Khi mọi người, mọi nhà đang náo nức chào đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 thì họ đã miệt mài theo dõi những trang tin về tình hình bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (sau này gọi là dịch Covid-2019) gây ra. Luôn chủ động, sẵn sàng, ứng phó nhanh với tình hình dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ không để dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng là công việc của các cán bộ làm công tác dịch tễ, kiểm soát bệnh truyền nhiễm - những người lặng thầm đi trước dịch, về sau dịch.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh với chức năng nhiệm vụ là dự phòng, kiểm soát bệnh truyền nhiễm, nên khi có dịch bệnh xảy ra, CDC Quảng Ninh chính là đơn vị “tuyến đầu”, còn các đơn vị điều trị chính là “tuyến cuối”.
“Đối với những dịch bệnh mang tính toàn cầu như Covid-19, điều quan trọng nhất là phải thực hiện tốt công tác phòng bệnh, không để dịch xuất hiện trên địa bàn; nếu có dịch thì phải nhanh chóng khoanh vùng, xử lý, hạn chế tối đa sự lây lan ra cộng đồng. Nếu để dịch lây lan, số mắc lên tới hàng nghìn người thì sẽ dẫn tới quá tải hệ thống y tế, kể cả đối với những nước có nền Y tế phát triển cũng sẽ chịu tổn thất nặng nề…” - bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm CDC Quảng Ninh, cho biết.
Cũng chính từ mục tiêu này, trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19, CDC Quảng Ninh đã chủ động ngay từ những ngày đầu. Ngay khi có thông tin về những ca mắc viêm phổi nặng đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc), những người làm công tác kiểm soát dịch bệnh đã lưu tâm, ghi chép, cập nhật số liệu từng ngày, dự báo tình hình dịch, xây dựng phương án để sẵn sàng ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch.
Covid-19 diễn biến “nóng” dần trong thời điểm Tết Nguyên đán - là dịp mọi gia đình sum họp, nghỉ ngơi, nhưng các cán bộ, điều tra viên của CDC Quảng Ninh hầu như không có Tết mà cuốn vào guồng quay của công việc, sẵn sàng ứng trực ở cơ quan. “Năm nay, chúng tôi gần như không ăn Tết; mọi hoạt động kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 cũng đều gác lại. Tất cả đều tập trung toàn bộ trí lực cho công tác phòng chống dịch Covid-19” - bác sĩ Nguyễn Thị Dung, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm CDC Quảng Ninh, cho biết.
Ngay trong những ngày đầu sau kỳ nghỉ Tết, không khí làm việc khẩn trương, đầy tinh thần trách nhiệm diễn ra ở khắp các khoa, phòng của CDC Quảng Ninh. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng để đáp ứng ngay khi có ca bệnh.
Đó là xây dựng kế hoạch; đào tạo tập huấn cho hệ thống y tế cơ sở; tập huấn thiết lập, vận hành cho 16 đội đáp ứng nhanh; chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, hóa chất, trang phục phòng hộ, dụng cụ lấy mẫu... Các quy trình điều tra, xử lý dịch, hướng dẫn cách ly, phòng chống nhiễm khuẩn,... nhanh chóng được chuyển giao tới các đơn vị. Các tài liệu truyền thông cũng được xây dựng và phát hành, cung cấp tới tất cả các phường/xã trên địa bàn tỉnh. Mô hình giám sát bệnh dựa vào cộng đồng vốn đã được thực hiện nhiều năm nay nhanh chóng trở thành hệ thống hữu hiệu cho việc cung cấp, xử lý các thông tin về tình hình dịch bệnh.
Nhờ chủ động đi trước, đón đầu trong mọi tình huống, CDC Quảng Ninh tự tin, vững tâm đối phó với đại dịch. Lặng thầm chuẩn bị mọi việc nên khi Covid-19 xuất hiện, tất cả các hệ thống phòng chống dịch được kích hoạt, vào vị trí mà không hề lúng túng.
Điển hình như đợt ứng phó với với việc có 4 du khách nước ngoài đang lưu trú trên địa bàn Quảng Ninh mắc Covid-19 vào ngày 8/3/2020. Bằng sự nhanh nhạy trong giám sát, sự phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan, 4 du khách nước đã được thu dung, cách ly, chẩn đoán trong vòng chưa đầy 1 ngày. Tất cả người, phương tiện có liên quan, tiếp xúc với 4 du khách được lập danh tính, địa chỉ lưu trú, lịch trình… để kiểm soát theo hướng dẫn.
Ngày 8/3 cũng đã đánh dấu mốc thời gian quan trọng của ngành Y tế Quảng Ninh trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Toàn ngành đã chuyển trạng thái từ phòng dịch sang chống dịch. Công việc của các bác sĩ dịch tễ càng bận rộn hơn. Những thông tin về dịch bệnh trong nước, quốc tế liên tục được cập nhật, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh làm cho họ làm việc quên cả thời gian. Những thông tin về du khách nước ngoài du lịch qua địa bàn tỉnh mắc bệnh liên tục được báo về. Hàng chục con tàu được đưa vào bờ để khử khuẩn, hàng trăm thuyền viên, nhân viên phục vụ được đưa đến các khu cách ly để theo dõi sức khỏe, sàng lọc Covid-19. Nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn được giám sát, khoanh vùng, cách ly, xử lý dịch. Sự khoanh vùng kịp thời này đã góp phần kiểm soát dịch bệnh, tạo sự yên tâm trong cộng đồng.
Mỗi ngày qua đi, khi mọi người đã gác lại công việc để trở về với gia đình thì các bác sĩ dịch tễ vẫn lặng lẽ ở lại nơi làm việc để chờ kết quả xét nghiệm sàng lọc Covid-19. Mỗi ca bệnh xuất hiện là lúc họ lại thức trắng đêm để phối hợp với các ngành, địa phương, đồng nghiệp thực hiện khoanh vùng xử lý dịch. Họ tận dụng, giành giật từng phút giây, ngăn chặn không cho dịch có cơ hội lan rộng.
Nếu như bình thường, các cán bộ dịch tễ thường xuyên bận rộn theo dõi, giám sát các bệnh dịch như tả, sốt xuất huyết, bệnh dại… trên địa bàn, từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19, công việc của họ tăng lên gấp nhiều lần. Những bữa cơm dang dở, những đêm thức trắng, những chuyến công tác liên miên… đã trở nên thường xuyên đối với mỗi cán bộ dịch tễ.
Chưa khi nào có bệnh dịch lớn như Covid-19 xảy ra. Cũng chưa khi nào công việc điều tra dịch tễ lại bận rộn như lúc này với số lượng hàng trăm, hàng nghìn người. Họ vẫn cần mẫn điều tra các yếu tố dịch tễ, giám sát từng ca bệnh có dấu hiệu nghi ngờ; sàng lọc, chỉ định xét nghiệm để tìm kiếm những ca bệnh đầu tiên xâm nhập vào địa bàn tỉnh. “Nói thì đơn giản nhưng nhiều khi để tìm được 1 trường hợp người tiếp xúc gần để đưa vào cách ly có khi phải mất hơn một ngày. Bởi chỉ cần sai tên, họ hay năm sinh, số điện thoại là lại phải rà soát, đối chiếu lại từ đầu. Tìm không ra là không yên tâm, vì họ có thể mang mầm bệnh, là mối nguy cho cả cộng đồng…” – bác sĩ Nguyễn Thị Dung chia sẻ.
Thêm vào đó, chỉ cần một người khai báo y tế không chính xác thì nguy cơ dịch bệnh tăng lên gấp bội. “Mình không phải công an, người dân, du khách cũng không phải tội phạm, nên không thể làm như…ép cung được. Những lúc ấy cán bộ dịch tễ lại phải mềm mỏng, khéo léo tuyên truyền, vận động, tránh gây áp lực để người dân bình tĩnh, hợp tác. Thế nên mới có chuyện, có người khai báo sai, thiếu những người mình gặp, những nơi mình đi; sau khi được giải thích, vận động, họ xin khai báo lại từ đầu…” – bác sĩ Nguyễn Thị Dung cho biết thêm.
Những ngày này, khi dịch Covid-19 ngày càng diễn biến “nóng” hơn, những cán bộ, nhân viên điều tra dịch tễ càng bận rộn hơn. Họ lăn xả vào những địa bàn có ca mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào, đi bất cứ nơi đâu, thậm chí chuẩn bị sẵn đồ dùng cá nhân để “cơ động” hoặc phải đi cách ly. Điều tra, giám sát, cảnh báo, lấy mẫu xét nghiệm, sàng lọc thông tin từ tất cả các nguồn… là công việc mà mỗi ngày các cán bộ điều tra dịch tễ đang thực hiện. Những việc làm âm thầm lặng lẽ ấy có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan, mang lại an toàn cho cộng đồng.
Bài: Hoàng Quý
Trình bày: Hùng Sơn
Ý kiến ()