4
18
/
1006659
Những nhà báo gắn bó với hầm lò
longform
Những nhà báo gắn bó với hầm lò

 

 

Với nhiều nhà báo, mỗi lần tác nghiệp trong hầm lò đều là một “sự kiện” quan trọng. Bởi đây thực sự là những trải nghiệm khó quên trong cuộc đời làm báo, không phải ai và lúc nào cũng có cơ hội xuống lò…

 

Có lẽ ở Trung tâm Truyền thông tỉnh, đến thời điểm này, quay phim Lương Hồng Thắng (Phòng Chuyên đề) được xem là người có thâm niên, kinh nghiệm đi lò nhiều nhất. 20 năm qua, trong tất cả các đường lò ở các đơn vị ngành Than trên địa bàn tỉnh hầu như anh đã đặt chân.

 

Anh kể: "20 năm trước, cứ nói đến tác nghiệp trong hầm lò, nhiều phóng viên rất lo lắng. Bởi đi lò ngày đó khổ lắm. Không có tời trục vận tải mà chúng tôi vẫn gọi là thang máy, không có xe song loan và tời chở người như bây giờ. Phóng viên tác nghiệp phải đi bộ vài cây số trong điều kiện đường lò chật hẹp, nóng bức. Mà đâu chỉ đi người không, chiếc máy quay nặng gần chục kg luôn được cẩn thận gìn giữ. Người có thể xây xước chứ máy thì tuyệt đối không”.

Đi lò, khổ nhất là những lúc phải bò qua họng sáo, lò chợ. Các anh phải ôm máy, cúi gập lưng đi trong đường lò với độ dốc 25-30. Như chuyến đi lò vừa qua với anh Lương Hồng Thắng tại Công ty Than Dương Huy - TKV, chúng tôi phải trải qua 6km đi bộ, qua những lò chợ, đường lò bỏ không đầy những đinh gỗ, đất đá ngổn ngang. Đã có kinh nghiệm đi lò nên anh Thắng nhắc tôi: “Trong lò chợ, hai chân phải bước ngang mới không bị trượt”. Tôi luôn đi sau một cán bộ an toàn để được chỉ dẫn cẩn thận và lấy họ làm “phanh”.

Hết lò chợ chật chội và nóng bức, chúng tôi ra ngoài lò thượng, gió mát lồng lộng. Tận hưởng niềm vui sướng chưa được bao lâu thì tôi cảm thấy dần mất sức, chân nặng như đeo đá. Một đồng chí cán bộ phòng kỹ thuật cho biết: "Sức gió đang ở mức cấp 5, cấp 6, chúng ta phải đi khoảng 2km mới hết lò thượng này". Thấy tôi lo lắng, một thợ lò đi cạnh đùa: “Nếu không đủ sức đi tiếp, em sẽ cõng chị”. Nhưng tôi biết, tất cả mọi người đều đang rất vất vả để đi ngược chiều gió.

Ra khỏi lò, tôi vẫn nhận được lời khen của đồng chí Trưởng Ban An toàn, Công ty Than Dương Huy: “Nhà báo trông nhỏ bé mà đi lò khá thành thạo”. Thực ra, đã từng đi lò nhiều lần, nhưng với tôi đây là lần đi lò vất vả nhất, bởi không có sự hỗ trợ của các phương tiện vận chuyển. Song sự vất vả ấy giúp chúng tôi thêm hiểu những khó khăn, gian khổ, hiểm nguy mà người thợ lò đang hằng ngày đối diện để tìm nguồn “vàng đen” cho Tổ quốc. Để có được những tác phẩm hay về người thợ, quyết tâm lao động sản xuất của cả ngành Than thì sự vất vả của chúng tôi nào có đáng gì.

Để được vừa làm báo, vừa được chui lò, phóng viên Phạm Tăng (Phòng Thời sự, Trung tâm Truyền thông tỉnh) đã quyết tâm làm phóng viên. Sau một thời gian làm ở Báo Quảng Ninh (cũ), với sự nhanh nhẹn, khỏe mạnh, Phạm Tăng được lãnh đạo phòng phân công theo dõi ngành Than. Lần đầu chui lò Vàng Danh cách đây 3 năm, anh chuẩn bị rất kỹ các kỹ năng đi lò, kỹ năng tác nghiệp, khăn chống ẩm cho máy, đồng thời nhờ các “tay máy” của mỏ hướng dẫn cách chụp ảnh trong lò. Thế nhưng đêm đó, Phạm Tăng vẫn mất ngủ, thao thức, bởi chưa hình dung nổi chuyến đi lò thực tế đầu tiên của mình sẽ như thế nào. Kết quả của chuyến đi đầu là một bộ ảnh hầm lò Vàng Danh mà anh tương đối ưng ý, song cũng vài lần suýt ngã vì chưa quen đường.

Đến giờ tất cả các hầm lò trên địa bàn tỉnh, Phạm Tăng hầu như đã đặt chân hết, song anh vẫn luôn hào hứng với những chuyến đi. “Lần nào liên hệ làm việc với cơ sở, em đều đề nghị được đi lò. Khi tận mắt chứng kiến người thợ lò làm việc, thấm cái vất vả của họ, bài viết của em sẽ trở nên chân thực, hiệu quả hơn so với việc ngồi trên mặt đất hình dung” -  Phạm Tăng nói.

Không chỉ Tăng, có những nhà báo còn “nghiện” xuống lò, như nữ nhà báo, biên tập viên Hoàng Yến (Phòng Chuyên đề, Trung tâm Truyền thông tỉnh). Đều đặn mỗi tháng, chị cùng anh Hồng Thắng sản xuất 4 chuyên đề Công nghiệp mỏ.

Lần đầu đi mỏ Mạo Khê, Hoàng Yến trải qua không ít thử thách, trong đó có thử thách di chuyển xuống lò bằng tời ngựa. Sở dĩ gọi là tời ngựa vì để sử dụng phương tiện này, bạn sẽ phải căn được nhịp di chuyển của chiếc tời và thực hiện thao tác giống như “nhảy ngựa” để ngồi lên chiếc ghế sắt gắn trên thân tời.  Hai lần lỡ nhịp, Hoàng Yến mới có thể “yên vị” và di chuyển xuống lò.

Cảm nhận khi lần đầu tiên xuống lò ở độ sâu -150m của mỏ Mạo Khê vào năm 2015, Hoàng Yến bảo: “Càng xuống sâu, không khí càng trở nên ngột ngạt, tôi cảm thấy hơi khó thở, mồ hôi bắt đầu túa ra, bước chân cũng nặng nề dần".

Thế nhưng khi tiến vào đến gương than, những cảm giác lo lắng của phóng viên Hoàng Yến đã nhường chỗ cho cảm giác phấn chấn, hào hứng. Tiếng máy móc vọng từ phía xa, tiếng xe goòng, hình ảnh từng tốp thợ tất bật, người cuốc than, người chỉnh giá đỡ, tiếng máy khoan vào vỉa… Dòng than lấp lánh đổ xuống. Tất cả tạo nên một bầu không khí sản xuất sôi động. “Những hình ảnh đắt giá đó, mọi mệt nhọc của ê-kip dường như tan biến. Chúng tôi nhanh chóng ghi lại những thước phim sống động về một ca sản xuất cuối năm của những người thợ lò ở Phân xưởng Khai thác 6. Tôi nhận ra, nếu không trực tiếp xuống lò, trải nghiệm cuộc sống của họ ở độ sâu âm hàng trăm mét, tôi không thể thấu hiểu được những nỗi vất vả, nhọc nhằn của những thợ lò đang ngày đêm làm ra từng tấn vàng đen quý giá cho Tổ quốc” - Hoàng Yến chia sẻ.

Để có những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, cũng như thợ mỏ, nhà báo cũng trải qua không ít những giây phút hiểm nguy rình rập.

Đinh Mạnh Linh và Quốc Thắng (Phòng Thời sự, Trung tâm Truyền thông tỉnh) là một cặp có duyên nợ với hầm lò đã hơn chục năm nay. Có Quốc Thắng (phóng viên) là có Mạnh Linh (quay phim). Quốc Thắng bảo: “Muốn có những tác phẩm mang hơi thở người thợ mỏ, hình ảnh đẹp mình phải lăn lộn để hiểu được công việc của họ, cảm nhận được sự vất vả hy sinh của họ”.

Quốc Thắng kể: "Sau trận mưa lũ lịch sử năm 2015, tôi xuống lò Mông Dương để phản ánh về tinh thần quyết tâm khôi phục sản xuất của thợ mỏ Mông Dương. Tuy nhiên, nước ở dưới mỏ vẫn ngập ủng, tôi cùng Mạnh Linh phải dò dẫm từng bước một, không ít lần tôi suýt ngã. Đã có nhiều vụ tai nạn nặng xảy ra trong lò chỉ vì những phút xẩy chân. Song dù thế nào cũng phải bảo toàn máy quay được an toàn". Bản thân tác giả bài viết này cũng đã trải nghiệm thực tế này để cho ra phóng sự “Hồi sinh mỏ Mông Dương” vào năm 2015.

Còn chuyện va quệt trong lò, Quốc Thắng bảo là chuyện bình thường. Bởi anh đã từng bị ngã trên đường băng tải than với độ dốc gần 30, hay có lần bị thanh sắt văng vào mặt trong một lần đi lò Hà Lầm. Vết sẹo trên mặt luôn nhắc nhở anh luôn phải cẩn thận, đảm bảo an toàn trong những lần tác nghiệp sau này. Còn Mạnh Linh thì kể rằng: "Có lần đang vác máy bị than rơi trúng vai, theo phản xạ, tôi ôm máy, co cẳng chạy, nhưng vẫn bị chầy da, chảy máu".

Nếu như tác nghiệp bên ngoài thì công sức chỉ mất một, nhưng ở trong lò phải gấp đôi, gấp ba. Thế nhưng không phải lúc nào cũng hoàn thành được tác phẩm ưng ý do điều kiện khí hậu, địa chất trong lò vốn phức tạp. Có lần, đã vào đến lò, nhưng do độ ẩm không khí cao, Mạnh Linh phải ra ngoài chờ đến khi độ ẩm giảm bớt mới có thể tác nghiệp. Vì thế, trước khi đi lò, anh luôn trang bị đầy đủ túi bọc máy, khăn mặt để quấn, lau ống kính máy; sạc pin đầy đủ, kiểm tra micro cẩn thận... Nếu một trong những thứ này không đảm bảo, rất có thể khuôn hình, âm thanh, ánh sáng sẽ không chuẩn.

Cẩn thận lại có kinh nghiệm thực tiễn nhiều, nên anh Mạnh Linh, anh Hồng Thắng dù trong mọi tình huống đều kịp thời có những thước phim về thợ mỏ, về ngành Than đảm bảo chất lượng phục vụ cho công chúng, khán giả xem truyền hình.

Anh Hồng Thắng nhớ lại. Cách đây 16 năm, tại mỏ than Mông Dương xảy ra vụ tai nạn đổ lò khiến hơn chục mấy công nhân bị vùi lấp. Được sự phân công của lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo phòng, ê-kíp của anh đã xuống đưa tin giải cứu thợ mỏ. Anh đã phải túc trực 24/24h trong 3 ngày liền, không thể rời cửa giếng. Cùng với việc nhiều ngày không được nghỉ ngơi, ai cũng mệt, nhưng hơn lúc nào hết, tinh thần trách nhiệm, tình cảm với những người thợ mỏ của anh chưa lúc nào cao như lúc này.  

Với sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo ngành Than, cùng tất cả những thợ cấp cứu mỏ giỏi nhất của Tập đoàn, sau nhiều giờ, đã giải cứu 9 người, 2 người còn lại không may mắn… Những thước phim của anh liên tục được chuyển về, phát sóng trên truyền hình Quảng Ninh và truyền hình Việt Nam trong sự ngóng chờ của khán giả cả nước.

Rồi những lần làm phóng sự điều tra phản ánh tình trạng than trái phép anh cũng đã cùng ê-kip phải “liều mình” băng rừng, bị chặn đường, các anh phải đi bộ hàng giờ tìm tới “hang ổ” để ghi lại những thước phim có giá trị. Chính tác phẩm đó của các anh đã góp phần dẹp nạn than “thổ phỉ” ở khu vực Khe Chuối, Mạo Khê, Đông Triều xâm phạm vào vùng di tích Yên Tử.

Hơn 20 năm, anh Thắng không nhớ mình đã đi lò bao nhiêu lần. Nhưng điều đọng lại trong anh là sự gắn bó sâu sắc với thợ mỏ. Điều đó đã giúp anh trở thành một trong những người có được nhiều thước phim giá trị về ngành Than, về thợ mỏ hiện nay.

Những vất vả, hy sinh trong nghề được động viên, ghi nhận bằng những giải thưởng. Anh Hồng Thắng, anh Quốc Thắng đã đoạt giải cao Giải báo chí tỉnh,  Liên hoan Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thể loại phóng sự điều tra phản ánh tình trạng than trái phép. Hoàng Yến có không ít tác phẩm hay, đoạt giải về ngành Than, về thợ mỏ. Phạm Tăng đã đoạt Giải báo chí tỉnh cho chùm ảnh thợ lò ca 3. Tác giả bài viết này đã đoạt giải Báo chí tỉnh năm 2015 với phóng sự "Hồi sinh mỏ Mông Dương". Còn rất nhiều nhà báo có tác phẩm viết về ngành Than đoạt giải báo chí. Đó là "trái ngọt" cho sự cống hiến của những nhà báo, giúp họ thêm động lực để cống hiến, tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ chính trị mà cơ quan giao.

 

Nói về duyên nợ với hầm lò, phóng viên Hoàng Yến chia sẻ: “Sau này, dù cảm giác đi lò đã thành quen, nhưng mỗi chuyến đi vẫn mang đến cho tôi nhiều cảm xúc đặc biệt. Vẫn hào hứng, mong chờ, xen lẫn sự lo lắng, nhưng trên hết là sự vui mừng vì ghi lại được những đúp hình đẹp về người lao động ngành Than như một sự trân trọng mà chúng tôi dành cho họ. Sự trân trọng ấy cũng chính là lý do khiến một nữ phóng viên truyền hình như tôi ngày càng “nghiện” xuống lò”.

Anh Hồng Thắng thì khẳng định: “Sự hy sinh, cống hiến, thậm chí là mất mát của thợ mỏ khiến những người làm công tác tuyên truyền như tôi hơn bao giờ hết thấy cần phát huy hết trách nhiệm, nhiệt huyết với nghề. Đây chính là sự đồng hành, sẻ chia với những vất vả, cũng như vinh danh những cống hiến xứng đáng của người thợ mỏ mà người làm công tác tuyên truyền cần phải làm. So với sự cống hiến, gian khổ của người thợ mỏ, những gì chúng tôi làm chỉ là sự động viên, chia sẻ nhỏ. Song đó là tinh thần đồng tâm gắn kết những nhà báo với thợ lò, với ngành Than".

Bản lĩnh, nhiệt huyết, yêu nghề là những từ để nói về những người làm báo chân chính nói chung, những nhà báo có duyên nợ với hầm lò nói riêng. Họ đã không quản mọi khó khăn, gian khổ để có những thước phim, hình ảnh, bài viết giá trị. Từ đó mang đến cho khán giả, người đọc một cái nhìn khách quan, chân thực, sâu sắc nhất về ngành Than, về những người thợ lò - chiến sĩ. Qua đó, biểu dương, ghi nhận kịp thời những đóng góp, cống hiến của thợ mỏ, ngành Than đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thanh Hằng

Trình bày: Tất Đạt

 

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu