Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:39 (GMT +7)
TP Hạ Long: Thực hiện chuyển đổi số toàn diện: Lấy người dân là trung tâm
Thứ 4, 11/05/2022 | 08:19:56 [GMT +7] A A
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 5/2/2022) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP Hạ Long đang nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số trên cả 3 trục là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong tiến trình thực hiện, TP Hạ Long quan tâm lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên để triển khai, nhằm đảm bảo đầu tư tập trung, tránh dàn trải, mang đến hiệu quả tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp...
Đồng bộ giải pháp
Là đơn vị đầu mối tiếp nhận, giải quyết tất cả các thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn thành phố, trung bình mỗi tháng Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long tiếp nhận và giải quyết khoảng 5.000-10.000 hồ sơ các loại. Để bảo đảm việc giải quyết TTHC được thực hiện công khai, minh bạch, hạn chế tối đa tỷ lệ hồ sơ quá hạn, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, trung tâm đẩy mạnh việc số hóa điện tử các hồ sơ TTHC, 100% TTHC thực hiện tại trung tâm được thiết lập quy trình điện tử trên hệ thống thông tin một cửa điện tử.
Ngoài ra, trung tâm sử dụng chữ ký số cho tất cả cán bộ chuyên trách trong quy trình xử lý văn bản khép kín hệ thống quản lý văn bản; đẩy mạnh việc thực hiện thu phí qua hình thức Banking và thẻ POSS. Đặc biệt, từ ngày 14/4/2022, trung tâm tích cực triển khai thanh toán thuế nhà đất trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đã hoàn thành thanh toán trên 150 trường hợp) được công dân rất hưởng ứng sử dụng vì nhanh chóng thuận tiện...
Đáng chú ý, các dịch vụ công trực tuyến của thành phố được cung ứng trên cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử, được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia. Tính đến ngày 25/4/2022, đã cung cấp 271/281 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh (đạt tỷ lệ 96,4%), trong đó có 227 thủ tục được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đạt 81%), tương ứng với 100% thủ tục đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Đưa chính quyền số tới người dân, tháng 12/2021, TP Hạ Long đã vận hành thử nghiệm Trung tâm Điều hành thành phố thông minh. Trung tâm có 9 hợp phần chính gồm: Giám sát thông tin trên môi trường mạng; giám sát điều hành giao thông; giám sát điều hành an ninh, trật tự; giám sát phản ánh người dân; phân tích dữ liệu; hỏi đáp ý kiến phục vụ người dân - hệ thống tổng đài ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI); giám sát điều hành y tế; giám sát điều hành giáo dục; giám sát điều hành du lịch.
Mỗi hợp phần lại có hệ tương ứng và đang phát huy hiệu quả rất tốt trong công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố khi đã bám sát được các ý kiến, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, với hợp phần giám sát phản ánh người dân, TP Hạ Long đã đưa vào thí điểm ứng dụng đa tiện ích dạng app dành cho điện thoại có tên Hạ Long Smart. Cài đặt ứng dụng này, tất cả người dân có thể phản ánh các vấn đề liên quan đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống và các phản ánh đều được lãnh đạo thành phố, các đơn vị chỉ đạo giải quyết ngay sau khi nhận được thông tin qua app.
Lựa chọn lĩnh vực ưu tiên
Để đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh, TP Hạ Long đang nỗ lực triển khai các giải pháp hiệu quả để chuyển đổi số toàn diện.
Bà Vũ Thị Vân Oanh, Phó Trưởng phòng VH-TT (đơn vị chủ trì thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số toàn diện của thành phố) cho biết: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nhưng cần có cách làm thực tiễn, hiệu quả, không thể triển khai theo phong trào làm lãng phí nguồn lực. Với vị trí đặc biệt, có nhiều nguồn tài nguyên độc đáo, lại có diện tích rộng lớn, dân số đông, nên trong hành trình chuyển đổi số TP Hạ Long đã quyết định lựa chọn một số lĩnh vực để ưu tiên triển khai trước như: Y tế, giáo dục, du lịch, công nghiệp...
Ưu tiên cho những lĩnh vực được chọn, TP Hạ Long đã đưa một loạt nền tảng vào triển khai như: Hội nghị trực tuyến; quản lý giáo dục SMAS; dạy học, thi trực tuyến; khám chữa bệnh từ xa; quản lý bệnh viện thông minh; giải pháp bệnh án điện tử, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh; sổ sức khoẻ điện tử; dữ liệu ngành du lịch; sử dụng các phần mềm chuyên ngành (quản lý CBCCVC, y tế, giáo dục...). Đến nay, các nhiệm vụ ưu tiên chuyển đổ số trong những lĩnh vực này đã cơ bản đạt yêu cầu đề ra.
Trong thời gian tới, để có đánh giá cụ thể hơn về các giải pháp đã thực hiện và khẳng định chính quyền đóng vai trò là người dẫn dắt, khai phá, tạo điều kiện cho sự phát triển, thu hút doanh nghiệp, cá nhân tham gia trong một hệ sinh thái chung, thành phố sẽ triển khai đánh giá thí điểm Trung tâm Điều hành thành phố thông minh để từ đó xây dựng phương án vận hành chính thức. Đồng thời, thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng trên địa bàn thành phố, qua đó hỗ trợ người dân, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số đến tận cấp các phường, xã, tổ chức, đơn vị, với nòng cốt là cán bộ phụ trách về công nghệ thông tin như: Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội LHPN... và đại diện các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn.
Thành phố cũng lên kế hoạch để triển khai tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số cho CBCCVC; đào tạo 100 cán bộ nòng cốt chuyển đổi số trong các cơ quan của ban Đảng, các sở, ban, ngành và khối MTTQ, đoàn thể, địa phương để làm hạt nhân dẫn dắt, triển khai quá trình chuyển đổi số do tỉnh tổ chức.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()