Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:30 (GMT +7)
Quyết liệt triển khai Đề án 06
Thứ 3, 11/06/2024 | 08:17:43 [GMT +7] A A
“Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) là đề án quan trọng, cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Với tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, trong thời gian qua m, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo triển khai quyết liệt việc thực hiện Đề án 06, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, từng bước xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Mục tiêu tổng quát của Đề án 06 là để phục vụ 5 nhóm tiện ích: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Việc khai thác, ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử có ý nghĩa rất quan trọng, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia.
Năm 2024, Quảng Ninh tiếp tục đặt yêu cầu hoàn thành nhiều nhiệm vụ trong Đề án 06. Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 19/2/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án 06 năm 2024 trên địa bàn xác định 41 nhiệm vụ cụ thể gắn với 7 nhóm nhiệm vụ. Đến tháng 5/2024, tỉnh đã hoàn thành 4/41 nhiệm vụ có thời hạn, duy trì triển khai 15/41 nhiệm vụ thường xuyên, đang tiếp tục thực hiện 2/41 nhiệm vụ có thời hạn. Theo đó, duy trì triển khai phương án đảm bảo an ninh, an toàn kết nối Cổng dịch vụ công tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tiếp tục triển khai cung cấp hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06 và 28 dịch vụ công theo Quyết định 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh triển khai hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại các điểm Bưu điện trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và trả kết quả điện tử tại bộ phận một cửa các cấp; đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với các lĩnh vực thiết yếu của đời sống xã hội; duy trì cấp căn cước công dân gắn chíp cho công dân đến độ tuổi, đảm bảo 100% công dân thường trú và tạm trú đủ điều kiện đang sinh sống trên địa bàn toàn tỉnh được cấp căn cước công dân; tiếp tục duy trì và bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”; hoàn thành cập nhật thông tin thuê bao chính chủ đối với 100% thuê bao trên địa bàn…
Toàn tỉnh đã triển khai 36/45 mô hình điểm Đề án 06, nổi bật trong tháng 5/2024, UBND TP Uông Bí đã chỉ đạo UBND phường Nam Khê và UBND phường Quang Trung triển khai lắp đặt 62 camera giám sát an ninh từ nguồn xã hội hóa tại các tuyến đường, điểm nút giao thông quan trọng, các khu vực đông dân cư, trụ sở các cơ quan, doanh nghiệp, trường học và các điểm giáp ranh với địa bàn lân cận. 100% camera giám sát an ninh ứng dụng công nghệ AI với các tính năng ưu việt như nhận diện khuôn mặt, nhận diện biển số xe; toàn bộ dữ liệu được xử lý theo thời gian thực, được kết nối và truyền dẫn về Trung tâm kiểm soát an ninh thông tin đặt tại trụ sở Công an phường với thời gian lưu trữ lên đến 30 ngày.
Ngoài ra, mô hình triển khai tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID bước đầu có hiệu quả khi tiếp nhận 278 tin báo tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID. Mô hình nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh hoạt động ổn định, hiệu quả, hiện nay đã kết nối Chính quyền điện tử của tỉnh với các hệ thống của Trung ương gồm Cổng DVCQG; CSDLQG về dân cư; Hộ tịch-Tư pháp, cấp phiếu Lý lịch tư pháp; Đăng ký doanh nghiệp; Thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung của các CQNN phục vụ phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam, đánh giá chất lượng Cổng dịch vụ công; Phục vụ dịch vụ công; Đăng ký giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến. Mô hình 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt đã triển khai tại 100% các chợ hạng I, II trên địa bàn...
Việc triển khai dữ liệu đã được số hóa, làm sạch với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, thực hiện. Trong đó, lĩnh vực tư pháp đã số hóa, làm sạch 859.032/1.023.977 đơn vị dữ liệu, chuyển đổi vào Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch (đạt tỷ lệ 83,9%). Lĩnh vực bảo hiểm xã hội đã làm sạch 1.231.910/1.267.432 người có thẻ BHYT, đồng bộ thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp (đạt tỷ lệ 97,2%). Lĩnh vực thuế đã rà soát, chuẩn hóa 1.022.123/1.296.382 mã số thuế cá nhân (đạt tỷ lệ 78,8%). Lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã xác thực 371.914/391.317 số định danh cá nhân của học sinh tiểu học với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đạt tỷ lệ 95%). Lĩnh vực giao thông đã rà soát, nhập liệu 21.168 phương tiện giao thông trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Dữ liệu lao động xã hội, các tổ chức hội, đoàn thể đã rà soát, xác minh, cập nhật 85.676 dữ liệu Hội Nông dân, 135.729 dữ liệu Hội Người cao tuổi, 48.069 dữ liệu Hội Cựu chiến binh, 12.428 dữ liệu người có công, 39.541 dữ liệu Hội Chữ thập đỏ, 143.943 dữ liệu người lao động, 547 hộ nghèo, cận nghèo để tạo lập dữ liệu trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trong thời gian tới, các đơn vị, sở, ngành tiếp tục tập trung triển khai 11 nhiệm vụ đăng ký theo văn bản 903/UBND-NC ngày 16/4/2024 của UBND tỉnh về triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, đẩy mạnh chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Duy trì thường xuyên, hiệu quả công tác tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến, tài khoản định danh điện tử để người dân biết, tham gia thực hiện và thụ hưởng các lợi ích của đề án.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()