Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 15:16 (GMT +7)
Chuyên gia hiến kế thúc đẩy kinh tế Việt Nam nửa cuối 2023
Thứ 5, 06/07/2023 | 17:12:47 [GMT +7] A A
GDP 6 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam tăng 3,72%. Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều khó khăn, theo đánh giá của một số chuyên gia, con số này không hề nhỏ. Chuyên gia cho rằng, Chính phủ nên duy trì môi trường kinh tế ổn định, tránh biến động lớn để thúc đẩy doanh nghiệp quốc nội mạnh dạn dành vốn đầu tư và người dân yên tâm đầu tư vào kênh trái phiếu, cổ phiếu, từ đó khơi thông thị trường vốn cho nền kinh tế.
Còn nhiều chông gai
Trao đổi với PV Báo Lao Động, GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đánh giá: “GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng 3,72%. Theo tôi, đây không phải mức tăng trưởng thấp nếu so với thế giới và cả chính Việt Nam. Nhưng với mức dự kiến 6,5% cho cả năm, thì rõ ràng 6 tháng cuối năm phải nỗ lực mới đạt được mục tiêu. Trong tình hình hiện nay là khó”.
"Rõ ràng, có những ảnh hưởng lớn từ bên ngoài, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là ở trong nước. Nếu nhìn vào quý III/2022 đã tăng trưởng mạnh so với 2 quý trước đó, nhưng quý IV/2022 thì lại tăng trưởng quá thấp, nên dẫn đến tăng trưởng bình quân cả năm 2022 chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị siết chặt. Trong khi đó, trái phiếu lại là kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp" - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói thêm.
Tình hình đó kéo dài cho đến quý I/2023, làm nợ xấu ngân hàng tăng lên. Doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó vay để trang trải chi phí, thậm chí bị ngừng sản xuất hoặc chờ phá sản.
Xuất khẩu có mặt sáng như một số mặt hàng nông sản như sầu riêng, rau quả, gạo... nhưng các mặt hàng công nghiệp bị chậm lại.
“Chúng ta cần phải có những giải pháp căn cơ, thực tế hơn. Quan trọng nhất kích thích tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp - đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ - bằng các gói tín dụng ưu đãi từ các ngân hàng thương mại bằng tín chấp. UBND các tỉnh, thành phố phải kết hợp các hiệp hội, ngân hàng để cùng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn. Nếu được vậy, may ra chúng ta sẽ đạt được khoảng 5-5,5% trong nửa cuối năm 2023” - GS-TSKH Nguyễn Mại bày tỏ.
Cần phát triển sức mạnh nội tại
PGS.TS Bùi Văn Vần (nguyên Trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp - Học viện Tài chính) đánh giá, mức tăng trưởng trong nửa năm vừa qua đã phản ánh đúng thực tế và cũng là lẽ tất yếu vì nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ nguồn lực.
Hiện tại, dịch COVID-19 về cơ bản đã được kiểm soát, Chính phủ cũng đã đưa ra khá nhiều biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và các hộ kinh doanh như giảm thuế, hạ lãi suất, qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giảm bớt chi phí kinh doanh và chi phí vốn, tăng thêm phần tích lũy.
“Ở Việt Nam, tăng trưởng có phần đóng góp không nhỏ từ FDI khi hiệu quả sử dụng vốn cao, còn tỉ trọng đóng góp của các doanh nghiệp trong nước vẫn khiêm tốn. Chính phủ nên tiếp tục nhất quán với chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, mặt khác đẩy mạnh cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước” - vị chuyên gia phân tích.
Theo PGS.TS Bùi Văn Vần, Chính phủ cũng nên tạo cho môi trường kinh tế ổn định, tránh biến động lớn để thúc đẩy doanh nghiệp quốc nội mạnh dạn dành vốn đầu tư và người dân yên tâm để mua trái phiếu, cổ phiếu.
“Hiện nay chúng ta chỉ mới tăng trưởng về lượng, chưa phải về chất. Đầu tư nước ngoài làm chúng ta phải trả giá nhiều khi phải tạo ra rất nhiều ưu đãi, nghĩa là mình chấp nhận giảm thuế hoặc kéo dài thời gian miễn thuế, kéo theo Nhà nước đang thiệt nguồn thu. Tất nhiên, FDI vẫn cần được coi trọng, nhưng về lâu dài, vẫn cần doanh nghiệp trong nước” - PGS.TS Bùi Văn Vần cho biết.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()