Học hết trung học phổ thông, đại học, những người trẻ này không chọn con đường ly hương để “bay cao, vươn xa” mà trở về quê hương làm công việc mà nhiều người thường ví là “vác tù và hàng tổng”. Những Bí thư Chi bộ đồng thời Trưởng thôn ở tuổi 9X mà chúng tôi gặp có một điểm chung: Nhiệt huyết, cống hiến, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm và được Đảng tin, dân quý.
Tốt nghiệp ngành Công tác xã hội, Đại học Lao động và Xã hội, Lê Văn Nhất làm việc cho một trung tâm công tác xã hội ở Hà Nội với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. “Em đang làm việc ở Hà Nội thì bố bị bệnh. Em trở về chăm sóc bố, đồng thời được bà con trong thôn bầu làm Trưởng thôn. Vậy là năm 2014, khi 26 tuổi, em làm Trưởng thôn 2, xã Tiền Phong” - Lê Văn Nhất kể với tôi.
Không chỉ làm Trưởng thôn, Lê Văn Nhất còn kiêm cả Bí thư Chi đoàn thôn. Đến năm 2017, thực hiện Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Lê Văn Nhất được bầu là Bí thư Chi bộ đồng thời Trưởng thôn 2. Khi ấy, Nhất 29 tuổi, là một trong những cán bộ thôn trẻ nhất tỉnh. Đến nay, không chỉ giữ vai trò “đứng mũi chịu sào” ở thôn, Nhất còn giữ nhiều nhiệm vụ khác ở xã: Bí thư Đoàn Thanh niên xã; Chủ tịch Hội LHTN xã; Chủ tịch Hội đồng Đội xã nhiệm kỳ 2017-2022; Trưởng Ban Kinh tế HĐND xã; kiêm cả làm Tổ trưởng Tổ vay vốn, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn 2; phụ trách công tác dân số, chữ thập đỏ ở thôn 2.
“Làm cán bộ thôn không gần dân, không sát dân thì không làm được. Tuy là cán bộ Đoàn xã nhưng hầu như em không làm việc ở UBND xã, phần lớn thời gian em đều về các thôn, xóm, đến nhà các hộ dân, gặp gỡ các đoàn viên, thanh niên... làm công tác vận động, tuyên truyền...”, Nhất chia sẻ.
Tiền Phong là xã cách xa trung tâm Quảng Yên, đời sống người dân còn nhiều khó khăn; suy nghĩ, hành động của nhân dân đôi khi chưa tiến bộ. Nhất cho biết: Giống như nhiều vùng nông thôn khác, bà con thôn em vẫn giữ những nếp sống cũ. Đó là những nét đẹp văn hóa nhưng chứa đựng không ít phong tục tập quán lạc hậu, như: Tang ma, cưới hỏi rườm rà, lãng phí, ăn uống vài ngày với hàng trăm mâm cỗ, nhạc mở thâu đêm; vệ sinh môi trường chưa đảm bảo; ít đầu tư cho con cái học hành... Để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nếp sống mới không chỉ ngày một, ngày hai, mà phải lâu dài, bền bỉ, lồng ghép vào các cuộc họp thôn; phải tuyên truyền đúng đối tượng “đích” là người có tiếng nói trong nhà; đặc biệt là phải nói đi cùng với làm, mình làm trước thì bà con mới nghe theo...
Một mình giữ nhiều vai, Nhất khéo léo lồng ghép các Nghị quyết, chương trình hành động vào tất cả các hoạt động của thôn. Gần dân, sát dân, việc nào khó Nhất đứng ra nhận làm và chịu trách nhiệm. Sức trẻ, nhiệt tình, lăn xả, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, Nhất đã nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của các đảng viên và nhân dân. Từ đó, chương trình, hoạt động gì thôn đề ra đều được bà con hưởng ứng, thực hiện. Điển hình như: hiến đất làm đường nội đồng; tự giác đóng các loại thuế, phí; tích cực đầu tư cho con cái học hành; đám cưới, đám ma đã giản tiện, văn minh; vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm đã sạch hơn xưa rất nhiều. Đặc biệt, năm 2019, thôn 2 không còn hộ nghèo, chỉ còn 11/106 hộ cận nghèo; thôn cũng hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Mang vẻ đẹp đặc trưng của vùng nông thôn với lũy tre làng xanh ngắt, con đường bê tông dẫn vào thôn Đông Hà, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà, rợp màu hoa chiều tím. Theo chị Đào Thu Trang, Bí thư Chi bộ đồng thời Trưởng thôn Đông Hà, đi thăm thôn, đến đâu chúng tôi cũng thấy những nụ cười rạng rỡ, người dân ở đây gắn bó thân tình với nhau như một gia đình.
Hôm nay, thôn Đông Hà có buổi dọn vệ sinh tổng hợp. Không chỉ tổ chức vào chủ nhật, phong trào “Ngày chủ nhật xanh” ở đây đã trở thành “Mọi ngày đều xanh”. Chỉ cần thấy con đường bẩn, cỏ mọc rậm rạp, mọi người sẽ thu xếp công việc, tập trung nhau lại để dọn dẹp. Vụ mùa vừa kết thúc, người dân đang trong giai đoạn nông nhàn nên tập hợp từ sớm, cùng nhau quét dọn đường. Chị Trang hỏi thăm từng người, từ chuyện học hành của con trẻ đến chuyện làm ăn, phát triển đàn ngan, vườn táo... Cả con đường rộn rã tiếng cười nói, chẳng mấy chốc đã gọn gàng, sạch sẽ.
Nhìn cách mọi người trò chuyện với chị Trang, tôi hiểu người dân nơi đây tín nhiệm và tin yêu Bí thư Chi bộ đồng thời Trưởng thôn của mình như thế nào. Nhiệm kỳ của chị bắt đầu từ tháng 6/2015. Sinh năm 1991, chị Trang là một trong những Bí thư Chi bộ đồng thời Trưởng thôn 9X trẻ nhất thời điểm nhận nhiệm vụ.
“Nụ cười rạng rỡ trên môi là chiếc chìa khóa mở cửa tâm hồn” - chị Trang tâm niệm. Nhưng không chỉ có nụ cười, để trở thành người được “Dân quý, Đảng tin”, nhiệm kỳ của chị Trang còn có những giọt nước mắt. Đó là những ngày đầu tiên đảm nhiệm “hai vai” vừa là Bí thư Chi bộ vừa là Trưởng thôn , chị Trang luôn trăn trở trước nguyện vọng của người dân nơi đây về một đường điện lưới ổn định.
Chị kể, thôn Đông Hà có 116 hộ và gần 440 nhân khẩu. Trong thôn có hơn 40 hộ dân nằm ở cuối đường điện, nhiều năm chung nhau 1 công tơ. Mùa hè, quạt còn chẳng thể quay nổi vì điện yếu. Cuộc sống người dân đã nghèo, nay còn khổ hơn. Vừa nhận chức, khi ấy mới 24 tuổi, lần đầu tiên chị Trang lên huyện họp, không tránh khỏi bỡ ngỡ. Nhưng khi được đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Huyện ủy, chủ trì cuộc họp khuyến khích các bí thư, trưởng thôn chia sẻ khó khăn của cơ sở, chị mạnh dạn đứng lên phát biểu. Càng nói, càng thấy thương người dân, chị òa khóc nức nở. Đó cũng là khi chị nhận ra sức nặng của trọng trách mình đang mang trên vai, đó là trách nhiệm với quyền lợi của người dân ở đây, trách nhiệm mang đến cuộc sống sung túc hơn cho thôn Đông Hà bằng tiếng nói và sự nỗ lực của chính mình.
Cuối cùng, sự nỗ lực của chị đã được đền đáp. Cuối năm 2017, điện lưới đã đến với những hộ dân nơi đây. Không niềm vui nào kể xiết. Điện về nghĩa là văn minh, là tiên tiến, là một bước tiến để đói nghèo sẽ lùi lại phía sau. Người dân mạnh dạn làm ăn, chăn nuôi, trồng trọt bớt vất vả, cuộc sống bớt khó hơn. Cũng từ đó, họ có thêm một chỗ dựa mới, có thêm sự tin yêu dành cho người Bí thư Chi bộ đồng thời Trưởng thôn “đứng mũi chịu sào”. Tuổi trẻ, dù kinh nghiệm chưa nhiều nhưng ý chí và khát vọng mạnh mẽ của chị Trang đã kết nối người dân trong thôn. Từ “công trình đầu tiên”, chị Trang mạnh dạn kêu gọi người dân đồng lòng, cùng làm nên những “công trình mới”. Đó là đèn điện chiếu sáng con đường dài gần 2km giúp người dân đi lại dễ dàng, là cổng thôn khang trang, là những mô hình nuôi ngan, trồng táo nâng cao thu nhập, là các phong trào văn hóa, giữ vệ sinh môi trường đã đi vào cuộc sống. Nhờ vậy, cuộc sống người dân thôn Đông Hà đã ổn định, kinh tế khấm khá đẩy lùi cái nghèo, nếp sống văn minh bỏ lại phong tục, tập quán lạc hậu… Nhiệm kỳ của chị Trang gói gọn trong câu nói chị tâm sự “Cười cùng người dân, khóc cùng người dân”.
Anh Triệu Công Quân, sinh năm 1992, được nhân dân thôn Tân Lập, xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ, bầu làm Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng thôn cuối năm 2018. Một năm qua, sự xông xáo, nhiệt tình, trách nhiệm của anh Quân đã khiến người dân trong thôn rất ấn tượng và ngày càng tin tưởng vào người cán bộ trẻ.
Là sinh viên Khoa Luật kinh tế, Đại học Mở, anh Quân không chọn ở lại thủ đô làm việc mà trở về quê hương. Lựa chọn này tưởng như đơn giản nhưng lại vô cùng khó khăn với Quân. “22 tuổi là quãng thời gian người ta đứng giữa nhiều ngã rẽ. Nếu ở lại thành phố, tôi sẽ có nhiều cơ hội để phát triển ngành nghề đã học, còn trở về nhà cũng là điều tôi suy nghĩ và trăn trở rất nhiều. Cuối cùng tôi quyết định trở về, mong muốn góp sức mình xây dựng quê hương” - Quân chia sẻ.
Thời điểm làm việc ở xã, anh Quân đảm nhiệm vai trò Phó Bí thư Đoàn thanh niên xã. Tham gia tích cực ở mảng thanh niên, sự nhanh nhạy, hoạt bát giúp anh nhận được sự tín nhiệm của lãnh đạo. Đến cuối tháng 12/2018, anh Quân trở thành một trong những Bí thư chi bộ đồng thời Trưởng thôn trẻ nhất của xã và huyện. Dù Tân Lập là thôn trung tâm của xã Tân Dân, có 91 hộ, 341 khẩu, dân tộc Dao chiếm 70,32%, đời sống của người dân đã bớt khó khăn nhưng công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” vẫn chiếm gần hết thời gian của anh. Những chuyện mà anh Quân bộc bạch với chúng tôi cũng chỉ xoay quanh 4 chữ “trách nhiệm với dân”, “Không để người dân nào bị bỏ lại phía sau”.
Những ngày đầu mới đảm nhận chức vụ là thời kỳ khó khăn nhất đối với anh Quân, trong đó có nhiệm vụ giải phóng mặt bằng. “Việc giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà văn hóa và trạm y tế xã ảnh hưởng đến một số hộ dân. Mình còn trẻ, để nói cho những người lớn tuổi, các bậc cao niên nghe không phải dễ. Chúng tôi phải liên tục đến vận động, có gia đình còn kiên quyết đóng cửa không cho cán bộ vào. Sau 2 tháng đến giải thích, tuyên truyền, các hộ dân này đã tự nguyện chuyển đến chỗ tái định cư” - Anh Quân chia sẻ. Nhờ những kiến thức về luật được trang bị thời đại học đã giúp anh tuyên truyền, giải thích tường tận cho người dân. Nhiều người có thắc mắc về pháp luật đều được anh tư vấn nhiệt tình.
Bên cạnh đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, anh luôn nỗ lực học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước; lên kế hoạch, phân công cụ thể cho từng đoàn thể của thôn. Bản thân phải luôn gương mẫu để người dân trong thôn làm theo. Đồng thời, gần gũi với dân, sử dụng tiếng Dao để vận động, tuyên truyền, không chỉ trong các cuộc họp mà khéo léo lồng ghép trong cuộc sống thường ngày.
Nở nụ cười thân thiện, anh Quân kể với tôi: Vừa làm cán bộ Đoàn, vừa đảm nhiệm trọng trách hai vai cũng có cái hay. Vì mình không chỉ kêu gọi được sức mạnh của thanh niên mà còn huy động được nhân dân. Nhưng quan trọng nhất vẫn phải hiểu, lắng nghe người dân. Anh Quân dẫn một ý mà anh tâm đắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.
Bằng sức trẻ, sự kiên trì, quyết tâm của anh Quân, sự hỗ trợ của các đồng chí cán bộ và sự đồng lòng của người dân, phong trào xây dựng NTM của địa phương dần đi vào thực chất. Thôn Tân Lập thường xuyên duy trì từ 700-1.200 con gia cầm; 50 đàn ong; một số hộ thực hiện các mô hình phát triển sản xuất như trồng sachi, bưởi, cam... đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt khoảng 36,4 triệu đồng/người/năm. Đời sống tinh thần, vật chất của người dân trong thôn được nâng lên. Nhờ vậy, đến năm 2019 thôn cơ bản đã đạt các tiêu chí về NTM, góp phần đưa xã Tân Dân đạt xã NTM năm 2019. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của thủ lĩnh trẻ Triệu Công Quân.
Nếu như 5, 10 năm trước, Bí thư Chi bộ đồng thời Trưởng thôn, khu phố ở Quảng Ninh đa phần là những người có tuổi, những người uy tín, bậc lão niên trong thôn, bản thì những năm gầy đây, Quảng Ninh xuất hiện ngày càng nhiều cán bộ thôn thế hệ 8X, 9X. Đây là kết quả minh chứng cho thành công của Chỉ thị số 12-CT/TU về “Thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố, nhiệm kỳ 2017-2020” mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành ngày 28/12/2016.
Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, Quảng Ninh thực hiện quy trình Đảng giới thiệu nhân sự để nhân dân lựa chọn, bầu vào các chức danh trưởng thôn. Sau đó cấp ủy mới giới thiệu để bầu các chức danh trong Chi bộ theo phương châm “dân tin, Đảng mới cử”. Theo đó, cấp uỷ các cấp đã rà soát, đánh giá thực trạng trình độ, năng lực, uy tín của đội ngũ cán bộ hiện đang đảm nhiệm các chức danh ở thôn và đội ngũ đảng viên trong Chi bộ để lựa chọn nhân sự, trong đó có những tiêu chuẩn cụ thể là người đảm nhận vị trí Bí thư Chi bộ đồng thời Trưởng thôn phải có phẩm chất, năng lực toàn diện, vừa có khả năng lãnh đạo, tập hợp quần chúng, đồng thời phải là người có thể triển khai thực hiện đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống. Từ đó, ở rất nhiều thôn, khu, xuất hiện những cá nhân tuổi đời còn rất trẻ nhưng có thể đảm đương được nhiệm vụ làm đầu mối cuối cùng để truyền tải chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, địa phương đến nhân dân. Với kiến thức, bản lĩnh và tinh thần nhiệt huyết “dám nghĩ, dám làm” của tuổi trẻ, những Bí thư Chi bộ đồng thời Trưởng thôn tuổi 30 đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, thực sự là những “ngọn đuốc” thắp sáng các miền quê.
Hoàng Quý - Hoàng Quỳnh
Trình bày: Hải Anh
Ý kiến ()