Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 14:00 (GMT +7)
Phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XIII
Thứ 5, 09/07/2020 | 08:17:03 [GMT +7] A A
Sáng 9/7, tại Trung tâm Tổ chức hội nghị tỉnh (TP Hạ Long), ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 18 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2020), HĐND tỉnh khóa XIII đã diễn ra với phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại hội trường.
8h00: Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, thay mặt Đoàn chủ tọa, khai mạc phiên chất vấn.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. |
Đồng chí yêu cầu: Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri, sự quan tâm của nhân dân, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính, gồm: Công tác đào tạo nghề; giải ngân vốn đầu tư công. Chủ tịch UBND các địa phương, các sở, ngành liên quan với tinh thần, trách nhiệm cao, đi thẳng vào vấn đề, sẽ giải trình rõ các nội dung mà cử tri, người dân quan tâm.
Quang cảnh ngày làm việc thứ 2. |
-----------------------------------------------***----------------------------------------------
* TẬP TRUNG GIẢI BÀI TOÁN GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
11h55': Đánh giá cao chất lượng phần chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu tham dự kỳ họp đối với nhóm vấn đề về giải ngân vốn đầu tư công, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh là 37,1%, so với mặt bằng chung của các nước thời gian này nằm trong tốp trung bình. Mặc dù chúng ta đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên, đòi hỏi, mong muốn của hệ thống chính trị và của nhân dân thì vẫn chưa đạt mục tiêu, yêu cầu.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kết luận nội dung chất vấn, trả lời chất vấn về giải ngân vốn đầu tư công. |
Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh cơ cấu kinh tế từ khu vực dịch vụ là 46%. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, khu vực này chỉ tăng 0,2 điểm %.Những khu vực tăng trưởng là công nghiệp xây dựng, nông – lâm – thủy sản. Vậy nên, đóng góp từ đầu tư công vào tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay là vô cùng quan trọng.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nêu rõ: Con số giải ngân 37,1% dù thể hiện sự cố gắng, nỗ lực, tuy nhiên so với các chỉ đạo của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh còn nhiều tồn tại, yếu kém.
Cùng với nguyên nhân khách quan do tác động xấu từ dịch Covid-19, nhất là thực hiện giãn cách xã hội khoảng 1 tháng, nên khó khăn trong tìm kiếm lao động, thực hiện GPMB, tiến độ dự án… Thì còn nguyên nhân chính là sau phân cấp đầu tư, quy mô vốn đầu tư ngân sách địa phương nhưng do cấp huyện thực hiện phân khai có quy mô lớn nhưng có biểu hiện còn dàn trải. Việc chuẩn bị đầu tư còn chưa tốt. Nhiều địa phương thuê đơn vị tư vấn chưa đảm bảo chất lượng.
Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh sẽ có biện pháp xây dựng các cơ chế điều hành ngân sách năm 2020 phần chi ngân sách địa phương trong đó có chi đầu tư phát triển. Giải pháp tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính ngân sách, tập trung vào những giải pháp mạnh.
Cụ thể: Những công trình, dự án đến ngày 15/6/2020 giải ngân 0%, dưới 10%, đến 30/6 dù giải ngân trên 10% nhưng xét thấy khó có khả năng hoàn thành 100% đúng kế hoạch năm 2020 hay dự án cho thấy chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa thực sự cần thiết, dự án có nguy cơ kéo dài sang chu kỳ trung hạn 2021-2026 thì thực hiện cắt, giảm, dừng, đình hoãn, theo quy định của pháp luật.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, gắn liền với đảm bảo cân đối ngân sách địa phương trong điều kiện khó khăn do thu thuế, phí có nguy cơ hụt, phải tìm các nguồn bù thu, gây mất cân đối ngân sách địa phương phần chi ngân sách cấp tỉnh, đặc biệt là chi cho các công trình trọng điểm, thì các địa phương phải căn cứ vào số thực thu của mình, diễn biến, kịch bản thu ngân sách, để thực hiện việc đầu tư công, cân đối với chi thường xuyên. Tỉnh sẽ không thực hiện cấp bù chi thường xuyên, không tạm ứng chi thường xuyên. Thực hiện đúng nguyên tắc “có thu thì mới có chi”.
Đối với một số địa phương đang không cân đối được do hụt thu từ thuế, phí như Hạ Long, Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu, cấp ủy HĐND phải rà soát, cắt ngay công trình dự án có sử dụng nguồn thuế phí, đặc biệt là nguồn thu từ phí hạ tầng cửa khẩu, phí tham quan Vịnh Hạ Long để cân đối nhiệm vụ chi thường xuyên.
Đối với chi đầu tư phát triển, tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh cũng xem xét cắt các khoản chi thường xuyên không thực sự cần thiết, không phù hợp với tình hình trong điều kiện phòng chống Covid-19, để tập trung nguồn lực cho các dự án, công trình động lực do yêu cầu phát triển như: Cao tốc Vân Đồn- Tiên Yên, đường nối 2 KCN Việt Hưng, Cái Lân lên cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, Cầu Cửa lục 1, đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả,…
Về dự án chậm tiến độ, tỉnh Quảng Ninh thực hiện rất quyết liệt, nhất là từ năm 2016 đến nay. Tuy nhiên, hiện vấn đề chậm tiến độ dự án liên quan đến sử dụng đất còn phổ biến. Kỷ cương, kỷ luật, chấp hành pháp luật ở cơ quan quản lý, người sử dụng đất cũng có khâu, có việc còn hạn chế. Tỉnh chủ trương giao cho UBND tỉnh, Sở TN&MT, Ban quản lý khu kinh tế, các địa phương, sở, ngành có liên quan thời gian tới tiếp tục rà soát các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các thông báo chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã cho nghiên cứu quy hoạch liên quan đến sử dụng đất.
Yêu cầu các địa phương đưa công khai những dự án có sai phạm, chậm tiến độ lên Cổng thông tin điện tử địa phương, tùy cấp độ đưa lên cấp tỉnh. Tỉnh sẽ xem xét, kiên quyết thu hồi theo quy định của pháp luật đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, dự án triển khai chậm tiến độ, dự án bị chấm dứt chủ trương đầu tư, chấm dứt nghiên cứu quy hoạch, sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật đất đai, môi trường, đầu tư… Tạo môi trường đầu tư lành mạnh, tránh tình trạng đầu cơ, găm đất, chờ thời, trục lợi, nhất là xin nghiên cứu quy hoạch để giữ đất, làm ảnh hưởng đến các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư có nhu cầu thực sự. Đảm bảo mục tiêu sử dụng đất có hiệu quả, tầm chiến lược lâu dài, tiết kiệm đất, không để xảy ra tình trạng không kiểm soát được chất lượng đầu tư, làm ảnh hưởng đến nguồn lực đất đai quý giá.
Để đảm bảo hiệu quả đầu tư công, cũng như đầu tư ngoài ngân sách có sử dụng đất, cần tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra. HĐND tỉnh tiếp tục thực hiện việc giám sát sử dụng đất, tăng cường giám sát đột xuất, không báo trước. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng chí cũng yêu cầu, người đứng đầu các địa phương, sở, ban, ngành nâng cao hiệu quả công tác phối hợp và trách nhiệm trực tiếp cá nhân, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư công.
Qua đó, góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bền vững của tỉnh, đảm bảo nguồn lực của tỉnh được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, tập trung vào những công trình trọng điểm, tạo đột phá phát triển, gắn với quá trình phát triển của tỉnh trong 10 năm tới. Hướng tới mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
11h20': Liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm ở một số dự án của TP Hạ Long, đồng chí Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết:
Tổng vốn đầu tư phát triển năm 2020 của TP Hạ Long tính đến ngày 30/6/2020 là 4.687 tỷ đồng, số vốn đã giải ngân đạt 1.261 tỷ đồng, bằng 26% kế hoạch.
Đối với việc giải ngân vốn ngân sách tỉnh hiện mới giải ngân được trên 319 tỷ đồng, bằng 45,2% kế hoạch. Cụ thể: Với vốn ngân sách tỉnh phân bổ trực tiếp cho các dự án (12 dự án) số vốn đã giải ngân 235,237 tỷ đồng/kế hoạch 531,34 tỷ đồng, hiện đang hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu khối lượng để thanh toán. Số vốn còn lại chưa giải ngân là 269,103 tỷ đồng tập trung một số dự án có tỷ lệ thấp đó là: Dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Hạ Long mới giải ngân được 21 tỷ đồng (bằng 0,13%). Lý do: Hiệp định vay vốn lần 2 giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản chưa được ký kết, thành phố đã báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư giảm kế hoạch vốn của dự án là 152,666 tỷ đồng.
Đồng chí Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP Hạ Long, trả lời chất vấn. |
Dự án cải tạo, nâng cấp QL 279 đoạn từ Km27+100 đến Km30+300 mới giải ngân đạt 20,95% kế hoạch. Thành phố đã báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư giảm kế hoạch vốn của dự án số tiền 9,1 tỷ đồng tại Văn bản số 5267/UBND tỉnh ngày 15/6/2020 do tỉnh bố trí thừa vốn được quy định trong quyết định phê duyệt dự án.
Dự án GPMB dự án đường cao tốc Hạ Long- Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long- Mông Dương, số vốn giải ngân mới đạt 7,47%. UBND TP Hạ Long đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính đề nghị điều chỉnh mã dự án. Tuy nhiên đến nay các Sở chưa điều chỉnh mã dự án để thành phố thực hiện giải ngân. Đồng thời thành phố đã báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư giảm kế hoạch vốn của dự án số tiền 4 tỷ đồng do giảm chi phí phá dỡ các công trình kiến trúc trong vi phạm GPMB của dự án.
Đối với việc giải ngân ngân sách thành phố chưa đảm bảo tiến độ do thành phố tự cân đối ngân sách, là địa phương có thu mới có chi, đặc biệt là với nguồn cân đối chi đầu tư xây dựng cơ bản. Do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid - 19 dẫn đến tiến độ thu ngân sách của thành phố chậm so với kế hoạch, do đó nguồn lực dành cho chi đầu tư chưa có để giải ngân.
11h10': Đồng chí Nguyễn Văn Định, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, giải trình về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm: Năm 2020, Ban được giao kế hoạch vốn 1.918 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh là 1.614 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương là 304 tỷ đồng cho 9 dự án (3 dự án hoàn thành đã có quyết toán, 6 dự án khởi công mới). Đến nay, mới giải ngân được 595 tỷ đồng, đạt 31% (vốn tỉnh đạt 22%, vốn Trung ương đạt 80%).
Đồng chí Nguyễn Văn Định, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, giải trình tại phiên họp. |
Nguyên nhân chậm tiến độ một phần do dịch Covid-19, một phần do các dự án của Ban được bố trí vốn đều khởi công mới trong năm 2020, không có dự án chuyển tiếp nên không có khối lượng hoàn thành để thanh toán. Ngoài ra, 6 dự án khởi công mới đều có quy mô đầu tư lớn, kết cấu phức tạp, nhiều hạng mục công việc phải xây dựng định mức riêng... Theo tiến độ, Ban cam kết với tỉnh sẽ khởi công toàn bộ các dự án trước 30/6/2020 nhưng do những nguyên nhân chủ quan và khách quan trên đã làm chậm tiến độ khởi công dẫn đến chậm tiến độ giải ngân.
Về giải pháp khắc phục, các dự án khởi công mới được bố trí kế hoạch vốn tương đương 20% tổng mức đầu tư nên sau khi khởi công Ban tạm ứng 10% là mức tối thiểu theo quy định và 10% còn lại dành cho GPMB thì sẽ hoàn thành tiến độ giải ngân. Kế hoạch khởi công như sau: Đường nối cao tốc Hạ Long – Hải Phòng km6+700 đến đường tỉnh 331 khởi công trong tháng 7/2020; Cầu Cửa Lục 3 và Xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc khởi công trong tháng 8/2020. Ban Cam kết giải ngân 100% kế hoạch vốn giao đầu năm trước 30/9/2020.
11h00': Trước yêu cầu của Chủ tọa Kỳ họp về việc giải trình kết quả giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngành Y tế tỉnh nói riêng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nguyễn Trọng Diện cho biết:
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Diện giải trình về vấn đề giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngành Y tế. |
Năm 2020, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngành Y tế là 680 tỷ đồng, đầu tư cho 2 dự án mới. Trong đó, riêng dự án xây dựng, mở rộng, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), Trung tâm Kiểm nghiệm và Trung tâm cấp cứu 115 có tổng vốn 195 tỷ đồng đã được phê duyệt, chuẩn bị triển khai. Nhưng sau đợt cao điểm dịch Covid-19, tình hình thực tế cho thấy yêu cầu cấp thiết phải tách riêng CDC ra khỏi khuôn viên của bệnh viện các đơn vị sự nghiệp của ngành nên dự án phải tạm dừng để điều chỉnh.
Cùng với đó, trong nguồn vốn còn lại, ngoài việc dành cho 9 dự án chuyển tiếp từ năm 2019, có đến 270 tỷ đồng (chiếm 57%) được dành cho việc trang sắm, bổ sung các trang thiết bị y tế. Đối với phần vốn này, do đặc thù của ngành Y tế và tình hình thực tế, việc làm thủ tục giải ngân chỉ có thể hoàn thành vào dịp cuối năm, khi các công trình hoàn thiện việc xây dựng cơ bản, có mặt bằng hoàn thiện để lắp đặt ổn định các trang thiết bị, tránh hỏng hóc, xuống cấp trong quá trình bảo quản.
Vì vậy, đối với ngành Y tế, hiện có ít nhất 465 tỷ đồng (chiếm 68%) vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa thể giải ngân ngay trong 6 tháng đầu năm 2020. Hiện Sở Y tế đang tích cực triển khai thủ tục thẩm định giá, trong quý III-2020 sẽ làm thủ tục đấu thầu, phấn đấu tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong nửa cuối năm 2020.
Đối với 215 tỷ đồng nguồn vốn còn lại, hiện ngành Y tế tỉnh đã giải ngân được 113 tỷ đồng (đạt 52%). Việc giải ngân vốn xây dựng cơ bản bị chậm, một phần do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong đại dịch, hầu như mọi nguồn lực đều dồn hết cho công tác cách ly, phòng chống dịch và điều trị, khám chữa bệnh cho nhân dân; lực lượng lao động tại các công trình xây dựng cơ bản bị hạn chế ra vào, nhiều nhà thầu cho công nhân cách ly theo quy định. Sau giãn cách xã hội, lượng người dân đến khám, chữa bệnh tăng cao, kết hợp với các yếu tố mặt bằng hạn hẹp của các công trình xây dựng, dễ gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người đến khám và bệnh nhân điều trị nội trú tại các bệnh viện, cơ sở y tế nên lực lượng xây dựng khó triển khai việc tăng ca kíp để xây dựng kịp tiến độ...
10h50': Đồng chí Trần Văn Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: Trách nhiệm trong việc giải ngân xây dựng cơ bản liên quan đến trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương và chủ đầu tư.
Đồng chí Trần Văn Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. |
Đồng chí cho biết, đến ngày 30/6, tỷ lệ giải ngân xây dựng cơ bản mới đạt được 30%, trong khi đó, theo mục tiêu kế hoạch đặt ra là tới tháng 9/2020 phải giải ngân 100%.
Đồng chí đã chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân xây dựng cơ bản thấp. Trước hết là do giai đoạn giãn cách cách ly xã hội từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong 6 tháng đầu năm. Qua kiểm tra, giám sát, công tác giải phóng mặt bằng các dự án rất chậm. Thứ 2, kinh phí giải phóng mặt bằng lại nằm trong tổng mức đầu tư nằm trong tỷ lệ giải ngân, do đó trách nhiệm giải phóng mặt bằng phải là của cấp ủy địa phương. Thứ 3 là do tính chủ động quyết liệt của các chủ đầu tư.
Một số đơn vị có tỉ lệ giải ngân thấp như: Sở Y tế, Sở GTVT, Quảng Yên, Cẩm Phả, Tiên Yên, Bình Liêu, Vân Đồn, Hạ Long, Móng Cái.
Để tăng cường công tác giải ngân xây dựng cơ bản, đóng góp vào sự tăng trưởng của tỉnh, là cơ quan tham mưu, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất: Đề nghị các địa phương tích cực chủ động trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án; kiên quyết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác giải ngân xây dựng cơ bản; điều chỉnh các dự án không có khả năng giải ngân để bố trí sang dự án khác, nhất là các dự án trọng điểm; đề nghị các chủ đầu tư khi được bố trí vốn cần tăng cường trách nhiệm đối với nguồn vốn được giao.
10h30’: Cho rằng công tác GPMB thời gian qua còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, Đại biểu Đỗ Thị Ninh Hường, Tổ đại biểu Uông Bí đề nghị Giám đốc Sở TNMT giải trình rõ nguyên nhân và trách nhiệm?
Đại biểu Đỗ Thị Ninh Hường, Tổ đại biểu Uông Bí, chất vấn lãnh đạo Sở TN&MT về tiến độ GPMB các dự án còn chậm. |
Trả lời trước HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Ngọc Thu, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: 5 năm qua KT-XH phát triển lớn với nhiều dự án lớn được đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông đã làm thay đổi bộ mặt của tỉnh. Tỉnh cũng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt liên quan đến công tác GPMB các dự án, tuy nhiên cũng phải nhìn nhận thực tế rằng nhiều dự án vẫn chậm tiến độ do GPMB chậm.
Theo Giám đốc Sở TN&MT, nguyên nhân của GPMB ở địa phương còn chậm là do sự thay đổi, điều chỉnh về Luật Đất đai, người dân có sự so sánh về các phương án đền bù GPMB mà các địa phương thực hiện, một số không đồng thuận, cản trở, gây khó khăn cho việc GPMB.
Bên cạnh đó, công tác lưu trữ hồ sơ đất đai của tỉnh thời gian trước chưa tốt gây khó khăn cho việc xác định nguồn gốc sử dụng đất để làm cơ sở lập phương án đền bù, GPMB. Nhiều chủ trương đầu tư dự án có sự thay đổi, kéo theo đó là sự thay đổi về phương án GPMB, khiến thời gian thực hiện GPMB kéo dài hơn. Ngoài ra thì đội ngũ cán bộ làm công tác này còn mỏng trong khi tình hình thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh đang có rất nhiều dự án được triển khai; điều này cũng là khó khăn lớn với địa phương trước áp lực về tiến độ thực hiện GPMB. Đặc biệt, có những địa phương giao ủy thác công tác GPMB cho phó chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực và cán bộ phòng TN&MT, trung tâm phát triển quỹ đất mà chưa có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, nhất là thiếu vai trò của người đứng đầu cũng như sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền và tổ chức, đoàn thể.
Nhận định rõ những tồn tại, hạn chế như trên, đồng chí Nguyễn Ngọc Thu cho rằng các huyện, thị xã, thành phố cần phải tập trung hơn nữa với công tác GPMB; trong đó, cần thành lập BCĐ GPMB do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban; hàng tuần có kiểm điểm, đánh giá tình hình triển khai để kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh. Trên tinh thần đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều cách để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Cùng với đó, lựa chọn đội ngũ cán bộ tham gia công tác GPMB phải công tâm, khách quan và trách nhiệm để đảm bảo công bằng, quyền lợi cho người dân.
Ngoài ra, các địa phương khi thực hiện công tác GPMB phải quan tâm triển khai trước nội dung xây dựng khu tái định cư cho người dân. Không được yêu cầu người dân di chuyển mà chưa bố trí xong tái định cư thì người dân sẽ không đồng thuận.
10h25': Đại biểu Lưu Văn Thường, Tổ đại biểu Hải Hà, chất vấn Giám đốc Sở TN&MT: Khi nào thì các địa phương được phê duyệt vị trí điểm khai thác đất phục vụ san lấp các dự án? Khi nào thì có quy chế về quản lý khai thác, cấp phép các điểm khai thác đất phục vụ san lấp mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh?
Đại biểu Lưu Văn Thường, Tổ đại biểu Hải Hà chất vấn. |
Trả lời nội dung này, đồng chí Nguyễn Ngọc Thu, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 22 ngày 22/10/2019 về kết luận của đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp về công tác quản lý khai thác đất đá làm vật liệu san lấp mặt bằng, Sở Xây dựng đã chủ trì phối hợp với Sở TN&MT, UBND huyện Hải Hà đi kiểm tra thực địa và Sở Xây dựng đã tổng hợp báo cáo trình UBND tỉnh kế hoạch nghiên cứu, lập quy hoạch các khu vực khai thác, sử dụng vật liệu làm san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2025. Trong đó có các khu vực khai thác đất, đắp san lấp mặt bằng các dự án trên địa bàn huyện Hải Hà (gồm 7 khu vực mỏ ở xã Quảng Thành, Quảng Phong) và UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo, xem xét, phê duyệt các khu vực khai thác, sử dụng vật liệu san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện theo quy định.
Về nội dung khi nào thì có quy chế về quản lý khai thác, cấp phép các điểm khai thác đất phục vụ san lấp mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh?
Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 95 ngày 25/5/2020 về kết luận của đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc làm việc nghe báo cáo về kết quả thực hiện Thông báo số 64 ngày 15/4/2020 của UBND tỉnh đối với việc quản lý, sử dụng vật liệu san nền phục vụ các dự án trên địa bàn tỉnh, trong đó có giao cho Sở TN&MT là đơn vị đầu mối, phối hợp, tiếp nhận các tài liệu có liên quan đến thực hiện nhiệm vụ quy hoạch khai thác sử dụng đất từ Sở Xây dựng để hoàn thiện tham mưu báo cáo UBND tỉnh về việc trình thẩm định phê duyệt đảm bảo các quy định hiện hành.
Đồng thời chủ trì, phối hợp với các đợn vị liên quan khẩn trương rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy định về quản lý cấp phép thăm dò, khai thác sử dụng đất san lấp trên địa bàn tỉnh đảm bảo nguyên tắc rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính và phải xác định rõ địa điểm, ranh giới quy hoạch các điểm khai thác đất trên địa bàn tỉnh; trình tự thủ tục cấp phép khai thác đất san lấp mặt bằng. Căn cứ nhiệm vụ được giao, Sở TN&MT đã tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Ngày 3/7/2020, Ban Cán sự UBND tỉnh đã họp bàn nghe báo cáo về công tác quản lý, sử dụng các loại vật liệu san nền phục vụ các dự án trên địa bàn tỉnh. Sau khi có ý kiến chỉ đạo cụ thể về nội dung này, Sở TN&MT sẽ phối hợp cùng các sở, ngành triển khai theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
10h20': Đại biểu Lê Cao Long, Tổ đại biểu Hạ Long chất vấn: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu dự án chậm tiến độ trên 24 tháng; các giải pháp cụ thể trong thời gian tới để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và giám sát các chủ đầu tư hoàn thành dự án chậm tiến độ; bảo đảm quyền lợi cho người dân đã góp vốn vào các dự án? Nếu bắt buộc phải thu hồi dự án theo luật định thì tỉnh có giải pháp gì để bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư thứ cấp, nhất là những người dân có nhu cầu về nhà ở đã góp vốn vào các dự án?
Đại biểu Lê Cao Long, Tổ đại biểu Hạ Long chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. |
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Ngọc Thu trả lời: Qua rà soát của các địa phương và kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường thì hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 97 dự án đã được giao đất, cho thuê đất chậm tiến độ trên 24 tháng. Trong đó, có 17 dự án đã cơ bản hoàn thành, UBND tỉnh giao cho các địa phương tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư sớm hoàn thành việc đầu tư để nghiệm thu, bàn giao dự án. 31 dự án chậm tiến độ do còn vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB, UBND tỉnh giao cho các địa phương chủ trì phối hợp với các chủ đầu tư sớm hoàn thành việc GPMB để giao đất cho các chủ đầu tư thực hiện dự án. Có 14 dự án chậm tiến độ nhưng đến nay không còn phù hợp với quy hoạch chung của khu vực, UBND tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư giữ nguyên hiện trạng và sẽ xem xét khi thực hiện quy hoạch. Có 9 dự án đang xem xét cho gia hạn và 4 dự án đang xem xét thu hồi theo quy định của Luật đất đai. Có 2 dự án chậm tiến độ do nguyên nhân khách quan đang thực hiện việc thoái vốn nhà nước. Còn lại 20 dự án Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục kiểm tra để đề xuất với UBND tỉnh xử lý theo quy định.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn. |
Đối với các dự án chủ đầu tư không còn khả năng thực hiện, buộc phải thu hồi đất theo quy định của pháp luật: Nếu các nhà đầu tư thứ cấp thống nhất việc thay chủ đầu tư tiếp tục hoàn thành việc đầu tư dự án và nghĩa vụ tài chính của dự án thì cho tiếp tục thực hiện nhằm đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư thứ cấp. Nếu các nhà đầu tư thứ cấp không thống nhất được việc thay chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án thì sẽ phải giải quyết theo quy định của Bộ Luật dân sự về giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự. Nhà nước sẽ tính toán các khoản chi phí đã đầu tư trả lại cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có) và sẽ trả lại cho nhà đầu tư thứ cấp theo phán quyết của tòa án.
* ĐÀO TẠO LAO ĐỘNG: NHÌN THẲNG NHỮNG ĐIỂM NGHẼN
10h00': Kết luận nội dung chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm nội dung đào tạo lao động, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho rằng: Sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển KT-XH, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều đột phá quan trọng.
Về đột phá nguồn nhân lực, theo đánh giá của cơ quan chức năng, đến hết năm 2020, Quảng Ninh dự kiến đạt 85% lao động qua đào tạo nghề. Với quy mô, thị trường lao động tỉnh Quảng Ninh, theo điều tra dân số, đến hết năm 2019 đạt 782.598 người. Trong số 85% đã qua đào tạo nghề, có 45% có chứng chỉ, bằng cấp. Đây là tỷ lệ rất cao so với cả nước cả chứng chỉ nghề và đào tạo bằng cấp, bởi cả nước mới có 23% và đang phấn đấu lên 25%.
Tuy nhiên chúng ta so với chính mình, nhu cầu của tỉnh, doanh nghiệp, hiện nay nút thắt về nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động chất lượng cao cả về số lượng và chất lượng đang thực sự ngày một hiện hữu rõ hơn. Cùng với đó là chất lượng đội ngũ CBCC cũng cần tiếp tục được nâng cao. Thời gian qua, tỉnh thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có kết quả tích cực, quyết liệt. Tỷ lệ lao động động được hưởng lợi tăng cao, thực hiện sắp xếp lại mô hình trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên cấp huyện… Đến thời điểm này chúng ta cần đánh giá rõ hơn.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kết luận nội dung chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm nội dung đào tạo lao động. |
Hiện cơ cấu lao động tỉnh, lao động nông thôn chiếm 23,8% - là một tỷ lệ rất cao. Trong 5 năm qua, số lao động được đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp chỉ có 8,9%. Đây là con số rất đáng quan tâm. Bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta đã trên 10%. Điều này đặt cho chúng ta những vấn đề về: Đào tạo sơ cấp, đào tạo ngắn ngày, đào tạo làm sao phải gắn với nhu cầu thực tiễn, đầu ra của nguồn lao động…
Chủ trương của tỉnh trong thời gian tới là tiếp tục cải cách toàn diện giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; tập trung vừa đào tạo, đào tạo lại, gắn với thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Gắn đào tạo nghề, đào tạo nhân lực với nâng cao chất lượng, trình độ CBCC trong tình hình mới. Đồng thời, quan tâm thực sự đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Đây là yếu tố then chốt để xây dựng mục tiêu giảm nghèo bền vững, nông thôn mới nâng cao, phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Trên cơ sở đó, tại kỳ họp, chủ tọa yêu cầu: UBND tỉnh chỉ đạo đánh giá toàn diện việc thực hiện Đề án đào tạo nghề nông thôn trong 10 năm qua, gắn với một số nghị quyết liên quan của HĐND tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết 220 về các danh mục nghề được khuyến khích, ưu đãi. Xem mức độ phù hợp thế nào để xem xét, đề xuất nghị quyết, cơ chế, chính sách phù hợp.
Chỉ đạo UBND thị xã, thành phố, đánh giá toàn diện lại mô hình Trung tâm giáo dục thường xuyên, đào tạo nghề cấp huyện… xem chất lượng đầu ra thế nào. Nếu không đảm bảo chất lượng cũng cần phải nhìn nhận lại và có quan điểm, chủ trương rõ để các trung tâm này thực sự phát huy hiệu quả, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Rà soát tổng thể mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm đào tạo nghề, các trường cao đẳng, các trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao… Lựa chọn địa chỉ thực sự cần thiết để đầu tư, định hướng. Lưu ý trường Cao đẳng nghề Việt Hàn được đầu tư bài bản nhưng vẫn chưa thu hút được sinh viên đào tạo như mong muốn trong khi nhu cầu lao động của tỉnh rất lớn. Phải xây dựng cơ chế hiệu quả để đây là địa chỉ thu hút, đào tạo được nhiều lao động chất lượng cao. Đối với Trường Đại học Hạ Long, cần quan tâm đúng mức, xây dựng mô hình đô thị đại học, là địa chỉ giáo dục đại học uy tín, chất lượng, xứng tầm, thu hút người học trong và ngoài nước. Đào tạo tốt một số ngành nghề theo yêu cầu riêng của tỉnh.
Cuối cùng, cần xác định trách nhiệm, cơ chế phối hợp để đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút thêm các nguồn lực đầu tư cho đào tạo, giáo dục. Tỉnh sẽ tính toán có cơ chế phù hợp để khuyến khích các nội dung này. Chủ tọa kỳ họp cũng nêu ra nhiệm vụ cho Sở GD&ĐT, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong định hướng nghề nghiệp, phân luồng. Sở LĐ,TB&XH chịu trách nhiệm tham mưu tổng thể, toàn diện lĩnh vực đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, quản lý nhà nước về lao động. Sở NN&PTNT, Ban Xây dựng NTM có khảo sát đánh giá kỹ hơn về cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với tái cơ cấu lao động. Chủ tịch, Bí thư các địa phương gắn trách nhiệm trực tiếp của mình liên quan với nhu cầu của người dân, người học. Đồng thời, nâng cao vao trò của truyền thông để người dân, phụ huynh, học sinh thay đổi nhận thức, hiểu rõ, đầy đủ về việc học nghề, định hướng, phát triển nghề nghiệp.
+ 9h18': Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao đổi thêm: Nhìn vào số lượng được đào tạo, số lượng được cấp bằng, đặc biệt là số lượng được giải quyết lao động đạt trên 80%, thì cho thấy hiệu quả đào tạo nghề không thấp. Tuy nhiên đi vào từng lĩnh vực cụ thể cần nhiều vấn đề cần mổ xẻ, định hướng với các giải pháp căn cơ hơn.
Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, trao đổi tại phiên họp. |
Điển hình như việc phân luồng đào tạo trong giáo dục phổ thông. Hiện nay các trường đã thực hiện việc phân luồng và có các cơ sở giáo dục đào tạo nghề là trung tâm giáo dục nghề nghiệp các địa phương. Do đó, việc thực hiện phân luồng đào tạo nay cần phải được giám sát, đánh giá sâu hơn về quá trình thực hiện cũng như hiệu quả mang lại. Đối với việc điều phối chung cho công tác đào tạo nghề chung toàn tỉnh, cần phải đánh giá lại căn cơ xem có cần sắp xếp lại các cơ sở giáo dục đào tạo nghề trên cơ sở có sự điều phối chung của tỉnh và sự vào cuộc của các địa phương gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp. Cùng với đó, phải gắn đào tạo nghề với thực hành, người học vừa phải được đào tạo trong trường vừa phải được thực hành thực tế tại các cơ sở lao động. Ngoài ra, việc đào tạo nghề cũng phải gắn với khoa học kỹ thuật, đồng thời phải được quan tâm nâng cao kiến thức ngoại ngữ.
Hiện nay thực trạng tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhiều nhưng hiệu quả khai thác thấp, đây là bài toán chưa có lời giải. Nhu cầu lớn, về chính sách tỉnh rất cởi mở, nhiều học viên học nghề được hưởng nhiều ưu đãi nhưng việc thu hút học sinh, sinh viên học tại các trường nghề còn ít. Do đó cần phải nghiên cứu chiều sâu và hoạch định tốt hơn. Bí thư và chủ tịch các địa phương phải vào cuộc, quan tâm chú trọng đến công tác đào tạo nghề tại các địa phương. Phải rà soát nguồn lao động trên địa bàn, nhu cầu đào tạo, tuyển dụng để có giải pháp phù hợp.
Nếu có bước đi khoa học, logic cộng với đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thì chương trình giải quyết lao động việc làm của tỉnh Quảng Ninh sẽ phát triển tốt hơn.
9h15': Đồng chí Hồ Đức Quang, Chủ tịch UBND huyện Hải Hà đã cho biết rõ hơn về các chính sách liên quan đến công tác đào tạo nghề lao động nông thôn tại huyện Hải Hà.
Đồng chí Hồ Đức Quang, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hải Hà, phát biểu tại phiên họp. |
Triển khai các nghị quyết liên quan đến công tác đào tạo nghề, Hải Hà đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, trung tâm đào tạo, nhất là phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Texhong trong việc triển khai chủ trương đào tạo nghề và giải quyết, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Từ năm 2016 đến nay, địa phương đã phối hợp mở được trên 40 lớp đào tạo nghề cho 1.136 lao động nông thôn. Phần lớn các học viên sau khi được đào tạo nghề đều có việc làm với mức thu nhập ổn định. Cụ thể như: Lớp trung cấp nghề về dệt may thu hút 138 học viên tham gia, có 54 học viên tốt nghiệp đã được Công ty Texhong lựa chọn vào làm việc.
Đồng chí đề cập tới các giải pháp huyện Hải Hà đã, đang và sẽ triển khai nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, cụ thể như: Đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo nghề gắn với tư vấn và hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, nhất là các ngành nghề phù hợp với địa phương, khu công nghiệp trên địa bàn; phối hợp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong khảo sát xây dựng kế hoạch đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nghề nhất là các doanh nghiệp có tiềm lực.
Đồng chí kiến nghị cần phải đánh giá lại hiệu quả nhiệm vụ dạy nghề của các trung tâm hướng nghiệp-giáo dục thường xuyên tại các địa phương; phải có cơ chế đủ mạnh khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là ở các địa bàn biên giới hải đảo vùng sâu, vùng xa; đề nghị các sở, ngành chức năng phối hợp trong phân luồng định hướng học sinh để có tư duy định hướng nghề nghiệp phù hợp đào tạo, tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp ra trường.
9h10': Trả lời chất vấn của Đại biểu Bùi Thị Thu Hà, Tổ đại biểu TP Hạ Long về vấn đề số lao động nông thôn được vay vốn sau đào tạo nghề còn hạn chế, chưa đạt hiệu quả cao, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Ngọc Bích cho biết:
Đại biểu Bùi Thị Thu Hà, Tổ đại biểu TP Hạ Long, đặt câu hỏi về thực trạng vay vốn sau đào tạo nghề cho lao động nông thôn. |
Trong giai đoạn 2016 đến 30/6/3020, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã đầu tư tại khu vực nông thôn đạt 511 tỷ đồng cho 11.075 lượt hộ gia đình người lao động được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, mức cho vay bình quân 46 triệu đồng/lao động, giúp cho trên 12.000 lao động tại nông thôn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Trong đó, đã giúp cho khoảng trên 2.000 lao động nông thôn sau đào tạo nghề được vay vốn để khởi nghiệp, tạo việc làm với thu nhập ổn định, doanh số cho vay là gần 100 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại một số địa bàn: TP Uông Bí, huyện Tiên Yên, huyện Hải Hà và TX Quảng Yên.
Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Ngọc Bích trả lời chất vấn. |
Trong 5 năm qua, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh luôn chủ động báo cáo Trung ương giao nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, tham mưu với tỉnh và huyện bố trí nguồn vốn ủy thác để ngân hàng CSXH cho vay. Bình quân mỗi năm, tổng nguồn vốn được bổ sung khoảng 100 tỷ đồng/năm. Tuy vậy, mới chỉ đáp ứng khoảng 30-40% nhu cầu vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của người lao động nói chung và nhu cầu vay vốn của lao động nông thôn sau học nghề để giải quyết việc làm hoặc vay vốn để khởi nghiệp nói riêng.
Để triển khai tốt hơn công tác này, trong thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục duy trì và làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có chính sách cho lao động nông thôn vay vốn học nghề, vay vốn giải quyết việc làm để khởi nghiệp hoặc tổ chức sản xuất, kinh doanh sau học nghề; chủ động, thường xuyên nắm bắt nhu cầu vốn, báo cáo Trung ương bổ sung thêm nguồn vốn hàng năm để cho vay giải quyết việc làm nói chung và cho vay đối với lao động nông thôn sau học nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg nói riêng; làm tốt công tác tham mưu với tỉnh Quảng Ninh quan tâm xem xét tiếp tục bố trí nguồn ủy thác để bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.
9h00': “Tôi cũng đồng ý rằng hiện nay, hoạt động của nhiều trung tâm GDNN và GDTX trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự hiệu quả” – Đây là phần nhìn nhận của Giám đốc Sở LĐ,TB&XH trước chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Quyên, Tổ đại biểu TP Cẩm Phả về chất lượng hoạt động của 13 trung tâm GDNN và GDTX trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ, TB&XH, trả lời chất vấn trước HĐND tỉnh về hiệu quả của các trung tâm GDNN và GDTX trên địa bàn tỉnh. |
Đồng chí Giám đốc Sở cũng thẳng thắn cho biết: Việc đào tạo nghề ở các trung tâm này hiện chưa sát với thực tế, hầu hết mới chỉ dựa trên đăng ký từ phía học viên mà chưa gắn với định hướng, mục tiêu phát triển của địa phương. Bên cạnh đó, thì việc đào tạo còn nặng lý thuyết, thời gian đào tạo ít. Đặc biệt, qua kiểm tra cũng có trường hợp cắt xén chương trình đào tạo, giáo trình chậm đổi mới. Công tác giám sát còn chưa đến nơi đến chốn, trong đó có trách nhiệm của sở, ngành, địa phương.
Ngoài ra thì điều kiện cơ sở vật chất ở các trung tâm này cũng còn hạn chế nên cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đào tạo nghề.
Tại nghị trường này, đồng chí Giám đốc Sở LĐ,TB&XH cũng cho rằng: Trách nhiệm này đầu tiên thuộc về địa phương, do đó, kiến nghị các địa phương cần phải rà soát, đánh giá lại hiệu quả của các trung tâm này. Những trung tâm nào hoạt động hiệu quả thì phải quan tâm hỗ trợ, những trung tâm nào hoạt động không hiệu quả thì phải mạnh tay sắp xếp lại.
Một trong những yếu tố để nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo nghề ở các cơ sở này là việc phân luồng học sinh. Thời gian qua, đây cũng là nút thắt cần phải được tháo gỡ, giải quyết dứt điểm. Do đó, với trách nhiệm của đơn vị, Sở sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT trong nhiệm vụ này để đẩy mạnh đào tạo nghề tốt hơn trong thời gian tới.
8h54': Đại biểu Đỗ Thị Ninh Hường, Tổ đại biểu Uông Bí chất vấn: Đánh giá công tác phân luồng và giáo dục đào tạo nghề cho học sinh trong thời gian qua, giải pháp trong thời gian tới?
Đại biểu Đỗ Thị Ninh Hường, Tổ đại biểu Uông Bí, chất vấn. |
Trả lời nội dung này đồng chí Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: Thời gian vừa qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tích cực nâng cao chất lượng đào tạo, phân luồng cho học sinh. Từ năm 2015 trở lại đây, nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp được chuyển sang Sở LĐ- TB&XH. Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo và UBND tỉnh, Sở chỉ tập trung triển khai việc phân luồng cho học sinh.
Xác định đây là nội dung rất quan trọng có tác động lớn đến xã hội, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh nói chung, thời gian qua, Sở Giáo dục - Đào tạo đã tích cực chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và phân luồng cho học sinh, đã đạt được những kết quả đáng kể. Hiện nay, 100% trường THPT đã xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp, công tác phân luồng. Đặc biệt, nhiều năm Sở Giáo dục - Đào tạo đã phối hợp với các địa phương triển khai chương trình hướng nghiệp gắn ngành nghề kinh doanh trên địa bàn; dành 30% chỉ tiêu học sinh tốt nghiêp THCS để tạo nguồn cho các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tỷ lệ phân luồng được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm học 2010-2011 tỷ lệ phân luồng chỉ đạt 13,9% thì đến năm 2019-2020 có 22,1% học sinh sau tốt nghiệp THCS đã chuyển sang học nghề, tăng gần 9%, cao hơn một số địa phương lân cận như: Hải Phòng, Lạng Sơn, Hải Dương.
Đồng chí Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, trả lời chất vấn. |
Số học sinh tốt nghiệp THPT đăng ký các trường đại học của tỉnh giảm, thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước. Điều này thể hiện rõ định hướng giáo dục nghề nghiệp và phân luồng trong thời gian qua.
Tuy nhiên, như đại biểu Đặng Văn Tuấn và Đỗ Thị Ninh Hường thì tỷ lệ học sinh phân luồng còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra. Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phân luồng tiếp tục chỉ đạo công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cơ sở, cha mẹ học sinh về vai trò công tác huấn luyện và phân luồng cho học sinh; tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đổi mới chương trình đào tạo làm công tác tư vấn huấn luyện trong nhà trường; phối hợp các sở, ngành, địa phương thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường lao động để có định hướng phù hợp; tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ chính sách phân luồng, chính sách giáo dục nghề nghiệp.
8h50': Liên quan đến chất vấn của hai đại biểu và báo cáo của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đồng chí Phạm Văn Thành, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX Đông Triều, cho biết thêm: Nội dung này có liên quan nhiều đến địa phương nhất là chương trình đào tạo nghề nông thôn.
Đồng chí Phạm Văn Thành, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX Đông Triều, phát biểu tại phiên họp. |
Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 là đề án có tác động lớn đến lao động nông thôn trên địa bàn thị xã. Qua theo dõi, lãnh đạo chỉ đạo đây là đề án rất tổng thể từ đào tạo tới việc triển khai vay vốn. Đối với TX Đông Triều là địa phương được quan tâm, đầu tư lớn về Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên với kinh phí 37 tỷ đồng, chia 2 giai đoạn. Trung tâm được thiết kế 6 nghề theo đề án, 3 nghề mới, tổng là 9 nghề. Hàng năm, việc làm đảm bảo nhu cầu đào tạo, tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng lên. 4 năm 34 lớp trên 1.000 người, đạt 100% so với đề án.
Tuy nhiên hiện nay, giáo viên đào tạo mới chỉ có 5 người được cấp chứng chỉ dạy nghề. Đông Triều có đào tạo các nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cụ thể, song thực tế nhu cầu của bà con nhân dân trên địa bàn lại chưa đáp ứng được. Đồng chí cũng thẳng thắn cho biết: Công tác lãnh đạo chỉ đạo triển khai thực hiện hoạt động của Trung tâm của lãnh đạo thị xã chưa thực sự quyết tâm, triệt để. Trung tâm đầu tư lớn nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Do đó, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng hoạt động Trung tâm cũng như công tác đào tạo nghề lao động nông thôn cần phải có sự điều phối phù hợp giữa đào tạo văn hóa và đào tạo nghề; điều phối thị trường lao động trên địa bàn tỉnh. Muốn nâng tự chủ thì phải đẩy mạnh hợp tác công tư, xây dựng các mô hình liên kết, quy hoạch các trường nghề...
8h35': Điều hành phiên họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ rõ: Vấn đề đào tạo lao động là một trong những vấn đề rất quan trọng, cùng với những thuận lợi, kết quả đạt được, tỉnh cũng đã nhìn nhận thẳng vào những điểm nghẽn. Đồng chí yêu cầu: Các đại biểu cần đặt những câu hỏi mạnh mẽ, đi đến cùng vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong những điểm nghẽn liên quan đến công tác đào tạo nghề. Tại phiên chất vấn này, các địa phương, sở, ngành cũng cần nghiêm túc, nhìn thẳng vấn đề, trách nhiệm của mình và đề ra những giải pháp, hướng giải quyết.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ rõ: Vấn đề đào tạo lao động là một trong những vấn đề rất quan trọng, cùng với những thuận lợi, kết quả đạt được, tỉnh cũng đã nhìn nhận thẳng vào những điểm nghẽn. |
8h20': Đại biểu Bùi Thu Hà, Tổ đại biểu Hạ Long, chất vấn: Kết quả công tác kiểm tra, đánh giá việc triển khai thác sử dụng vật chất của các trung tâm dạy nghề cấp huyện và các trường cao đẳng nghề đã được đầu tư và giải pháp nào để khai thác hiệu quả hoạt động của các trường nghề đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp trong sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay?
Đại biểu Bùi Thu Hà, Tổ đại biểu Hạ Long, chất vấn Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. |
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Hoài Sơn trả lời: Trên địa bàn tỉnh có 41 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tỉnh Quảng Ninh có 1 trường đại học, 3 trường cao đẳng, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh và 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện. Trong những năm qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và tỉnh luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và các trường nghề với nguồn kinh phí lớn. Cho đến nay nhiều trường đã phát huy hiệu quả công tác đào tạo nghề rất tốt, đơn cử như Trường Đại học Hạ Long. Đối với các trường cao đẳng, trong những năm qua, riêng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã dành nguồn kinh phí 32 tỷ đồng để hỗ trợ các trường cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh, cụ thể như Trường Cao đẳng Việt Hàn là 14 tỷ đồng, Trường Cao đẳng Giao thông Quảng Ninh là 15 tỷ đồng, Trường Cao đẳng Y tế là gần 3 tỷ đồng. Về cơ sở vật chất, tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm bố trí nguồn kinh phí đầu tư, riêng Trường Cao đẳng Việt Hàn trong giai đoạn 10 năm qua được đầu tư với nguồn kinh phí là 160 tỷ (trong đó nguồn vốn ODA là 112 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 50 tỷ đồng).
Tuy nhiên, ngoài một số trường cao đẳng đã thực hiện tự chủ, cơ bản đã phát huy được vai trò, hiệu quả trong công tác đào nghề thì hạn chế nhất hiện nay là Trường Cao đẳng Việt Hàn dù được quan tâm đầu tư nhưng việc tuyển sinh đào tạo nghề trọng điểm gặp nhiều khó khăn. Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện, hiện có 2 trung tâm ở Đông Triều và Vân Đồn hiệu quả rất thấp, hoạt động kém hiệu quả do thiết bị đào tạo chưa đầy đủ, thiếu giáo viên dạy nghề và thiếu sự quan tâm của lãnh đạo địa phương.
Để khai thác hiệu quả các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và trường cao đẳng nghề, đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp trong sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay thì trách nhiệm hàng đầu thuộc về các địa phương dành sự quan tâm thích đáng cho công tác đào tạo nghề của các trường. Cùng với đó, các trường phải nâng cao chất lượng đào tạo nghề; phát huy hiệu quả cơ sở vật chất đã đầu tư, tăng cường giáo viên dạy nghề, có cơ chế quản lý phù hợp để phát huy hiệu quả.
8h’05: Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Vũ Thị Thanh, Tổ đại biểu TX Quảng Yên đặt câu hỏi: Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn một số những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là việc đầu ra nghề nghiệp bền vững cho lao động nông thôn, đề nghị lãnh đạo Sở LĐ, TB &XH làm rõ những giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề trong thời gian tới.
Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Nguyễn Hoài Sơn giải trình trước HĐND tỉnh về công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. |
Giải trình nội dung này, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Nguyễn Hoài Sơn cho biết: Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong 5 năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai mởi được 438 lớp đào tạo nghề, trong đó có 192 lớp nông nghiệp, 246 lớp phi nông nghiệp với số lao động được đào tạo cho 12.533 lao động. Qua đó đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp, dịch vụ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh cũng đã tăng từ 73% vào năm 2015 lên 80%, dự kiến cuối năm nay sẽ đạt 85% với tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 43%.
Số lao động phát huy hiệu quả sau đào tạo đạt trên 10.400 người, bằng 83,4% so với lao động được hỗ trợ đào tạo. Thông qua đào tạo nghề cũng đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo với trên 500 hộ thoát nghèo và trên 2.000 hộ khá giả.
Tuy nhiên, đồng chí Giám đốc Sở thẳng thắn thừa nhận công tác này thời gian qua cũng còn một số những tồn tại hạn chế. Đơn cử như công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn chưa cao; công tác tuyên truyền chưa sâu rộng. Tỷ lệ lao động vào các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn ít, hầu hết là tự tạo việc làm. Số lao động tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng đầu tư sản xuất còn thấp. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tính bền vững việc làm sau đào tạo nghề chưa thực sự hiệu quả.
Ngoài ra, thì cũng còn một số hạn chế khác như việc thu hút doanh nghiệp đầu tư tham gia vào lĩnh vực dạy nghề còn ít, doanh nghiệp hầu hết chỉ quan tâm đến việc tuyển dụng theo nhu cầu, chưa thực hiện được việc đặt hàng đào tạo lao động với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đại biểu Vũ Thị Thanh, Tổ đại biểu TX Quảng Yên, mở đầu phiên chất vấn với câu hỏi về việc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. |
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, đồng chí Giám đốc Sở khẳng định, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời kiến nghị tỉnh chỉ đạo các địa phương quan tâm hơn nữa đến nội dung này. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là tập trung nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong công tác đào tạo nghề, gắn nhiệm vụ này với phát triển KT-XH. Cùng với đó, tập trung tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, nhân dân về ý nghĩa của công tác đào tạo nghề, đặc biệt là lao động nông thôn.
Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cũng được đồng chí Nguyễn Hoài Sơn nhấn mạnh sẽ xem đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo hiệu quả của việc đào tạo nghề. Sở cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành khác tăng cường kiểm tra, giám sát chương trình đào tạo nghề và chuẩn bị tham mưu cho tỉnh chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn tiếp theo để bước vào giai đoạn mới được tốt hơn.
Nhóm PV
Liên kết website
Ý kiến ()