4
18
/
1019986
Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường - Bài 2: Doanh nghiệp và người dân cùng vào cuộc
longform
Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường - Bài 2: Doanh nghiệp và người dân cùng vào cuộc

 

Tỉnh Quảng Ninh có số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp rất lớn, hoạt động trên địa bàn nhiều năm và có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của địa phương. Giai đoạn trước năm 2011, cơ bản các doanh nghiệp hoạt động khá nhỏ lẻ, manh mún, ít quan tâm đến công tác môi trường. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của tỉnh, có thể thấy, đối với việc tuân thủ các quy định về môi trường của cơ quan nhà nước ngày càng được doanh nghiệp nhận thức rõ hơn và thực hiện khá nghiêm túc, bài bản, nhất là ở những doanh nghiệp lớn. Trong đó phải kể đến nỗ lực của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Đáng chú ý, từ năm 2016, thực hiện chủ trương của tỉnh về chấm dứt hoạt động vận chuyển than trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ, TKV đã chính thức hoàn thành, đưa hệ thống băng tải than Lép Mỹ - Cảng Km6 (TP Cẩm Phả) vào vận hành. Dự án có tổng mức đầu tư 651 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến hơn 4,5km, công suất thiết kế khoảng 2,7 triệu tấn/năm. Đây là công trình trọng điểm của ngành than, đánh dấu bước chuyển quan trọng, khởi đầu cho việc băng tải hóa hoạt động vận tải than. Với tuyến băng tải này, ngành than đã thay thế được 300 lượt xe ô tô với tải trọng 20 tấn chạy suốt ngày đêm trên đường.

Sau tuyến băng tải than này, TKV đã tiếp tục đầu tư, đưa vào vận hành 5 tuyến băng tải kín, vận chuyển than ra cảng và đến các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu tối đa lượng bụi phát sinh trong quá trình vận chuyển ra môi trường. Hiện tình trạng bụi bẩn tại các trung tâm sản xuất than lớn trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện rõ rệt so với những năm trước đây.

Năm 2019, TKV đã chấm dứt "sứ mệnh lịch sử" của Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng, sau 23 năm tồn tại. Được biết, trung bình mỗi năm, nhà máy này tiêu thụ khoảng 5-6 triệu tấn than, đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng của TKV. Tuy nhiên, do nằm ngay bên cạnh vịnh Hạ Long và khu vực dân cư đông đúc, hoạt động của nhà máy đã ngày càng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân, vì vậy ngành than đã xây dựng lộ trình từng bước di dời nhà máy theo đúng cam kết với tỉnh.

Ông Nguyễn Mạnh Điệp, Trưởng Ban Môi trường (TKV) cho biết: Hằng năm, TKV đã trích 1% chi phí sản xuất để lập Quỹ môi trường tập trung đầu tư, xây dựng các công trình về bảo vệ môi trường. Riêng giai đoạn 2015-2019, trung bình mỗi năm TKV chi hơn 1.000 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường. Nguồn quỹ này tập trung vào các mục tiêu bảo vệ môi trường như trồng cây phủ xanh các khu vực bãi thải kết thúc đổ thải; rà soát, nâng công suất các trạm xử lý nước thải đảm bảo xử lý lượng nước thải mỏ phát sinh. Bên cạnh đó TKV còn xây dựng đê, đập ngăn đất đá chân bãi thải còn lại; bổ sung hố lắng đầu nguồn, nạo vét đất đá đảm bảo thoát nước. TKV cũng dành nguồn lực lớn để tập trung đầu tư cơ giới hóa - tự động hóa - tin học hóa vào các khâu sản xuất kinh doanh để nâng cao năng lực sản xuất và bảo vệ môi trường như các loại ô tô có tải trọng lên đến 130 tấn, máy xúc có dung tích gầu 13m3, dây chuyền cơ giới hóa đồng bộ tại các đơn vị hầm lò...

Đến nay, 100% dự án của TKV đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); tỷ lệ nước thải mỏ qua xử lý đạt 99,37%; lắp đặt 35 hệ thống quan trắc tự động nước thải, khí thải để kiểm soát tốt lưu lượng nước thải mỏ, khí thải tại các nhà máy.


Không chỉ có ngành than nỗ lực “xanh hóa” môi trường, những ngành công nghiệp sản xuất khác như nhiệt điện, xi măng, xây dựng, dệt may... giai đoạn 2015-2020 cũng đã dành nguồn lực đáng kể để đầu tư máy móc, công nghệ, tuân thủ nghiêm túc các quy định về pháp luật trong lĩnh vực môi trường như: Lắp đặt công tơ điện tử để đo điện năng tiêu thụ độc lập của các hệ thống lọc bụi tĩnh điện; chuyển đổi từ dầu FO sang dầu DO trong quá trình khởi động lò đốt.

Mới đây nhất, vào ngày 15/8, Công ty Nhiệt điện Mông Dương đã đưa bảng điện tử hiện thị thông số môi trường vào sử dụng. Bảng điện tử được gắn tại cổng chính nhà máy để người dân tiện theo dõi và giám sát với các thông số môi trường như: Khí thải CEMS của 4 lò hơi; lưu lượng khí thải SO2, NOX, nồng độ bụi, O2, nhiệt độ khí thải, hàm lượng Clo, TSS, COD, lưu lượng nước.

Bên cạnh đó, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô xả nước thải từ 1.000m3/ngày đêm trở lên trên địa bàn tỉnh đều lắp đặt hệ thống quan trắc tự động; 89/89 lò vôi thủ công, 77/77 lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường đã chấm dứt hoạt động; tỷ lệ chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị đạt khoảng 96%...

Để giải quyết các vấn đề về ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường sống, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là phải kêu gọi sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường.

Từ năm 2010, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ động triển khai mô hình điểm “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” tại thôn 2, xã Hiệp Hoà, TX Quảng Yên. Chỉ trong năm đầu tiên thực hiện, 100% hộ gia đình đã tự nguyện ký cam kết thực hiện “3 không” (không đổ rác thải bừa bãi; không phóng uế, vứt xác động vật bừa bãi; không chặt phá cây xanh, thả rông súc vật). Các hoạt động tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm hằng tháng dần nhận được sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo nhân dân.


Từ thành công này, MTTQ tỉnh đã triển khai nhân rộng mô hình ra khắp các khu dân cư, vận dụng linh hoạt theo tình hình thực tế của các địa phương. Nhiều nơi đã đưa vào quy ước, hương ước của khu dân cư và xem là một trong các tiêu chí đánh giá, bình xét danh hiệu thi đua “Gia đình văn hoá”, “Khu dân cư văn hoá” mỗi năm. “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên” được coi như nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân.

Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, khi ý thức của người dân ngày được nâng cao, mọi người sẵn sàng lên tiếng phê phán những hành vi có tác động xấu tới môi trường và ngày càng có trách nhiệm với môi trường sống. Nhiều mô hình mới đã xuất hiện, được người dân hưởng ứng và duy trì thường xuyên, đem lại hiệu quả rất cao.

Mới đây nhất phải kể đến dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển vịnh Hạ Long” do Hội Nông dân tỉnh phối hợp triển khai thí điểm tại 4 phường (Tuần Châu, Hà Phong, Hồng Hải, Hồng Hà), 2 trường THPT trên địa bàn TP Hạ Long và Trường Đại học Hạ Long. Bên cạnh đó là Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” do Tỉnh Đoàn và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp duy trì thường xuyên tại các địa phương vùng ven biển. Các cấp Hội LHPN trong tỉnh triển khai liên tiếp các hoạt động: Gia đình 5 không, 3 sạch, ngày thứ 7, chủ nhật xanh, dùng làn đi chợ, biến rác thành tiền, đoạn đường xanh - sạch - đẹp phụ nữ quản lý...

Tại các huyện miền núi, việc giữ gìn môi trường sống được cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực như: Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, xây dựng chuồng trại chăn nuôi xa nơi ở, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định... Ông Hà Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) cho biết: Quá trình thực hiện tiêu chí môi trường tại xã phụ thuộc chính vào ý thức của người dân, do đó chúng tôi luôn lựa chọn cách thức tuyên truyền để người dân dễ hiểu, giúp người dân thay đổi nếp sống và cách nghĩ.

Chính những nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và sự vào cuộc của người dân, chất lượng môi trường sống trên địa bàn tỉnh ngày một nâng cao, không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thành công này đã giúp Quảng Ninh từng bước giải quyết được mâu thuẫn giữa phát triển công nghiệp với du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn, đưa Quảng Ninh từng bước trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Thực hiện: Hồng Nhung - Hoàng Nga

Trình bày: Đỗ Quang

Bài 3: Giải bài toán nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu