4
18
/
1005015
Phát triển rừng bền vững
longform
Phát triển rừng bền vững

 

Trước năm 1990, trong bối cảnh chung toàn quốc khai thác gỗ rừng quá mức, Quảng Ninh cũng bị suy giảm nghiêm trọng diện tích, trữ lượng rừng, độ che phủ rừng chỉ còn dưới 30%. Thời điểm đó, ít ai dám nghĩ rừng Quảng Ninh sẽ được phục hồi, phủ xanh, làm giàu. Vậy mà với nỗ lực, quyết tâm cao độ, Quảng Ninh đã làm được.

Quảng Ninh đóng cửa rừng năm 1997, là một trong ít địa phương đóng cửa rừng sớm nhất cả nước, chính thức ngừng mọi hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán sản phẩm từ rừng. Cùng với đó, các chương trình, dự án trồng rừng, phủ xanh đất trồng đồi núi trọc như 661 (trồng mới 5 triệu ha rừng), Việt Đức, 327, trồng rừng ngập mặn JICA… được phát động và triển khai mạnh mẽ, lan tỏa rộng khắp.

Khi đó, khắp từ Đông Triều đến địa đầu Móng Cái, từ vùng trung tâm cho đến biên giới, đảo xa, đâu đâu cũng có những đội trồng rừng hừng hực khí thế, nhiệt huyết sức trẻ và niềm tin ươm những mầm xanh trên đất rừng.

Cứ thế, các cánh rừng keo lai, bạch đàn, thông, hồi, quế, sở, rừng ngập mặn mạnh mẽ vươn lên, tạo thành những dải rừng rộng lớn, kéo dài dọc cung đường ven biển hàng trăm km, dọc tuyến đường biên giới, khắp các xã, huyện đảo, dọc các trục giao thông, các vùng cảnh quan đô thị…

Một diện tích rộng lớn các cánh rừng tự nhiên nghèo kiệt - hậu quả của khai thác rừng ồ ạt trước đây đã được tỉnh giữ lại, khoanh nuôi tái sinh, thay vì chuyển đổi sang thành rừng sản xuất. Trong lộ trình này, tỉnh cho khoanh vùng các khu vực đầu nguồn, quy hoạch và phân loại rừng đặc dụng, phòng hộ, xúc tiến thành lập vườn, rừng quốc gia, các ban quản lý rừng… Nhờ đó đã kịp thời phục hồi rừng tự nhiên, giữ lại cho Quảng Ninh những khu rừng giàu có hiện nay, như Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, rừng phòng hộ Yên Lập, Rừng quốc gia Yên Tử, Vườn Quốc gia Bái Tử Long, rừng Quảng Nam Châu, rừng phòng hộ Ba Chẽ… Đây đều là vốn quý trong phát triển rừng bền vững, đảm bảo môi sinh, môi trường, phát triển kinh tế.

Việc giao đất, giao rừng khiến cho rừng có chủ. Trong khoảng gần 30 năm qua, 333.225 ha đã được giao cho 23.000 hộ gia đình và 59 tổ chức, tương đương gần 90% diện tích rừng toàn tỉnh có chủ, là một bước tiến quan trọng đảm bảo rừng được bảo vệ, đảm bảo thành quả trồng rừng, giữ rừng, đồng thời ngày càng làm giàu, phát triển rừng, sản sinh thêm giá trị cho rừng…

Công tác quản lý, bảo vệ rừng, đảm bảo các hoạt động về ngăn ngừa tàn phá rừng, lấn chiếm rừng, phòng chống cháy rừng… ngày càng hiệu quả từ đơn vị chuyên môn, chính quyền địa phương đến từng chủ rừng, người dân, là điều kiện cần thiết để Quảng Ninh bảo vệ, phát triển bền vững rừng.

Sau năm 2003, gần 15.000 ha rừng Đồng Sơn - Kỳ Thượng từ loại rừng sản xuất đã được quy hoạch, chuyển về đúng loại rừng tự nhiên, có tính chất phòng hộ, đặc dụng. 18 năm kể từ khi được công nhận là Khu Bảo tồn thiên nhiên, thành lập Ban quản lý, rừng tự nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng nghèo nàn năm nào đã phát triển đa tầng, đa tán, nhiều loại cây đa mục đích, sự có mặt dầy đặc của nhiều loại gỗ rừng quý, đường kính lớn như dẻ, dóc nước, dè nâu, lim xanh, thị rừng… Đồng thời hệ động vật phong phú lên đến hàng nghìn loài, chi, họ, trong đó có trên 40 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam.

Chính vốn quý của rừng Đồng Sơn - Kỳ Thượng đã cho phép Quảng Ninh có ý tưởng về một công viên rừng tiêu chuẩn quốc tế. Gần đây nhất, tỉnh đã thống nhất về chủ trương triển khai dự án quần thể bảo tồn Safari Hạ Long quy mô trên 1.300 ha, giá trị đầu tư trên 2.000 tỷ đồng. Trong đó hạng mục hạt nhân của dự án là Safari (vườn thú) và khu bảo tồn động vật, với sự có mặt của nhiều loại động vật đặc trưng thế giới và Việt Nam, phù hợp điều kiện của rừng Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Theo giới chuyên môn, khi dự án này trở thành hiện thực, Quảng Ninh sẽ thêm sản phẩm du lịch rừng độc đáo nhất nước, bổ trợ cho du lịch biển Quảng Ninh, hình thành chuỗi du lịch rừng - biển liên hoàn.

Quảng Ninh còn có nhiều cánh rừng đạt và vượt các tiêu chuẩn rừng tự nhiên giàu có, được xem như bảo tàng xanh lưu giữ và bảo tồn hệ sinh thái rừng Việt Nam, đặc biệt bao gồm nhiều loại động, thực vật đặc trưng, đặc hữu. Đơn cử như hơn 2.700 Rừng quốc gia Yên Tử, trong đó cây xích tùng, cây mai vàng Yên Tử chỉ riêng có tại đây; trên 10.600 ha rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Yên Lập được đánh giá có trữ lượng gỗ tốt nhất tỉnh; trên 6.000 ha rừng tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long; 12.000ha rừng phòng hộ Ba Chẽ; 12.000ha rừng Quảng Nam Châu… với sự có mặt của những loại gỗ quý như dẻ, nhội, lim, mắt niễng…

Riêng rừng Quảng Nam Châu hiện là nơi tập trung diện tích rừng tự nhiên lớn nhất với hệ thực vật rất nổi bật, quần thể cây gỗ dổi vài chục ha, đường kính lớn nhất đến 100 cm. Đây cũng là nơi trú ngụ của nhiều loại khỉ hiếm và đặc biệt mới đây các nhà khoa học đã phát hiện dấu vết của loài gấu trong rừng Quảng Nam Châu.

Quảng Ninh còn có hệ thống những cánh rừng ngập mặn xanh tươi, kéo dài 250 km ven biển của tỉnh, tập trung nhiều nhất tại huyện Tiên Yên, TX Quảng Yên, huyện Đầm Hà, TP Móng Cái, huyện Vân Đồn, huyện Hải Hà. Chỉ tính trên địa bàn huyện Tiên Yên, trên 6.000 ha rừng ngập mặn của xã Đồng Rui đang sinh trưởng và phát triển mạnh nhất tỉnh. Đây chính là tài sản vô giá, yếu tố tiên quyết, đảm bảo các điều kiện để tỉnh cho phép hình thành Vùng đất ngập nước Đồng Rui, từ đó nâng cấp độ bảo vệ, gìn giữ và phát huy rừng. Các diện tích rừng ngập mặn của các xã Hải Lạng, Tiên Lãng, Đông Ngũ, Đông Hải (huyện Tiên Yên) có sức sống vượt trội.


Các cánh rừng của Quảng Ninh nói trên đảm bảo cho sự phát triển rừng bền vững, nơi cư trú lý tưởng và làm phong phú các loại động thực vật, bảo vệ môi trường, nguồn nước… Hiện hồ Yên Lập - hồ lớn nhất tỉnh, đảm bảo nước sạch cho dân cư vùng lõi khu vực miền Tây của tỉnh; hồ Chúc Bài Sơn, hồ Cao Vân… cấp nước cho dân cư vùng miền Đông của tỉnh đều được đảm bảo nguồn nước từ những cánh rừng tự nhiên rộng lớn nói trên. Rừng ngập mặn Tiên Yên góp phần bảo vệ tuyến đê biển xung yếu Hà Dong, Cái Đản, bảo vệ diện tích đất canh tác trong đê, tạo ngôi nhà cư trú, sinh trưởng và sinh sản cho hàng trăm loại thủy hải sản…  

Làm giàu rừng và làm giàu từ rừng lâu nay là mục tiêu của Quảng Ninh. Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho rằng, khi rừng đã được bảo vệ và phát triển, khi vốn rừng đã được đảm bảo và ngày càng nâng cao giá trị thì chủ rừng, lao động nghề rừng, các đơn vị doanh nghiệp, các lĩnh vực kinh tế gắn với rừng có quyền và hoàn toàn có thể làm giàu từ rừng.

Theo tính toán, đối với rừng trồng keo, 1 ha đất rừng đạt khoảng 70-100 tấn gỗ/chu kỳ 6 năm, giá trị khoảng 90-150 triệu đồng/ha. Đối với cây thông, 1 ha thông trưởng thành mỗi năm mang lại 100-200 triệu đồng (cao gấp nhiều loại cây trồng khác), có thể khai thác liên tục trong khoảng 20-40 năm.

Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Cẩm Phả hiện trồng keo theo phương pháp thâm canh, có bón phân, trên diện tích 7.000 ha, đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. Công ty CP Thông Quảng Ninh, từ việc phát huy giá trị của cây thông Quảng Ninh hiện đã lớn mạnh, trở thành đơn vị tiềm lực nhất, nhì trong ngành hàng nhựa thông toàn quốc.

Ngành Lâm nghiệp Quảng Ninh đang chuyển động mạnh mẽ, có tính đột phá, hướng tới phát triển bền vững và giá trị cao. Ngày 28/11/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU "Về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Hiện thực hóa Nghị quyết này, Quảng Ninh đã có những chính sách, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, chiến lược, mục tiêu rõ ràng để làm giàu từ rừng.

Mục tiêu cao nhất là gìn giữ tuyệt đối trên 122.700 ha rừng tự nhiên, còn rừng sản xuất trên 214.800 ha sẽ là tư liệu chủ yếu mang lại giá trị về tiền. Kỳ vọng diện tích rừng trồng sẽ thay đổi đột phá về giá trị thông qua các hoạt động chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; giảm, tiến tới ngừng chế biến gỗ bằng băm dăm, thay bằng chế biến sâu và xuất khẩu.

Theo đó tỉnh chọn Tiên Yên, Ba Chẽ xây dựng mô hình điểm về trồng rừng gỗ lớn; có chính sách hỗ trợ người dân kinh phí chuyển hóa từ rừng keo gỗ nhỏ sang rừng keo gỗ lớn cũng như hỗ trợ người dân trồng cây bản địa trên đất rừng sản xuất, đặc biệt là những cây giá trị cao, như thông, lim, sở…

Trong lĩnh vực chế biến lâm sản, Quảng Ninh đặt mục tiêu xây dựng một nhà máy chế biến gỗ tổng hợp quy mô lớn tại huyện Tiên Yên, vùng trung tâm nguyên liệu rừng trồng khu vực miền Đông. Bên cạnh đó, lộ trình giảm, ngừng hoạt động băm dăm gỗ từ 464 cơ sở hiện nay xuống còn 250 cơ sở vào năm 2025 và 170 cơ sở vào năm 2030; không cấp phép hoạt động cơ sở băm dăm gỗ mới. Điều này không chỉ đẩy mạnh mục tiêu trồng rừng gỗ lớn của tỉnh mà còn có thể tận dụng nguồn gỗ nguyên liệu quý từ các tỉnh, thành phố lân cận, vốn có diện tích, sản lượng rừng sản xuất lớn.

Tỉnh cũng đẩy mạnh triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng theo hướng cập nhật các đơn vị nhiệt điện, xi măng trong đối tượng chi trả. Theo tính toán, khi hoàn tất lộ trình này, Quảng Ninh có thể thu được 122 tỷ đồng/năm tiền dịch vụ môi trường rừng, cao gấp 30 lần hiện nay. Đây sẽ là nguồn kinh phí quan trọng để tái đầu tư, phát triển cho rừng.

Ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT, khẳng định: Khi làm được những việc trên, giá trị trên mỗi ha đất rừng trồng của Quảng Ninh sẽ gấp đến cả chục lần hiện nay, thu nhập của lao động nghề rừng, chủ rừng tăng cao mạnh mẽ. Quan trọng hơn, Quảng Ninh hình thành và phát triển nền công nghiệp rừng bền vững, kho “vàng xanh” Quảng Ninh sẽ được mở ra, bức tranh về kinh tế rừng Quảng Ninh sẽ được bao trùm bởi màu sắc tươi sáng và mới lạ.

Thực hiện: Việt Hoa

Trình bày: Đỗ Quang

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu