Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 07/11/2024 21:26 (GMT +7)
Nông nghiệp Quảng Ninh hướng tới mục tiêu tăng trưởng 4,5% Sức bật từ những dư địa mới
Thứ 6, 14/01/2022 | 09:34:20 [GMT +7] A A
Năm 2022, ngành nông nghiệp Quảng Ninh được giao chỉ tiêu tăng trưởng 4,5%. Đây là chỉ số tăng trưởng nằm ở nhóm cao trong nhiều năm qua của ngành, nhất là trong bối cảnh nông nghiệp được dự đoán tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ nhiều mặt. Với cơ sở nền tảng kết quả năm 2021, cũng như những dư địa phát triển mới đã và đang hình thành, trong đó có rừng gỗ lớn, chăn nuôi tập trung, nuôi tôm công nghệ cao và xu hướng số hóa nông nghiệp, năm 2022 khả năng thực hiện thắng lợi mức tăng trưởng 4,5% của ngành nông nghiệp khá cao.
“Kiềng 3 chân”
Có thể thấy ở lĩnh vực lâm nghiệp, việc được hỗ trợ về cây giống và lãi suất vốn vay theo chu kỳ trồng rừng năm 2021 đã khiến người dân mạnh dạn với cây rừng gỗ lớn. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 3.000ha rừng gỗ lớn. Đáng nói, trồng rừng gỗ lớn ngày càng trở thành phong trào, có tính lan tỏa sâu rộng, làm thay đổi nhận thức và hành động của người trồng rừng. Đây chính là cơ hội của những cánh rừng gỗ lớn giá trị, cơ hội của hoạt động chế biến lâm sản sâu, cơ hội của kinh tế dưới tán rừng với dược liệu, động vật rừng và du lịch rừng… qua đó tăng giá trị trên từng diện tích rừng.
Năm 2021, nhờ sự phát triển ổn định của các doanh nghiệp chăn nuôi, nên bất chấp tình trạng nông hộ bỏ chuồng do dịch bệnh, do giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá bán sản phẩm đầu ra giảm, tổng đàn trâu, bò, lợn, gà trong toàn tỉnh vẫn tăng. Chỉ tính đàn bò của Công ty TNHH Phú Lâm đã đạt đến gần 4 vạn con, chiếm trên 37% tổng đàn bò toàn tỉnh.
Điểm sáng chăn nuôi tập trung được dự đoán sẽ phát triển thành diện và là xu hướng chủ đạo của chăn nuôi năm 2022. Bởi theo lộ trình, năm 2022 Quảng Ninh triển khai di dời, xóa bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ, trong vùng lõi đô thị, khu vực khu dân cư theo Luật Chăn nuôi và Thú y. Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, khi chăn nuôi của tỉnh phát triển theo hướng tập trung như trên, sẽ xử lý tốt những điểm nghẽn về dịch bệnh, về sự bất ổn của thị trường, cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, qua đó phát triển chăn nuôi một cách bền vững và giá trị cao.
Riêng đối với lĩnh vực thủy sản, năm 2022, một trong những trọng tâm phát triển chính là nuôi tôm công nghệ cao. Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho rằng: Nhiều năm qua, con tôm đã mang lại khoảng 17.000 tấn sản lượng. Hiện dư địa của con tôm còn nhiều, nếu như được đầu tư theo hướng tăng hàm lượng KHCN, nhân lên những mô hình nuôi trong nhà, nuôi nhiều giai đoạn, nuôi trái vụ thì sản lượng, giá trị mang lại còn lớn hơn rất nhiều. Chính vì vậy, năm 2022 mục tiêu là con tôm mang về cho toàn ngành nông nghiệp Quảng Ninh 25.000 tấn, chiếm 25-30% về sản lượng và 50% về giá trị nuôi trồng thủy sản.
Số hóa nông nghiệp
Dưới tác động của dịch bệnh, việc tiêu thụ nông sản buộc phải chuyển sang hình thức thương mại điện tử, hiện diện ở những trang bán hàng online. Việc chuyển đổi có tính tình thế này không chỉ “cứu cánh” cho những nông sản thu hoạch cục bộ, mà còn là bước hiện đại hóa, số hóa đối với người nông dân.
Thực tế trong năm 2021, nhiều hộ nông dân đã áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Toàn tỉnh đang có trên 1.000ha vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp VietGAP, trên 90ha vùng trồng trọt hữu cơ, 28 cơ sở có chứng nhận VietGAP lĩnh vực chăn nuôi, 416 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP...); 14 vùng trồng cây ăn quả, 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm.
Từ kết quả trên, năm 2022 ngành nông nghiệp xác định đẩy mạnh số hóa là giải pháp tiên quyết để tạo nên sự đột phá. Muốn vậy nông sản phải có hệ thống dữ liệu để truy suất được nguồn gốc, cấp phát tem chứa mã QR và tem chống hàng giả, có chứng nhận VietGAP, hữu cơ… Các vùng nuôi, trồng, các cơ sở chế biến, đóng gói, xuất khẩu nông sản phải được cấp mã; các cánh rừng trồng phải có chứng chỉ rừng; sản phẩm OCOP phải được chuẩn hóa và sản xuất theo chuỗi, tăng mạnh số sản phẩm OCOP 5 sao…
Theo ông Nguyễn Văn Vọng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở NN&PTNT), tất cả những đầu mục trên đều đã được khởi động trong năm 2021 và tiếp tục được tăng cường triển khai hiệu quả ở năm 2022 với sự quan tâm tương xứng của ngành và việc ứng dụng công nghệ, thành tựu đã có của số hóa nói chung vào nông nghiệp. Mục tiêu là để số hóa trong nông nghiệp Quảng Ninh không bị chậm trong cuộc đua số hóa của các ngành kinh tế, thay vào đó là tiến lên bắt kịp nhu cầu xã hội và dòng chảy phát triển.
Một tín hiệu đáng mừng của số hóa trong nông nghiệp là ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2022, ngành nông nghiệp đã trình UBND tỉnh đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trong trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Đây là cơ sở để Quảng Ninh có chuyển động mạnh về số hóa nông nghiệp năm 2022, là cơ sở nền tảng để đến năm 2025 Quảng Ninh đạt mục tiêu có 1% về diện tích và 1,5% về sản lượng nông sản trồng trọt là hữu cơ; có 1% tổng sản phẩm chăn nuôi và 0,5% tổng sản phẩm thủy sản là sản phẩm hữu cơ; 70% lâm sản tự nhiên sau khai thác và 30% lâm sản trồng là hữu cơ. Giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tăng ít nhất 15% trở lên so với nông sản thông thường.
Mục tiêu tăng trưởng, giải pháp thực hiện đã được đề ra, toàn ngành nông nghiệp Quảng Ninh đang bước vào triển khai với khí thế phấn khởi, chung tinh thần đoàn kết và phát triển, quyết tâm tạo sự đột phá trong năm 2022.
Việt Hoa
- Đầu tư vào nông nghiệp: Doanh nghiệp cần thêm cơ chế
- Nông nghiệp Quảng Ninh 2021: Một năm thành công
- UBND tỉnh cho ý kiến về một số Đề án phát triển nông nghiệp
- Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ninh
- Nông dân là trung tâm, nông nghiệp là động lực, nông thôn là nền tảng
- Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Đầm Hà
Liên kết website
Ý kiến ()