Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 02/01/2025 10:40 (GMT +7)
Nhiều chính sách đãi ngộ để thu hút và giữ chân người lao động
Thứ 5, 27/07/2023 | 14:58:43 [GMT +7] A A
Trung bình mỗi năm, các đơn vị trong Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cần tuyển mới và đào tạo khoảng 4.000 đến 4.500 chỉ tiêu các nghề mỏ hầm lò. Đây là lực lượng cung ứng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất bổ sung cho các đối tượng nghỉ hưu, nghỉ việc hằng năm của Tập đoàn. Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, TKV luôn thực hiện tốt các chế độ, chính sách, đảm bảo ổn định việc làm, thu nhập để thu hút, giữ chân người lao động, nhất là đối tượng thợ lò.
Năm 2023, TKV nhận định công tác tuyển sinh các nghề mỏ hầm lò sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi. Trên cơ sở kết quả sản xuất, kinh doanh của TKV đạt được trong năm 2022, các doanh nghiệp sẽ có nhiều điều kiện chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, tiền lương và thu nhập tăng hơn so với năm trước. Năm 2022, bình quân tiền lương toàn Tập đoàn đạt 16,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 23,6% kế hoạch năm và tăng 15,4% so với năm 2021. Trong khi đó, một số ngành nghề kinh tế khác đang chịu tác động khó khăn chung, tình trạng người lao động bị giảm việc, mất việc khiến thị trường lao động có nhu cầu chuyển dịch cao. Nắm bắt những yếu tố thuận lợi này, từ đầu năm đến nay, TKV yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyển sinh trong nhà trường và doanh nghiệp.
Được TKV giao nhiệm vụ tuyển sinh, đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất cho các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn, năm 2023, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam được giao tuyển sinh 4.520 chỉ tiêu (tăng 220 chỉ tiêu so với năm 2022). Để sớm hoàn thành chỉ tiêu này, năm 2023 Nhà trường đã chọn chủ đề công tác năm là: "Xây dựng thị trường đào tạo tuần hoàn”, cung cấp nguồn thợ lò bền vững và thực hiện các tiêu chí “Doanh nghiệp vì người lao động”. Bám sát chủ đề công tác năm, Nhà trường đã xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động trọng tâm, cụ thể. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ giải pháp tuyển dụng thợ lò.
Ông Vũ Văn Thịnh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay, giải pháp căn cơ nhất của nhà trường đã và đang triển khai là xây dựng phát triển củng cố hệ thống tuyển sinh tỉnh ngoài, bố trí các cán bộ tuyển sinh của nhà trường nằm vùng tại các địa phương. Riêng tại địa bàn Quảng Ninh, nhà trường phối hợp với doanh nghiệp và 3 địa phương: Ba Chẽ, Bình Liêu và Đầm Hà đẩy mạnh khâu tuyển sinh ngay từ những ngày đầu năm. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm, Nhà trường đã phối hợp với doanh nghiệp tuyển được 4.215/4.520 chỉ tiêu đào tạo kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò (đạt trên 93% kế hoạch năm). Đây là chỉ tiêu tuyển sinh đạt được cao nhất trong 8 năm gần đây.
Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ học sinh thực tập bỏ việc giảm xuống còn 8% (năm 2022, tỷ lệ học sinh thực tập bỏ việc chiếm trên 15%). Công tác tuyển sinh đạt kết quả cao đã tạo đà giúp Nhà trường hoàn thành vượt chỉ tiêu tuyển sinh cho cả năm nay và những năm tiếp theo.
Hiện nay, số công nhân mỏ làm việc ở các doanh nghiệp tại Quảng Ninh là trên 70.000 người, trong đó khoảng 60.000 người đã có chỗ ở ổn định, số còn lại chưa có chỗ ở ổn định. Công nhân mỏ tập trung chủ yếu tại Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí và Đông Triều. Để giữ chân lực lượng làm việc, thời gian gần đây, nhiều đơn vị thuộc TKV, như: Công ty CP Than Hà Lầm, Công ty Than Quang Hanh, Công ty Than Vàng Danh, Công ty CP Than Mông Dương... đã xây dựng và hoàn thành các khu tập thể cho người lao động.
Theo thống kê của TKV, hiện nay có hơn 20 đơn vị trong ngành đầu tư khoảng 80 khu nhà ở công nhân lao động, tương ứng 5.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng hơn 17.000 người. Những khu nhà tập thể đã đáp ứng phần nào nhu cầu về nhà ở cho thợ mỏ, góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Ngoài ra, hiện nay một số đơn vị như: Công ty CP Mông Dương, Công ty Than Khe Chàm đang bố trí xe giường nằm đưa đón công nhân về tận địa phương khu vực miền Đông của tỉnh. Việc thực hiện chính sách an cư lạc nghiệp cùng với tập trung cải thiện điều kiện làm việc, tăng thu nhập... là các yếu tố quyết định thu hút và giữ chân người lao động trong các đơn vị ngành Than.
Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV, cho biết: Hiện nay, thị trường tiêu thụ than đang tăng cao kéo theo nhu cầu sử dụng lao động trong các doanh nghiệp TKV cũng tăng. Để đáp ứng nhân lực phục vụ sản xuất, từ nay đến cuối năm các đơn vị cần tiếp tục tăng cường giữ chân người lao động, quan tâm thực hiện những vấn đề thiết thực, cụ thể cho công nhân như tiền lương, tiền thưởng, điều kiện làm việc, đi lại, ăn ở, xây dựng nhà ở cho công nhân… đáp ứng mong muốn chính đáng của người lao động.
Đặc biệt cần nâng cao thời gian hữu ích trong ca làm việc, rút ngắn thời gian giao ca bằng ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian đi lại, chuẩn bị sản xuất. Trường Cao đẳng TKV và các công ty cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ công tác tuyển dụng đào tạo đáp ứng yêu cầu của nhà trường, doanh nghiệp.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()