Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 20:33 (GMT +7)
Người hoạ sĩ của thợ mỏ
Thứ 3, 21/05/2013 | 05:27:48 [GMT +7] A A
Khó mà đếm được hoạ sĩ Nguyễn Hoàng đã vẽ bao nhiêu bức tranh về Vùng mỏ Quảng Ninh, chỉ biết ông là một trong những người tiên phong sáng tác về đề tài này và từng tham gia vẽ tranh cổ động nhân dịp thành lập tỉnh Quảng Ninh năm 1963. Trải qua hơn 50 năm, ông được các thế hệ hoạ sĩ sau này xem như một tấm gương sáng trong các hoạt động sáng tác nghệ thuật của tỉnh nhà.
Hoạ sĩ công nhân
Một buổi chiều đầu hè, tôi đến thăm ông trong căn nhà cũ được bài trí đơn giản tại khu Đồi Văn hoá, phường Hà Lầm (TP Hạ Long). Đón tôi với nụ cười thân thiện trong chiếc áo sơ mi sờn, lem nhem những vết mực, ông hỏi: “Nhà tôi ở trên đồi cao, nhà báo tìm có khó không?”. Quả thật tôi đã phải hỏi thăm hơn chục người trên đường mới đến được đây, ngôi nhà nằm sâu trong ngõ và những con đường ngoằn ngoèo lên dốc.
Hoạ sĩ Nguyễn Hoàng sinh năm 1931, quê gốc ở tỉnh Hải Dương song ông lại sinh ra và lớn lên tại Vùng mỏ Quảng Ninh. Tuổi thơ ông đã nếm trải bao khổ cực, chứng kiến bao đắng cay của người công nhân mỏ dưới gông xiềng của thực dân Pháp; sự vùng lên đấu tranh mạnh mẽ của tầng lớp công nhân chống lại chủ mỏ... Những hình ảnh đó luôn đọng lại trong tâm trí, để ông ao ước được đứng trong hàng ngũ giai cấp công nhân, ao ước được cống hiến cho quê hương, đất nước. Và những ao ước đó đã thôi thúc đến khi ông trưởng thành, trở thành người công nhân thực thụ của mỏ Than Hà Lầm (nay là Công ty CP Than Hà Lầm).
Cơ duyên hội hoạ đến với ông cũng thật đơn giản. Từ hồi còn nhỏ, ông đã rất thích hội hoạ nên hay theo những hoạ sĩ của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương xem vẽ tranh về Vịnh Hạ Long, chăm chú cả giờ đưa mắt theo những nét bút mà không biết chán. Rồi đến khi làm công nhân mỏ Hà Lầm, trong những phút nghỉ ngơi ngắn ngủi khi đẩy xe goòng đưa than từ trong hầm lò lên mặt đất, ông đã dùng gạch non, đá, phấn để vẽ lên thành xe goòng. Khi đó, phong trào vẽ tranh trong công nhân còn mờ nhạt, hoạ sĩ cũng không có, chỉ có những người công nhân với chút tài lẻ bằng khối óc và đôi tay tài hoa tranh thủ những lúc rảnh rỗi phác thảo nên những bức tranh đơn giản. Vẽ hết xe goòng này rồi lại đến xe goòng khác, mỗi xe goòng trong mỏ khi đó đều lưu giữ những ý tưởng, niềm đam mê có cả những nhọc nhằn của người công nhân do ông thể hiện. Từ những bức tranh trên xe goòng đơn giản, ông đã được chuyển về văn phòng Công ty làm công tác trang trí khánh tiết, vẽ tranh cổ động.
Kể từ đó, hoạ sĩ Nguyễn Hoàng đã có cơ hội để được thể hiện mình, tranh của ông khi đó chủ yếu là những tranh cổ động cho phong trào thi đua sản xuất, con người và quê hương Vùng mỏ Quảng Ninh. Đặc biệt trong dịp thành lập tỉnh Quảng Ninh năm 1963, ông cùng nhóm hoạ sĩ Vùng mỏ đã tham gia vẽ rất nhiều tranh cổ động, tuyên truyền cho hoạt động này. Ông kể: Thời điểm đó, điều kiện làm việc của thợ mỏ còn khó khăn lắm, nhưng với khẩu hiệu “Tổ quốc cần than như con thơ cần sữa mẹ”, cùng với ý nghĩ mình là hoạ sĩ công nhân, đây là thời điểm Vùng mỏ cần mình nhất đã thôi thúc ông vẽ. Tranh cổ động của ông được trưng treo ở nhiều nơi, tạo ra các phong trào thi đua sôi nổi ở Vùng mỏ.
Mặc dù ở tuổi 82 song họa sĩ Nguyễn Hoàng vẫn say sưa bên những bức tranh về vùng mỏ Quảng Ninh. |
Tấm lòng với Bác
Như trên đã nói, Nguyễn Hoàng lớn lên ở Vùng mỏ, từng chứng kiến và nếm trải những khổ cực, chứng kiến bao đắng cay của người công nhân, của dân tộc. Do vậy, trong ông hình ảnh, tư tưởng người lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh giống như ngọn lửa hồng bừng sáng giữa đất trời. Hình ảnh Bác luôn đọng trong tâm trí và là đề tài thôi thúc ông vẽ, ngay cả khi chưa được gặp Bác. Ông kể, đã được gặp Bác 2 lần, lần đầu vào năm 1962 khi Bác cùng Anh hùng vũ trụ Liên Xô Ghec-man Ti-Tốp về thăm Quảng Ninh và lần thứ hai vào ngày 1 Tết Ất Tỵ 1965, Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại sân trường cấp III Hòn Gai. Cả 2 lần gặp Bác, ông đều đứng khá xa, không được nhìn rõ mặt Bác. Song từ trước đó, ông đã từng thực hiện những bức tranh cỡ lớn chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, có bức rộng đến 80m2, trưng treo tại nơi diễn ra các lễ mít tinh, kỷ niệm ở trung tâm TX Hòn Gai lúc bấy giờ… Hồi đầu mới bắt tay vào vẽ Bác Hồ, để xác thực và sinh động, ông thường tỉ mỉ “bám theo” những bức ảnh Bác. Sau mỗi lần nhìn, ngắm chân dung Người và vẽ, hình ảnh Bác đã ăn sâu trong tâm trí, ông có thể vẽ Bác bất cứ lúc nào…
Bức tranh Bác Hồ về thăm công nhân mỏ than Đèo Nai. |
Trong số rất nhiều bức tranh vẽ Bác Hồ, Nguyễn Hoàng thành công hơn cả với bức “Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai” và bức “Bác Hồ đọc báo Quảng Ninh”. Bức “Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai” đã vinh dự được trưng treo tại Triển lãm tranh Công nhân ở Ba Lan. Còn bức “Bác Hồ đọc báo Quảng Ninh” ông chia sẻ: Từ sự kính yêu, từ ký ức xúc động thấy Bác ở Quảng Ninh, ông đã có ý tưởng vẽ một bức tranh về Bác. Qua tìm hiểu, ông được biết những ngày ở Vùng mỏ, Bác Hồ thường xuyên đọc báo Quảng Ninh... Để có những chi tiết xác thực cho tranh, ông đã tìm đến khách sạn nơi Bác Hồ từng nghỉ, xem căn phòng Bác đã ở, khu vườn trước phòng Bác sau đó về vẽ. Và bức tranh “Bác Hồ đọc Báo Quảng Ninh” đã ra đời bằng những ký ức trân trọng, trái tim giàu xúc cảm của ông.
Nói về hoạ sĩ Nguyễn Hoàng, hoạ sĩ Vũ Quý, Trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Quảng Ninh chia sẻ: “Nguyễn Hoàng là một hoạ sĩ giỏi, ông thuộc lớp hoạ sĩ đầu tiên của Quảng Ninh đi lên từ phong trào sáng tác công nhân. Trong quá trình sáng tác, ông đã có khá nhiều thành tích và những đóng góp vào phong trào mỹ thuật của tỉnh nhà. Ông đã giành giải B tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1980 với bức sơn dầu “Lán trại biên giới”. Với lối vẽ riêng, đi sâu vào đề tài người thợ mỏ, đặc biệt khai thác mỏ trong hầm lò, tranh của hoạ sĩ Nguyễn Hoàng có bố cục rõ ràng, có cá tính, nhất là sử dụng ánh sáng hầm lò trong tranh một cách tài tình...”.
Bây giờ, hoạ sĩ Nguyễn Hoàng đã qua tuổi 80 nhưng những kỷ niệm cũng như xúc cảm một thời cầm cọ thể hiện những bức tranh về Vùng mỏ thì vẫn còn nguyên vẹn
trong ông...
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()