Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 03:23 (GMT +7)
Xuống đồng ở Hà Nam
Thứ 2, 08/07/2024 | 11:31:40 [GMT +7] A A
Nhắc đến vùng đất Hà Nam (TX Quảng Yên) là nói đến “miền di tích và lễ hội” với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội lớn được bảo lưu tương đối nguyên vẹn các giá trị văn hóa truyền thống của cư dân trong vùng từ thuở sơ khai. Trong số đó, Lễ hội xuống đồng với những yếu tố văn hóa tinh thần được trao truyền từ đời này sang đời khác đã trở thành di sản văn hóa vô giá của vùng đất Quảng Yên nói chung, vùng đảo Hà Nam nói riêng…
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới ở Quảng Yên
Đến hẹn lại lên, dịp này hằng năm là thời điểm người dân phường Phong Cốc (làng Cốc) háo hức chuẩn bị, cũng như chờ đón Lễ hội xuống đồng - lễ hội lớn nhất, nhì trong năm của địa phương. Bởi vậy, về làng Cốc những ngày này không khí lễ hội nô nức, rộn ràng khắp nơi nơi. Dọc tuyến đường chính, pano, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền và chào mừng lễ hội được trang hoàng rực rỡ. Đi đến đâu cũng nghe thấy người dân trò chuyện về lễ hội sắp diễn ra. Phấn khởi hơn cả là năm nay, cả làng có được vinh dự, niềm vui lớn khi Lễ hội xuống đồng được ghi danh vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Và lễ đón nhận bằng công nhận cũng được tổ chức ngay trong lễ hội lần này.
Đình Phong Cốc nơi diễn ra chính hội dịp này cũng sôi nổi hoạt động chuẩn bị cho các nghi thức, nghi lễ của lễ hội. Từ sớm, ông Ngô Minh Tâm, Trưởng Ban Quản lý Di tích đình miếu Cốc đã đến để dọn dẹp, sắp xếp lại một số việc cần thiết phục vụ cho lễ hội.
Trò chuyện với phóng viên, ông Tâm cho biết: Lễ hội xuống đồng có nguồn gốc từ tục làm lễ Hạ điền và lễ Thượng điền của cư dân nông nghiệp trên đảo Hà Nam. Trước khi bước vào cấy vụ lúa mùa, dân làng Phong Cốc thường chọn 1 ngày tốt trong khoảng thời gian từ mùng 1 đến 10 tháng 6 (âm lịch) làm lễ cúng tế Thần Nông và Thành Hoàng tại đình Cốc; nghi lễ cấy xuống đồng tại ruộng (cấy cây lúa đầu tiên trong vụ mùa) gọi là lễ Hạ điền. Khi dân làng cấy xong vụ lúa mùa, người dân lại tổ chức lễ cúng tế Thần Nông và Thành Hoàng, cầu mong các vị chứng giám mùa màng đã cấy xong phù hộ cho mùa màng tốt tươi, bội thu gọi là lễ Thượng điền. Lễ Hạ điền ở làng Cốc được tổ chức với quy mô lớn hơn lễ Thượng điền với nghi lễ tế Thần Nông, nghi lễ cấy xuống đồng và hội thi thuyền chải, hội thi cấy giữa các xóm của làng Cốc xưa. Từ đó, người dân trong làng lưu giữ, trao truyền và tổ chức lễ hội gọi chung là Lễ hội xuống đồng.
Lễ hội này có từ năm nào thì không ai biết chính xác. Song theo các cụ già truyền kể, lễ hội có thể được hình thành từ khi có đình Cốc ở thế kỷ XVII và cũng có sự thăng trầm theo thời gian cùng với đình Cốc. Trải qua thời gian, do nhiều nguyên nhân khác nhau, giai đoạn 1955-1967 lễ hội không được tổ chức. Giai đoạn 1967-1986, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc được củng cố; các tổ đội, hợp tác xã được hình thành; phong trào thi đua lao động sản xuất xây dựng chủ nghĩa xã hội phát triển. Hội thi cấy và thi thuyền chải trong Lễ hội xuống đồng được phục hồi, tổ chức trở lại.
Việc thờ cúng Thần Nông, Thành Hoàng ở đình Cốc được nhân dân làng Cốc duy trì tổ chức các nghi lễ cúng, tế tại đình. Đến năm 2007, Lễ hội xuống đồng chính thức được nhân dân khôi phục và tổ chức trở lại. Từ đó đến nay, lễ hội có sức sống bền bỉ, được nhân dân đón nhận, duy trì và tổ chức ngày càng quy mô, nền nếp hơn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia.
“Lễ hội xuống đồng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đời sống tâm linh và tinh thần của người dân Phong Cốc nói riêng, TX Quảng Yên nói chung. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang yếu tố tín ngưỡng bản địa, thể hiện bản sắc của cộng đồng cư dân nông nghiệp. Đồng thời, lễ hội cũng là nguồn sức mạnh cổ vũ, động viên cho toàn thể nhân dân địa phương chăm chỉ làm ăn để đạt được kết quả. Người dân đến tham dự lễ hội vững tin vào thần linh, thành hoàng làng và luôn cầu ước được mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt, xóm làng bình yên và phát triển” - ông Ngô Minh Tâm, Trưởng Ban Quản lý di tích đình miếu Cốc nhấn mạnh.
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học, Lễ hội xuống đồng đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; là cơ sở quan trọng để phát triển lễ hội dần trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước khi đến với Quảng Yên.
Sẵn sàng cho Lễ hội xuống đồng 2024
Lễ hội xuống đồng hiện là một trong 3 lễ hội lớn ở Quảng Yên được UBND thị xã đặc biệt quan tâm chỉ đạo sát sao. Cứ 5 năm một lần, lễ hội này được tổ chức quy mô cấp thị xã, các năm còn lại do UBND phường chủ trì phối hợp với các địa phương tổ chức. Năm nay, Lễ hội xuống đồng gắn với tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ được triển khai quy mô cấp thị xã và diễn ra trong 2 ngày, 20 và 21/7 (15 và 16 tháng 6 âm lịch) tại Di tích quốc gia đình Cốc.
Theo kế hoạch, lễ hội năm nay sẽ có những nội dung hoạt động chính gồm: Lễ tế yết, dâng hương; khai hội Lễ hội xuống đồng năm 2024 và đón nhận bằng công nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; nghi lễ xuống đồng; hội thi cấy lúa; hội bơi chải. Cùng với đó là triển lãm ảnh thời sự, nghệ thuật tại đình Cốc; chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân và khách du lịch tại sân đình Cốc...
Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho lễ hội năm nay đã và đang được các cấp, ngành, địa phương ráo riết triển khai. UBND phường Phong Cốc đã chủ trì, phối hợp chuẩn bị tốt mọi điều kiện về cơ sở vật chất tổ chức phần nghi lễ và phần hội của lễ hội; thực hiện công tác tuyên truyền trực quan tại các khu vực có liên quan: Đình Cốc, ruộng lúa làm lễ xuống đồng, khu vực diễn ra lễ hội và khu vực thi bơi chải, thi cấy lúa; thành lập Ban Vận động tài trợ, huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác tổ chức lễ hội.
Theo ông Vũ Văn Huy, Chủ tịch UBND phường Phong Cốc, hiện phường đang triển khai tu sửa, bao sái đình Cốc, đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực diễn ra lễ hội. Tổ chức khảo sát, nạo vét luồng bơi, chuẩn bị bến bãi phục vụ các giải thi bơi, hội thi cấy; cắm phao tiêu, biển báo, phân luồng đường bơi. Thực hiện sửa chữa, gia cố 4 chải hiện có phục vụ cho các đội tham gia tập luyện và tham gia giải đua chải truyền thống của lễ hội, cũng như phục vụ lễ hội, các giải bơi chải truyền thống hằng năm gắn với phục vụ tham quan du lịch. Phối hợp với các phường Phong Hải, Hà An, Yên Hải và xã Liên Hòa thành lập các đội tham gia giải bơi và tổ chức luyện tập để tham gia giải với các nội dung bơi sào, bơi dầm.
Hiện các địa phương có 16 đội bơi. Trong đó, phường Phong Cốc có 7 đội (2 sào nam, 2 sào nữ, 1 dầm nam, 2 dầm nữ); phường Phong Hải có 6 đội (2 sào nam, 2 sào nữ, 1 dầm nam, 1 dầm nữ); phường Hà An có 1 đội dầm nam; phường Yên Hải có 1 đội dầm nam; xã Liên Hòa có 1 đội dầm nữ. Anh Nguyễn Văn Hùng (khu 6, phường Phong Cốc) chia sẻ: Được lựa chọn làm vận động viên tham gia vào đội bơi của phường trong lễ hội năm nay nên từ nhiều ngày qua tôi đã tập trung rèn luyện sức khỏe để đảm bảo có sức lực tốt nhất. Chúng tôi cũng sắp xếp thời gian tập luyện tại sông cửa đình cùng các đội bạn để đảm bảo sẵn sàng tâm thế thi đấu giành kết quả cao trong giải lần này.
Cùng với công tác chuẩn bị cho lễ hội, phường Phong Cốc cũng tập trung triển khai tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn PCCC; quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thương mại tại lễ hội; bố trí lực lượng và điểm trông giữ xe phục vụ nhân dân, du khách về dự lễ hội; chuẩn bị chương trình văn nghệ phục vụ nhân dân và du khách tại sân đình Cốc tối 20/7.
Ông Ngô Đình Dũng, Trưởng Phòng VH-TT thị xã, cho biết: Lễ hội xuống đồng 2024 gắn với tổ chức lễ đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là một sự kiện quan trọng của TX Quảng Yên. Theo đó, các hoạt động của lễ hội sẽ phải đảm bảo tính sinh động, vui tươi, lành mạnh, an toàn. Việc tổ chức lễ hội phải gắn với các hoạt động tuyên truyền về giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tới đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài nước. Qua đó, tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc riêng có của TX Quảng Yên và vùng đảo Hà Nam; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tạo động lực để TX Quảng Yên trở thành thành phố vào năm 2025.
Ngô Dịu
Liên kết website
Ý kiến ()