4
18
/
1018763
Hành trình 10 năm "làm mới" vùng nông thôn - Bài 4: Người dân đồng thuận, làm chủ và hưởng thụ
longform
Hành trình 10 năm "làm mới" vùng nông thôn - Bài 4: Người dân đồng thuận, làm chủ và hưởng thụ

 

 

Xây dựng NTM là nhiệm vụ hàng đầu, cũng là phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp các địa phương trong tỉnh, đã góp phần mang lại những thành tựu vượt bậc về mọi mặt cho vùng nông thôn, miền núi, hải đảo. Trong đó, một trong những bài học kinh nghiệm then chốt giúp các địa phương triển khai thuận lợi chính là khơi dậy vai trò chủ thể của người dân: Làm cho dân hiểu, dân tin, tích cực hưởng ứng bằng cách góp công, góp của, chủ động tham gia bàn bạc, hiến kế, giám sát tại cộng đồng.

 Sau chặng đường 10 năm triển khai Chương trình MTQG về xây dựng NTM, Quảng Ninh đã chủ động tháo gỡ những khó khăn đặc thù, vững vàng đạt được những tiến bộ rõ rệt. Đó là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; môi trường sinh thái được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao... Quan trọng nhất là giúp cho người dân tại các xã, thôn, bản nhìn chung đều có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về ý nghĩa của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về vai trò của chính mình trong thực hiện các nhiệm vụ cụ thể mà NTM đặt ra.

Khi chúng tôi đề nghị được tìm hiểu về phong trào hưởng ứng thi đua xây dựng NTM tại cơ sở, bà Đinh Thị Quý, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Thác Bưởi 1 (xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên) bảo rằng cả đoàn chỉ cần thăm quan ngay 1 vòng quanh thôn sẽ dễ dàng mắt thấy, tai nghe, cảm nhận được sức sống của một vùng quê trên đà khởi sắc. Đó là các tuyến đường từ ngõ xóm tới trục chính đều đã rộng rãi, được thảm bê tông và lắp đèn điện chiếu sáng, biển báo giao thông, thùng rác công cộng. Có cả tranh tường, cây xanh, hoa tươi trồng tại tuyến chính làm điểm nhấn cảnh quan sạch, đẹp...

Sáng chủ nhật hôm đó, người dân thôn Thác Bưởi 1 còn tiến hành tổng vệ sinh tuyến đường thôn - một hoạt động đã thành nền nếp suốt nhiều năm qua. Các cô, các chị thì chia nhau thành từng nhóm nhỏ, cầm chổi quét nhanh những đám lá cây rụng trên mặt đường sau trận mưa lớn đêm hôm trước. Cánh nam giới thì phụ trách việc tỉa gọn lại các luống hoa chiều tím đã mọc cao, tay cầm kéo cứ đưa thoăn thoắt. Họ vừa làm, vừa trò chuyện, cười vui rôm rả. Cả tuyến đường đã vốn đã luôn được người dân giữ gìn sạch sẽ, nay chỉ cần hơn nửa tiếng lao động là khoác ngay chiếc áo tươi mới, gọn gàng.

Chậm lại một nhịp để bao quát xung quanh, bà Quý nở nụ cười đầy tự hào: “Việc xây dựng NTM chỉ có thể thực hiện, duy trì được khi có sự chung tay của toàn thể người dân. Ví dụ như tiêu chí môi trường, nếu bà con không hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh chung thì chẳng có đơn vị nào mà đến dọn dẹp cho xuể. Các tuyến đường hoa, cây xanh cũng chẳng thể quanh năm tươi tốt được như hôm nay. Xác định điều này nên đội ngũ cán bộ thôn chúng tôi đã tập trung làm thật tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu, tin và làm theo. Khí thế thi đua của toàn thôn cũng đã hình thành ngay từ những ngày đầu, duy trì đến ngày hôm nay. Nhờ thế mà trong hoạt động nào cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân, như là bàn giao đất làm đường, sửa nhà văn hóa, thi đua lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, luyện tập văn nghệ, thể thao sôi nổi...”.

Câu chuyện thực tế tại xã Tiên Lãng chỉ là một ví dụ rất nhỏ vai trò chủ thể, chủ động của người dân trong thực hiện các tiêu chí NTM. Bài học kinh nghiệm của nhiều địa phương cho thấy, nơi nào huy động được sự tham gia hiệu quả của người dân cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM thì phong trào tại đó sôi nổi, nhiệm vụ NTM cũng sớm được hoàn thành và ngược lại. Nhất là tại những xã, huyện có xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn đặc thù, thì càng phải huy động tối đa nguồn lực dồi dào từ trong nhân dân thì mới có thể đem lại sức bật cho chương trình. Trong đó, “nguồn lực của nhân dân” không chỉ là tiền của, công sức, mà còn cả trí tuệ, tâm huyết để góp ý kiến, tham gia giám sát, giữ gìn bản sắc truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần, củng cố khối đoàn kết... Các Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động hiệu quả cũng góp phần phát huy tinh thần chủ động và tự quản của nhân dân ngay tại nơi cư trú.

Thống kê của Ban xây dựng NTM tỉnh, giai đoạn 2010-2019, nguồn lực xã hội hóa cho xây dựng NTM các doanh nghiệp, người dân trong tỉnh đã đóng góp trên 17.700 tỷ đồng, trong đó, người dân đã góp gần 236.000 ngày công lao động, bàn giao gần 122 ha đất các loại, cùng nhiều vật kiến trúc, cây cối, rau màu liên quan. Nhờ đó, 100% số xã có đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% hệ thống thủy lợi đảm bảo đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ... Có thể nói, lửa thi đua đã được thắp lên từ khắp các khu dân cư, đóng góp vào thành tựu chung.

Xây dựng NTM hiệu quả, bền vững là khi và chỉ khi tự thân người nông dân đã làm chủ nông thôn, vững vàng bằng chính đôi bàn tay, khối óc của mình. Họ là chủ thể trong cả quá trình triển khai thực hiện, được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và được hưởng thụ từ thành quả của NTM. Quan điểm này đã được các địa phương trong tỉnh quán triệt rõ, tập trung thực hiện xuyên suốt những năm qua. Tuy nhiên để đưa lý thuyết, tư tưởng trở thành thực tiễn cuộc sống thì không phải tự nhiên mà có, cũng không thể đạt được trong ngày một ngày hai. Đó là cả một quá trình chuyển đổi tư duy của người nông dân, từ chỗ phần đông trông chờ, ỷ lại đầu tư của Nhà nước, chuyển sang tâm thế chủ động, tự tin, tham gia tích cực, trách nhiệm cao vào xây dựng NTM.

Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2011-2015 chính là Nghị quyết số 01-NQ/TU về xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020. Theo đó, tỉnh xác định “Chủ thể chính xây dựng NTM là nông dân; xây dựng nông thôn mới được thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư, vì vậy mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm và dân được hưởng thụ”. Đến năm 2016, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 07-CT/TU, tiếp tục nêu rõ quan điểm: “Xây dựng NTM theo hướng chuyển từ lượng sang chất, đảm bảo thường xuyên, liên tục và lâu dài”, “Tiếp tục xác định người nông dân là chủ thể, trực tiếp thực hiện và được thụ hưởng...”.

Bám sát tinh thần chỉ đạo này, những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể đã cụ thể hoá bằng các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể. Đặc biệt là tập trung chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện quyết liệt từ tỉnh tới cơ sở nhằm khắc phục những bất cập trong giai đoạn đầu, vừa tìm tòi, sáng tạo, tìm ra cách làm, hướng đi mới để phát huy tốt được vai trò chủ thể của người nông dân. Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn theo dõi sát sao, đánh giá cụ thể về những vấn đề làm được, chưa làm được nhằm đưa ra chỉ đạo kịp thời, đúng với thực tế để các địa phương bám sát thực hiện. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát và có khen thưởng kịp thời, thậm chí có thi khu dân cư kiểu mẫu để các tiêu chí ngày càng lan tỏa, nhân dân hưởng ứng rộng hơn.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng được quan tâm thực hiện chính là liên tục đa dạng hình thức, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền; tổ chức tốt các phong trào thi đua xây dựng NTM phù hợp với đặc thù, điều kiện thực tiễn của địa phương và nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời cần phát hiện, biểu dương kịp thời, nhân rộng được những những kinh nghiệm hay, điển hình tốt, sáng kiến và mô hình hiệu quả. Qua đó nhằm tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao về tư tưởng, nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân.

Tìm hiểu tại TX Quảng Yên, chúng tôi được ông Đống Văn Đô, Trưởng Ban Dân vận Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã, cho biết: Cái “được” lớn nhất từ phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM là đã được triển khai sâu rộng đến từng thôn, khu phố, khơi được sự quyết tâm, đồng lòng trong đông đảo tầng lớp nhân dân. MTTQ thị xã và các tổ chức thành viên liên tục đẩy mạnh các hoạt động sôi nổi, hướng các đoàn viên, hội viên, nhân dân vào mục tiêu xây dựng NTM thiết thực. Đội ngũ cán bộ các cấp hội, đảng viên ở cơ sở đều quán triệt rõ vai trò của mình như là “đầu tàu kéo các phong trào”, nỗ lực chủ động nêu gương, đi đầu trong mọi hoạt động để quần chúng nhân dân làm theo. Nhất là kịp thời giải thích, hướng dẫn theo thẩm quyền để người dân được hưởng lợi từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả, công khai, minh bạch, đồng bộ. Lấy ví dụ như: Nông dân có nhu cầu xây dựng mô hình mới sẽ được tập huấn kiến thức về KHKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; những thanh niên trẻ có khát vọng lập thân, lập nghiệp thì được xem xét hỗ trợ vốn vay, kết nối sản xuất – tiêu thụ...

 

Phát huy vai trò hạt nhân của cấp ủy trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là vai trò của người đứng đầu, một số địa phương đi đầu trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã rất chú trọng công tác cán bộ. Các thành ủy, thị ủy, huyện ủy đã nắm bắt, bố trí những cán bộ lãnh đạo đủ phẩm chất, năng lực, quyết liệt trong thực hiện mục tiêu xây dựng NTM. Từ đó, đội ngũ cán bộ có môi trường rèn luyện, khuyến khích sáng tạo, tiên phong, chủ động; tư tưởng trì trệ, phụ thuộc còn tồn tại trong cộng đồng dân cư cũng từng bước bị đẩy lùi. Các địa phương cũng thực hiện thường xuyên, có hiệu quả việc đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp ủy với nhân dân, tiếp thu các ý kiến phản ánh từ cơ sở trả lời, xử lý những tồn động, vướng mắc, tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của người dân đối với chủ trương, đường lối, chính sách.

Vùng nông thôn của tỉnh đã có thêm luồng sinh khí mới với một thế hệ nông dân dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo. Đó vừa là điều kiện quan trọng hàng đầu để Quảng Ninh xây dựng NTM thành công, cũng là giá trị bền vững mà NTM mang lại.

Thực hiện: Hoàng Giang

Trình bày: Đỗ Quang

 
 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu