4
18
/
1012754
Nông nghiệp Quảng Ninh: Cơ hội và thách thức trước "cánh cửa lớn" EVFTA
longform
Nông nghiệp Quảng Ninh: Cơ hội và thách thức trước "cánh cửa lớn" EVFTA

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang mở ra cánh cửa mới cho ngành Nông nghiệp Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Bên cạnh những cơ hội vàng về mở rộng phát triển, EVFTA được xác định là thị trường rất khó tính, với những hàng rào kiểm soát nghiêm ngặt theo chuẩn quốc tế. Đứng trước "cánh cửa lớn" EVFTA, đòi hỏi ngành Nông nghiệp Quảng Ninh phải có những bước tiến mạnh mẽ, nhanh chóng và bứt phá hơn nữa mới hy vọng đủ sức để cạnh tranh.

EVFTA được Quốc hội thông qua ngày 8/6/2020, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đây là cơ hội cho ngành Nông nghiệp trong nước mở rộng thị trường, thâm nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Với Quảng Ninh, EU là thị trường còn khá mới mẻ nhưng cũng rất tiềm năng, là cơ hội cho nông sản địa phương vươn xa. Gần đây nhất, việc tồn đọng nông sản do thị trường Trung Quốc tạm thời đóng cửa vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến ngành Nông nghiệp địa phương sụt giảm nghiêm trọng. Đây cũng là bài học để nông nghiệp Quảng Ninh cần nhanh chóng có giải pháp thúc đẩy nhanh quá trình mở rộng thị trường tiêu thụ, thay vì chỉ phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay.

Report Classic
Infogram

Được biết, khi EVFTA có hiệu lực, một số nông sản sẽ được hưởng ưu đãi về thuế khi xuất khẩu sang thị trường EU, như: Sản phẩm rau quả có 520/556 dòng thuế về 0%; 85,6% dòng thuế áp cho rau quả chế biến cũng về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đặc biệt, thủy sản là mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế khi EVFTA được thực thi. Với việc hơn 200 dòng thuế thủy sản sẽ về 0% chính là lợi thế cho ngành Thủy sản Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng so với các đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador... Nhất là khi các nước này vẫn phải chịu mức thuế cơ bản từ 4,2-12%.

Đáng chú ý là đối với mặt hàng tôm, EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất, chiếm tỷ trọng trên 20% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Thực hiện EVFTA, tôm sú của Việt Nam sẽ được giảm mức thuế quan từ 4,2% về 0%; tôm thẻ chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm. Tôm cũng là mặt hàng được dự báo có sự tăng trưởng nhanh vào EU của nước ta, sau khi EVFTA có hiệu lực, có thể đạt kim ngạch 1 tỉ USD trong năm tới, so với con số khoảng 700 triệu USD/năm hiện nay.

Theo các cơ quan chuyên môn của tỉnh, với tiềm lực cung cấp nguồn thủy sản dồi dào, tập trung nâng cao chất lượng, sản phẩm tôm của Quảng Ninh đang có nhiều cơ hội vươn xa. Cụ thể, tính riêng năm 2019, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đã đạt trên 131.000 tấn; giá trị xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh năm 2019 đạt 198 triệu USD; giá trị chế biến xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh đạt khoảng 24,4 triệu USD, bình quân tăng 4,1%/năm trong giai đoạn 2013-2019. Quảng Ninh đang có 5 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu với công suất cấp đông 100 tấn/ngày, công suất hầm đông đạt 200 tấn/ngày, công suất kho lạnh 6.700 tấn/năm. Tổng công suất chế biến sản phẩm đạt khoảng 7.500 tấn/năm, trong đó nhu cầu nguyên liệu từ 10.000-12.000 tấn/năm.

Cùng với đó, tỉnh có nhiều dự án nổi bật được các tập đoàn lớn đầu tư quy mô, như: Khu phức hợp nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh và sản xuất thức ăn, chế biến thủy sản của Tập đoàn Việt-Úc tại huyện Đầm Hà; Trung tâm Sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản Quảng Ninh, do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển sản xuất Hạ Long (BIM) đầu tư, triển khai tại TP Cẩm Phả... Đây đã và đang là nguồn cung cấp giống tôm chất lượng cao cho các đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, là động lực để phát triển ngành nuôi tôm trong tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Cùng với tôm, các sản phẩm OCOP của tỉnh, với quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất xứ nguồn gốc, mẫu mã, bao bì không ngừng được nâng cao, cũng là điều kiện thuận lợi để nông sản Quảng Ninh vươn tầm quốc tế. Đến nay, toàn tỉnh có 174 đơn vị tham gia với 435 sản phẩm OCOP, trong đó có 191 sản phẩm đạt từ 3-5 sao. Nhiều sản phẩm OCOP đã được đầu tư, chuyên nghiệp hóa, định hướng phát triển để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tiệm cận các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Đài Loan...

Việc ưu đãi thuế quan được coi như cơ hội, "cánh cửa lớn" cho nông sản Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng bứt phá. Tuy nhiên, để bước qua cánh cửa đó, thách thức lớn nhất chính là việc các doanh nghiệp phải vượt qua hàng rào kỹ thuật của EU. Đây là điều không hề dễ dàng.

Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (Bavabi) chia sẻ: EU là thị trường mà mọi doanh nghiệp đều muốn hướng đến, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng đây luôn là thị trường khó tính mà nhiều doanh nghiệp còn chần chừ vì hệ thống hồ sơ, thủ tục phức tạp. Cùng với đó là yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong đó, các tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm không chỉ là VietGAP mà phải nâng lên GlobalGAP, hay năng lực chế biến nông sản cũng cần được tăng lên, phát triển các sản phẩm có sự chế biến tốt, bảo quản dài ngày để phù hợp hơn với EU, nơi có khoảng cách địa lý lớn so với Việt Nam. Chúng tôi rất mong muốn trong thời gian tới, tỉnh sẽ có nhiều chương trình, hội thảo, các lớp tập huấn để trao đổi kinh nghiệm, trang bị các kiến thức và hỗ trợ doanh nghiệp trước ngưỡng cửa lớn, đầy tiềm năng và thách thức này.

Thực tế, những thách thức đó đã đặt ra yêu cầu cho ngành Nông nghiệp tỉnh cần tiếp tục tổ chức lại sản xuất để nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản, đáp ứng với điều kiện xuất khẩu của EVFTA. Cũng như, tổ chức kênh phân phối hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Được biết, đối với thủy sản - lợi thế của ngành Nông nghiệp Quảng Ninh, sẽ định hướng phát triển kinh tế thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tập trung phát triển nuôi trồng các đối tượng chủ lực như tôm (tôm thẻ chân trắng, tôm sú), nhuyễn thể (ngao/nghêu, hàu, tu hài), cá (cá song, cá giò, vược, chim vây vàng)... theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững kết hợp khai thác, đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, tập trung chế biến thủy hải sản tạo chuỗi sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển, chuyển dịch từ nuôi ven bờ sang phát triển vùng biển theo quy mô công nghiệp với công nghệ hiện đại. Nhất là, phát triển hệ thống sản xuất giống gắn với các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; phương thức nuôi thâm canh, siêu thâm canh, nuôi ứng dụng công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học; phát triển các đối tượng nuôi chủ lực theo chuỗi; nuôi áp dụng các quy trình sản xuất tốt (ASC, GlobalGAP, VietGAP…)

Bên cạnh các giải pháp chung, hiện ngành Nông nghiệp địa phương đang nỗ lực gỡ khó cho thủy sản xuất khẩu, trong đó tập trung khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chủ tàu, ngư dân, chủ cơ sở dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản; thực hiện nghiêm việc quản lý tàu thuyền và các biện pháp bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm; bắt buộc các chủ tàu khai thác xa bờ hoặc thuyền trưởng phải thực hiện ghi nhật ký, báo cáo khai thác… 

Theo ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 8.200 tàu cá. Trong đó, tàu có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi thuộc diện phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP là 239 tàu. Đến nay, đã có khoảng trên 100 tàu cá được lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình, liên kết trực tiếp với hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục thủy sản (Bộ NN&PTNT). Sở đang nỗ lực phấn đấu quý IV/2020, 100% tàu cá đã được đăng ký có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên được trang bị và giám sát bằng công nghệ định vị vệ tinh phục vụ quản lý theo quy định. Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân các quy định của pháp luật liên quan đến chống khai thác bất hợp pháp (IUU).

Quảng Ninh đang có những điều kiện thuận lợi và vận hội để vươn ra “biển lớn”. Tuy nhiên, bước qua cánh cửa ấy là điều không dễ dàng, đòi hỏi sự chung sức và quyết tâm của cả chính quyền và doanh nghiệp. Từ đó, tạo động lực để ngành Nông nghiệp chuyển mình, bứt phá mạnh mẽ.

Thực hiện: Hoàng Quỳnh

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu