Quảng Ninh nổi lên như một điểm son liên tiếp trong những năm gần đây, từ chỉ số cải cách hành chính đứng đầu cả nước đến tăng trưởng ngoạn mục trong phát triển du lịch. Các con số tăng đều qua các năm chính là minh chứng rõ nét nhất cho nội lực, tiềm năng của tỉnh. Đặc biệt, sau dịch bệnh Covid-19, ngành công nghiệp không khói được hoạch định những chiến lược mới, là kỳ vọng để khôi phục nền kinh tế, tạo những động lực mạnh mẽ hơn.
Trong các dịp lãnh đạo Trung ương về thăm Quảng Ninh, du lịch luôn là ngành kinh tế được nhiều lãnh đạo đặt kỳ vọng, với những định hướng lâu dài. Với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 4 lần về thăm tỉnh là 4 lần Thủ tướng dành cho ngành công nghiệp không khói nhiều niềm tin yêu, kỳ vọng.
Thực tế, với vị thế và tiềm năng của mình, những kỳ vọng của lãnh đạo Trung ương đã gợi mở và trở thành động lực để Quảng Ninh nỗ lực, vươn lên không ngừng.
Trở lại với năm 2018, khi Quảng Ninh trở thành điểm đến khai mạc Năm Du lịch quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh giá cao những thành công của Quảng Ninh trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực mạnh đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, dịch vụ, làm thay đổi diện mạo ngành du lịch cả về chất và lượng.
Quảng Ninh đã thực sự có những thành công bước đầu trong chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, hướng tới phát triển du lịch bền vững, là ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Đặc biệt sau dịch bệnh Covid-19, theo đánh giá của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, cho đến thời điểm này Quảng Ninh là một trong số ít địa phương trong cả nước đưa ra được gói kích cầu cho du lịch quy mô lớn, mạnh mẽ và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phục hồi ngành công nghiệp không khói.
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, đại dịch toàn cầu khiến ngành du lịch bị đình trệ. Những con số và sự ám ảnh về sụt giảm doanh thu chưa bao giờ xuất hiện trong quá khứ đã trở thành vấn đề nhức nhối với nhiều địa phương và các quốc gia. Nhưng chính trong thời điểm này, những chính sách mới lần đầu tiên đã được ra đời.
Xác định phục hồi, phát triển ngành du lịch, dịch vụ là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong hoạt động khôi phục kinh tế trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh bình thường mới sau dịch Covid-19, Quảng Ninh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ kích cầu, thu hút khách du lịch nội địa, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện hiệu quả chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.
Và Nghị quyết số 256/2020/NQ-HĐND về một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch Quảng Ninh năm 2020 của HĐND tỉnh được coi là cú huých lớn tạo đà tăng trưởng cho ngành du lịch tỉnh nhà. Gói kích cầu khoảng 200 tỷ đồng sẽ có tác động tích cực trong việc thu hút khách du lịch đến với địa phương, với ước tính 3 tháng tới sẽ đạt 80% so với cùng kỳ năm 2019.
Cùng với đó, Nghị quyết cũng quyết định miễn giảm 100% phí vào các điểm tham quan: Vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh (TP Hạ Long), Khu di tích và danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) vào các thời điểm từ ngày 14/5/2020 đến 1/6/2020 và một số ngày lễ lớn đến hết năm 2020. Đồng thời, giảm 50% phí tham quan 3 điểm du lịch trên trong các ngày còn lại của tháng 6 và 7/2020.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định hỗ trợ vé tuyến xe buýt từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - Hạ Long đến Dốc Đỏ (phường Phương Đông, TP Uông Bí) và ngược lại. Đồng thời hỗ trợ 100% chi phí hoạt động khai thác vận tải công cộng bằng xe buýt kể trên với mức hỗ trợ tối đa không quá 1,3 triệu đồng/chuyến.
Có thể nói, chưa bao giờ người ta thấy những chính sách được triển khai nhanh chóng, kịp thời và quyết liệt đến vậy. Đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, là sự đồng lòng và quyết tâm của chính quyền và doanh nghiệp, cùng lắng nghe, thấu hiểu. Qua đó, tìm kiếm cơ hội để vực dậy ngành du lịch, tạo động lực khởi sắc nền kinh tế.
Sức lan tỏa của Nghị quyết không chỉ dừng lại ở các gói kích cầu, mà quan trọng hơn là sự tiếp nối của những “con sóng” tiếp theo đến từ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị đã đưa ra hàng loạt chương trình kích cầu, giảm hoặc miễn giá dịch vụ; xây dựng các sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn, khẳng định thương hiệu và uy tín. Cùng với đó, việc thành lập Liên minh kích cầu du lịch đã tạo sự kết nối giữa các doanh nghiệp, hình thành nhiều tour, tuyến, điểm đến lý tưởng cho du khách với mức giá hấp dẫn.
Thực tế, quyết tâm không để “điểm trễ" sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhờ các chính sách đồng loạt và kịp thời, ngành du lịch Quảng Ninh đã nhanh chóng có những dấu hiệu khởi sắc trở lại, khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ. Nhất là sau 1 tháng mở cửa du lịch trở lại từ ngày 1/5, lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt gần 279.000 lượt người. Trong đó, gần 10.000 lượt người tham quan, nghỉ dưỡng tại Khu di tích và danh thắng Yên Tử; khoảng 111.200 lượt người đến tham quan vịnh Hạ Long. Đặc biệt, vào các ngày cuối tuần, lượng khách đến Quảng Ninh tăng vọt, gần như tương đương với cùng kỳ các năm trước.
Mặc dù đã khẳng định được vị thế số 1 trong một số lĩnh vực, nhưng sức vươn của Quảng Ninh không dừng ở đó. Quảng Ninh đang nỗ lực trên hành trình để cán mốc 50 triệu du khách vào năm 2030 theo kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ.
Nếu 5 năm trước, người ta đã quá quen thuộc với Hạ Long, Bãi Cháy với số lượng khách tăng vọt vào mùa hè, nhưng chạm đáy vào mùa đông; thì nay, tiềm năng “vàng xanh” của Quảng Ninh được khai phá đa dạng từ di sản, kỳ quan đến các khu di tích danh thắng nổi tiếng; từ miền biển về miền núi, từ vẻ đẹp tự nhiên đến công trình nhân tạo của các tập đoàn lớn. Bất cứ đâu trên mảnh đất “Việt Nam thu nhỏ”, người ta cũng tìm thấy một chốn riêng để thư giãn, nghỉ ngơi với những trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn.
Đáng nói, sức vươn của ngành công nghiệp không khói còn có động lực cất cánh từ hệ thống giao thông hạ tầng đồng bộ, xuyên suốt như: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; Cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn... Cùng với đó là hàng loạt sản phẩm du lịch mới hấp dẫn. Người ta kỳ vọng những sản phẩm này sẽ vẽ lên một Quảng Ninh đa sắc, để bốn mùa đến Quảng Ninh, du khách đều không thể không thương nhớ, rung động.
Đó là tuyến đường công viên ven bờ Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long rộng 6 làn xe, vỉa hè hai bên rộng 5m, khi cắt băng khánh thành và đi dọc tuyến đường (ngày 24/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: Đây là một sản phẩm du lịch tuyệt mỹ, độc đáo duy nhất ở Việt Nam, mở thêm một sản phẩm du lịch ngắm vịnh Hạ Long đặc sắc. Hay khu nghỉ dưỡng nước nóng Yoko Osen bên bờ vịnh Bái Tử Long, với hạ tầng dịch vụ đẳng cấp quốc tế, góp phần phát triển du lịch 4 mùa ở miền Bắc do Tập đoàn Sun Group đầu tư đã được Thủ tướng động viên cắt băng khai trương. Lui về phía Bắc của TP Hạ Long là Lâm viên Đồng Sơn - Kỳ Thượng đang được Tập đoàn Vingroup nghiên cứu xây dựng thành Safari đầu tiên ở miền Bắc. Vân Đồn cũng được kỳ vọng không chỉ phát triển du lịch biển đảo, mà còn có Sonasea Vân Đồn Harbor City - tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp với các khách sạn quốc tế, phố thương mại, bến du thuyền, khu vui chơi trong nhà và ngoài trời, trung tâm hội nghị quốc tế...
Có thể khẳng định, du lịch Quảng Ninh không còn “ngủ đông” như trước, mà được đánh thức, khơi dậy cảm hứng cho nhiều địa phương khác trong cả nước, là một trong những mũi nhọn chủ lực của du lịch phía Bắc. Sau đại dịch Covid-19, tin tưởng rằng Quảng Ninh không chỉ là điểm đến "an toàn, thân thiện, hấp dẫn" mà còn "là phên giậu vững chắc giữ gìn non sông, bờ cõi; là động lực đóng góp cho hưng thịnh quốc gia" như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Thực hiện: Hoàng Quỳnh
Ảnh: Nhiều tác giả
Trình bày: Đỗ Quang
Ý kiến ()