4
18
/
1006352
Thành phố thông minh: Kỳ vọng và cơ hội
longform
Thành phố thông minh: Kỳ vọng và cơ hội

 

Xây dựng thành phố thông minh hay đô thị thông minh đang là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp… Bắt nhịp với xu hướng đó, tỉnh Quảng Ninh đã có những bước triển khai mạnh mẽ để hướng đến một thành phố thông minh trong tương lai không xa.

Năm 2016, Đề án xây dựng thành phố thông minh được tỉnh Quảng Ninh phê duyệt. Đây được xem là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thực tiễn phát triển của tỉnh. Cũng từ đây, những nhiệm vụ, giải pháp để cụ thể hóa các mục tiêu về thành phố thông minh bắt đầu được triển khai quyết liệt trong hệ thống chính trị.  

Một trong những kỳ vọng lớn của Đề án đưa ra là đến năm 2020, TP Hạ Long cơ bản trở thành đô thị thông minh của tỉnh. Mục tiêu này được đặt ra dựa trên cơ sở cân nhắc kỹ những tiền đề sẵn có, cũng như định hướng phát triển mà thành phố thủ phủ đang xây dựng.

Trên tinh thần đó, Hạ Long đã bắt nhịp ngay vào lộ trình trở thành đô thị thông minh với quyết tâm cao độ nhất.

Đến nay, dáng vóc của một thành phố du lịch hiện đại, văn minh đã dần hiện hữu. Thành phố đã hoàn thành hệ thống chiếu sáng thông minh với trên 4.300 bộ đèn led chiếu sáng khắp 145 tuyến đường thuộc địa bàn. Các hệ thống chiếu sáng này được kết nối và điều khiển, giám sát, vận hành tự động bởi Trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng. Toàn thành phố được đầu tư hệ thống wifi miễn phí với 107 điểm phát sóng đã phục vụ rất tốt cho du khách, hỗ trợ du lịch, tạo nền tảng cho các ứng dụng thông minh hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thành phố cũng đang gấp rút triển khai ứng dụng CNTT trong nâng cao hiệu quả hoạt động ngành Du lịch, với mong muốn đem đến cho du khách những trải nghiệm du lịch một cách tốt nhất. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch hiệu quả, hỗ trợ các cơ quan quản lý du lịch phân tích, dự báo số liệu, đẩy mạnh quảng bá và quản lý hoạt động du lịch.

“Hạ Long đang ngày càng khẳng định là điểm đến lý tưởng, thân thiện và hiện đại. Chính sự đổi mới, đa dạng và thuận tiện đến từ các dịch vụ du lịch đã khiến cho khách du lịch yên tâm, hài lòng và được trân trọng hơn. Đây cũng chính là lý do để chúng tôi quay trở lại đây nhiều lần hơn” - chị Trà Giang, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ.

Bên cạnh đó, cải cách hành chính trên nền tảng khai thác tiện ích của CNTT đã và đang được triển khai đồng bộ tại các cơ quan hành chính nhà nước. 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố đã đưa vào giải quyết tại Trung tâm Hành chính công thành phố theo nguyên tắc “Tiếp nhận - thẩm định - phê duyệt tại chỗ". Một số thủ tục đã và đang được thực hiện qua môi trường mạng nhằm tiết giảm tối đa thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Các ứng dụng về công nghệ số, kios thông tin, thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến cũng được triển khai ở các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ..., qua đó tạo thuận lợi cho hoạt động thu thuế. Thành phố cũng đang triển khai đầu tư Khu công viên công nghệ thông tin tập trung tại phường Tuần Châu, nhằm phát triển dịch vụ thông minh sáng tạo, hình thành nền hệ sinh thái nội dung số của tỉnh.

Sự vươn mình của Hạ Long với dáng dấp của đô thị thông minh đã tạo nên sức bật mới cho thành phố thủ phủ. Từ sự thành công của Hạ Long, những thành phố thông minh tiếp theo của tỉnh cũng dần được hình thành như Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái… Đây chính là những tiền đề quan trọng, cốt lõi để Quảng Ninh trở thành thành phố thông minh vào năm 2030.

Khi những hợp phần quan trọng của thành phố thông minh được hình thành, song song với đó, “bộ não số” của tỉnh cũng được hoàn thiện. Tháng 8/2019, Quảng Ninh đưa vào vận hành thử nghiệm Trung tâm Điều hành thành phố thông minh đặt tại Trụ sở HĐND, UBND tỉnh. Đây cũng được xem là mục tiêu lớn của tỉnh khi xây dựng Đề án.

Trung tâm cho phép sử dụng thông tin và công nghệ phân tích, để chính quyền tỉnh đưa ra những quyết định kịp thời, giúp quản lý được đa dạng các vấn đề, bao gồm cả những vấn đề đã được dự liệu trước và những vấn đề xảy ra đột xuất, tình huống khẩn cấp... Đồng thời, tăng tính tương tác ngược lại khi người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo cho các cơ quan trong tỉnh biết về các sự cố, vấn đề liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường... qua ứng dụng Smart Quảng Ninh bằng vài thao tác bấm nút cực kỳ đơn giản trên thiết bị di động.

Với Trung tâm Điều hành này, cơ quan quản lý nhà nước còn có thể sử dụng hệ thống xem và gửi báo cáo thông minh; chỉ đạo điều hành, quản lý văn bản, lịch làm việc, nhiệm vụ, chương trình họp thông minh; tiếp nhận và trả lời ý kiến người dân; công cụ theo dõi, phân tích báo chí và mạng xã hội.

Đánh giá về Trung tâm Điều hành thành phố thông minh của tỉnh, ông Dumitrascu Eduard Calin, Chủ tịch Hiệp hội Thành phố thông minh thế giới, nhận định: “Quảng Ninh đã có một hệ thống tốt nhất để vận hành thành phố thông minh. Đây là hệ thống được tích hợp và bao gồm nhiều lĩnh vực, là công cụ hiệu quả để quản lý nhà nước, phục vụ đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân”.

Trung tâm đang tiếp tục hoàn thiện, xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối một cách rộng rãi hơn, tới trung tâm điều hành của các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành, tạo thành “mạng nơ-ron thần kinh số” của tỉnh Quảng Ninh.

Đề án xây dựng thành phố thông minh của Quảng Ninh gồm 32 nhiệm vụ. Trong đó, giai đoạn 2017-2020 sẽ thực hiện trên nền tảng Chính quyền điện tử giai đoạn I, tập trung vào cải thiện các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường, giao thông, du lịch, an ninh trật tự...

Đến nay, bên cạnh điểm nhấn đô thị thông minh Hạ Long và Trung tâm Điều hành thành phố thông minh, Đề án cũng mang lại những thay đổi rõ nét trong nhiều lĩnh vực.

Dù bước đầu đã đạt được những thành quả nhất định, nhưng con đường đến với danh hiệu thành phố thông minh của Quảng Ninh cũng đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư, hạ tầng kỹ thuật, yếu tố con người... Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng từng nhấn mạnh: “Đây là mô hình mới và thực sự rất khó, do vậy thời gian tới đòi hỏi lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và người dân, doanh nghiệp phải tiếp tục đồng hành, nỗ lực cố gắng để xây dựng thành phố thực sự thông minh, tạo ra những tiện ích, sự thụ hưởng đối với người dân và những vị khách đến với Quảng Ninh”.

Tuy nhiên, những thách thức cũng là cơ hội, vận hội mới. “Chuyến tàu” 4.0 với những ưu việt của nền tảng công nghệ mang lại sẽ đem đến bước phát triển nhảy vọt, cho bất kỳ quốc gia nào biết bắt nhịp và vận dụng kịp thời. Do vậy, việc triển khai thành công mô hình thành phố thông minh sẽ tạo xung lực mới để Quảng Ninh tiến những bước dài trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như khẳng định vị thế, tiềm lực đối với cả nước, khu vực và thế giới.

Kiên trì và quyết tâm với mục tiêu đó, Quảng Ninh đang nỗ lực hết sức để đạt được những kỳ vọng về một thành phố Quảng Ninh thông minh, hiện đại, đứng trong top đầu thành phố thông minh của Việt Nam và ASEAN. “Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là sẽ quyết tâm cao nhất để hoàn thành Đề án thành phố thông minh. Đây là việc làm cần thiết, phù hợp với xu thế đổi mới, phát triển của tỉnh và cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

Mới đây, tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển đô thị thông minh cho lộ trình tiếp theo, giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 với những kỳ vọng cao hơn. Quan điểm của Quảng Ninh vẫn là kéo gần khoảng cách giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp, hướng đến một cuộc sống tiện ích, chất lượng hơn. Đó là đích đến của thành phố thông minh Quảng Ninh.

Thực hiện: Yến Vy

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu