4
18
/
1057811
Bài 6: Tăng quyền tự chủ, mở rộng xã hội hóa
longform
Bài 6: Tăng quyền tự chủ, mở rộng xã hội hóa

 

Trong những năm qua, Quảng Ninh đã triển khai quyết liệt việc tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; thực hiện cơ chế phân cấp, mở rộng cơ chế tự chủ, quyền hạn đi đôi với trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tự chịu trách nhiệm về sử dụng tổ chức, bộ máy, kinh phí hoạt động. Đây là hướng đi hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với chủ trương, đường lối mở cửa hội nhập của Đảng và Nhà nước ta, góp phần tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Là tỉnh có nhiều đổi mới và thu được nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên thực tiễn phát triển của Quảng Ninh cho thấy những tồn tại, hạn chế trong việc sắp xếp tổ chức, bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị. Đó là chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ giữa một số cơ quan tham mưu giúp việc khối Đảng và cơ quan chuyên môn khối Chính quyền; tổ chức đảng có mặt còn chưa gắn với bộ máy cơ quan chuyên môn của chính quyền làm giảm vai trò và hiệu quả lãnh đạo; tổ chức bộ máy với những quy định cứng nhắc về chức năng, nhiệm vụ, tạo ra nhiều khâu trung gian trong quá trình đưa nghị quyết cấp uỷ vào thực tiễn; thiếu các cơ chế mở rộng dân chủ trực tiếp trong phát hiện, lựa chọn, giới thiệu cán bộ và giám sát quy trình thực hiện...

Xuất phát từ những hạn chế, bất cập trong hoạt động bộ máy Nhà nước nói trên, Quảng Ninh đã quyết tâm tiên phong thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối. Đồng thời đổi mới về cơ chế tài chính, chuyển đổi mô hình hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, mở rộng xã hội hóa về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính tại các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh.

Ngay từ cuối năm 2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ra Nghị quyết số 10 về “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản bộ máy, biên chế”; đầu năm 2014 triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25); năm 2015 ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”… Đặc biệt, Đề án 25 của tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là một sáng kiến chính trị hành chính có tính đột phá.

Trong Đề án 25, tỉnh xác định đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản tổ chức, biên chế với phương châm: Một đơn vị thực hiện nhiều chức năng, một người làm nhiều nhiệm vụ; một chức năng, nhiệm vụ chỉ có một đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm đến cùng; trên cùng một địa bàn, với cùng một nhóm nhiệm vụ chỉ có một đơn vị thực hiện, đặc biệt những chức năng, nhiệm vụ nào có thể tích hợp thì đổi mới tổ chức. Trong Đề án, tỉnh đã đưa ra các giải pháp đồng bộ về cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức, bộ máy đảm bảo tinh gọn; nâng cao năng suất lao động khu vực công; đồng thời cải thiện chất lượng phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân của bộ máy hành chính nhà nước các cấp; đẩy mạnh mô hình hợp tác công - tư (PPP), khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong cung cấp dịch vụ công...

Đặc biệt sau khi có Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” (ngày 25/10/2017) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình 21-CT/TU với yêu cầu cao hơn, toàn diện và đồng bộ hơn nhằm thực hiện các nghị quyết này. Trong đó, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp, mang lại hiệu quả. Trong đó, xác định rõ các nhiệm vụ sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm giảm mạnh đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, xác định chỉ tiêu giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập cho từng năm theo nguyên tắc: Một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại; cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập; đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học)…

Thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu bình quân 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015; đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021 và đến năm 2030 chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu.

Đồng thời, tỉnh đã chỉ đạo 100% sở, ban, ngành, địa phương rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, bố trí biên chế hợp lý và chấp hành nghiêm túc kỷ cương công vụ, công chức. Nhờ đó, số lượng các đơn vị sự nghiệp của tỉnh tiếp tục được sắp xếp, giảm theo chiều sâu, trên tinh thần đảm bảo tinh gọn, có cơ cấu hợp lý. Đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển 6 đơn vị sự nghiệp công lập của Quảng Ninh thành công ty cổ phần, trong đó Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc không nắm giữ cổ phần, thực hiện trong giai đoạn 2019-2020, gồm: Viện Quy hoạch và Thiết kế xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng; Trung tâm Tư vấn kỹ thuật và Giám sát công trình xây dựng trực thuộc Sở Giao thông-Vận tải; Ban Quản lý chợ Cái Rồng thuộc UBND huyện Vân Đồn; Ban Quản lý chợ Móng Cái thuộc UBND TP Móng Cái; Chợ Hạ Long I thuộc UBND TP Hạ Long; Trung tâm Quy hoạch và Thiết kế kiến trúc thuộc UBND TP Hạ Long.

Việc đổi mới, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập đã giúp tỉnh và các địa phương giảm đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị. Đến năm 2020, khối quản lý nhà nước đã thực hiện giảm 27 phòng, 3 chi cục thuộc cơ quan, tổ chức hành chính cấp tỉnh, 80 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, 44 phòng thuộc chi cục, ban và 44 phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.

Thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từng bước phân công theo vị trí việc làm; thái độ, tác phong làm việc chuyên nghiệp, trình độ nghiệp vụ ngày càng được nâng lên, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Toàn tỉnh đã giảm 814 biên chế công chức, 1.965 người làm việc so với năm 2015 (7,34%), đến hết 2020, giảm 10% so với năm 2015 theo đúng lộ trình. Đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp được tăng cường cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu; có sự trưởng thành về mọi mặt, đủ nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu chuyển tiếp các thế hệ cán bộ, bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo; đồng thời chuẩn bị nguồn cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia vị trí lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương khi có yêu cầu.

Cùng với việc sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy, Quảng Ninh cũng đổi mới cơ chế, chuyển đổi mô hình hoạt động đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm, mở rộng xã hội hóa. Tỉnh xác định đẩy mạnh tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập là hướng đi tốt, là “chìa khóa” giúp giảm số lượng biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách. Đồng thời, việc tự chủ cũng giúp cho các trường học, bệnh viện, cơ sở nghiên cứu khoa học... chủ động thậm chí tăng cường tuyển dụng cũng như đãi ngộ người lao động. Điều này là tiên quyết giúp bảo đảm và nâng cao hơn nữa việc cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quyền được học một cách thuận lợi cho trẻ em, quyền được khám, chữa bệnh của người dân cũng như nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học.

Tỉnh đã tổ chức rà soát, đánh giá kết quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập để phân loại, tiến hành giao quyền tự chủ chặt chẽ, đi đôi với nâng mức tự chủ chi thường xuyên theo lộ trình. Đối với ngành Y tế, số lượng các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên ngày càng tăng. Năm 2016 có 3 đơn vị; năm 2018 có 7 đơn vị; năm 2019 có 9 đơn vị tự chủ 100% chi thường xuyên (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi, Đa khoa khu vực Cẩm Phả, Phục hồi chức năng, TTYT TP Móng Cái, Trung tâm Giám định Y khoa, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế, Ban Quản lý Dự án các công trình y tế) chiếm 30% đơn vị sự nghiệp y tế; tổng số đơn vị tự chủ từ 10 - 70% gồm 19 đơn vị, chiếm 63% đơn vị y tế sự nghiệp; chỉ còn 2 đơn vị ngân sách đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong 9 đơn vị tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên của ngành Y tế, được đánh giá có sự phát triển mạnh mẽ, thực hiện thành công nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu. Bác sĩ Trịnh Văn Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Trong cơ chế tự chủ tài chính, các bệnh viện công không còn được Nhà nước bao cấp mà phải tự chủ về tài chính cũng như tự tổ chức sắp xếp lại bộ máy sao cho hiệu quả và phải hoàn thành chỉ tiêu do Nhà nước đề ra. Do đó, chúng tôi xác định tập thể lãnh đạo quản lý phải chủ động, sáng tạo, quyết tâm. Mặc khác, phải thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch các hoạt động. Cùng với đó, Bệnh viện cũng luôn quan tâm nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của y, bác sĩ, nhân viên y tế, coi người bệnh là khách hàng của mình. Đồng thời nâng cao chất lượng chuyên môn bằng việc đầu tư thêm trang thiết bị, cử cán bộ đi đào tạo nâng cao tay nghề, từng bước làm chủ các kỹ thuật mới, chuyên sâu, hiện đại, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân. Qua đó, Bệnh viện đã thu hút trên 1.000 lượt người đến khám, chữa bệnh mỗi ngày; tỷ lệ chuyển tuyến chỉ còn khoảng 1%, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Cùng các đơn vị ngành Y tế, hiện toàn tỉnh có 142 đơn vị, trong đó 85 đơn vị tự chủ 100%, 57 đơn vị tự chủ từ 10% đến 90%, tăng 39 đơn vị so với trước khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW. Tổng kinh phí tiết kiệm do giao tự chủ là 38,3 tỷ đồng. Đặc biệt là qua tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp sau khi được phê duyệt, tự tính toán số người làm việc theo quy định, được tuyển chọn nhân sự và hợp đồng lao động trên cơ sở bảo đảm định biên hiện có và một số vị trí việc làm phát sinh để đơn vị hoạt động. Qua đây, các đơn vị đã chủ động sử dụng kinh phí ngân sách giao hiệu quả hơn để thực hiện nhiệm vụ; đồng thời chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện tăng nguồn thu. Do kinh phí giao tự chủ cuối năm còn dư được chuyển sang năm sau sử dụng nên đã không còn tình trạng “chạy” kinh phí còn dư để chi tiêu cho hết. Ngoài ra, các đơn vị cũng đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để tăng cường công tác quản lý trong nội bộ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển hoạt động sự nghiệp, khai thác nguồn thu, tăng thu, tiết kiệm chi, chống lãng phí... Từ đó tăng chất lượng công tác chuyên môn, có kinh phí tiết kiệm để tăng thu nhập cho người lao động.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng mạnh dạn đẩy mạnh xã hội hóa nhằm giảm ngân sách nhà nước. Ðối với công tác xã hội hóa giáo dục, theo bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở GD&ÐT Quảng Ninh, những năm qua, Sở đã phối hợp với Hội Khuyến học, các sở, ban, ngành và các địa phương triển khai có hiệu quả các mục tiêu của xây dựng xã hội học tập. Ðến nay, 100% phường, xã có trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể và các tổ chức kinh tế tại tỉnh rất tích cực đóng góp các loại quỹ, học bổng góp phần quan trọng trong xã hội hóa giáo dục. Sự phát triển mạnh và ngày càng mở rộng của mạng lưới trường ngoài công lập là một minh chứng sống động thể hiện nỗ lực của xã hội chăm lo cho công tác giáo dục.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Ðóng góp lớn nhất của khối trường ngoài công lập là góp phần tích cực trong việc tạo ra nhiều chỗ học tập, bảo đảm cơ hội học tập cho học sinh, từ đó góp phần nâng cao dân trí của người dân và làm giảm đáng kể sức ép về ngân sách cho giáo dục.

Tỉnh tiếp tục đi đầu thực hiện thành công trong việc huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, trở thành giải pháp đột phá phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, dịch vụ, du lịch. Là địa phương duy nhất trong cả nước huy động tư nhân đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, đường cao tốc thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế...

Quảng Ninh đã thực hiện chuyển cơ chế cấp phát theo định mức sang thực hiện phương thức “đặt hàng”, “mua hàng”, từ đó đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, khoa học, lao động, du lịch, giao thông, nông nghiệp, văn hóa, công thương theo Nghị định số 130/2013/NĐ-CP, ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg, ngày 14/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP, ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Việc giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ góp phần sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả tài sản, cơ sở vật chất do nhà nước đã đầu tư. Đồng thời phát huy năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại các đơn vị thuộc khối nhà nước, tạo tiền đề cho việc đổi mới phương thức giao dự toán từ hình thức giao theo biên chế sang hình thức giao dự toán theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, sản phẩm “đầu ra”.

Từ việc đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực lãnh đạo; cùng với việc quyết liệt đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng được bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả và đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đã trở thành một trong những động lực quan trọng giúp Quảng Ninh đạt được những kết quả toàn diện, nổi bật trên các lĩnh vực, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao, ổn định, bình quân 5 năm đạt 10,7%; thu ngân sách trên địa bàn luôn đứng trong nhóm đầu các tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước; kết cấu hạ tầng chiến lược có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện vượt bậc; cải cách hành chính chuyển biến mạnh mẽ, thực chất. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2020 ước đạt trên 6.700 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều chỉ còn 0,36%. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng được nâng lên từ 73,3% năm 2016 lên 79% năm 2017, 85,1% năm 2018 và 96,1% năm 2019. Đó là những minh chứng sống động cho tính đúng đắn và hiệu quả của việc thực hiện Đề án 25, Nghị quyết 19-NQ/TU của Tỉnh ủy gắn với Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII).

Bài 7: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ

Bài: Nguyễn Hoa

Trình bày: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu