4
18
/
1056229
Bài 6: Khẳng định vị thế dẫn đầu trên đường đua PCI
longform
Bài 6: Khẳng định vị thế dẫn đầu trên đường đua PCI

 

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và phát triển doanh nghiệp từ rất sớm đã được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong những động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế địa phương. Với tư duy đổi mới, những cách làm mới, chính sách mới, tiên phong, Quảng Ninh đã dần khơi thông những "điểm nghẽn" trong thu hút đầu tư, trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn của Việt Nam. Trên đường đua PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), đặc biệt là 5 năm trở lại đây, tỉnh đã bứt phá mạnh mẽ, khẳng định ví thế dẫn đầu.

 

Quảng Ninh tham gia đường đua PCI từ năm 2006 và nằm trong vị trí tốp khá của cả nước. Tuy nhiên, thứ hạng của tỉnh trong những năm đầu chưa có nhiều bứt phá, một số chỉ số tăng, giảm không ổn định, điều này phần nào phản ánh những “điểm nghẽn” của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Doanh nghiệp, nhà đầu tư còn than phiền về các thủ tục để tìm hiểu, nghiên cứu, triển khai đầu tư rất rườm rà, phải đi lại nhiều lần, tốn nhiều chi phí, thời gian; khó tiếp cận thông tin đầu tư; chưa có cơ quan đầu mối hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp; các quy hoạch của tỉnh chưa có tính bền vững; hạ tầng giao thông của tỉnh còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư;...

Hiện thực hoá tư duy đổi mới trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năm 2012, Quảng Ninh lần đầu tiên tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô quốc tế với sự tham dự của hơn 1.200 đại biểu là các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp,… trong và ngoài nước. Hội nghị cũng đánh dấu sự ra đời của mô hình cơ quan Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh (IPA Quảng Ninh) đầu tiên trong cả nước. Đây là mô hình hoạt động theo mô hình chuẩn quốc tế, với vai trò thực hiện chiến lược dài hạn thay vì ngắn hạn trong quá trình chuyển đổi tập trung thu hút đầu tư.

Cũng từ năm 2012, Quảng Ninh đã khởi động Đề án chính quyền điện tử, trong đó có hạng mục quan trọng là xây dựng thành lập Trung tâm hành chính công. Đây cũng là mô hình Trung tâm hành chính công đầu tiên trong cả nước, được Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm thành lập theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 28/10/2015. Đến năm 2014, Quảng Ninh tiếp tục tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn với sự tham gia của đông đảo các nhà đầu tư tầm cỡ trong nước và quốc tế; đồng thời công bố 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, thông tin đến nhà đầu tư về định hướng phát triển, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư tầm nhìn dài hạn của tỉnh. Các quy hoạch được nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, cũng đã tạo nên một sức hút mới trong thu hút đầu tư của tỉnh, chuyển dần từ “nâu” sang “xanh” với những dự án phát triển dịch vụ, du lịch đẳng cấp…

Từ năm 2015, Quảng Ninh đã triển khai thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương thông qua Bộ chỉ số DDCI.  Được biết, dù không phải là địa phương triển khai DDCI đầu tiên, nhưng Quảng Ninh lại được đánh giá là địa phương thực hiện bài bản và chuyên nghiệp nhất do thực hiện trên phạm vi rộng, đánh giá đa chiều và qua mỗi năm đều có sự bổ sung, hoàn thiện bộ chỉ số. Chỉ số này đã góp phần không nhỏ tạo được “sức ép” thay đổi, chuyển đổi tư duy của cả hệ thống chính quyền cơ sở, cung cấp các thông tin quý báu cho lãnh đạo điều hành và thúc đẩy đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp. Thống kê hằng năm cho thấy, sau khi thực hiện Bộ chỉ số DDCI, các chỉ số PCI của Quảng Ninh có sự thăng hạng đáng kể.

Quảng Ninh cũng được Chính phủ đánh giá thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP (ngày 16/5/2016) và Chỉ thị 26/CT-TTg (ngày 06/6/2017) về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 một cách nghiêm túc, quyết liệt, là một điển hình tốt với nhiều sáng kiến cải cách, gắn việc cải thiện môi trường kinh doanh theo yêu cầu của Nghị quyết với nâng cao chất lượng quản lý, điều hành. Đến nay, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh theo Nghị quyết của Chính phủ luôn duy trì đạt và vượt so với các mục tiêu đã đề ra như: Chỉ số cải thiện thứ hạng khởi sự kinh doanh; Đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng; Đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian, cải thiện thứ hạng tiếp cận điện năng; Đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục, rút ngắn thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội; chi phí giao dịch thương mại qua biên giới...góp phần quan trọng trong tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) Đỗ Nhất Hoàng đánh giá: Với những giải pháp đồng bộ, tích cực của Quảng Ninh cũng như sự hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, tỉnh đã phát huy tốt vai trò là đầu tàu kinh tế Bắc Bộ. Quảng Ninh cũng là địa phương nhanh nhạy tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư để giữ chân các nhà đầu tư, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với các nhà đầu tư. Cùng với việc phát triển nhanh chóng về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, chính tư duy cởi mở, sẵn sàng đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp, nhà đầu tư của lãnh đạo tỉnh cũng như quan điểm hỗ trợ tới cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững là điểm cộng rất lớn của Quảng Ninh trong quá trình thu hút đầu tư thời gian qua.

Với những nỗ lực bền bỉ của mình, 7 năm liên tiếp (2013-2019) Quảng Ninh duy trì trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Năm 2013, 2014 tỉnh bứt phá lên hạng thứ 4, thứ 5 rồi vươn lên giành vị trí thứ 3, thứ 2 trong năm 2015, 2016. Đặc biệt, liên tiếp 3 năm (2017, 2018, 2019) Quảng Ninh dẫn đầu trong số các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất bằng vị trí quán quân PCI. Đó chính là kết quả của những nỗ lực bền bỉ, quyết tâm mãnh liệt của cả hệ thống chính trị trong triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, cải thiện chất lượng điều hành một cách thực chất, cùng với những nỗ lực và phấn đấu không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được tăng lên; nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, tìm hiểu cơ hội, mở rộng đầu tư phát triển các dự án trên địa bàn tỉnh; đồng thời tăng cường sự liên kết phát triển giữa các doanh nghiệp. Trong 5 năm, đã có trên 9.300 doanh nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp hiện có trên địa bàn đạt trên 19.600 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 180.000 tỷ đồng; cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 179 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 89.087 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm ước đạt 344.916 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015, bình quân tăng 11,3%/năm. Hiệu quả đầu tư không ngừng được cải thiện, chỉ số ICOR từ 8,03 giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn 4,94 giai đoạn 2016-2020.

Thành quả mà Quảng Ninh đạt được, đó chính là sự ghi nhận, trân trọng, hợp tác và tin tưởng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Hiện tỉnh đang thu hút được vốn đầu tư từ trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những dự án lớn trị giá lên tới hàng nghìn tỷ đồng ngày một xuất hiện nhiều hơn ở tỉnh đến từ các nhà đầu tư hàng đầu trong nước, như Sun Group, Vingroup, FLC, BIM, Tuần Châu… cùng với đó là hiện diện của các tập đoàn lớn trên thế giới, như Wyndham, Starwood, ISC Corp, Amata, Nakheel, Hilton,.. Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp, tuy nhiên, Quảng Ninh vẫn được nhiều nhà đầu tư lớn nghiên cứu, bỏ vốn phát triển các dự án quy mô, như: Tập đoàn Thành Công, Tập đoàn Foxconn, Tập đoàn TCL, …

Ông Sudo Osamu, Giám đốc Kinh doanh cấp cao của Tập đoàn Amata tại Việt Nam cho biết: Tôi rất ấn tượng với sự phát triển của Quảng Ninh trong 5 năm trở lại đây, nhất là về hạ tầng giao thông với hàng loạt các tuyến đường cao tốc nối các khu kinh tế của Quảng Ninh và Hà Nội, Hải Phòng, từ đó tạo động lực để phát triển tam giác kinh tế miền Bắc. Cùng với đó là các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, ngôi vị quán quân PCI 3 năm liên tiếp chính là điều gây ấn tượng mạnh mẽ với các nhà đầu tư, từ đó giúp chúng tôi mạnh dạn đầu tư nhiều lĩnh vực ở Quảng Ninh. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, chính quyền địa phương và người dân tiếp tục đồng hành cùng Tập đoàn để chúng tôi sớm hoàn thiện việc đầu tư dự án khu công nghiệp tại TX Quảng Yên, từ đó tạo động lực và tiền đề để Tập đoàn phát triển các lĩnh vực khác tại Quảng Ninh, đặc biệt là những dự án về đô thị thông minh - chiến lược tương lai của chúng tôi.

Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là địa phương đầu tiên đến làm việc ngay sau khi đất nước thiết lập trạng thái bình thường mới do ảnh hưởng của dịch Covid-19, để lan toả thông điệp phát triển mạnh mẽ KT-XH, trong đó có hoạt động thu hút đầu tư. Tại buổi làm việc với tỉnh ngày 24/5/2020, Thủ tướng nhấn mạnh: Quảng Ninh đã tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng chuẩn mực quốc tế; thu hút và phát huy vai trò của các nhà đầu tư tư nhân như "sếu đầu đàn"; phát huy vai trò tính năng động, sáng tạo, quyết đoán của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân; chia sẻ thành quả về phát triển đến người dân theo những mục tiêu về phát triển môi trường bền vững.

Quảng Ninh đặt mục tiêu năm 2020, tiếp tục duy trì vị trí nhóm dẫn đầu cả nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện bền vững năng lực cạnh tranh PCI. Đối với 10 chỉ số thành phần, phấn đấu có 8 chỉ số trong top 5/63 tỉnh, thành phố; 2 chỉ số nằm trong top 10/63 tỉnh, thành phố… Đặc biệt, trong tầm nhìn dài hạn được đặt ra tại Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, về các chỉ tiêu chủ yếu của tỉnh, lần đầu tiên Quảng Ninh đưa ra nội dung: “Hằng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI)”. Qua đó, cho thấy quyết tâm đổi mới không ngừng của tỉnh. Đây chắc chắn là điểm tựa lớn đến doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm khi gắn bó với Quảng Ninh; cũng là động lực đưa kinh tế Quảng Ninh phát triển bền vững, bứt phá hơn.

Bài 7: Dùng ngân sách tỉnh đồng bộ hóa hệ thống giao thông kết nối vùng

Bài: Hồng Nhung

Trình bày: Tất Đạt

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu