4
18
/
995148
Những 'lá chắn' thầm lặng trong cuộc chiến 'chống giặc' Covid-19
longform
Những 'lá chắn' thầm lặng trong cuộc chiến 'chống giặc' Covid-19

 

Những ngày này, đường phố Hạ Long trở nên vắng lặng không ngờ, nhất là sau 22h00 - thời điểm mà người dân vẫn hay nói với nhau đó là "giờ giới nghiêm", hầu như không còn người dân ra đường. Sau thời khắc này, khi mọi người dân đã bình yên ở trong ngôi nhà của mình, vẫn có hàng trăm người làm nhiệm vụ trực các chốt kiểm soát đường bộ, chốt kiểm soát trên địa bàn các phường... Công việc thầm lặng của họ đã đóng góp phần vô cùng quan trọng trong cuộc chiến đấu với "giặc" Covid-19.

 

Để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả, nhất là trong thời điểm cả nước triển khai biện pháp cách ly xã hội, cùng với tuyên truyền, TP Hạ Long đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Trong đó, phải kể đến việc lập chốt kiểm soát trên các trục đường ra vào cửa ngõ thành phố và trên địa bàn các phường để đo thân nhiệt, điều tra dịch tễ, giúp sớm sàng lọc được những người nghi nhiễm.

Các chốt kiểm soát thực hiện nhiệm vụ 24/24h, bất kể thời tiết. Tiếp xúc với hàng trăm, hàng ngàn người mỗi ngày, những người làm nhiệm vụ ở các chốt kiểm soát không chỉ có nỗi vất vả đơn thuần mà nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đối với họ cũng rất cao.

Trong cái rét "nàng Bân" căm căm, khi mọi người đã say giấc ngủ, các điểm chốt của thành phố, tổ, đội vẫn nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ trong thời tiết gió lạnh. Tại điểm chốt chặn Km102 Quốc lộ 18, đoạn qua phường Đại Yên, lượng xe cơ giới vào thành phố vẫn khá nhiều, chủ yếu là các xe tải chở hàng, công, nhân viên làm việc ca 3. Vì vậy, lực lượng CSGT, quân đội, y tế, dân phòng, cán bộ phường... làm việc gần như không ngơi nghỉ. Mỗi người một nhiệm vụ, từ ra hiệu lệnh dừng xe đến đo thân nhiệt, ghi chép thông tin. Ở đây, gần như các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát, công an, quân đội đã nhiều ngày nay chưa có dịp về nhà gặp vợ con.

Đã quen với công việc trực 24/24h trên các tuyến đường, Trung tá Lê Văn Tuyền, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an TP Hạ Long, chia sẻ: Bên cạnh việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường, lực lượng cảnh sát giao thông cũng tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Những ngày đầu, lượng phương tiện lớn, anh em trong chốt kiểm soát làm việc không lúc nào ngơi nghỉ; vừa ra hiệu lệnh dừng xe, vừa giải thích, tuyên truyền cho người dân về việc giãn cách xã hội, dừng mọi phương tiện ra vào tỉnh mà không có lý do chính đáng. Có khi đứng làm nhiệm vụ liên tục, chân tay mỏi rời nhưng chúng tôi vẫn không rời vị trí vì lượng xe ra vào quá đông, mình chỉ cần nghỉ một lúc, cả tuyến đường sẽ ách tắc.

Còn với thiếu tá Phan Tiến Dũng, Ban CHQS TP Hạ Long, 2 tháng xa gia đình, tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch là chuỗi kỷ niệm đáng nhớ. Khá hóm hỉnh khi nhắc về đến quãng thời gian này, anh kể: Đợt này tôi là người khá “có duyên” với việc đi cách ly. Ngày 26/2, tôi tham gia cùng tổ chức MIA (cơ quan tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh Việt Nam) đi tìm hài cốt của quân nhân Mỹ trên Vịnh Hạ Long. Chuyến đi này tôi có 16 ngày lênh đênh trên biển và các đảo. Ngày 14/3, vừa về đến cơ quan thì nhận được lệnh đi bảo vệ Bệnh viện Phổi Quảng Ninh trong 14 ngày, nơi đang có bệnh nhân số 50 điều trị. Ngày 28/3, hết thời gian 14 ngày tôi quay về đơn vị thì nhận lệnh ngày 29/3 bắt đầu tham gia chốt kiểm soát phường Đại Yên. Mặc dù nhà ở ngay phường Bãi Cháy nhưng đến giờ tôi vẫn chỉ gặp vợ con trên điện thoại thôi. Mấy lần gọi điện về, vợ dọa là “em viết sẵn đơn rồi”. Biết là vợ đùa nên tôi cũng bảo “em viết không giải quyết được gì đâu, tòa án ngừng nhận đơn kiện rồi”. Nói rồi, anh Dũng cười hóm hỉnh.

Còn đối với anh Vũ Văn Vĩnh, cán bộ y tế phường Đại Yên, thời gian trực tại chốt chặn mang lại cho anh nhiều trải nghiệm khác hẳn so với công việc thường ngày. Anh Vĩnh cho biết, 0h, ngày 1/4, thời điểm cả nước bắt đầu thực hiện cách ly toàn xã hội, chốt của chúng tôi bố trí 3 bàn, 3 sổ ghi chép thông tin để kịp giải tỏa các phương tiện chờ vào thành phố. Hôm đấy, mọi người phải đứng liên tục để đo thân nhiệt và ghi chép kín không biết bao trang giấy, chỉ biết là trong cuộc đời học sinh và công việc sau này, tôi chưa bao giờ phải viết liên tục trong 8 giờ đồng hồ như vậy. Cảm giác như cổ tay rời ra, không nghe theo sự điều khiển của mình nữa, hết ca trực đêm mà mệt quá, anh em chỉ kịp ăn sáng rồi nằm ngủ luôn đến chiều để tối lại tiếp tục thay ca cho mọi người.

Những điểm chốt nằm trên quốc lộ luôn lộng gió và bụi, chỉ đứng một lúc, cái lạnh khiến chúng tôi khá choáng váng. Trời càng về đêm, sương xuống mỗi lúc một dày nhưng các lực lượng vẫn kiên trì thực hiện nhiệm vụ, không quản khó khăn, vất vả. Vì các anh chính là những “lá chắn” nơi tuyến đầu, bảo vệ sự bình yên của người dân trước dịch bệnh.

 

Không chỉ trên những tuyến đường, trong các khu dân cư, những “pháo đài” chống dịch cũng được thiết lập ngày đêm, chống lại sự lây lan của dịch bệnh.

Thời gian này, chừng 8 giờ tối, những con đường dẫn vào phường Hoành Bồ đã rất vắng lặng. Chỉ có một vài chiếc xe đi lại, tất cả đều được lực lượng chức năng kiểm tra thông tin, đo thân nhiệt. Anh Hoàng Thanh Long, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Hoành Bồ, chia sẻ: Mọi năm, những ngày này chúng tôi đã sẵn sàng cho công tác huấn luyện dân quân tự vệ và tổ chức đăng ký khám, tuyển nhập ngũ. Nhưng dịch Covid-19 khiến mọi hoạt động đều phải dừng lại, tất cả lực lượng dồn lực tham gia chống dịch. Anh em ở đây thay phiên nhau thực hiện nhiệm vụ, ai nấy đều rất hăng hái, nỗ lực, không quản ngại khó khăn để đảm bảo việc kiểm soát phương tiện và người qua lại trên địa bàn.

Không chỉ ở Hoành Bồ, các lực lượng ở tất cả điểm, chốt đều có những đêm không ngủ sau “giờ giới nghiêm”. Dù khó khăn, vất vả nhưng điều đáng quý, chính là tinh thần và sự tham gia nhiệt tình của tất cả các lực lượng. Đó là màu áo xanh thanh niên tình nguyện, “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Ở điểm chốt phường Tuần Châu, chúng tôi có cơ hội trò chuyện với Nguyễn Tiến Sinh, 22 tuổi, thanh niên tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19. Sinh chia sẻ: Ở trường đại học, em thường xuyên tham gia các chương trình tình nguyện, vì vậy, khi biết phường thành lập chốt kiểm tra, em liền đăng ký để một phần công sức nhỏ bé của mình chống lại đại dịch.

Cùng với lực lượng thanh niên, nhiều cán bộ hưu trí, người cao tuổi cũng tình nguyện tham gia, sẵn sàng nhận nhiệm vụ tại các chốt trong khu dân cư. Đồng hồ báo gần 1h, ngày 9/4, trong sự im ắng của màn đêm và ánh sáng hiu hắt của những ngòn đèn đường, chúng tôi hướng về chốt kiểm soát của khu 3, phường Hà Phong.

Nằm bên cạnh con phố vắng lặng, 2 chiếc bàn vẫn sáng đèn, thỉnh thoảng có công nhân mỏ tan ca về khuya, mọi người trong chốt lại thực hiện đo thân nhiệt, kiểm tra giấy tờ tùy thân đảm bảo đúng theo quy định. Trường hợp ra đường không có lý do đều được đưa về nhà văn hóa của để thu dung và theo dõi.

Tại điểm chốt, bên cạnh lực lượng công an, y tế là người trẻ, chúng tôi dành sự cảm phục cho các bác bí thư kiêm trưởng khu phố, trưởng ban mặt trận, hội cựu chiến binh..., những người đáng tuổi bố mẹ, ông bà của chúng tôi. Mặc dù mái tóc đã bạc nhưng các bác vẫn thường trực, dõi ánh mắt về ánh đèn xe để thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt huyết không thua kém bất cứ thanh niên nào.

Cô Bùi Thị Tuyết, Bí thư kiêm Trưởng khu 4B, phường Hà Phong, chia sẻ: Đây là nhiệm vụ không chỉ của riêng tôi mà của tất cả mọi người dân trên cả nước nên ai nấy đều tự nguyện tham gia. Chúng tôi cũng chủ động phân công công việc phù hợp để giữ gìn sức khỏe trong “trường kỳ kháng chiến”. Ai cũng có vai trò, trách nhiệm phải làm, và khi sức khỏe còn cho phép thì mình phải lao vào chống dịch chứ không được từ chối.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ ở chốt chặn, cô Tuyết cùng các thành viên trong khu phố còn tích cực tuyên truyền, dùng loa di động gắn trên xe đạp để đi khắp khu phố phát các bài tuyên truyền phòng, chống Covid-19.

Chia sẻ về việc tình nguyện tham gia trực đêm ở khu phố, chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, giáo viên Trường THPT Vũ Văn Hiếu, cho biết: Hiện cả nước đang trong tâm thế "chống dịch như chống giặc", thời điểm 14 ngày cách ly toàn xã hội cũng là thời điểm vàng quyết định cho công tác này nên những người dân trong khu phố tôi, từ già đến trẻ ai cũng muốn được đóng góp sức mình, lập hàng rào để đẩy lùi dịch bệnh. Chúng tôi “may mắn” được nằm trong danh sách tham gia phòng, chống dịch vì lượng người đăng ký đông quá, khu trưởng phải “khóa sổ”, để dành lực lượng cho những nhiệm vụ tiếp theo.

Lại một chiếc xe của công nhân ca 3 đi qua, cô Tuyết, chị Xuân và các bác, các anh chị tiếp tục công việc của mình trong đêm trực. Đồng hồ điểm 2 giờ sáng. Trong làn sương mờ và những cơn gió lạnh, những thành viên của chốt kiểm dịch vẫn tất bật công việc của mình. Gần sáng, số lượng xe lại tăng dần; họ lại dừng xe, đo thân nhiệt, ghi hành trình di chuyển...

Những tháng ngày chống dịch có lẽ sẽ trở thành khoảng thời gian khó quên của tất cả người dân. Và một trong những điều đáng nhớ, một trong những niềm tự hào chính là những “lá chắn’, những "pháo đài” vững chắc không ngủ để canh gác sự bình yên cho nhân dân.

Bài, ảnh: Hoàng Nga - Hoàng Quỳnh

Trình bày: Hải Anh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu