Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 11:21 (GMT +7)
Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững - Bài 2: Chế tài đã mạnh, nhưng vi phạm vẫn nhiều
Thứ 3, 15/08/2017 | 06:33:08 [GMT +7] A A
Nghị định số 103/2013/NĐ-CP quy định mức phạt trong vi phạm khai thác thuỷ sản tối đa đến 100 triệu đồng. Các vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự. Đây có thể nói là chế tài xử lý mạnh tay, đủ sức răn đe, nhưng lạ là tình hình vi phạm vẫn “nóng”. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này.
TẬP QUÁN KHAI THÁC VEN BỜ
Hoạt động khai thác thuỷ sản ở Quảng Ninh đã có từ lâu đời, chủ yếu là khai thác gần bờ. Theo Cục Thống kê tỉnh, hiện toàn tỉnh có gần 7.500 tàu khai thác thuỷ sản; trong đó: Trên 6.900 tàu khai thác gần bờ (công suất dưới 90CV), trong số này có trên 5.000 tàu công suất dưới 20CV, chỉ khai thác được những vùng ven biển; chỉ có 630 tàu đánh bắt xa bờ (công suất từ 90CV trở lên, chiếm 8,4%), đủ sức khai thác ở các ngư trường lớn. Tổng số 57.000 lao động làm nghề khai thác thuỷ sản; trong đó có đến 54.500 người khai thác ven bờ, 3.500 lao động khai thác xa bờ (6,1%). Chỉ nhìn vào số lượng ngư dân, số lượng tàu khai thác ven bờ đủ thấy mật độ khai thác quá dày và tạo ra áp lực đè nặng lên vùng biển, đặc biệt là vùng biển gần bờ. Trong các nghề khai thác ven bờ truyền thống của ngư dân có nhiều nghề khai thác ít chọn lọc, như giã tôm, te xiệp, vó, chụp kết hợp với ánh sáng, lưới rê, câu, đăng, đáy, chắn đọn, cào hà, cào sò, nghêu, đặt lồng bẫy..., với sản lượng phần lớn là thuỷ sản còn non, đã ảnh hưởng xấu đến môi trường, nguồn lợi thuỷ sản. Nhiều ngư dân dù biết các nghề khai thác trên tác động xấu đến môi trường chung, thậm chí vi phạm pháp luật, nhưng lấy lý do vì mưu sinh vẫn cố tình làm. Thống kê sản lượng khai thác thuỷ sản từ những nghề kể trên trong những năm gần đây dao động khoảng 10.000 tấn/năm, vượt quá sản lượng cho phép khai thác, đe doạ nghiêm trọng khả năng tái tạo nguồn lợi thuỷ sản.
Lực lượng chức năng Sở NN&PTNT xử lý một vụ sử dụng lồng bát quái để khai thác thủy sản tại vùng biển huyện Vân Đồn, ngày 11-8-2017. Ảnh: Việt Hoa |
Nhận thức rõ thực trạng này, những năm gần đây, tỉnh, ngành NN&PTNT đã triển khai một số giải pháp chuyển đổi nghề cho ngư dân, khuyến khích ngư dân nâng cấp tàu khai thác gần bờ thành tàu đánh bắt xa bờ... để giảm tải cho vùng biển gần bờ, nhưng kết quả chưa được như mong đợi. Từ năm 2014 tỉnh đã triển khai chính sách đưa ngư dân vùng Vịnh Hạ Long tái định cư trên đất liền, song đến nay nhiều ngư dân lại tìm về với nghề khai thác ven bờ Vịnh.
CẦN SỰ QUYẾT LIỆT CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG
Năm 2015, Chi cục Thuỷ sản (Sở NN&PTNT) triển khai mô hình vận động ngư dân các huyện Vân Đồn, Đầm Hà từ khai thác chuyển sang nuôi trồng, tuy nhiên kết quả chỉ được 3 hộ dân. Bên cạnh đó, những ngư dân muốn nâng cấp tàu thuyền để khai thác xa hơn thì gặp khó, bởi hiện không có chính sách hỗ trợ nâng cấp, đóng mới các tàu từ 50-90CV.
Hiện việc chuyển đổi nghề cho ngư dân chưa đạt kết quả như mục tiêu đề ra. Trong ảnh: Thu hoạch tôm nuôi ở hộ ông Bùi Văn Liêm (phường Hải Hòa, TP Móng Cái). |
Nhìn vào con số thống kê kết quả xử lý vi phạm trong khai thác thuỷ sản từ năm 2015 đến nay của tỉnh cho thấy đóng góp của các địa phương rất thấp; trong khi đó theo phân cấp, các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm chính đối với hoạt động của các tàu khai thác ven bờ, có công suất dưới 20CV. Cũng theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, các đơn vị cấp tỉnh tổ chức được 243 buổi tập huấn, hội thảo, tiếp xúc phổ biến cho 24.749 lượt người, thì cấp huyện mới tổ chức trên 70 lớp tập huấn, tiếp xúc phổ biến cho 2.000 lượt người, ký cam kết với 556 ngư dân. Từ năm 2013, Chi cục Thuỷ sản đã triển khai rất thành công Đề án cộng tác viên, với kết quả xây dựng được hệ thống 8 chi hội cộng tác viên với 86 cộng tác viên ở 8 huyện, thị xã trọng điểm về thuỷ sản; đội ngũ này thường xuyên cung cấp thông tin quý về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Nhưng từ năm 2014 đến nay, khi kết thúc Đề án và chuyển giao về cho địa phương, thì hệ thống cộng tác viên không được phát huy; hiện chỉ còn huyện Đầm Hà duy trì mô hình, nhưng cũng hoạt động cầm chừng vì không có kinh phí.
Thực hiện quy định phân cấp của tỉnh trong việc đăng ký, đăng kiểm, cấp mới, cấp đổi giấy phép khai thác thuỷ sản, với rất nhiều nỗ lực, trong 5 năm qua, các địa phương đã cấp mới, cấp đổi giấy phép khai thác cho khoảng 4.000 lượt tàu công suất dưới 20CV, chiếm gần 40% tổng số tàu quản lý. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đảm bảo mục tiêu đề ra. Nguyên nhân do ngư dân đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu tại các cơ sở không nằm trong danh sách công bố của UBND tỉnh, nên dễ dàng sử dụng giấy tờ đăng ký của tàu cá cũ đã đăng ký trước đây để hoạt động. Đối với mục tiêu giảm tàu công suất dưới 20CV, từ năm 2010 đến nay mặc dù các địa phương thực hiện khá tốt, đến thời điểm này giảm được từ 30-75% so với tổng số tàu năm 2010, song vẫn còn tới trên 5.000 tàu đang hoạt động. TX Quảng Yên là địa phương giảm nhiều nhất số tàu công suất dưới 20CV (2.749 tàu, chiếm 75%), nhưng đến thời điểm này vẫn là địa phương còn nhiều nhất tàu công suất dưới 20CV hoạt động (1.525 tàu).
Việc hầu hết các địa phương chưa quyết liệt vào cuộc quản lý, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thời gian qua có nhiều nguyên nhân; trong đó có lý do được coi là quan trọng nhất là không có cán bộ chuyên trách nhiệm vụ quản lý nguồn lợi, phải thực hiện kiêm nhiệm. Hiện mỗi đơn vị chỉ có từ 1-2 người, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế. Bên cạnh đó, là do số lượng tàu cá nhiều, hoạt động theo mùa vụ và phân tán rải rác ở nhiều nơi; kinh phí cấp cho công tác kiểm tra, thanh tra trên biển quá ít... Thực tế trong các kế hoạch về quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi của các địa phương ban hành thời gian qua đều chưa có phần kinh phí thực hiện. Thiết nghĩ, không vì những khó khăn ấy mà các địa phương không làm hết trách nhiệm, nhất là trong tình hình hiện nay, việc quản lý khối tàu cá công suất nhỏ, khai thác ven bờ đều đã được phân cấp rất cụ thể cho các địa phương.
Việt Hoa
Bài 3: Quyết tâm tái tạo nguồn lợi thuỷ sản
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()