4
18
/
1057514
Chu đáo, thận trọng, trách nhiệm để tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp
longform
Chu đáo, thận trọng, trách nhiệm để tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp

 

 

Chu đáo, thận trọng, trách nhiệm để tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp

Phát biểu quán triệt tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu phải chuẩn bị tốt và tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn, để ngày bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 23/5 thực sự là ngày hội của nhân dân. Trung tâm Truyền thông tỉnh trân trọng đăng toàn văn phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị.

Như chúng ta đã biết, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày Chủ nhật, 23/5/2021.

Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và của từng địa phương, được tổ chức vào thời điểm kế thừa thành tựu 35 năm đổi mới “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày ngày nay” như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phát biểu.

Đối với tỉnh Quảng Ninh, sau hơn 35 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là tiếp tục kế thừa, phát triển tư duy, tầm nhìn, lộ trình, phương thức phát triển của nhiệm kỳ thứ XIII (2010 - 2015), suốt 5 năm của nhiệm kỳ XIV (2015 - 2020), tỉnh Quảng Ninh không ngừng phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững; nội lực của tỉnh được củng cố, tăng cường, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc.

Năm 2020, trước những khó khăn, thách thức chưa từng có do tác động trực tiếp và sớm nhất của đại dịch Covid-19 vào địa bàn trọng điểm, tuyến đầu; kế thừa, phát huy những thành tựu to lớn đã đạt được trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, Nhân dân các dân tộc và cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, tích cực, phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, tập trung mọi nỗ lực ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm lo bảo vệ sức khỏe Nhân dân, hoàn thành toàn diện “mục tiêu kép”, giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển”, phục hồi đà tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm đạt 10,05%, đứng thứ ba toàn quốc; thu ngân sách nhà nước đạt 49.500 tỷ đồng, tăng 10% so với dự toán Trung ương giao, tăng 7% so cùng kỳ, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. An sinh, phúc lợi xã hội được chăm lo, đời sống Nhân dân được cải thiện, GRDP bình quân đầu người đạt trên 6.700 USD, cao gấp hơn hai lần bình quân chung cả nước, đứng đầu ở khu vực phía Bắc. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được bảo đảm. Tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp với nhiều đổi mới, gắn với tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, chính quyền.

Những kết quả đậm nét, quan trọng trong năm 2020 đã tạo dấu ấn nổi bật, có ý nghĩa quyết định hoàn thành cơ bản các mục tiêu của cả giai đoạn 2016 - 2020, tạo ra niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, sức mạnh mới cho Ðảng bộ và Nhân dân các dân tộc Quảng Ninh vững bước trong chặng đường tiếp theo nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Đây chính là yếu tố rất quan trọng để chúng ta chuẩn bị tốt và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn.

Nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, thực sự “của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả do Đảng lãnh đạo; triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, cũng như Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã và đang đặt ra các yêu cầu mới cao hơn, toàn diện hơn đối với tổ chức, hoạt động của HĐND, UBND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tiếp nối thành công của đại hội đảng các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc, lực lượng vũ trang và của cả hệ thống chính trị của tỉnh trong năm 2021.

Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn tỉnh thực sự là đợt vận động và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân để lựa chọn, bầu được những đại biểu ưu tú, đại diện cho Nhân dân địa phương tại Quốc hội khóa XV, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và các đại biểu đại diện cho nhân dân địa phương tại HĐND các cấp, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương nhiệm kỳ 2021 - 2026. Bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong việc lựa chọn, giới thiệu, bầu người có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín xứng đáng đại diện cho Nhân dân địa phương tại Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo và Ủy ban bầu cử tỉnh tôi lưu ý một số vấn đề sau đây:

Một là, Ban Thường vụ cấp ủy các cấp (huyện, xã) thành lập Ban Chỉ đạo gồm các đồng chí trong Ban thường vụ cấp ủy, đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, cấp xã để lãnh đạo công tác bầu cử; chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử HĐND các cấp ở địa phương. Trưởng Ban chỉ đạo là đồng chí bí thư cấp ủy và phải chịu trách nhiệm toàn diện về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở địa phương mình.

Hai là, Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy, Đảng ủy Than Quảng Ninh, đảng đoàn, ban cán sự đảng, các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, cấp ủy các cơ quan, đơn vị; đảng ủy các xã, phường, thị trấn trong tỉnh ngay sau hội nghị này phải tổ chức các hội nghị triển khai công tác bầu cử cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị để kịp thời quán triệt thực hiện các quy định của pháp luật và chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh; Kế hoạch số 10-KH/TU, ngày 23/10/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Công văn số 350/UBND-TH5 ngày 20/01/2021 của UBND tỉnh, các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về bầu cử đại biểu Quốc hội XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Yêu cầu tất cả các đồng chí cấp ủy viên các cấp, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được lựa chọn tham gia Ban chỉ đạo, tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử (ủy ban bầu cử, ban bầu cử, tổ bầu cử) phải nắm chắc, hiểu sâu đầy đủ nội dung quy định của pháp luật của các văn bản (khi cử tri hỏi phải tuyên truyền, giải thích một cách thuyết phục rõ ràng, cấp dưới hỏi cấp trên phải trả lời được ngay, không chung chung đại khái…).

Ba là, Ban Thường vụ cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử: (1) Thành lập Ủy ban bầu cử tỉnh, Ủy ban bầu cử cấp huyện, cấp xã, xong trước ngày 07/02/2021 (105 ngày trước ngày bầu cử). (2) Thành lập Ban Bầu cử đại biểu Quốc hội; Ban bầu cử Hội đồng nhân dân cấp mình, xong trước ngày 14/3/2021 (70 ngày trước ngày bầu cử). (3) Thành lập Tổ bầu cử để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, xong trước ngày 03/4/2021 (50 ngày trước ngày bầu cử).

Bốn là, Phát huy dân chủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong giới thiệu nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu được những người thật sự tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, uy tín, trí tuệ, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, trung thành với tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp; phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có trình độ, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu, có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND; liên hệ chặt chẽ với Nhân dân lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

Kiên quyết không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lợi; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, để xảy ra vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm quy định số 126-QĐ/TW, ngày 28/02/2018 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề chính trị chưa được kết luận. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia HĐND các cấp.

Việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu để ứng cử đại biểu HĐND ở mỗi cấp hành chính phải bảo đảm dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch; coi trọng chất lượng, bảo đảm cơ cấu hợp lý trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và đơn vị hành chính cấp dưới (đối với cấp tỉnh, cấp huyện), các thôn, tổ dân phố (đối với cấp xã), đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn; có đại diện các thành phần xã hội nghề nghiệp, tôn giáo, độ tuổi và đáp ứng được 5 yêu cầu sau đây:

(1) Đảm bảo có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ; phấn đấu tỷ lệ phụ nữ trúng cử là khoảng 30% tổng số đại biểu HĐND (cả 3 cấp phấn đấu đạt trên 30%).

(2) Đảm bảo đạt tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND là người ngoài đảng không thấp hơn 10% tổng số người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND.

(3) Đảm bảo tỷ lệ hợp lý người trong danh sách chính thức những người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND là người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân số của địa phương (ở cấp tỉnh, phấn đấu đại biểu HĐND tỉnh trúng cử là người dân tộc thiểu số khoảng 10%, tương ứng với tỷ lệ người dân tộc thiểu số toàn tỉnh hiện nay là khoảng 12,3%).

(4) Phấn đấu đạt tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp là đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) từ 15% trở lên trên tổng số người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND và phải đạt tỷ lệ trúng cử ít nhất là 10% (cần đặc biệt quan tâm rà soát, phát hiện các nhân tố nữ, trẻ được đào tạo cơ bản để giới thiệu ứng cử và bầu làm đại biểu HĐND tạo điều kiện rèn luyện, đào tạo, bổ sung cán bộ đã trải qua thực tiễn trong môi trường hoạt động của HĐND, tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp).

(5) Ở từng cấp phấn đấu đạt tỷ lệ từ 30% trở lên là đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 tái cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Năm là, Việc xác định số lượng và lựa chọn đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để đảm nhận các chức vụ chủ chốt của HĐND và việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh chủ chốt UBND các cấp phải căn cứ vào phương án nhân sự do cấp ủy chuẩn bị và được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phải đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong đó đặc biệt lưu ý lựa chọn những cán bộ có năng lực triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là năng lực thực thi pháp luật toàn diện trên các lĩnh vực; có khả năng sáng tạo, nhiệt huyết, làm việc có hiệu quả, có “sản phẩm” cụ thể, rõ ràng, dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thử thách, có bản lĩnh, quan điểm, chính kiến rõ ràng nhằm tiếp tục tạo chuyển biến về xây dựng chính quyền địa phương các cấp của tỉnh Quảng Ninh gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).

Sáu là, Lãnh đạo việc ứng cử, hiệp thương, lựa chọn giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong công tác bầu cử, bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật, đảm bảo đúng tiến độ: (1) Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất chậm nhất là ngày 17/2/2021. (2)  Hội nghị hiệp thương lần thứ hai chậm nhất là ngày 19/3/2021. (3)  Hội nghị hiệp thương lần thứ ba chậm nhất là ngày 18/4/2021.

Bảy là, Cấp huyện, cấp xã chủ động rà soát, tăng cường công tác quản lý nhà nước về cư trú, quản lý hộ tịch, hộ khẩu, đặc biệt là tạm trú, tạm vắng để thực hiện việc lập và niêm yết danh sách cử tri trước ngày 13/4/2021 bảo đảm chính xác; cần phát huy vai trò của lực lượng công an các cấp, nhất là công an xã trong công tác này.

Tám là, Chú trọng đúng mức công tác lãnh đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bầu cử, về người ứng cử; tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống đại dịch Covid-19, giữ vững địa bàn “an toàn, ổn định, phát triển” để phục vụ bầu cử. Tăng cường công tác tuyên truyền về bầu cử gắn với tuyên truyền, động viên nhân dân thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị năm 2021.

Các đoàn thể và tổ chức xã hội cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, hội viên làm nòng cốt, gương mẫu, đi đầu, đề cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động nhân dân, người thân nghiêm chỉnh thực hiện cuộc bầu cử và các quy định của pháp luật về bầu cử. Tích cực tuyên truyền để Nhân dân thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, nêu cao tinh thần làm chủ, tích cực, tự giác tham gia cuộc bầu cử để lựa chọn và bầu ra những người hội đủ các yêu cầu, tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, uy tín, đại diện xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân tham gia vào Quốc hội, HĐND các cấp, làm cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngày 23/5, thực sự là ngày hội của Nhân dân.

Nhân dịp năm mới 2021 và chuẩn bị đón Xuân Tân Sửu, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo, Ủy ban bầu cử tỉnh, tôi xin chúc các đồng chí cùng gia đình sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu