Hết lòng vì học sinh thân yêu, trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, ngành Giáo dục Quảng Ninh đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo để các em "Không đến trường nhưng không nghỉ học". Đó là các giải pháp như: Phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh triển khai ôn tập cho học sinh trên truyền hình; giao bài qua mạng zalo, gmail; tổ chức dạy học trực tuyến hoặc thậm chí là cử giáo viên đến từng nhà học sinh ở những vùng điều kiện chưa thuận lợi… Trong đó, việc dạy học trực tuyến đã, đang có những hiệu quả tích cực, được đông đảo thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh đánh giá cao. Bộ GD&ĐT cũng lựa chọn Quảng Ninh là một trong 5 địa phương thí điểm dạy học trực tuyến.
14 giờ 30 phút, ngày 10/4, chúng tôi có mặt tại nhà thầy Chu Thế Nam, giáo viên Vật Lý, Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long), để tìm hiểu về một tiết học trực tuyến của thầy và trò nhà trường. Thầy Nam dành cho chúng tôi chừng 30 phút để chia sẻ về những giờ học thông minh mà cả thầy và học sinh trong Trường đang thực hiện. Vì đúng 15 giờ là thầy phải ngồi vào máy tính để dạy học trò lớp 12A3.
Thầy Chu Thế Nam chia sẻ: Ngay từ khi nghỉ học tại trường do có dịch Covid-19 (từ ngày 3/2/2020), chúng tôi đã tổ chức cho học sinh học trực tuyến và hướng dẫn học sinh tự học bằng nhiều hình thức. Các phần mềm đã sử dụng để triển khai hoạt động trên như: Zoom, F1 school, Shub classroom, zalo. Tuy nhiên, những phần mềm này có một số tồn tại nhất định, như: Đường truyền internet của 1 số học sinh không ổn định, việc theo dõi bài giảng không được liên tục.
Cũng theo thầy Nam, từ ngày 6/4, tiết học của thầy và học sinh đã chuyển sang dạy bằng phần mềm của Công ty AIC. Một số tính năng ưu việt mà phần mềm này mang lại được thầy, học sinh đánh giá cao là: Phần mềm tích hợp được nhiều tính năng từ thư viện học liệu, dạy trực tuyến đến kiểm tra trực tuyến, quản lý lớp. Cùng với đó, giao diện của phần mềm này cũng dễ sử dụng, không giới hạn số thành viên và thời gian khi dạy trực tuyến.
Đúng là như vậy, chỉ mất tầm 5-10 phút là thầy Nam ổn định được lớp học, nắm bắt số lượng học sinh tham gia học trực tuyến. Dù có hơn 40 học sinh nhưng lớp học thông minh của thầy diễn ra khá nghiêm túc. Sau khi giảng bài 5-10 phút, thầy lại gọi 1, 2 học sinh phát biểu ý kiến để kiểm tra đường truyền mạng và nắm bắt mức độ hiểu bài của học trò.
Em Nguyễn Huyền Trang, lớp 12A3, chia sẻ với chúng tôi sau khi hoàn thành tiết học của thầy Nam: Phần mềm học trực tuyến AIC được thiết kế riêng cho người Việt với giao diện thân thiện, dễ sử dụng, mọi thứ đều bằng tiếng Việt, trong đó có cả các tài liệu và video hướng dẫn sử dụng chi tiết. Vì thế, chúng em thấy các tiết học trở nên đơn giản, hứng thú hơn so với những phần mềm miễn phí trước đó.
Được biết, Trường THPT Hòn Gai thực hiện phần mềm AIC từ ngày 6/4. Đến nay, toàn trường đã có 3 lớp thực hiện thí điểm phần mềm này là 12A3, 11B2, 10B3. Qua nắm bắt của ban giám hiệu nhà trường, cơ bản, phụ huynh học sinh nhiệt tình ủng hộ, gia đình học sinh có điều kiện trang bị các thiết bị học trực tuyến như: Máy tính, điện thoại thông minh, internet.
Cô giáo Vũ Thị Phượng, Hiệu phó Trường THPT Hòn Gai, cho hay: Mặc dù được đánh giá cao hơn so với những phần mềm miễn phí, tuy nhiên chúng tôi cho rằng phần mềm học trực tuyến AIC vẫn cần khắc phục một số hạn chế về chất lượng âm thanh, hình ảnh. Đồng thời, nên tích hợp chia sẻ bảng để giáo viên có thể dạy trực tiếp hoặc nhấn mạnh những nội dung cần lưu ý và nên bổ sung tính năng ghi lại bài học…
Một trường học nữa cũng được tỉnh lựa chọn thí điểm triển khai dạy học trực tuyến bằng phần mềm của Công ty AIC là Trường Tiểu học Hạ Long, TP Hạ Long. Khác với các trường THCS, THPT, những tiết học thông minh của đa số học sinh Trường Tiểu học Hạ Long thường diễn ra vào buổi tối, khi có sự hướng dẫn, kèm cặp của phụ huynh. Tuy nhiên, với một số ít học sinh có phụ huynh đi làm ca đêm, giáo viên nhà trường vẫn bố trí dạy cho các em vào buổi sáng để bố mẹ có thể quản lý được các em.
19 giờ, ngày 10/4, chúng tôi có mặt tại nhà của em Nguyễn Nguyên Anh, lớp 5A5, Trường Tiểu học Hạ Long ở phường Cao Thắng, TP Hạ Long. Những ngày này, bữa cơm gia đình được cô giáo Đỗ Thị Hải Ninh - mẹ của Nguyên Anh, cũng là giáo viên Trường Tiểu học Hạ Long chuẩn bị sớm hơn so với thời chưa có dịch Covid-19. Mọi công việc gia đình được cô giáo Hải Ninh hoàn thành trước 19 giờ. Bởi ngay sau đó, cô phải hỗ trợ, hướng dẫn Nguyên Anh sử dụng máy tính để tham gia học trực tuyến cùng các bạn. 19 giờ 15 phút, cô giáo Hải Ninh lại sang phòng bên cạnh để dạy những học trò lớp 2 của mình.
Cô giáo Đỗ Thị Hải Ninh, chia sẻ: Khi biết tin Trường Tiểu học Hạ Long được lựa chọn dạy thí điểm, giáo viên và phụ huynh rất ủng hộ, đồng tình. Trước đây, dù nhà trường đã có nhiều giải pháp giúp các con học, ôn tập ở nhà, tuy nhiên, chúng tôi không yên tâm vì Bộ GD&ĐT chưa có quyết định công nhận kết quả học của học sinh ở các phần mềm trên mạng, cũng chưa có giải pháp gì về thi cử, kiểm tra của các con. Vì thế, khi trường tôi được đưa vào danh sách thí điểm dạy và học trực tuyến, tôi rất ủng hộ.
Tiết học buổi tối của em Nguyên Anh diễn ra trong 2 tiếng. Để học sinh thoải mái, không mệt mỏi, thi thoảng, cô giáo lại tổ chức trò chơi nhỏ để các em vui vẻ, hứng thú với việc học online. Nguyên Anh nói: Học trực tuyến cũng có một số ưu điểm. Chúng con ngồi một mình nên tập trung hơn, tiếp thu kiến thức cũng khá tốt. Chỗ nào không hiểu, con liền hỏi cô và được giải đáp kịp thời.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Long, cho hay: Với phần mềm AIC, hiện trường mới dạy thí điểm 1 lớp, với 45 học sinh. Mỗi giáo viên, học sinh có 1 tài khoản và tự đổi được mật khẩu của mình để đảm bảo không ai biết. Vì thế, chúng tôi thấy yên tâm hơn trong quá trình sử dụng. Dự kiến, ngày 16/4, trường sẽ mở rộng thí điểm ra 10 lớp, sau ngày 18/4 sẽ nhân rộng toàn trường. Việc dạy học trực tuyến đối với các lớp được thí điểm nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ và đồng tình của phụ huynh, học sinh.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, việc triển khai thí điểm dạy học trực tuyến ở Quảng Ninh được thực hiện ở 3 cấp học, mỗi cấp học chọn một trường để thí điểm dạy học, gồm 3 trường học trên địa bàn TP Hạ Long: Trường Tiểu học Hạ Long, Trường THCS Trần Quốc Toản, Trường THPT Hòn Gai. Cách thức dạy học trực tuyến được tổ chức song song trên truyền hình và qua internet.
Để triển khai nội dung này, ngày 4/4, UBND tỉnh đã họp, thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức thí điểm dạy học trực tuyến đối với cơ sở giáo dục phổ thông trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường để phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo và thành lập tổ giúp việc.
Tại cuộc họp UBND tỉnh cũng quyết định, để thí điểm việc dạy học trực tuyến đảm bảo chất lượng, ngoài việc lựa chọn 3 trường ở 3 cấp học trên địa bàn TP Hạ Long, Quảng Ninh mở rộng phạm vi thí điểm dạy học tại Tiên Yên, Vân Đồn. Đối với mỗi trường được lựa chọn thí điểm, sẽ thực hiện triển khai học trực tuyến trong toàn trường. Trước mắt, đảm bảo các môn thiết yếu, đồng thời cần tiếp tục xây dựng lộ trình dạy học trực tuyến tất cả các môn.
Thực hiện chỉ đạo này, Sở GD&ĐT đã lựa chọn 5 trường thí điểm dạy trực tuyến là: THPT Hòn Gai (TP Hạ Long), THPT Hải Đảo (Vân Đồn), THPT Tiên Yên (Tiên Yên), THCS Trần Quốc Toản, Tiểu học Hạ Long (TP Hạ Long) để tổ chức dạy thí điểm (là những trường được thí điểm đầu tư trong Dự án xây dựng trường học thông minh). Đồng thời, phối hợp với Công ty CP Tiến bộ quốc tế AIC cài đặt phần mềm, hướng dẫn giáo viên, học sinh. Từ ngày 6/4, các trường học này bắt đầu thực hiện việc dạy học trực tuyến qua mạng internet. Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm, Sở sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét việc triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Không phải tự nhiên Quảng Ninh được Bộ GD&ĐT lựa chọn là một trong 5 tỉnh, thành phố của cả nước thực hiện thí điểm dạy trực tuyến, mà bởi từ khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành Giáo dục Quảng Ninh đã thể hiện sự thích ứng nhanh, chủ động, sáng tạo trong dạy và học.
Ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Trước khi có hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở đã chỉ đạo các trường chủ động khai thác các phần mềm hiện có, miễn phí của các đơn vị công nghệ để thực hiện ôn tập lại kiến thức cũ. Tiếp đó, khi Bộ đã có hướng dẫn, Sở tiếp tục chỉ đạo đồng bộ hơn vì đã được dạy bài mới và có cơ chế đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Quan trọng hơn, trước khi có quyết định này, Bộ đã rà soát, đánh giá năng lực sẵn sàng ứng dụng CNTT của ngành giáo dục các địa phương. Và ngành Giáo dục Quảng Ninh với nhiều năm được tỉnh ưu tiên đầu tư lớn về cơ sở vật chất, về trang thiết bị thông minh, về năng lực ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, đã được lọt vào "tầm ngắm" của Bộ.
Riêng năm 2019, toàn ngành đã đầu tư, trang sắm thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi trị giá 120 tỷ đồng phục vụ cho việc giảng dạy, học tập; triển khai 3 dự án đầu tư phương tiện, trang thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, tiếp cận với chuẩn giáo dục thông minh của thế giới cho các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông với tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng. Đặc biệt, ngành còn triển khai Dự án xây dựng trường học thông minh trên địa bàn TP Hạ Long giai đoạn II; Dự án xây dựng 66 trường học thông minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn I trong Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020 tại 43 trường trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư 811,7 tỷ đồng.
Trong số các địa phương đầu tư mạnh về CNTT trong giáo dục, có lẽ phải kể đến TX Đông Triều. Theo số liệu của Phòng GD&ĐT thị xã, đến nay, các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập của địa phương này đều đã đạt trường chuẩn quốc gia, trong đó có 27 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Đặc biệt, được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, trong 10 năm qua, thị xã đã được cấp trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời, đồ chơi, thiết bị dạy học thông minh, lớp học thông minh cho các trường trên địa bàn thị xã với tổng giá trị trên 114 tỷ đồng.
Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng Phòng GD&ĐT TX Đông Triều, cho biết: Nhờ có nền tảng vững chắc từ việc ứng dụng CNTT trong nhiều năm qua, chúng tôi đã thực hiện khá hiệu quả việc dạy và học trực tuyến. Tính đến thời điểm ngày 11/4, toàn thị xã có 248 lớp khối tiểu học, THCS (trên tổng số 728 lớp) có 100% học sinh tham gia học trực tuyến. Tỷ lệ học sinh tiểu học được học trực tuyến của thị xã đạt 86,2%, cấp THCS đạt 81,7%.
Để thích ứng với việc dạy và học trực tuyến, TX Đông Triều cũng đã xây dựng một giải pháp riêng khá thiết thực. Cụ thể, từ ngày 6/4, Phòng GD&ĐT TX Đông Triều đã tổ chức hướng dẫn cho học sinh lớp 9 ở các trường THCS trên ôn tập trực tuyến 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, qua trang thông tin điện tử của phòng tại địa chỉ http://dongtrieu.edu.vn/truyen-hinh-truc-tuyen, trang fanpage DDCI Đông Triều và Youtube. Nội dung ôn tập được phát trực tiếp từ Phòng GD&ĐT thị xã nằm trong phạm vi chương trình giáo dục THCS của Bộ GD&ĐT, chủ yếu ở lớp 9; hướng dẫn của Sở GD&ĐT về tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020.
Bà Phạm Thị Thanh Tâm cho biết thêm: Học sinh được hướng dẫn ôn tập trực tiếp vào lúc 19h30’ – 21h00’, các ngày thứ 2, 4, 6 và sẽ phát lại lúc 19h30’ các ngày thứ 3, 5, 7 theo thời khóa biểu trong 12 tuần từ 6/4 đến 18/7. Thông qua email, zalo, các group giáo viên sẽ tiếp nhận thông tin tương tác của học sinh để hướng dẫn, đánh giá kết quả tự ôn tập.
Tại một số huyện vùng cao như: Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà… việc dạy và học trực tuyến trở nên khó khăn hơn khi mà hạ tầng về CNTT, việc trang bị các thiết bị phục vụ cho học tập thông minh của học sinh còn hạn chế. Để nâng tỷ lệ học sinh được học trực tuyến, một vài cơ sở giáo dục đã mạnh dạn đưa ra một số giải pháp thiết thực. Đơn cử: Trường THPT Tiên Yên hỗ trợ thiết bị thông minh cho học sinh khó khăn; phổ biến, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật với những giáo viên có tuổi cao, trình độ CNTT hạn chế; vận động xã hội hóa hỗ trợ tiền mạng internet cho học sinh khó khăn…
Có thể thấy, với nền tảng vững chắc từ quá trình ứng dụng CNTT trong ngành Giáo dục suốt nhiều năm qua, Quảng Ninh đã thích ứng nhanh với việc dạy học trực tuyến khi mà dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến khó lường. Việc thí điểm dạy học trực tuyến tại 5 trường học chắc chắn sẽ là cơ sở để toàn ngành rút kinh nghiệm những mặt hạn chế còn tồn tại, từ đó có sự thống nhất chung trong toàn tỉnh, để việc học trực tuyến ngày càng hiệu quả hơn, tạo sự kết nối tốt giữa cô và trò.
Bài: Lan Anh
Trình bày: Hùng Sơn
Ý kiến ()