Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 17:21 (GMT +7)
Phục chế đồ gốm bằng kỹ thuật hiện đại
Chủ nhật, 22/05/2022 | 11:45:18 [GMT +7] A A
Nặng lòng với vốn văn hóa cổ, nhiều nghệ nhân, nhà điêu khắc, doanh nhân ở Quảng Ninh đã và đang phục dựng, chế tác những sản phẩm gốm truyền thống bằng kỹ thuật và công nghệ hiện đại.
Nghệ nhân Ưu tú Lê Trọng Mỹ, nguyên Phó Chủ nhiệm HTX Gốm sứ Đông Thành, TX Đông Triều có 3 tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là bộ bát điếu, bộ đồ đựng rượu và bộ đồ ăn men lam. Năm 1982, ông còn phục chế thành công cho Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bộ lục bình men lam có từ thời Lý. Từ bộ lục bình bị vỡ, ông Mỹ đo lại kích thước, ghi hoa văn chim phượng và hoa lan ở những chỗ chưa vỡ. Sau đó, làm khuôn như thế, vẽ y bản gốc rồi đem nung.
Một người nữa đã từng có sản phẩm phục chế đẹp là cố nhà điêu khắc Lý Xuân Trường, nguyên cán bộ Nhà máy sứ Móng Cái (nhân dân quen gọi là Lò bát Dụ Phong). Đôi thống sứ đại men vân nâu cẩm thạch hình dáng như trống đồng Ngọc Lũ của ông được tỉnh Quảng Ninh lựa chọn kính dâng tặng nhân dịp khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1975. Nhà điêu khắc Lý Xuân Trường không còn nữa nhưng sự nghiệp của ông thì vẫn được tiếp tục với xưởng gốm Bách Việt của anh Đoàn Văn Dũng, con rể ông.
Anh Đoàn Văn Dũng là Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Sen Á Đông, cũng là người sáng lập xưởng gốm Bách Việt. Cơ duyên đưa anh Dũng đến với niềm đam mê và yêu thích đồ gốm bắt nguồn từ sự tìm tòi, khám phá các tuyến, điểm du lịch mang đến sự trải nghiệm mới cho du khách khi đến với Quảng Ninh: Những làng chài cổ, thương cảng Vân Đồn xưa. Trong quá trình đó, anh Dũng đã sưu tầm và sở hữu được rất nhiều đồ gốm cổ, càng đi vào tìm hiểu văn hóa thể hiện qua các giai đoạn lịch sử trên những đồ gốm cổ, anh càng yêu thích và say mê.
Sau khi lập gia đình, anh Dũng được truyền nghề từ nhà điêu khắc Lý Xuân Trường, một nghệ sĩ chuyên thiết kế mẫu và tạo phôi cho các sản phẩm gốm. Đặc biệt quan tâm đến lớp men màu xanh ngọc được tinh luyện từ đá mài trên đỉnh Cao Ba Lanh (Bình Liêu), cố nhà điêu khắc Lý Xuân Trường đã hình thành và xây dựng nền tảng đầu tiên của dòng gốm Bách Việt.
Doanh nhân Đoàn Văn Dũng từ yêu thích đã trở thành một người say mê, nghiên cứu gốm cộng với thừa hưởng bí quyết sản xuất gốm từ cố nhà điêu khắc Lý Xuân Trường, đã trở thành nhà đầu tư phát triển gốm Bách Việt.
Màu men xanh ngọc của gốm Bách Việt thể hiện sự cổ kính, toát lên sự sang trọng và cao quý, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều đồng trong màu sắc của ngọc, của các đồ ngự dụng xưa. Để có được màu men này, cố nhà điêu khắc Lý Xuân Trường đã mất rất nhiều thời gian tìm kiếm công thức màu từ các nguyên liệu đất, đá và lá cây của Quảng Ninh. Đất sét để tạo ra các sản phẩm được lấy từ những vùng đất có truyền thống làm gốm như Đông Triều, men đá chế tác từ đá đỉnh Cao Ba Lanh, huyện Bình Liêu nơi bốn mùa mây phủ...
Các sản phẩm Gốm Bách Việt làm ra là những tác phẩm nghệ thuật độc bản, mang đậm dấu ấn cá nhân, 100% chế tác thủ công, không giống với bất kỳ sản phẩm của xưởng gốm nào, không giống với tượng của bất kỳ nhà điêu khắc nào. Du khách đến với Gốm Bách Việt có thể đặt hàng các sản phẩm dòng gốm phong thủy, như: Đèn gốm, ngọc bình, tranh, tượng, để làm quà tặng. Nghệ nhân ở đây cũng có thể thực hiện dòng tranh ghép gốm, chép lại tranh xưa, thiết kế tranh gốm theo yêu cầu của gia đình, khách sạn, nhà hàng, nhà thờ, dòng họ…
Anh Đoàn Văn Dũng còn đưa các sản phẩm của Gốm Bách Việt xuống du thuyền Đông Dương. Các đồ nội thất như đèn ngủ, đèn nến, bình gốm và đồ gốm trang trí của du thuyền Indochine được thiết kế và đặt hàng riêng lấy cảm hứng và mô phỏng theo hình dáng và phong cách thời Nguyễn với dòng chính là men rạn và gốm bọc đồng.
Điểm khác biệt lớn nhất của dòng gốm mới so với gốm truyền thống nằm ở lò nung. Lò truyền thống là lò bầu, dạng lửa ngang nung bằng củi rất khó điều chỉnh nhiệt độ, hay bị táp lửa. Do đó, sản phẩm có thể sẽ chín không đều, màu sắc không đồng nhất, thậm chí bị méo, biến dạng, nứt vỡ v.v..
Lò nung gốm hiện đại thường sử dụng những nhiên liệu thân thiện với môi trường hơn như điện, ga. Ưu điểm của lò dạng này là lửa không có phản ứng hóa học với lớp men hay lớp đất trên bề mặt gốm. Nhiên liệu sử dụng trong lò tuynel hiện đại thường được đốt kiệt, tận dụng tối đa nhiệt lượng, tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu phát thải khí ra môi trường. Do đó, bề mặt sản phẩm sau khi nung thường có độ sáng bóng và đồng đều, nhìn rất tinh xảo.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()