Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 23:49 (GMT +7)
Phát huy những giá trị của vốn quý văn hóa
Thứ 6, 27/10/2023 | 18:32:17 [GMT +7] A A
Quảng Ninh được cả nước cũng như thế giới biết đến không chỉ là một vùng công nghiệp than lớn nhất Việt Nam, mà còn bởi những di sản thiên nhiên, văn hoá quý báu, cả do thiên nhiên ban tặng và do con người sáng tạo nên. Văn hóa Quảng Ninh có sự giao thoa, hội tụ, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng; văn hóa biển; văn hóa công nhân mỏ; văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc; văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Từ đó, kết tinh, hội tụ để tạo nên nét đặc sắc riêng.
Quảng Ninh có kho tàng di sản văn hóa lớn, phong phú, đa dạng, đặc sắc. Hiện tỉnh đang bảo tồn và phát triển 637 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh… và hơn 2.800 di sản văn hóa phi vật thể là những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, lễ hội của hơn 42 thành phần dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 6 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 58 di tích cấp quốc gia, 82 di tích cấp tỉnh, 482 di tích kiểm kê, phân loại; có 362 di sản văn hóa phi vật thể trong đó có 06 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; có khoảng 80 địa điểm khảo cổ trong đó nhiều địa điểm khảo cổ là di tích…Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, con người Quảng Ninh cũng được biết đến với nhiều giá trị đặc trưng được hun đúc, hình thành qua nhiều thế hệ, một trong những giá trị đó là tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”.
Các di sản văn hoá của Quảng Ninh được trải dài theo cả thời gian: Từ khi con người đặt chân đến vùng đất này ở giai đoạn đồ đá, đồ đồng (cách ngày nay hàng ngàn năm) đến các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ... Và theo cả không gian, với sự phân bố từ miền núi tới hải đảo, từ Trà Cổ (Móng Cái) tới Đông Triều. Bên cạnh đó, văn hóa Quảng Ninh còn là sự kết tinh bản sắc văn hóa dân tộc của 23 dân tộc anh em quần cư trên vùng đất Quảng Ninh, trong đó có 22 dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống thành cộng đồng ở khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa phía đông của tỉnh như dân tộc Tày, Dao, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa... Đồng bào thuộc nhiều tộc người, nhiều địa phương, chuyển cư đến sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất địa đầu Đông Bắc, đã gắn bó máu thịt với vùng đất đang sinh sống, hun đúc nên lòng yêu nước, yêu quê hương sâu sắc. Nhiều nhóm tộc người thiểu số sinh sống thành cộng đồng hoặc cư trú xen kẽ nhau, định hình nên bản sắc riêng, lưu giữ kho tàng di sản văn hoá được hun đúc, bồi đắp từ ngàn đời, trở thành những tài sản vô giá cần được nâng niu, trân trọng, bảo tồn.
Đặc biệt, văn hoá phi vật thể Quảng Ninh là tổng hoà các yếu tố giao lưu, hội nhập, dung hoà, tiếp biến, cởi mở, linh hoạt, để tạo nên bản sắc vùng Mỏ, một “Việt Nam thu nhỏ”. Đó là 64 lễ hội truyền thống mang đặc trưng của từng vùng miền; là hàng loạt những di sản khác nhau, bao gồm: Ngữ văn dân gian (gồm có: Sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đối, truyện cổ tích, truyện trạng...); nghệ thuật trình diễn dân gian (gồm: Âm nhạc, múa hát, sân khấu..); tập quán xã hội (bao gồm luật tục hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác); tri thức dân gian (bao gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục); nghề thủ công truyền thống…
Ngoài ra, văn hoá Quảng Ninh còn có nét đặc sắc riêng với nền “văn hoá công nhân mỏ” được hình thành và phát triển gần 150 năm nay, gắn liền với quá trình lao động, đấu tranh cách mạng. Văn hoá vùng Mỏ là sự kết hợp của hai yếu tố: Những nét văn hoá truyền thống chắt lọc tinh hoa của khắp các vùng miền trong cả nước và văn hoá hiện đại ra đời từ cuộc sống công nghiệp và mang đậm hơi thở của cuộc sống công nghiệp hiện đại, góp phần làm cho kho di sản văn hoá của Quảng Ninh ngày càng thêm phong phú, đa dạng.
Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng, cùng với công tác xã hội hóa được triển khai hiệu quả. Trong 5 năm qua (2018 - 2022), 100% di tích cấp quốc gia, 70% di tích cấp tỉnh đã được tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp với tổng kinh phí trên 1.683 tỷ đồng từ nguồn lực nhà nước và nguồn xã hội hoá. Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện kiểm kê 07 loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nhiều chương trình, dự án đã và đang được thực hiện. Thông qua hoạt động kiểm kê đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho 6 di sản. Phối hợp với Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nghiên cứu, ghi hình (tĩnh, động) về Then nghi lễ người Tày ở Bình Liêu; phối hợp với 10 tỉnh trong cả nước có di sản Then lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Cùng với đó, tỉnh cũng quan tâm, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ mang đặc trưng của địa phương, nghiên cứu về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Ở một số địa phương trong tỉnh sản phẩm thủ công mỹ nghệ sản phẩm du lịch làng quê, sinh thái, trải nghiệm đã khẳng định được thương hiệu và tiếp cận thị trường như là một số làng nghề thủ công truyền thống gốm sứ (thị xã Đông Triều); đan ngư cụ, đóng tàu vỏ gỗ (thị xã Quảng Yên), nuôi cấy ngọc trai (huyện Vân Đồn)… Hiện khoảng 120 di tích, di sản đã nằm trong các điểm tour, tuyến du lịch cố định của Quảng Ninh, trong đó có những di tích được các đơn vị lữ hành lựa chọn để thiết kế nhiều sản phẩm riêng, trọn gói để đưa vào khai thác.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã có bước đột phá trong việc huy động các nguồn lực đầu tư cho các thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, hiện đại. Công nghiệp văn hóa đã bước đầu được hình thành, xây dựng được một số sản phẩm văn hóa đặc trưng, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Thùy Linh
Liên kết website
Ý kiến ()