4
18
/
977411
Sau "cơn bão" dịch
longform
Sau "cơn bão" dịch

 

 

Đối với người chăn nuôi trên địa bàn Quảng Ninh, có lẽ chưa bao giờ lại điêu đứng như lúc này. Những tháng qua, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan diện rộng tại 14 địa phương. Không chỉ thiệt hại do lợn bị tiêu hủy, người chăn nuôi đang đứng trước nỗi lo về tái đàn, khôi phục lại sản xuất, bởi "cơn bão" dịch bệnh này đã vét hết vốn liếng mà họ tích cóp được bao năm qua.

Trước khi có dịch tả lợn châu Phi, Đông Triều là vùng chăn nuôi lợn lớn nhất tỉnh, với tổng đàn trên 93.000 con. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn "cơn bão" dịch càn quét, nhiều trang trại lợn vốn là nguồn kinh tế chính của các hộ bị xóa sổ. Hộ ít thì vài chục, hộ nhiều lên tới hàng trăm con lợn buộc phải tiêu hủy. Theo thống kê, toàn thị xã đã có gần 1/2 đàn lợn (42.000 con, tương đương với 2.455 tấn) bị buộc tiêu hủy, hàng ngàn hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề.

Bên khu chuồng lợn bỏ trống đã 5 tháng qua, bà Lê Thị Sơn (thôn Trại Mới B, xã Bình Khê, TX Đông Triều), buồn bã. Hồi tháng 6 khi dịch tả lợn xuất hiện, đàn lợn hơn 200 con của gia đình bà bị mắc bệnh và phải tiêu hủy. Bị thiệt hại nặng, bởi đây là nguồn thu chính khiến gia đình bà lao đao. Trước đây bà Sơn dự tính dịp Tết Nguyên đán Canh Tý này sẽ có thêm một khoản thu nhập, vậy mà bỗng chốc mất luôn con giống để tái đàn và “trắng” luôn cả số lợn thịt.

Cũng là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh, với 118 con lợn phải tiêu hủy, bà Trịnh Thị Nụ (thôn Yên Khánh, xã Yên Đức, TX Đông Triều), cho biết: Gia đình tôi thuộc một trong những hộ đầu tiên phát hiện dịch bệnh trên lợn, tất cả đàn lợn đều phải tiêu hủy. Mất cũng nhiều, giờ có muốn tái đàn cũng chưa dám. Các hộ quanh đây cũng vậy, người thì “treo” chuồng, người thì tận dụng nuôi con khác chứ chưa dám tái đàn. Giờ muốn vào đàn mới cũng phải bỏ ra mấy chục triệu đồng mua con giống, nếu tái phát dịch thì mất trắng, lại lâm cảnh nợ nần...

Xuất hiện từ tháng 3/2019, đến nay dịch tả lợn châu Phi lan rộng ra 968 thôn, khu của 162 xã, phường tại 14 huyện, thị xã, thành phố. Toàn tỉnh có gần 150.000 con lợn phải tiêu hủy, thiệt hại trên 6.700 tấn lợn. Con số thiệt hại quá lớn và chưa từng có trong lịch sử ngành chăn nuôi, đã đẩy người chăn nuôi vào tình cảnh hết sức khó khăn.

Dù dịch bệnh đã được khống chế, nhưng vẫn còn tiềm ẩm nguy cơ lây lan sang các xã chưa có dịch, hoặc quay lại các xã đã qua 30 ngày chưa phát sinh mới, chính vì vậy hàng ngàn hộ chăn nuôi lợn sau nhiều tháng phải “phơi” chuồng, thì ở thời điểm hiện tại hầu hết cũng đang lâm cảnh tiến thoái lưỡng nan. Tiếp tục đầu tư tái đàn vừa gặp khó khăn về vốn, con giống, vừa phải đối diện với nguy cơ dịch quay lại.

Hơn 8 tháng nay kể từ khi xuất hiện, dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Trong thời điểm được các cơ quan chuyên môn khuyến cáo cần cẩn trọng khi tái đàn tại các vùng có dịch do đặc thù của virus dịch tả lợn rất nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị cũng như vaccine phòng bệnh. Dịch bệnh khó kiểm soát, nên hàng trăm hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh chưa dám tái đàn mà đang tìm hướng chuyển đổi sang các mô hình chăn nuôi tạm thời khác để vực dậy kinh tế gia đình. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang mô hình mới cũng gặp không ít khó khăn.

Sau gần 2 tháng dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại trang trại của gia đình, bà Nguyễn Thị Diễn (khu Lâm Sinh 2, phường Minh Thành, TX Quảng Yên) vẫn tập trung cho việc xỷ lý, sửa sang chuồng trại, làm nền để chuyển sang nuôi gà, ngan lấy thịt, chờ khi dịch lắng xuống sẽ tái đàn lợn. Nói về việc chuyển đổi mô hình, bà Diễn trăn trở: Không chăn nuôi lợn thì người nông dân chúng tôi chỉ biết chăn nuôi gà, vịt, ngan vì thời gian nuôi ngắn, vốn ít hơn, phù hợp với việc chuyển đổi tạm thời. Hơn nữa, việc cải tạo chuồng trại từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi gia cầm cũng khá đơn giản, chi phí thấp.

Với quyết tâm khôi phục sản xuất, nhưng do thời điểm nuôi thời tiết không thuận lợi, nên đàn gà và ngan gần 1.500 con lứa đầu của bà Diễn bị chết một nửa. Nửa còn lại đến kỳ xuất bán thì giá xuống thấp do cung vượt cầu, dẫn đến bị lỗ hơn 40 triệu đồng. Dù thua lỗ, nhưng không biết chăn nuôi gì khác, nên bà Diễn tiếp tục vào lứa thứ hai với 2.000 con gà lông vàng và hơn 1.000 con vịt. “Nếu đợt tới, giá gà, vịt không nhích lên thì tôi chắc chắn bị thua lỗ rồi” - Bà Diễn cho hay.

Còn ở thôn Trại Mới B, xã Bình Khê, TX Đông Triều, khi trang trại của bà Văn Thị Hướng không còn lợn, công việc nhàn rỗi, không muốn chuồng trại trống, nên bà Hướng quyết định phát triển chăn nuôi bò. Nhưng do giá bò giống cao gấp nhiều lần so với lợn giống, nên gia đình bà chỉ dám vay mượn, nuôi hơn 10 con bò, đợi khi nào được nhận tiền hỗ trợ thiệt hại từ Nhà nước thì mới có vốn để tiếp tục tái sản xuất.

Việc chuyển đổi vật nuôi để duy trì sản xuất tại các gia trại, trang trại bị dịch tả lợn châu Phi thời điểm này là phù hợp, góp phần giảm bớt gánh nặng về kinh tế, tạo nguồn thu tạm thời cho các hộ chăn nuôi. Đây cũng là giải pháp tối ưu giúp ổn định nguồn cung thực phẩm do thiếu hụt thịt lợn. Tuy nhiên, bài toán đặt ra lúc này là đa phần các hộ đều chuyển đổi sang chăn nuôi gia cầm, lại theo hình thức tự phát, không chủ động được đầu ra cho sản phẩm, vì vậy dễ xảy ra nguy cơ thừa nguồn cung. Mặt khác, đa phần các hộ chăn nuôi lợn chưa có kinh nghiệm trong chăm sóc, phòng bệnh gia cầm, nên rất dễ xảy ra rủi ro dịch bệnh.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú ý, hiện các địa phương đang thực hiện việc chi trả sớm kinh phí tiêu hủy lợn mắc dịch tả cho người dân, để hộ chăn nuôi sớm khôi phục sản xuất. Đến nay, số hộ đã nhận được hỗ trợ/số tổng số hộ xảy ra dịch tả lợn châu Phi đạt trên 73%, trong đó nhiều địa phương cơ bản thực hiện xong. Thế nhưng người nông dân lúc này ngoài vốn thì rất cần định hướng sản xuất cụ thể từ những mô hình cho tới kỹ thuật để áp dụng vào thực tế từng mô hình.

Do đó, các địa phương cần định hướng cho hộ chăn nuôi thực hiện chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học. Cùng với đó, căn cứ vào thế mạnh từng vùng để chọn đối tượng vật nuôi phù hợp, đa dạng vật nuôi; các địa phương cần khuyến cáo người dân không nên ồ ạt chuyển đổi mà thực hiện dần dần để vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, thăm dò thị trường.

Đặc biệt, thời điểm này, giá thịt lợn trên thị trường tăng cao nên một số hộ dân đang nôn nóng muốn đầu tư tái đàn, các địa phương cần tiếp tục quản lý, giám sát chặt chẽ việc tái đàn lợn trên địa bàn và tuân thủ theo hướng dẫn tạm thời khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn và tăng cường các biện pháp sinh học trong chăn nuôi của Sở NN&PTNTđể hướng dẫn hộ chăn nuôi tái đàn phù hợp, tránh dịch bùng phát trở lại.

Bài: Thu Chung

Ảnh: PV

Trình bày: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu