Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 12:21 (GMT +7)
Ngành Than: Phát triển hài hoà với địa phương và cộng đồng
Thứ 3, 29/10/2013 | 18:50:36 [GMT +7] A A
Than là một trong những ngành công nghiệp đầu tiên của cả nước, gắn liền với sự phát triển của Quảng Ninh và đã từng được ví là “bánh mỳ công nghiệp”. Với tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” ngành Than luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao và đã có nhiều bứt phá ngoạn mục trong sản xuất kinh doanh, năm 1996, ngành Than được Nhà nước tặng phần thưởng cao quý Huân chương Sao Vàng; năm 2005 tiếp tục được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Từ Xí nghiệp Quốc doanh Than Hòn Gai (1955) nay đã trở thành Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) với trên 14 vạn CBCNV-LĐ, ngành Than đã góp phần đáng kể vào thành tựu xây dựng và phát triển KT-XH của tỉnh Quảng Ninh.
Mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ của suy thoái kinh tế, nhưng trong suốt những ngày tháng qua trên khắp các khai trường sản xuất thuộc ngành Than đâu đâu cũng dấy lên các phong trào thi đua của đội ngũ công nhân mỏ phấn đấu lập thành tích cao nhất chào mừng 50 năm Ngày thành lập tỉnh. Ông Phạm Hùng, Trưởng phòng Thi đua Công ty CP Than Hà Lầm hồ hởi khoe: “Chúng tôi đã đào được 2.784,9m lò xây dựng cơ bản (kế hoạch năm 2013 là 3.095m) với tiết diện đào từ 12m2 đến 30m2, đạt 90% kế hoạch đào lò xây dựng cơ bản của năm nay. Đây là một trong những hành động thiết thực của đơn vị chào mừng ngày thành lập tỉnh, đồng thời chuẩn bị diện sản xuất cho những năm tiếp theo”.
Khai thác than trong lò chợ tại Công ty Than Dương Huy. |
Để ổn định phát triển và đảm bảo đủ công ăn việc làm cho người lao động trước những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, thời gian vừa qua Vinacomin đã điều hành sản xuất một cách linh hoạt, bố trí lao động phù hợp với từng vị trí để đạt được hiệu quả cao nhất; sử dụng máy biến tần và khởi động mềm để tiết kiệm điện; sử dụng phụ gia nanô trong dầu diezel để tiết kiệm nhiên liệu và tập trung bơm nước vào ban đêm để góp phần bình ổn lưới điện và được hưởng giá điện thấp, đồng thời đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hiệu quả. Tập trung đào lò xây dựng cơ bản, củng cố thiết bị; đẩy mạnh tiêu thụ những loại than còn đang tồn kho lớn và chỉ sản xuất các loại than cám từ 6b trở lên, không sản xuất các chủng loại than có phẩm cấp thấp; ưu tiên tiêu thụ than của các đơn vị có giá thành thấp, nhằm đảm bảo cân đối tài chính trong Tập đoàn.
Ông Nguyễn Khắc Chúc, gần 80 tuổi, nguyên công nhân Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả tâm sự: “Công nhân mỏ giờ đang gặp khó do than không tiêu thụ được nhưng đời sống vật chất, tinh thần được chăm sóc tốt, thời đó chúng tôi trong mơ cũng không nghĩ được như bây giờ”. Ngày trước ở Vùng mỏ, người thợ lên lò là mặt mũi đen nhẻm, quần áo vá chằng vá đụp, vai bị, vai búa... nay thì đã khác nhiều. Thợ mỏ có xe ô tô đưa đón đến tận nơi làm việc; từng người có tủ thay quần áo riêng. Làm việc xong được tắm nước nóng. Quần áo bảo hộ, ủng bỏ ra có người giặt, sấy khô, cứ rách nhiều là thay, không hạn chế. Không gian cũng đỡ chật chội, vì hệ thống chống gỗ giờ được thay bằng các loại giá, cột thuỷ lực. Lao động người thợ nhờ cơ giới hoá nên cũng đỡ phần nào nặng nhọc. Các đơn vị còn đầu tư, đưa vào vận hành hệ thống vận chuyển người và thiết bị xuống lò bằng cáp vô tận (Khe Chàm) và monoray (Hà Lầm, Nam Mẫu) để rút ngắn thời gian di chuyển đầu ca và cuối ca giảm bớt nỗi vất vả của người thợ khi phải đi bộ vào nơi làm việc. Đến nay, hầu hết các đơn vị đều đã có sân vận động, nhà thi đấu, nhà sinh hoạt văn hoá thể thao, văn hoá công nhân có sức chứa từ 1.000 đến 4.000 người cùng hệ thống các câu lạc bộ, thư viện...
Theo quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, sản lượng than thương phẩm năm 2015 sẽ là từ 55-58 triệu tấn; năm 2020: 60-65 triệu tấn; năm 2025: 66-70 triệu tấn và năm 2030 là trên 75 triệu tấn. |
Xác định Quảng Ninh là căn cứ địa cách mạng trong chiến lược phát triển của mình suốt thời gian qua, Vinacomin tập trung đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng giao thông và cải tạo môi trường, như: Cải tạo môi trường, cảnh quan bãi thải Nam Đèo Nai, sông Mông Dương; trồng cây cải tạo môi trường khu vực Nam Khe Sim, bãi thải Nam Lộ Phong; xây dựng hệ thống hạ tầng đường vận chuyển chuyên dụng; trồng cây phủ xanh các bãi thải mỏ ứng vốn cho lâm trường trồng rừng gỗ trụ mỏ... Song song với quá trình trên, Vinacomin và các công ty thành viên đã đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng cơ giới hoá, tự động hoá nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đội ngũ thợ mỏ đã thích nghi nhanh với công nghệ sản xuất mới như đào lò bằng máy, chống lò bằng giàn chống thuỷ lực; khai thác lộ thiên sử dụng phương pháp nổ mìn hiện đại kết hợp với các loại ô tô có trọng tải từ 35 đến 96 tấn và máy xúc thuỷ lực gầu ngược có dung tích 12m3/gầu để vận chuyển than, đất. Bên cạnh việc đầu tư cho sản xuất, Vinacomin cũng đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Trong khoảng gần chục năm trở lại đây, Vinacomin hỗ trợ trên 500 tỷ đồng để ủng hộ xây dựng các công trình công ích như trường mầm non, mua thiết bị cho các bệnh viện, đóng góp kinh phí xây dựng điện lưới ra đảo Cô Tô và thăm hỏi các cá nhân, gia đình, địa phương nghèo, gặp nhiều khó khăn…
Có thể nói những giải pháp lớn giúp Vinacomin đứng vững và phát triển trong thời gian vừa qua chính là đã phát huy được truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” luôn vượt khó đi lên của thợ mỏ, biến nó thành sức mạnh vật chất để đương đầu và vượt qua thử thách, chớp lấy cơ hội phát triển. Có cơ chế quản lý nội bộ hợp lý tạo ra sân chơi công bằng và động lực phát triển cho các doanh nghiệp thành viên; thực hiện tốt việc khoán sản phẩm cộng với quản lý chi phí; đề cao trách nhiệm cá nhân. Theo quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, sản lượng than thương phẩm năm 2015 sẽ là từ 55-58 triệu tấn; năm 2020: 60-65 triệu tấn; năm 2025: 66-70 triệu tấn và năm 2030 là trên 75 triệu tấn. Giảm dần tỉ lệ khai thác lộ thiên, các mỏ lộ thiên vùng Hòn Gai sẽ kết thúc khai thác vào năm 2015 để trả lại cảnh quan môi trường cho thành phố du lịch Hạ Long, xuống sâu các mỏ lộ thiên vùng Cẩm Phả tới mức -350 và kéo dài thời gian tồn tại tới sau năm 2040. Tăng cường đầu tư nâng công suất các mỏ hiện có, đầu tư thêm nhiều mỏ hầm lò mới tại khu vực Mạo Khê - Tràng Bạch, Bảo Đài và Đông Triều - Phả Lại giai đoạn sau 2015 với tổng công suất tăng thêm 20-30 triệu tấn/năm.
Để thực hiện được các mục tiêu ở trên, trả lời các cơ quan truyền thông, một lãnh đạo Vinacomin cho biết, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đang đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá, thăm dò để chuẩn bị đủ cơ sở tài nguyên và trữ lượng than tin cậy phục vụ huy động vào khai thác theo quy hoạch. Đồng thời đẩy mạnh việc nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao, nhanh chóng làm chủ công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến than; chủ động nghiên cứu, đầu tư chế tạo thiết bị, máy móc, phục vụ khai thác. Nghiên cứu, triển khai các công nghệ chế biến nhằm đa dạng hoá sản phẩm than chế biến phục vụ các mục đích sử dụng khác nhau trong nước. Phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan nghiên cứu sử dụng nguồn than nhiệt lượng thấp trong sản xuất điện, xi măng và phát triển các lĩnh vực sử dụng than bùn. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình mỏ thông qua việc đa dạng hoá các hình thức đầu tư để phát huy tối đa mọi nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư và đáp ứng nhu cầu sản lượng theo quy hoạch. Đa dạng hoá huy động vốn đầu tư theo nhiều hình thức: Thuê mua tài chính, thuê khoán, đấu thầu một số hoạt động mỏ, phát hành trái phiếu, cổ phiếu, vay thương mại… Đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài ngành, hợp tác quốc tế, trọng tâm là trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao, tiếp nhận công nghệ mới, chế tạo thiết bị, xây dựng mỏ, xử lý môi trường…
Con đường đổi mới phát triển của thợ mỏ ngành Than - Khoáng sản Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục xán lạn. Hiện toàn ngành đang chuẩn bị thế và lực các điều kiện cần thiết để thực hiện những mục tiêu phát triển, trong đó trọng tâm là phát triển bền vững sản xuất than, thực hiện lời Bác dạy “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc... sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc” đáp ứng nhu cầu cơ bản về than cho nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Trần Quang
Liên kết website
Ý kiến ()