4
18
/
983803
Hướng tới trở thành trung tâm kinh tế tri thức vùng Đông Bắc
longform
Hướng tới trở thành trung tâm kinh tế tri thức vùng Đông Bắc

 

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thực tiễn tại Quảng Ninh cho thấy tỉnh đã có nhiều bước đi quyết liệt với những cách làm đột phá, khác biệt để phát triển kinh tế tri thức.

Cụ thể, đối với việc xây dựng chính quyền điện tử, tỉnh Quảng Ninh đã có những thành công nhất định. Hệ thống chính quyền điện tử tỉnh đã gửi, nhận văn bản điện tử liên thông nội bộ từ năm 2015 và là một trong những địa phương đi đầu triển khai việc gửi, nhận văn bản điện tử. Tỉnh cũng là địa phương đầu tiên kết nối liên thông 4 cấp với Văn phòng Chính phủ từ năm 2017. Việc ứng dụng CNTT, gửi nhận văn bản điện tử có ứng dụng chữ ký số giúp tỉnh Quảng Ninh tiết kiệm chi phí hành chính hàng năm từ 30 - 40 tỷ đồng. Đáng chú ý, tháng 12/2019, tại thời điểm khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, Quảng Ninh là một trong 3 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được thực hiện kết nối giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Cùng với thành công của xây dựng chính quyền điện tử, Quảng Ninh còn triển khai Đề án xây dựng mô hình thành phố thông minh giai đoạn 2017-2020. Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước xây dựng và ban hành kiến trúc thành phố thông minh cấp tỉnh. Đối với lĩnh vực y tế, tỉnh triển khai dự án xây dựng 3 bệnh viện thông minh (Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi) hướng tới tiêu chuẩn quốc tế. Việc cung cấp dịch vụ y tế thông minh từ “thụ động” chuyển sang hướng “chủ động”. Công tác quản lý, khám chữa bệnh được nâng cao; giảm thời gian, chi phí cho người bệnh; được người dân đánh giá tích cực, góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân.

Đối với lĩnh vực giáo dục, tỉnh triển khai 3 dự án về xây dựng trường, lớp học thông minh trên địa bàn TP Hạ Long và trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tính đến nay, tỉnh đã hoàn thành 46 trường với 551 lớp học tiên tiến, thông minh, mang lại nhiều lợi ích cho giáo viên, học sinh, phụ huynh cũng như trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập. Trong lĩnh vực môi trường, tỉnh đã xây dựng 86 trạm quan trắc, nâng cao năng lực quan trắc, kiểm soát môi trường tự động trên địa bàn tỉnh, quản lý được chất lượng nước thải, khói bụi, không khí, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng tính minh bạch, yêu cầu thông tin của người dân. Với lĩnh vực du lịch, tỉnh đầu tư hệ thống wifi miễn phí trên địa bàn tỉnh với 109 điểm phát sóng đã phục vụ rất tốt cho du khách, hỗ trợ du lịch, tạo nền tảng cho các ứng dụng thông minh hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ.

Về hạ tầng CNTT, tỉnh cũng đã đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT và Trung tâm Điều hành thông minh tại Trụ sở Văn phòng HĐND, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, bước đầu hình thành một hệ thống hạ tầng CNTT hiện đại, đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng của lãnh đạo UBND tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại trụ sở Văn phòng HĐND, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.

Trong những năm qua, Quảng Ninh đã đẩy mạnh triển khai các ứng dụng CNTT, từng bước hiện đại hóa nền hành chính, góp phần vào công cuộc cải cách hành chính của tỉnh. Với việc thực hiện các chỉ đạo của tỉnh, việc ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: Hoàn thành dự án “Xây dựng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã”, theo đó hoàn thiện 186/186 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã; mở rộng, hoàn thiện mạng diện rộng WAN của tỉnh đến cấp xã với 342 đơn vị, 345 đường truyền. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh đến cấp xã với 239 điểm cầu đảm bảo chất lượng HD để tổ chức các cuộc họp trực tuyến trên toàn tỉnh.

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã triển khai sử dụng hệ thống một cửa điện tử tại 100% cơ quan, đơn vị có thủ tục hành chính. Đồng thời, trên 30 hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đầu tư, xây dựng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý làm cơ sở, nền tảng quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính và phục vụ nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị, CB, CC, VC trên địa bàn tỉnh...

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, kế hoạch, đề án, dự án, 3 năm liên tiếp tỉnh Quảng Ninh đều đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng ICT toàn quốc. Đặc biệt, năm 2018, tỉnh Quảng Ninh xuất sắc, vinh dự được nhận giải thưởng ASOCIO - đây là giải thưởng CNTT uy tín hàng đầu khu vực do Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương tổ chức.

Để xây dựng nền kinh tế tri thức vùng Đông Bắc, tỉnh Quảng Ninh đã xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là yếu tố then chốt, quyết định, cần có những bước đi quyết liệt, đột phá. Vì thế, những năm qua, Quảng Ninh triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp để xây dựng đội ngũ như: Thực hiện hiệu quả Đề án 25 gắn với triển khai Chương trình hành động số 21; xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức của các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh làm cơ sở để bố trí, sắp xếp đội ngũ CB, CC, VC trong các cơ quan, tổ chức. Cùng với đó, công tác tuyển dụng, thi thăng nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức được tổ chức theo đúng thẩm quyền, công khai, minh bạch.

Đồng thời, tỉnh còn tổ chức tốt công tác bồi dưỡng kiến thức mới trong và ngoài nước, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ. Giai đoạn 2012 - 2018, tỉnh tổ chức được 62 lớp bồi dưỡng ở nước ngoài, cử 1.576 lượt CB,CC,VC của tỉnh đi học tập, bồi dưỡng theo chuyên đề tại hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; tổng kinh phí thực hiện 198,5 tỷ đồng.

Đối với nhân lực lao động có tay nghề cao, tỉnh đã từng bước cụ thể hóa chủ trương nâng cao chất lượng đào tạo trong tỉnh, gắn với nhu cầu thực tế; đào tạo theo phương châm “3 nhà” (Nhà nước, nhà trường và nhà đầu tư) để thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển sinh nguồn nhân lực, nhất là các nhà đầu tư lớn - nhà đầu tư chiến lược trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh còn thành lập Trường Đại học Hạ Long, phấn đấu đến năm 2025 trường trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và hướng tới trở thành cơ sở đào tạo có uy tín trong nước, khu vực. Bên cạnh đó, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ được tỉnh đầu tư xây dựng mới về cơ sở vật chất, đổi mới mô hình tổ chức để trở thành cơ sở thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Để xây dựng nền kinh tế tri thức nhanh, bền vững, tỉnh còn đẩy mạnh liên kết vùng và hợp tác trong nước và quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực.

Có thể thấy, những bước đi đột phá trong CNTT đã giúp tỉnh Quảng Ninh từng bước xây dựng nền kinh tế tri thức, từ đó, đáp ứng các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Lan Anh

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu