Giai đoạn 2020 - 2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển “tam nông” rất cao, cụ thể là nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có. Theo đánh giá của giới chuyên môn, mục tiêu trên là bước chuyển có tính đột phá về tư duy và quan điểm phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Quảng Ninh. Đây cũng là cơ sở để “tam nông” Quảng Ninh cất cánh, là điều kiện để Quảng Ninh hiện thực hóa những mục tiêu phát triển quan trọng, trong đó có việc năm 2023 hoàn thành xây dựng nông thôn mới, 50 xã trong đó là xã nông thôn mới nâng cao, 25% xã trong đó là xã nông thôn mới kiểu mẫu; Quảng Ninh thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền.
Trong thời gian dài hàng thập kỷ qua, kể cả nửa đầu giai đoạn 2015 - 2020, hướng phát triển chủ đạo của nông nghiệp Quảng Ninh là theo chiều rộng. Đó là dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, là sản xuất hàng hóa tập trung, là đa dạng các sản phẩm nông nghiệp. Nông thôn Quảng Ninh đặt mục tiêu là nông thôn đổi mới, nghĩa là có thay đổi diện mạo so với trước đó. Nông dân Quảng Ninh phấn đấu chạm tới mức thu nhập ở loại khá giả, 40 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức của 5 năm trước đó 10 triệu đồng/người/năm.
Ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, quá trình phát triển nói trên khá dài, chậm và các mục tiêu đặt ra ở đây ưu tiên tính “an toàn”. Điều này xuất phát từ đặc thù nền sản xuất nông nghiệp Quảng Ninh khi đó manh mún, trình độ canh tác nông dân Quảng Ninh còn lạc hậu, từ đồng ruộng đến các cơ sở chế biến khi đó ít có sự hiện diện của cơ giới hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thế nhưng khi đã vượt qua ngưỡng trên thì “tam nông” Quảng Ninh lại có một nền tảng vững để tăng tốc, Quảng Ninh hoàn toàn có cơ sở để đạt tới nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có.
Có thể coi những năm cuối của giai đoạn 2015 - 2020 là thời điểm nông nghiệp, nông thôn, nông dân Quảng Ninh vượt ngưỡng để bước sang trang mới. Quảng Ninh có 17 vùng sản xuất tập trung; có hệ thống các 400 sản phẩm OCOP; có các nghị quyết chuyên đề, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đặc thù nông nghiệp, cả ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, chính là bệ đỡ, hành lang pháp lý của sự phát triển; sự hiện diện của hàng loạt các doanh nghiệp đầu ngành nông nghiệp toàn quốc cũng như sự lớn mạnh của khối doanh nghiệp nông nghiệp địa phương đã thổi bùng ngọn lửa khát khao đổi thay và đột phá…
Cơ cấu ngành nông nghiệp đã được định hình theo hướng lấy thủy sản làm trọng, nuôi trồng thay cho khai thác, khai thác xa bờ thay cho gần bờ, giống như cơ cấu nông nghiệp của các quốc gia gần biển giàu có. Giá trị ngành nông nghiệp đạt đến trên 10.000 tỷ đồng/năm, trong đó thủy sản đã chiếm quá nửa, nửa còn lại chia đều cho chăn nuôi, trồng trọt và lâm nghiệp. Nhịp độ tăng trưởng của nông nghiệp được quy trì và khẳng định vị trí ngay trong cả hoàn cảnh, môi trường khó khăn nhất. Ví như đợt ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid -19 trong 6 tháng đầu năm, nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế duy nhất của tỉnh có mức tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra.
Đáng mừng hơn nếu trước đây các khu nông nghiệp công nghệ cao dường như chỉ là giấc mơ xa vời thì nay Quảng Ninh có tới 2 khu nông nghiệp công nghệ cao về trồng trọt và thủy sản, đang tạo nền để có thêm khu nông nghiệp công nghệ cao về chăn nuôi... Bức tranh nông nghiệp này quả thật tươi sáng khiến người dân Quảng Ninh có quyền kỳ vọng về một nền nông nghiệp hiện đại ở giai đoạn nối tiếp.
Quảng Ninh, một vùng đất vốn trong tiềm thức của nhiều người là nhịp sống gắn với than đen, nền công nghiệp khai khoáng, khó có ai nghĩ lại là nơi có huyện nông thôn mới, xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước. Gần 2.700 tỷ đồng đầu tư đã được Quảng Ninh đưa về các vùng nông thôn, miền núi, trong đó trên 1.500 tỷ đồng dành cho hạ tầng và mô hình sản xuất, đủ để toàn quốc nhìn Quảng Ninh như hình mẫu về tiến trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nâng thôn mới kiểu mẫu. Đến nay Quảng Ninh có đến 89/98 xã nông thôn đạt tiêu chí nông thôn mới; 7/13 huyện thị được công nhận địa phương cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
OCOP - Chương trình kinh tế nông nghiệp của Quảng Ninh trở thành mô hình điểm để toàn quốc nhân rộng. Đến nay số lượng sản phẩm đã đạt trên 400, 50% sản phẩm trong đó có gắn sao, 10 sản phẩm chủ lực của tỉnh, 6 sản phẩm sẽ là sản phẩm chủ lực quốc gia, chính là những nông sản hàng hóa mang lại giá trị cao. Thu nhập của nông dân cũng nhờ chuyển động từ sản xuất nông nghiệp, chuyển động vùng nông thôn mà đạt 45 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2019, chưa quá cao song cũng đã vượt qua mức trung bình thu nhập nông dân toàn quốc; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn dưới 1%...
Ông Đặng Huy Hậu, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh từng nhận định, chính những điểm số “tam nông” Quảng Ninh đã và đang đạt được tính đến nay sẽ là thế “kiềng ba chân” vững vàng để đưa nông nghiệp, nông thôn, nông dân Quảng Ninh bước lên giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu cụ thể là nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có.
Nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có, nội hàm cơ bản của nó là nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao, có liên kết theo chuỗi, tổ chức sản xuất tiên tiến; môi trường sống nông thôn nâng cao, kiểu mẫu toàn diện, gắn với quá trình đô thị hóa và đạt tiêu chí tương đương đô thị; thu nhập trung bình nông dân đến hết 2025 đạt 5.000USD/người/năm…
Ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phân tích: Nội hàm của nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có mà tỉnh đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025 này rất mới so với trước. Giờ đây, trong sản xuất nông nghiệp không chỉ sản xuất ra nhiều nông sản là đủ mà phải là những nông sản có lợi thế thị trường để mang lại giá trị cao; không chỉ liên kết trong nội bộ các khâu sản xuất nông nghiệp mà là liên kết giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, mô hình tổ chức sản xuất phải ưu thế, tôn trọng hợp tác, sánh ngang các nước trong khu vực. Các vùng nông thôn Quảng Ninh trên tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu song không tách rời quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Làm sao để môi trường sống nông thôn và đô thị chỉ khác nhau về tên gọi, về vùng miền, còn các tiêu chí từ hạ tầng điện nước, viễn thông, dịch vụ, các công trình công ích… thì phải tiệm cận nhau. Thu nhập của nông dân thay vì tính theo nội tệ thì nay tính theo ngoại tệ để tránh trượt giá, đảm bảo làm sao nguồn thu từ đồng ruộng mang lại cho nông dân không kém lương tháng của công nhân ở khu vực doanh nghiệp…
Theo ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Quảng Ninh giai đoạn 2020 - 2025 dù là mới, là khó thế nhưng với nền tảng thế “kiềng 3 chân” như đang có sẽ chính là điều kiện, động lực, vốn liếng, cho phép Quảng Ninh hiện thực hóa những nét vẽ về một nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có. Ông Công cho rằng, trước mắt sự phát triển trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản hiện nay đã có thể cho phép thủy sản Quảng Ninh ngày càng tiến ra biển. Ví dụ như thay vì nuôi nhuyễn thể ở eo ngách lặng gió thì nay nuôi cá biển ở những vùng biển hở, mở; thay vì nuôi ồ ạt để lấy sản lượng thì nay có thể nuôi chọn lọc để đưa ra sản phẩm thượng hạng. Những mẻ tôm giống của Tập đoàn Việt Úc tại Đầm Hà ngay từ khi đưa ra thị trường đã đánh dấu mốc lớn, đó là biến Quảng Ninh từ nơi điểm nghẽn, chậm tiến vì thiếu giống trở thành trung tâm giống tôm cung ứng cho cả khu vực và toàn quốc…
Chỉ tính riêng 17 vùng sản xuất tập trung với trên 4.000 ha nuôi tôm công nghiệp 2, 3 giai đoạn trên cạn, trong nhà; hàng chục ngàn ha nuôi nhuyễn thể; hàng chục ngàn ha lúa, rau, hoa tươi, cây ăn quả, cây công nghiệp chất lượng cao… đã có thể đảm bảo về nguyên liệu cho hệ thống gần 400 sản phẩm OCOP. Còn sản phẩm OCOP lại là nông sản lại mang lại nguồn tiền lớn cho nông dân, doanh nghiệp và địa phương, mang mầu sắc "tam nông" Quảng Ninh ra toàn quốc và nước ngoài. Đó chính là cái gốc để Quảng Ninh có nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có.
Bên cạnh đó Quảng Ninh đang vận hành và tiếp tục xây dựng hệ thống chính sách đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện ngoài 2 nghị quyết chuyên đề về thủy sản và lâm nghiệp đã ban hành còn có nghị quyết về trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi tập trung đang xây dựng; xây dựng đề án phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng nông nghiệp; đồng bộ trong quy hoạch chung của tỉnh về không gian phát triển biển, không gian canh tác đất liền… Đi liền với những chính sách, quy hoạch này đó là đường hướng, nguồn lực tài chính, cơ chế hỗ trợ… chính là những trợ lực mạnh để “tam nông” phát triển.
Trong nhịp độ phát triển chung của Quảng Ninh, hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc chạy dọc tỉnh, giao thông hàng không, đường thủy đều tân tiến, hiện đại… cũng chính là những huyết mạch của nông nghiệp, cho phép nông nghiệp hưởng lợi về chi phí vận chuyển, tiếp cận thị trường, rút ngắn khoảng cách, mở ra những vùng canh tác mới mà từ trước đến nay chưa được khai phá.
Hoạt động du lịch, công nghiệp sôi động với chục triệu lượt du khách mỗi năm, trong đó gần một nửa là khách quốc tế, hàng chục ngàn công nhân trong các doanh nghiệp... đã mang đến cho nông nghiệp lượng người tiêu dùng tại chỗ lớn, có tiền, sẵn sàng chi trả nông sản giá cao. Ông Vũ Thành Long, Trưởng Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh khẳng định, trong điều kiện đó, mục tiêu phát triển "tam nông" của Quảng Ninh nếu không phải nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có thì hẳn là sẽ không có mục tiêu khác phù hợp và hiệu quả hơn.
Điều kiện canh tác có, nông sản đảm bảo về chất, lượng và thương hiệu có, chính sách hỗ trợ lớn; độ mở của thị trường cao; nông dân chuyên cần, doanh nghiệp nhanh nhạy; việc ứng dụng công nghệ dễ dàng; đường hướng phát triển rõ ràng… tất cả đều là những điều kiện để giai đoạn 2020 - 2025 đảm bảo Quảng Ninh có nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có; “tam nông” Quảng Ninh cất cánh; Quảng Ninh thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền...
Bài: Việt Hoa
Trình bày: Hùng Sơn
Ý kiến ()