4
18
/
1041141
Bình Liêu mùa "lúa hát"
longform
Bình Liêu mùa "lúa hát"

 

Ở huyện vùng cao Bình Liêu, nhiều thế hệ người dân vẫn trồng lúa nước để chủ động nguồn lương thực, phục vụ chăn nuôi... Mùa nối mùa, vụ nối vụ, công việc đồng áng của đồng bào các dân tộc nơi đây đang có những đổi mới trong xu hướng phát triển chung của đời sống xã hội.

Những ngày đầu tháng 10 này ở thôn Ngàn Pạt, xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu), thời tiết sáng sớm thường có sương mù, se lạnh, về trưa mới dần hửng nắng hanh vàng. Đã thành thói quen, chị Nình Móc Sòi dậy từ tờ mờ sáng, hoàn thành toàn bộ công việc gia đình rồi hăm hở tay cuốc, tay liềm đi ra đồng.

Thửa ruộng bậc thang của gia đình chị nằm gần khu Nhà văn hóa mới xây của thôn, đi theo con đường bê tông trục chính, qua một đoạn dốc ngắn là đến. Màu áo xanh, váy đen truyền thống của dân tộc Sán Chỉ mà chị mặc nổi bật giữa sắc xanh vàng của những thửa ruộng gần đến mùa gặt. Chị Sòi thoăn thoắt nhổ đi những túm cỏ dại, rồi tỉ mẩn vạch từng khóm lúa kiểm tra đề phòng có dấu hiệu sâu bệnh.

Nghe thấy lời chào của chúng tôi, chị Sòi chậm nhịp tay làm, tâm sự: Những ngày này, thời gian ra đồng còn nhiều hơn ở nhà. Công việc thì kể không hết, nào là kiểm tra mỗi ngày để đảm bảo cho cây lúa được đủ nước, no phân; vừa kịp thời phát hiện và phòng trừ dịch bệnh. Rồi lại đến việc đuổi chim trời, chuột bọ cắn phá mùa màng, kết hợp phát quang bờ, vệ sinh đồng ruộng... Có thế thì lúa mới đạt được năng suất như mong đợi.

Thời điểm này lúa chưa chín, những thửa ruộng còn vắng người. Nhưng chỉ thêm vài tuần lễ nữa, toàn bộ những ruộng cao, ruộng thấp của xã Lục Hồn nói riêng, huyện Bình Liêu nói chung sẽ đồng loạt đổi màu, trở thành những thảm vàng rực rỡ màu lúa chín. Mùa gặt đến, công việc sẽ càng nhiều hơn. Lúc ấy, mỗi khoảng ruộng phải huy động 4-5 người cùng làm mới xuể. Các gia đình và họ hàng ở gần nhau sẽ cùng gặt lúa để thu hoạch nhanh, tránh mưa và cây lúa bị rụng hạt. Khung cảnh vô cùng rộn ràng.

Nâng niu một bông lúa nặng trĩu những hạt thóc căng tròn, chắc mẩy trong lòng bàn tay, chị Sòi không giấu nổi niềm phấn khởi được mùa, gia đình sẽ thêm một năm đủ đầy, no ấm. Những nông dân ở Bình Liêu như chị đã gắn bó với nghề trồng lúa nước qua nhiều thế hệ, trở thành nền nếp sinh hoạt của cả gia đình, thôn xóm. Nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống ngày càng phát triển cũng giúp chất lượng, năng suất canh tác lúa nước tăng lên đáng kể.

Trong đó, phải kể đến sự đồng hành sát sao của ngành Nông nghiệp từ huyện, đến xã. Đội ngũ cán bộ chuyên môn bám sát từng địa bàn dân cư, giúp bà con nắm chắc, vận dụng hiệu quả nhiều kiến thức canh tác phù hợp, giới thiệu những giống lúa năng suất cao cho người dân nhân rộng. Cơ sở hạ tầng giao thông, kênh mương dẫn nước tưới tiêu... được nâng cấp cũng giúp cho việc sản xuất thêm thuận lợi. Từ những thửa ruộng 2 vụ cấy/năm, lúa gạo không chỉ đủ ăn mà còn đưa đi bán, tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho các gia đình.

Ông Nguyễn Đăng Tiến, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Lục Hồn, cho biết: Kết quả sản xuất vụ mùa năm nay được các cơ quan chuyên môn đánh giá, nhận định là đạt năng suất cao. Tín hiệu vui về một vụ mùa bội thu đã hiện hữu trên khắp các thửa ruộng. Với người nông dân “một nắng hai sương”, đây là niềm khích lệ để họ gắn bó với đồng ruộng, góp phần cho sự phát triển bền vững chung của địa phương.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu, tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm 2020 của huyện gần 2.000ha, năng suất lúa trung bình 45 tạ/ha. Vụ xuân chủ yếu sản xuất các giống lúa Khang Dân, Việt Hương, thuần cao sản ĐT37, nếp ĐT52, lai Nhị ưu 838, Q5 SNC và một số ít loại lúa do người dân tự để giống, với diện tích gần 510ha toàn huyện. Vụ mùa, chủ yếu gieo trồng giống Bao thai lùn, Khang Dân, nếp ĐT52, Q5, diện tích gần 1.490ha. 9 tháng năm 2020, diện tích gieo trồng và sản lượng lúa đều vượt kế hoạch năm đề ra, tăng từ 1-4% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Lê Thu Hương, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu, cho biết: Từ năm 2017, Sở KH&CN phối hợp với Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh triển khai Dự án “Phục tráng giống lúa bao thai lùn trên địa bàn miền Đông tỉnh Quảng Ninh” tại các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà. Vẫn là loại lúa bao thai truyền thống được đồng bào dân tộc thiểu số trồng bao đời nay, nhưng giống mới được phục tráng nên có năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất cao hơn tối thiểu 10% so với giống cũ.

Từ hỗ trợ của tỉnh, huyện đã hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mở rộng diện tích, phát triển sản xuất lúa bao thai trở thành sản phẩm OCOP. Năm nay, giống lúa bao thai lùn được gieo trồng gần 80% diện tích vụ mùa toàn huyện.

Kết quả này là minh chứng cho nỗ lực đổi mới của nông dân Bình Liêu; thói quen canh tác manh mún, lạc hậu dần được xóa bỏ. Những năm gần đây, ý thức của bà con về sản xuất hữu cơ cũng được nâng lên, phân bón hóa học hạn chế, thay bằng bổ sung nguồn phân chuồng, phân vi sinh. Những thửa ruộng lúa nước luôn được mùa, đất đai thêm nhiều mùn, giàu dinh dưỡng, nỗi lo ô nhiễm môi trường sinh thái được giảm thiểu rõ rệt.

Riêng với những thửa ruộng bậc thang - đặc thù có tại các xã địa hình nhiều đồi núi như Lục Hồn, Đồng Văn, Đồng Tâm, Hoành Mô..., người nông dân đã có sự kết hợp hài hòa giữa các giải pháp khoa học với những kỹ thuật truyền thống. Cụ thể là lựa chọn giống lúa bền bỉ với đất đồi cao, chịu hạn tốt, thích ứng với thời tiết lạnh sương mù trên núi; tính toán thời điểm gieo cấy; kỹ thuật truyền thống về quản lý, sử dụng nước cho từng bậc ruộng, đảm bảo có đủ từ ruộng trên và ruộng dưới... mà nhiều thế hệ truyền lại đến ngày nay.

Lợi ích lớn từ các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững cũng đã tác động mạnh mẽ đến nghề trồng lúa nước của huyện. Đó là hệ thống hạ tầng giao thông, tưới tiêu, điện lưới được đầu tư, đã giúp sản xuất nông nghiệp ngày càng thuận lợi. Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế, đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất, cơ giới hóa vào các khâu canh tác, chăm sóc, nuôi trồng, thu hoạch, chế biến... được quan tâm đẩy mạnh.

Những thửa ruộng ở Bình Liêu hôm nay không chỉ thực hiện mỗi nhiệm vụ sản xuất lương thực, mà còn trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn riêng có của địa phương. Những đường cong quyến rũ từ ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp dần trở thành thương hiệu của Bình Liêu. Cùng với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, ở đó còn có cả văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc sinh sống nơi vùng cao, biên giới gắn với lao động, sản xuất; là tri thức dân gian, kinh nghiệm lao động được lưu truyền qua các thế hệ. Hàng nghìn du khách gần xa cũng vì thế mà say lòng, tìm đến để tham quan, trải nghiệm.

Anh Vi Ngọc Nhất, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, cho biết: Nhắc đến Bình Liêu là phải kể đến bề dày văn hoá truyền thống đa dạng, giàu bản sắc của các dân tộc anh em cùng chung sống từ nhiều đời; gồm 5 dân tộc chính là Tày, Dao Thanh Phán, Sán Chỉ, Kinh, Hoa. Các phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, các vũ điệu dân gian... những năm qua đều đã được quan tâm nghiên cứu, bảo tồn. Đây cũng chính là những giá trị, thế mạnh để huyện phát triển ngành du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, khám phá, trải nghiệm với không gian văn hóa rộng lớn và phong phú.

Những năm qua, công tác nâng cao nhận thức của người dân về phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao thu nhập, tận dụng lợi thế nguồn nhân lực tại chỗ... luôn được huyện chú trọng. Đặc biệt là phát triển sản phẩm du lịch theo nhóm khám phá bản sắc văn hóa dân tộc, các lễ hội ngày hội truyền thống, trải nghiệm hoạt động sinh hoạt văn hóa, lao động sản xuất cùng người dân địa phương; khuyến khích hình thành các cơ sở lưu trú, homestay để phục vụ nhu cầu du khách... Từ định hướng đó, huyện đang tích cực đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch qua các kênh thông tin đại chúng; mời gọi các doanh nghiêp, nhà đầu tư tham gia phát triển kinh tế du lịch tại địa phương.

Năm 2020, UBND huyện Bình Liêu sẽ lần đầu tiên tổ chức Hội Mùa vàng Bình Liêu, dự kiến vào tháng 11, khi bắt đầu vào mùa gặt. Công tác chuẩn bị đang được gấp rút triển khai. Trong khuôn khổ ngày hội, rất nhiều hoạt động hấp dẫn sẽ được tổ chức, như: Gặt lúa trên ruộng bậc thang, thi chạy, kéo co, đánh quay, đẩy gậy, ném còn, trải nghiệm Lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Tày, giải leo núi chinh phục đỉnh núi Cao Xiêm... Xã Lục Hồn được lựa chọn là địa điểm chính diễn ra các hoạt động trong ngày hội; các điểm thuận tiện ngắm ruộng bậc thang tại các thôn Ngàn Pạt, Khe O, Cao Thắng, Ngàn Kheo (xã Lục Hồn), Sông Moóc (xã Đồng Văn), Cao Sơn (xã Hoành Mô), Ngàn Vàng Dưới (xã Đồng Tâm)... Người dân huyện đang háo hức, mong chờ sự kiện này sau một năm lao động vất vả.

Đi dọc những con đường liên thôn, xã, chúng tôi thỏa sức ngắm nhìn những thửa ruộng đang sắp vào mùa gặt. Những bông lúa nặng trĩu là kết tinh từ lộc trời và sức lao động của những người nông dân huyện cần cù, chất phác. Trong ánh nắng thu hanh vàng, cơn gió mát lành mang theo hương lúa ngọt ngào. Những thửa ruộng đang dần ngả sang vàng óng, một mùa vàng đang về trên quê hương Bình Liêu. Ở đó, niềm vui được mùa lan tỏa trong sự rộn ràng của Lễ mừng cơm mới...

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu