên các lĩnh vực như: Sân bay Vân Đồn, đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, Công viên Đại Dương, Khách sạn Vinpearl, Sân golf FLC, Bệnh viện quốc tế Vinmec, Trường học quốc tế Singapore, nhà máy sản xuất linh kiện thiết bị điện tử của Foxconn, Tổ hợp công nghiệp ô tô Thành Công…

Với vai trò là cơ quan đầu mối tiếp nhận, giải quyết thủ tục đầu tư trong lĩnh vực chấp thuận chủ trương đầu tư, địa điểm nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng, ký quỹ đầu tư, IPA đã tập trung chỉ đạo, giải quyết, xử lý các hồ sơ theo đúng chức năng, nhiệm vụ, không để tồn đọng; đối với một số dự án trọng điểm, phân công cụ thể cán bộ theo dõi sát sao để kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Hàng năm, IPA Quảng Ninh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư; tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư chuyên sâu; xây dựng các ấn phẩm, tài liệu xúc tiến đầu tư… Đồng thời, khai thác hiệu quả mối quan hệ với các đầu mối xúc tiến đầu tư tại các thị trường nước ngoài, như: JETRO, KORCHAM, KCCI, EUROCHAM Vietnam, KOREA DESK, Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ KH&ĐT), Tổ hợp KCN Deep C...

Thống kê mỗi năm, IPA Quảng Ninh đã tiếp đón, làm việc khoảng 40 đoàn nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát và tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh; tiếp nhận và xử lý 150-200 hồ sơ chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập quy hoạch, hồ sơ dự án liên quan thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Các nhà đầu tư đến với Quảng Ninh đều nhận được sự quan tâm, hỗ trợ ở mức cao nhất, với các thủ tục đầu tư nhanh gọn và minh bạch; các vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư trong quá trình đầu tư cũng như triển khai dự án đều được thực hiện theo cơ chế một đầu mối từ IPA.

"Quảng Ninh đã thành lập IPA để hỗ trợ các nhà đầu tư, không chỉ về mặt thông tin cơ chế, chính sách mới, mà còn ở nhiều phương diện khác như tư vấn, hỗ trợ đẩy nhanh thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư… Cùng với cơ chế, chính sách ữu đãi, sự tận tâm và chuyên nghiệp trong công tác hỗ trợ, xúc tiến đầu tư của tỉnh cũng là lý do để Texhong phát triển nhiều dự án tại tỉnh."- Ông Hồng Thiên Chúc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Texhong - một trong những tập đoàn dệt may hàng đầu Trung Quốc nhận định.

IPA đã góp phần tạo nên diện mạo mới trong thu hút đầu tư tại Quảng Ninh và có đóng góp quan trọng trong nâng cao chỉ số năng lực cấp tỉnh. Từ chỗ đứng ở tốp giữa về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và tốp cuối về chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh PAR Index, đến nay Quảng Ninh đã vươn lên đứng đầu các chỉ số này. Chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh cũng được xếp hạng nằm trong các tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. "Các lợi thế về điều kiện để đầu tư, như hoàn thiện các thủ tục cấp phép được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện chính là điều kiện quan trọng để Quảng Ninh thu hút các nhà đầu tư trong tương lai. Hiện chúng tôi đang thực hiện đầu tư tại các KCN Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên), quy mô trên 1.600ha." - Bà Trần Thị Huyền, Giám đốc kinh doanh, Công ty CP DeepC Nga, cho biết.

Cùng với việc thành lập và đi vào hoạt động của IPA, Quảng Ninh đã xây dựng và ban hành một số chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, như: Chính sách hỗ trợ và ưu tiên đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh (hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động tại các doanh nghiệp thứ cấp trong khu công nghiệp, khu kinh tế); hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ về vốn tín dụng…

Văn kiện Đại hội Đảng Bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2021-2025 cũng đã xác định mục tiêu trong nhiệm kỳ, là hằng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Cùng với đó, nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến nhiệm vụ tham mưu của IPA là: Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật; giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI; Xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch; công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển ngành, lĩnh vực, danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư; chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp mới tham gia thị trường về thủ tục hành chính. Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Với lợi thế về nguồn lao động, cơ chế chính sách ưu đãi, thể chế… các nhà đầu tư thế giới đang rất quan tâm phát triển các dự án ở các quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, hiện nay các địa phương trong cả nước đều đã, đang dành sự quan tâm lớn đến hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn lực về địa phương, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH. Đây là thuận lợi cũng là thách thức trong công tác xúc tiến đầu tư của Quảng Ninh. Muốn giữ được lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn lực, rất cần tiếp tục đổi mới sáng tạo trong hoạt động hỗ trợ, xúc tiến đầu tư của tỉnh.

Bà Vũ Thị Kim Chi, Phó Trưởng ban IPA Quảng Ninh, cho biết: Để góp phần triển khai hiệu quả các mục tiêu phát triển chung của tỉnh, hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh PCI, DDCI tỉnh, IPA Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ và sáng tạo 8 nội dung về hoạt động xúc tiến đầu tư theo Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tham mưu xây dựng quy trình giải quyết thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư số 61/2020 đảm bảo công khai, minh bạch. IPA tiếp tục xây dựng niềm tin, tạo cảm xúc mạnh mẽ đối với nhà đầu tư bằng việc thực hiện tốt các cam kết; nghiên cứu, đổi mới cách làm để  phát huy hiệu quả các mô hình hỗ trợ đầu tư chuyên sâu của Nhật Bản (JAPAN Desk ), thành lập mô hình chuyên xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Hàn Quốc (Korea Desk)... Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất giải pháp sáng kiến nâng cao hiệu quả mô hình hoạt động IPA trên cơ sở học hỏi mô hình trong và ngoài nước, nghiên cứu, đề xuất ý tưởng mời chuyên gia có kinh nghiệm quốc tế...

Bài 6: Trung tâm phục vụ hành chính công - Giải pháp liên thông minh bạch

Bài: Hồng Nhung

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu