Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:41 (GMT +7)
Triệt phá và xóa bỏ tận gốc các tổ chức, đường dây, điểm, tụ điểm mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép ma túy trong nội địa
Thứ 4, 20/12/2023 | 10:35:46 [GMT +7] A A
Thay mặt cử tri TX Đông Triều, tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thị Vinh, Tổ đại biểu TX Đông Triều chất vấn: Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 05/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp phòng ngừa, quyết liệt đấu tranh, triệt phá các vụ vi phạm tội phạm ma túy. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh tình hình chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép ma túy tổng hợp còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, nhà thuê, khu chung cư, khu nghỉ dưỡng; bắt giữ, xử lý hình sự 88 nhóm, 289 đối tượng liên quan đến các hành vi chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (tăng 18 vụ, 74 đối tượng), trong đó có cả cán bộ, đảng viên vi phạm. Đề nghị đồng chí Giám đốc Công an tỉnh cho biết thực trạng và nguyên nhân và giải pháp đấu tranh, phòng ngừa trong thời gian tới để thực hiện tốt mục tiêu "Triệt phá và xóa bỏ tận gốc các tổ chức, đường dây, điểm, tụ điểm mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép ma túy trong nội địa".
Liên quan đến nội dung này, Giám đốc Công an tỉnh trả lời:
Với đặc điểm về vị trí địa lý, kinh tế - xã hội, Quảng Ninh luôn được xác định là địa bàn trọng điểm phức tạp về tội phạm ma túy; là địa bàn tiêu thụ ma túy, đồng thời cũng là địa bàn trung chuyển ma túy. Trong nhũng năm qua, đặc biệt trong 02 năm 2022, 2023 công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng chống ma túy luôn được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt.
(Từ năm 2022 đến nay, Tỉnh đã tổ chức 05 Hội nghị chuyên đề, 01 Chương trình tôn vinh về phòng, chống ma túy, ban hành 06 văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng chống ma túy; chỉ đạo triển khai 05 cao điểm qua đó đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và cơ bản tháo gỡ, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống ma túy. Đặc biệt là Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm Chỉ thị 36, ban hành Chỉ thị số 32-CT/TU, ngày 05/5/2023 về "Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới" với quyết tâm chính trị rất cao, nhất là chỉ tiêu về xây dựng "Xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy", tiến tới xây dựng "Huyện không có tệ nạn ma túy"; HĐND tỉnh đã ban hành 02 Nghị quyết số 314 năm 2020 và Nghị quyết số 18 năm 2023 đã bố trí kinh phí hỗ trợ cho công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy và tệ nạn ma túy, trong đó có lực lượng chuyên trách đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy...)
Cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã và quần chúng nhân dân trên địa bàn; với trách nhiệm cao của các lực lượng chuyên trách, nòng cốt, đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và cộng đồng trong phòng, chống ma túy.
Do đó, công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng; đã hạn chế tối đa tội phạm và vi phạm pháp luật có nguyên nhân liên quan đến ma túy, tội phạm hình sự tiếp tục được kiềm chế, kéo giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2022 góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từ năm 2023 đến nay, tình hình tội phạm, tệ nạn ma tuý trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kiềm chế và kiểm soát chặt chẽ, các lực lượng chức năng đã đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng với loại tội phạm này; tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh đã được kéo giảm, đã phát hiện bắt giữ, xử lý hình sự 527 vụ, 1.024 đối tượng, giảm 18,4% về số vụ, giảm 8,9% về số đối tượng so với cùng kỳ năm 2022.
Các vụ phát hiện chủ yếu là mua bán, tàng trữ nhỏ lẻ; chưa phát hiện, xử lý vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới. Nguồn ma túy đưa về Quảng Ninh chủ yếu từ các tỉnh, thành phố lân cận Hải Phòng, Hải Dương và các tỉnh phía Tây Bắc, các đối tượng từ các tỉnh, thành khác đến địa bàn Quảng Ninh câu kết với đối tượng trong tỉnh để thực hiện hành vi mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện bắt giữ 279 đối tượng tỉnh ngoài phạm tội về ma túy trên địa bàn tỉnh tăng 18% so với năm 2022).
Tuy nhiên, tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh còn có một số vấn đề đáng lưu ý, trong đó tình hình chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép ma túy tổng hợp còn diễn biến phức tạp, toàn tỉnh đã bắt giữ, xử lý hình sự 88 nhóm, 289 đối tượng liên quan đến các hành vi chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (tăng 18 vụ, 74 đối tượng).
Tuy số vụ, số đối tượng tăng nhưng quy mô, tính chất, số đối tượng tham gia trong từng vụ có xu hướng giảm và địa điểm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đa dạng hơn, có xu hướng dịch chuyển từ các quán bar, karaoke sang khách sạn, chung cư, phòng trọ, lán trại công nhân...
Địa bàn phát hiện bắt giữ, xử lý các vụ tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy chủ yếu thuộc 04 thành phố và 02 thị xã (cụ thể: Hạ Long 24 vụ; Đông Triều, Quảng Yên mỗi nơi 14 vụ; Móng Cái, Cẩm Phả mỗi nơi 09 vụ; Vân Đồn 08 vụ, Hải Hà, Đầm Hà mỗi nơi 02 vụ; Tiên Yên, Ba Chẽ mỗi nơi 01 vụ).
Về địa điểm tổ chức sử dụng, các lực lượng chức năng siết chặt quản lý về các quán karaoke, vũ trường, các đối tượng chủ yếu lợi dụng chung cư, căn hộ, cho thuê, phòng trọ để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Số vụ tổ chức sử dụng trong quán karaoke, pub là 18 vụ, chiếm 20,5%, số còn lại tổ chức sử dụng tại nhà nghỉ, nhà cho thuê, nhà trọ, nhà riêng là 70 vụ, chiếm 79,5%.
Loại ma túy thường được các đối tượng sử dụng là thuốc lắc (MDMA) và ketamine ngoài ra còn một số loại ma túy có nguồn gốc từ Trung Quốc được ngụy trang dưới dạng trà sữa, nước vui (bản chất của trà sữa, nước vui này được pha chế từ thuốc lắc, và một số phụ gia khác).
Nguyên nhân số vụ, số đối tượng phát hiện bắt giữ xử lý tội phạm về chứa chấp, tổ chức sử dụng, sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh tăng cao là:
Xác định tội phạm, tệ nạn ma túy là nguồn cơn của các loại tội phạm khác; đấu tranh với tội phạm chứa chấp, tổ chức sử dụng và sử dụng trái phép chất ma túy là giải pháp đặc biệt quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm các loại tội phạm về trật tự xã hội... do đó, các lực lượng chức năng, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an luôn tập trung đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng với loại tội phạm này, kiên quyết không để hình thành điểm, tụ điểm phức tạp.
Về quy định của pháp luật: Trên cơ sở hướng dẫn của các cơ quan tố tụng Trung ương, các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh đã ban hành Thông báo liên ngành số 258/TBLN, ngày 21/10/2022 về giải quyết vụ án "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy". Theo đó, "đối với trường hợp có hành vi cùng góp tiền đi mua ma túy, góp ma túy, chuẩn bị địa điểm, dụng cụ sử dụng ma túy... để cùng nhau sử dụng trải phép chất ma túy, nhóm gồm từ 2,3,4 đối tượng trở lên là thỏa mãn dấu hiệu về mặt khách quan của tội: "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy".
Do đó nhiều trường hợp trước đây chỉ có thể xử lý hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, sau khi áp dụng Thông báo liên ngành số 258/TBLN thì xử lý hình sự về hành vi Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Bám sát và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy triển khai đồng bộ các biện pháp "giảm cung", kết hợp với "giảm cầu" và "giảm tác hại của ma túy".
Về giảm cung: Công an tỉnh đã tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, lập án đấu tranh, trấn áp quyết liệt với loại tội phạm này với tinh thần "không khoan nhượng, không có vùng cấm". Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng công an đã tham mưu triển khai hiệu quả 04 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn ma túy, đồng thời, triển khai hiệu quả công tác rà soát, giải quyết các điểm, tụ điểm về ma túy trên địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh triển khai cao điểm đợt tổng kiểm tra xử lý vi phạm liên quan đến "bóng cười", shisha, thuốc lá điện tử và đấu tranh quyết liệt với phạm ma túy “pha trộn”, “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, Từ khi triển khai cao điểm đến nay toàn tỉnh bắt giữ, xử lý hình sự 34 vụ 89 đối tượng phạm tội liên quan ma túy “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử; 16 vụ 48 đối tượng mua bán trái phép chất ma túy dạng “nước vui”, thu giữ 1248,4 gam ma túy tổng hợp dạng “nước vui”; 114 vụ (trong đó bóng cười 80 vụ, thuốc lá điện tử 30 vụ, shisha 06 vụ); thu giữ 1.892 bình khí cười, 9.879 sản phẩm thuốc lá điện tử, 1.488 lọ tinh dầu thuốc lá, 196 hộp shisha, 28 bình hút shisha cùng nhiều phụ kiện khác liên quan.
Về các biện pháp về "giảm cầu" và giảm tác hại của ma túy: Công an tỉnh, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Truyền thông tỉnh chỉ đạo biên soạn tài liệu, tăng cường triển khai công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, đại chúng trong toàn tỉnh và tổ chức các Hội nghị, buổi tuyên truyền trực tiếp về phòng, chống ma túy cho các đối tượng có nguy cơ cao, như học sinh, sinh viên, công nhân tại các khu công nghiệp và tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy; sử dụng mạng xã hội để thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy...
Đặc biệt, ngày từ đầu năm 2023 đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai đợt cao điểm tổng rà soát, phát hiện lập hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy (triển khai từ 01/03/2023 đến 15/7/2023); Quy chế phối hợp trong công tác xác định tình trạng nghiện. Lực lượng Công an phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế tăng cường công tác xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, áp dụng các biện pháp cai nghiện, tổ chức cai nghiện, quản lý sau cai nghiện và tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện. Toàn tỉnh đã lập 265 hồ sơ chuyển Tòa án đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc, đưa 277 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc, vận động 273 đối tượng đi cai nghiện tự nguyện, lập hồ sơ quản lý 1116 người sử dụng trái phép chất ma túy. Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã tiếp nhận, điều trị cai nghiện ma túy cho 551 người. Tổ chức đào tạo sơ cấp nghề cho 130 người cai nghiện.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy sẽ diễn biến hết sức phức tạp, nghiêm trọng và khó lường; công tác phòng, chống ma túy sẽ đặt ra những thách thức và nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, trong thời gian tới Công an tỉnh sẽ tập trung tham mưu, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Tham mưu với UBND triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TU, ngày 05/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về “Tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”, trong đó chú trọng thực hiện công tác xây dựng “Xã, phường, thị trấn không có ma túy”, hướng tới xây dựng “Huyện không có ma túy” trên địa bàn tỉnh.
Tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, lập án đấu tranh, trấn áp quyết liệt, không khoan nhượng với loại tội phạm này. Tăng cường công tác đấu tranh, bắt giữ các ổ nhóm, đường dây chuyên cung cấp ma túy tổng hợp cho các quán bar, karaoke trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đấu tranh quyết liệt, phòng ngừa ngăn chặn với các loại ma túy pha trộn, tẩm ướp, núp bóng dưới dạng đồ uống, thực phẩm, thuốc lá điện tử và các chất kích thích như shisha, bóng cười...
Duy trì thực hiện thường xuyên, nền nếp công tác rà soát thống kê người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Phối hợp quản lý chặt chẽ người nghiện ma túy tại cộng đồng, người sử dụng trái phép chất ma túy, người sau cai nghiện, đồng thời phát huy mạnh mẽ hơn vai trò cộng đồng xã hội trong việc giúp người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, tạo việc làm hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghiện.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và nhân rộng các mô hình phong trào toàn dân về phòng, chống ma túy, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức, đặc biệt là qua các phương tiện thông tin đại chúng, tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy và các đối tượng có nguy cơ cao như thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, ban quản lý các khu chung cư. Tăng cường ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo trong tuyên truyền phòng chống tác hại của ma túy, nhất là trong lứa tuổi thanh thiếu niên hiện nay. Bên cạnh đó triệt để khai thác thông tin về hình ảnh các đối tượng, tập trung vào các trang fanpage, các hội nhóm kín do các đối tượng lập ra để rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng ma túy, chia sẻ các thông tin, hình ảnh về các loại ma túy... để có biện pháp đấu tranh hiệu quả.
Siết chặt quản lý, phòng ngừa, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; tăng cường phối hợp, kiến nghị trong quản lý các căn hộ chung cư, nhà trọ, nhà cho thuê không để lợi dụng chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Xem xét, xử lý trách nhiệm đơn vị quản lý các cơ sở thường xuyên để đối tượng lợi dụng tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy.
Đẩy mạnh công tác phối hợp vói các lực lượng chức năng (Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển) và Công an các tỉnh, thành phố lân cận, tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn nguồn ma túy thẩm lậu qua biên giới vào địa bàn tỉnh, nhất là trên tuyến biên giới Việt - Trung, tuyến biển và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Tăng cường đấu tranh với các đường dây ma túy liên tỉnh và các tỉnh giáp ranh vào địa bàn tỉnh (Công an tỉnh đã ký Kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng và đang chuẩn bị ký Quy chế phối hợp với 06 tỉnh giáp ranh trong công tác đảm bảo ANTT, phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy).
Ngọc Huyền (Biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()