4
18
/
1011943
Khơi dậy đam mê cho những nhà nghiên cứu trẻ
longform
Khơi dậy đam mê cho những nhà nghiên cứu trẻ

Môi trường học tập, sự khích lệ, truyền lửa từ các thầy cô, sân chơi để thể hiện năng lực… chính là bệ phóng cần thiết cho những “nhà khoa học” tuổi teen phát huy khả năng sáng tạo của mình. Từ đó hình thành nên những sáng kiến, chế tạo, phát minh hữu ích, có tính ứng dụng cao vào thực tiễn cuộc sống.

“Tình yêu đối với môn hóa chính là chất xúc tác dẫn dắt chúng em đến phát minh này” - Đỗ Trung Hiếu, học sinh lớp 11A5, Trường THPT Lê Thánh Tông (TP Hạ Long) chia sẻ. Hiếu và Đào Minh Đạt, học sinh lớp 11A3 là đồng tác giả của Dự án chiết, tách tanin từ lá chè xanh để ứng dụng tạo bộ test thử formol trong bún, phở, hải sản, được trao giải Nhất tại Cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2019-2020.

Đỗ Trung Hiếu cho biết: Qua các cơ quan thông tin đại chúng, em được biết mỗi năm Việt Nam có thêm 150.000 người mắc bệnh ung thư, trong đó có khoảng 50.000 người mắc bệnh do ăn uống thực phẩm bị ô nhiễm và tất nhiên không thể loại trừ formol trong thực phẩm. Những năm gần đây, tỷ lệ người mắc và tử vong vì bệnh ung thư ngày càng tăng cao, chủ yếu là do ăn các thực phẩm có chứa formol. Thực trạng trên khiến chúng em luôn băn khoăn và đặt ra câu hỏi làm cách nào để nhận biết được thực phẩm có bị nhiễm formol hay không? Nếu như có một bộ test thử formol nhỏ gọn, tiện lợi, dễ thực hiện, thì các gia đình, bà nội trợ có thể thuận tiện hơn trong việc xác định và loại bỏ những thực phẩm có hại cho sức khỏe trong bữa ăn hàng ngày.

Từ mong muốn đó, Hiếu và Đạt đã quyết định thực hiện Dự án chiết, tách tanin từ lá chè xanh để ứng dụng tạo bộ test thử formol trong bún, phở và hải sản. Qua những tiết học hóa, sinh trên lớp, cùng nghiên cứu tài liệu, 2 bạn trẻ đã phát hiện ra chất tanin có trong một số loài thực vật như sim, ổi, chè, đước, tràm… có thể giúp nhận biết được chất formol, khi tiến hành chiết xuất từ các loại cây, kết quả thu được cho thấy hàm lượng tanin trong lá chè xanh cao hơn hẳn, nguyên liệu lại dễ tìm kiếm.

Thành công bước đầu này cùng với sự hướng dẫn, tư vấn của thầy cô, sau nhiều lần thử nghiệm, Hiếu và Đạt đã chế tạo ra bộ test thử formol từ lá chè xanh. Ưu điểm của bộ test này là nhỏ gọn, giá thành thấp. Theo chia sẻ của Hiếu và Đạt, chỉ với 65.000 đồng cho 10 lần thử, quy trình sử dụng đơn giản, các gia đình đã có thể biết được thực phẩm nào chứa formol gây hại cho sức khỏe; các nhà quản lý cũng có thể kiểm tra nhanh để xử lý những cơ sở kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Giống như Hiếu và Đạt, từ sự khích lệ, động viên của thầy cô, nhà trường, thông qua các cuộc thi, phong trào sáng tạo, đã khơi nguồn, chắp cánh cho đam mê nghiên cứu của nhiều học sinh, sinh viên. Thiết kế cánh tay rô-bốt của Đoàn Thị Quế, lớp TĐH K10, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh chính là một trong những sáng kiến đến từ phong trào KHKT do nhà trường tổ chức.

Đoàn Thị Quế cho biết: Từ năm 2018 đến nay, năm nào Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh cũng có đội tham gia cuộc thi sáng tạo robocon toàn quốc với nhiều sản phẩm. Chính từ các cuộc thi này, phong trào nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong trường diễn ra sôi nổi hơn. Qua học hỏi, tích lũy và tham khảo từ các cuộc thi trước, em cùng các bạn trong CLB khoa học đã nghiên cứu, thiết kế bản vi mạch điều khiển cánh tay rô-bốt để phục vụ cho các cuộc thi robocon của trường.

Thiết kế này của Quế và các bạn đã được xếp loại giỏi và nhận giấy khen có thành tích xuất sắc trong vòng loại khu vực phía Bắc, Cuộc thi robocon toàn quốc năm 2019. “Những chế tạo ban đầu ngay từ trên ghế nhà trường sẽ cho chúng em cơ hội để thể hiện tư duy, năng lực của mình, đồng thời tích lũy kỹ năng, kiến thức để chuẩn bị tốt hơn cho quá trình lập nghiệp sau này”, Đoàn Thị Quế chia sẻ thêm.

Từ những cuộc thi, giải thưởng cấp trường, cấp tỉnh, niềm đam mê khoa học của các bạn trẻ tiếp tục được nuôi dưỡng, vun đắp, để vươn tới những phát minh tầm cỡ hơn, được ghi nhận và khẳng định trên đấu trường quốc tế. Tiêu biểu như với phát minh về môi trường mới để nuôi tảo xoắn spirulina và sản phẩm tách chiết C-phycocyanin, 2 học sinh Lương Nguyên Cát, Nguyễn Khánh Toàn, học sinh Trường THPT Chuyên Hạ Long (TP Hạ Long) đã xuất sắc vượt qua hơn 500 sản phẩm của 31 quốc gia khác để đoạt Huy chương Bạc tại Cuộc thi Phát minh sáng chế quốc tế INOVA lần thứ 44.

Hay như trước đó, năm 2018, 2 học sinh Lê Tuấn và Mạnh Tuấn Hưng, học sinh Trường THPT Chuyên Hạ Long khóa 2016-2019 cũng đã đoạt Huy chương Bạc ở Triển lãm Sáng chế quốc tế tại Cao Hùng, Đài Loan (Trung Quốc), do Hiệp hội Phát minh sáng chế thế giới tổ chức.

Đặc biệt, nhiều đề tài, giải pháp, sáng kiến đã được vận dụng, áp dụng vào thực tiễn, cũng như đóng góp lớn vào sự phát triển chung của tỉnh. Điển hình như các tập phim hoạt hình về Yên Tử của học sinh Trường THPT Uông Bí (TP Uông Bí) đã góp phần giáo dục truyền thống lịch sử và tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh; ứng dụng di động về học lịch sử và tra cứu thông tin du lịch thông minh của Lô Vũ Bình Minh, học sinh Trường THPT Hoàng Quốc Việt (TX Đông Triều) giúp ích cho học sinh và khách du lịch. Hay như thiết bị hỗ trợ người khiếm thị của học sinh Trường THCS Trọng Điểm (TP Hạ Long); thiết bị cảnh báo quên trẻ em trên xe ô tô qua tin nhắn của học sinh Trường THPT Bãi Cháy (TP Hạ Long) đã góp phần giải quyết những khó khăn, bất cập trong xã hội…

Khơi nguồn, chắp cánh cho những đam mê sáng tạo của học sinh, sinh viên, những năm qua, ngành Giáo dục, Liên hiệp các hội KHKT tỉnh, Tỉnh Đoàn đã luôn đồng hành, dẫn dắt và tạo cơ hội cho các em tự tin thể hiện trí tuệ, hoàn thành giấc mơ trở thành “nhà khoa học”.

Hằng năm, Sở GD&ĐT đã phát động và tổ chức Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học từ cấp trường đến cấp tỉnh. Qua đó, nhận được sự hưởng ứng tham gia sôi nổi của đông đảo học sinh đam mê khoa học và sự chung tay hỗ trợ nhiệt tình từ các bậc phụ huynh, cộng đồng doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Trong 5 năm qua (2015-2020), toàn tỉnh đã có 340 dự án đoạt giải cấp tỉnh, 26 dự án đoạt giải cấp quốc gia. Cuộc thi cấp tỉnh được tổ chức ngày càng tăng về số lượng cũng như chất lượng của các sản phẩm, dự án tham gia. Số lượng tác giả tham gia, số lĩnh vực có dự án dự thi đều tăng hằng năm. Nhiều đề tài, dự án tham dự Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp quốc gia đoạt giải cao đã tạo động lực khuyến khích các em tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo.

Với Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng do Liên hiệp các hội KHKT và các sở, ngành của tỉnh phát động, tổ chức hằng năm, qua 4 lần tổ chức, đã có gần 500 mô hình, sản phẩm là các phát minh, sáng chế của học sinh trong tỉnh gửi tham dự. Trong đó có 148 mô hình, sản phẩm đoạt giải. Từ các mô hình, sản phẩm này, các em cũng được lựa chọn, hướng dẫn để tham dự cuộc thi toàn quốc và đoạt được những giải thưởng đáng khích lệ. Tiêu biểu như đề tài “Smarthome cho các gia đình nông thôn Việt Nam” của Nguyễn Văn Hiếu và Lê Văn Đỉnh, học sinh Trường THPT Đầm Hà (huyện Đầm Hà) đã đoạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2016 và được gửi tham dự Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ IEYI năm 2017 tại Nhật Bản. Đề tài đã vinh dự nhận được 2 giải thưởng là: Giải công trình xuất sắc nhất của Hiệp hội Sáng kiến sáng chế Macao và Giải đặc biệt của Hiệp hội Sáng chế Đài Loan (Trung Quốc).

Hay như mô hình “Robot tự hành phát hiện, định vị, dò mìn (RBC)” của Nguyễn Đức Thành và Lê Phong Vũ, học sinh Trường THPT Uông Bí (TP Uông Bí) đoạt giải Ba tại Cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2017-2018 và được tuyên dương “Tuổi trẻ sáng tạo” toàn quốc năm 2018.

Bên cạnh việc tổ chức, phối hợp tổ chức các cuộc thi nghiên cứu khoa học cho thế hệ trẻ, những năm gần đây, Sở GD&ĐT còn đưa giáo dục STEM vào trường học theo tinh thần dạy học liên môn, mỗi môn học (toán, vật lí, hóa học, sinh học, tin học, công nghệ) thực hiện tối thiểu 2 chủ đề/năm học, 1 chủ đề/học kỳ. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tập thể, giáo dục ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa chuyển mạnh sang hướng trải nghiệm sáng tạo gắn với hướng nghiệp dạy nghề, giáo dục đạo đức học sinh, giáo dục STEM. 

Từ mô hình này, nhiều chủ đề hay đã được đưa vào trường học, giúp các em thỏa sức sáng tạo, nghiên cứu khoa học như: Làm thuyền điều khiển từ xa; đèn pin dành cho người khiếm thị; bảo tồn hoa phong lan phi điệp tím Vân Đồn theo phương pháp sinh sản sinh dưỡng; chế tạo nước rửa bát an toàn từ nguyên liệu tự nhiên; chế tạo than chì từ rơm rạ...

 

Ngoài ra, hằng năm Sở GD&ĐT đều tổ chức các hội thảo khoa học có sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học ở các trường đại học, học viện trong tỉnh và cả nước để tư vấn nghiên cứu KHKT, giáo dục STEM trong các trường trung học.

Cũng qua các hội thảo này, nhiều nội dung ký kết phối hợp về hỗ trợ học sinh nghiên cứu khoa học, tham gia trải nghiệm sáng tạo, giáo dục STEM được thực hiện. Cụ thể, các trường THPT Chuyên Hạ Long, THPT Hòn Gai đã ký kết tham gia với Đại học VinUni trong chương trình đưa giáo dục STEM đến các trường phổ thông. Trường THPT Chuyên Hạ Long phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ trong chương trình Bánh xe công nghệ, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ sinh hoạt của câu lạc bộ khoa học. Trường THPT Hòn Gai tham gia chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên giáo dục STEM theo chương trình của Hội đồng Anh từ năm 2016. Công ty NSJ phối hợp với Sở GD&ĐT tài trợ 2 phòng học trải nghiệm cho Trường THCS Trọng Điểm Hạ Long và THPT Hải Đảo...

Các hoạt động tiếp sức, hỗ trợ từ phía nhà trường và các sở, ngành trong tỉnh đã tạo nền tảng vững chắc cho học sinh, sinh viên thể hiện đam mê; đồng thời, là ngọn hải đăng soi sáng, truyền năng lượng tích cực, dẫn dắt các em tiếp bước trên con đường nghiên cứu khoa học, sáng tạo ra những tài sản trí tuệ có ích cho cộng đồng, xã hội.

Thực hiện: Lan Anh - Nguyên Ngọc

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu