Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, với đặc thù địa lý là địa phương có đường biên giới dài với Trung Quốc, hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ sống động… nên Quảng Ninh được xác định ngay từ đầu là địa phương có nhiều nguy cơ cao về lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Tuy nhiên, trải qua các giai đoạn với những diễn biễn dịch bệnh khác nhau, Quảng Ninh đã giữ được an toàn tuyệt đối, không để dịch bệnh lây lan trọng cộng đồng. Tỉnh đã chủ động, dự báo đúng tình hình từ xa, từ sớm; quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch; thực hiện thành công "mục tiêu kép" với đối sách phù hợp, kịp thời theo phương châm "3 trước", "4 tại chỗ"; hoàn toàn chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh, không để xuất hiện mầm bệnh trên địa bàn.
Quảng Ninh được Chính phủ tin tưởng, trao nhiệm vụ đón hơn 2 vạn công dân Việt Nam, chuyên gia, kỹ sư, lao động nước ngoài đi từ hoặc đi qua vùng có dịch nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái và Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn. Các chuyến bay đều được đón một cách an toàn, tuân thủ đầy đủ các quy định nghiêm ngặt về y tế.
Ngay sau thời kỳ giãn cách xã hội, tỉnh đã nhanh chóng xác lập trạng thái bình thường mới; ban hành các cơ chế, chính sách mạnh mẽ ổn định KT-XH, phục hồi ngành du lịch, dịch vụ, lấy lại đà tăng trưởng. Trong đó phải kể đến 2 quyết sách lớn rất kịp thời, là Nghị quyết số 245/2020/NQ-HĐND ngày 31/3/2020 về “Một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.
Theo đánh giá của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, cho đến thời điểm này, Quảng Ninh là một trong số ít các địa phương trong cả nước đưa ra được gói kích cầu cho du lịch quy mô lớn, mạnh mẽ và thực hiện trên đồng bộ nhiều giải pháp như vậy. Đồng thời, rất nhiều địa phương trong nước đã phải điều chỉnh về tăng trưởng kinh tế năm 2020, tuy nhiên, tỉnh vẫn kiên định với mục tiêu đặt ra của mình từ đầu năm và trong cả nhiệm kỳ 2015-2020. Theo đó phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu KT-XH, trong đó: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt khoảng 12%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn phấn đấu đạt 48.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa phấn đấu đạt 37.000 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận: Quảng Ninh đã thực hiện tốt "mục tiêu kép" như chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ vừa đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe người dân, vừa ổn định kinh tế xã hội, duy trì sản xuất kinh doanh. Quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng của tỉnh rất đáng hoan nghênh và bằng những giải pháp tỉnh đã, đang thực hiện đã cho thấy sự kiên định này là có nền tảng, cơ sở để thực hiện. Đáng chú ý, GRDP Quý I/2020 của tỉnh đạt 7,2%, là một trong số ít các tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất cả nước; thu ngân sách, thu nội địa đều rất khả quan; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; nhiều nhà đầu tư chiến lược tiếp tục lựa chọn Quảng Ninh là điểm đến để triển khai các dự án quy mô lớn – điều này càng cho thấy môi trường đầu tư hấp dẫn của tỉnh.
Thủ tướng cũng bày tỏ ấn tượng khi Quảng Ninh đã tái khởi động ngành du lịch nội địa một cách mạnh mẽ, bằng những giải pháp mới, đạt hiệu quả ngay trong khoảng thời gian đầu triển khai. Điển hình, chỉ tính riêng ngày 23/5, tỉnh đã đón tới 11.000 du khách; trong ngày 23, 24/5 khánh thành đường bao biển Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long) và khai trương giai đoạn I Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh (TP Cẩm Phả), tạo thêm điểm nhấn cho phát triển hạ tầng và du lịch của địa phương. Qua đó, cho thấy tỉnh chuẩn bị rất tốt các điều kiện đảm bảo để phục hồi ngành du lịch, dịch vụ ngay sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Đây cũng là nền tảng quan trọng để tỉnh sớm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo về một số kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ 2015-2020. Theo đó, trên cơ sở kế thừa, phát huy thành tựu chung của hơn 30 năm đổi mới, tiếp nối được đà tăng trưởng, phát triển và sáng tạo của nhiệm kỳ 2010-2015, tỉnh Quảng Ninh đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất; chủ động, tích cực, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách, vận dụng hợp lý các quy luật khách quan, cụ thể hóa một cách bài bản, khoa học trong khuôn khổ pháp luật với nhiều mô hình mới, cách làm hay; đạt được thành tựu nổi bật, quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; phát huy tốt vai trò là một trong những cực tăng trưởng kinh tế của phía Bắc.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của tỉnh giai đoạn 2016-2019 đạt 10,9%, cao hơn so với bình quân chung cả nước. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 6.135 USD (năm 2020 ước đạt 6.500 USD), cao gấp đôi bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; năm 2019, tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 45,9% (tăng 2,8%), công nghiệp chiếm 48,1% (giảm 1,1%), nông nghiệp chiếm 6,0% (giảm 1,7%) so với năm 2015. Thu ngân sách luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; tổng thu ngân sách giai đoạn 2016-2019 đạt gần 163.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa chiếm hơn 72,3%. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân hằng năm chiếm trên 60% tổng chi ngân sách địa phương, vào loại cao của cả nước.
Đáng chú ý, năm 2019, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 12,01%, cao nhất trong 10 năm gần đây; thu ngân sách trên địa bàn đạt 46.173 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, trong đó, thu nội địa đạt 34.702 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Quý I/2020, mặc dù bị ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch COVID-19 song tỉnh vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 7,2%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến ngày 22/5/2020 đạt 19.280 tỷ đồng, đạt 40,2% dự toán năm; trong đó thu nội địa đạt 14.331 tỷ đồng, đạt 38,7% dự toán; thu xuất nhập khẩu đạt 4.949 tỷ đồng, đạt 45,0% dự toán. Qua đó, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của đất nước trong giai đoạn vừa trải qua những khó khăn do đại dịch Covid-19.
Phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương đều đánh giá Quảng Ninh đã cho thấy rõ nét về hình mẫu của sự đổi mới, mang tầm vóc lớn, thể hiện sự tiên phong, sáng tạo và quyết liệt và vận động không ngừng. Đáng quý ở Quảng Ninh là chỉ xin Trung ương về cơ chế, chính sách để làm, chứ không xin tiền ngân sách Nhà nước; không ngại việc khó, việc tiên phong, mở đường, mà đã làm thì làm đến cùng, với quyết tâm cao nhất, không chần chừ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt ấn tượng trong nhiệm kỳ 2015-2020, Quảng Ninh mặc dù có nhiều sự thay đổi trong nhân sự nhưng vẫn tiếp tục giữ được một tập thể đoàn kết, thống nhất, có ý chí, có khát vọng phát triển. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng để đưa một địa phương có quy mô lớn về kinh tế như Quảng Ninh đi đến thành công.
Thủ tướng nhấn mạnh: Quảng Ninh giờ đây là hình mẫu về chuyển đổi mô hình kinh tế thành công từ "đen sang xanh", truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các địa phương trong cả nước. Từ Quảng Ninh có thể đúc kết thành 5 bài học kinh nghiệm quan trọng. Đó là: Giá trị về bài học quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên về du lịch; tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng chuẩn mực quốc tế; thu hút và phát huy vai trò của các nhà đầu tư tư nhân như "sếu đầu đàn"; phát huy vai trò tính năng động, sáng tạo, quyết đoán của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân; chia sẻ thành quả về phát triển đến người dân theo những mục tiêu về phát triển môi trường bền vững. Bài học từ Quảng Ninh đã góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho phục hồi và phát triển đất nước.
Từ những kết quả đạt được, tỉnh cần tiếp tục không ngừng cố gắng, nỗ lực hơn nữa, để có những kết quả cao hơn, mới hơn, tiếp tục đóng góp cho Trung ương nhiều hơn nữa. Cần nắm lấy trách nhiệm tiên phong, đi đầu, tận dụng thời cơ mới, vận hội mới, vượt qua những khó khăn, thách thức để không chỉ là là trung tâm phát triển của vùng Đông Bắc mà phải là trung tâm phát triển của phía Bắc cả nước; là phên giậu vững chắc giữ gìn non sông, bờ cõi; là động lực vững chắc đóng góp cho hưng thịnh quốc gia.
Bài: Hồng Nhung
Trình bày: Hùng Sơn
Ý kiến ()