“Chỉ ra ngoài khi thấy thật sự cần thiết để mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, phải đi làm; giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không túm 5 tụm 3 nơi công cộng…” những thông tin được người dân Quảng Ninh thuộc nằm lòng và thực hiện triệt để trong tuần qua – tuần đầu tiên thực hiện việc “cách ly xã hội” để phòng chống dịch bệnh theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 16. Một tuần trôi qua trong tính kỷ luật cao độ của người dân vùng Than!
“Quảng Ninh đã nhiều ngày không có người nhiễm bệnh mới, 2 bệnh nhân đang thực hiện điều trị tại tỉnh đều có tiến triển sức khỏe tốt, cả nước cũng có những dấu hiệu đáng mừng về số ca bệnh nhiễm mới và số bệnh nhân được điều trị khỏi tăng hàng ngày… nhưng không vì thế mà được phép lơ là, lơi lỏng dù chỉ một phút, cả hệ thống chính trị tuyệt đối không được chủ quan” – đó là mệnh lệnh của người đứng đầu tỉnh - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Quảng Ninh.
“3 trước, 4 tại chỗ” phương châm hành động trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu tiếp tục được tỉnh thực hiện quyết liệt hơn trong tuần qua. Hơn 50 văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh với các giải pháp cụ thể theo diễn biến tình hình dịch bệnh liên tục được ban hành, chỉ đạo triển khai thực hiện theo kịch bản ứng phó từng tình huống cụ thể. Tất cả các hoạt động tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh đều đã được dừng lại như: dừng đại hội đảng bộ cấp cơ sở, kể cả đại hội điểm; dừng vận chuyển người bằng xe cơ giới, phương tiện công cộng trên địa bàn và ra/vào tỉnh; đóng cửa các cửa hàng buôn bán những mặt hàng không phải là nhu yếu phẩm thiết yếu; dừng hoạt động giao dịch hành chính trực tiếp tại tất cả các trung tâm hành chính công; thành lập các tổ tự quản tại thôn, bản, khu phố; thực hiện kiểm soát chặt chẽ hoạt động sau 22h hàng ngày, siết chặt vòng kiểm soát đối với các phương tiện, người ra/vào tỉnh…
Trong giai đoạn cao điểm cách ly xã hội, Quảng Ninh quyết định tiếp tục thực hiện chủ trương cách ly y tế tập trung tất cả người đến từ/đi qua vùng dịch theo đúng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 1709/TB-TU ngày 18/3/2020 của Thường trực Tỉnh ủy. Đối với tất cả những người đến từ/đi qua vùng dịch đến tỉnh Quảng Ninh, người rời tỉnh Quảng Ninh đến các vùng dịch trở về (trừ các trường hợp được phép theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn số 2601/KGVX-VPCP ngày 03/4/2020 của Văn phòng Chính phủ) đều phải thực hiện cách ly y tế tập trung 14 ngày. 13 chốt kiểm soát các cửa ngõ và tỉnh và các tổ tự quản của các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đưa đi cách ly tất cả các trường hợp đến từ/đi qua vùng dịch vào Quảng Ninh; nhóm các lái xe vận tải hàng hóa, nhu yếu phẩm đều phải thực hiện khai báo y tế để tăng cường kiểm soát các yếu tố dịch tễ từ nhóm đối tượng này. Các cơ sở cách ly được bố trí tại các huyện sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp cách ly bắt buộc trên và chi phí cách ly do người phải cách ly chi trả.
Trong thời gian qua, cũng đã có những ý kiến cho rằng Quảng Ninh có “quá rắn” không trong thực hiện việc “cách ly toàn xã hội”? nhưng nếu không quyết liệt như vậy hẳn rằng sẽ khó giữ được Quảng Ninh an toàn trong suốt thời gian từ đầu mùa dịch đến giờ. Để không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống từ chỉ đạo của người đứng đầu tỉnh, mỗi người Quảng Ninh hiểu rằng, sự “siết chặt” này sẽ bảo vệ an toàn cho cuộc sống của họ nên tinh thần “tuyệt đối không chủ quan” trở thành phương châm hành động mới từ cấp ủy, chính quyền đến cán bộ, đảng viên, nhân dân. Cán bộ, đảng viên gương mẫu chấp hành, thực hiện các quy định, nhân dân làm theo và giám sát lại việc nêu gương đó, tất cả cộng quản trách nhiệm cao độ vì cộng đồng, vì niềm tin chiến thắng dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.
Chiều 3/4, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt cách ly xã hội, không được chần chừ và không lo ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Mục tiêu đặt ra là không để lây lan dịch trong cộng đồng ở mức độ cao, dẫn tới đổ vỡ hệ thống cơ sở điều trị.
Tinh thần chỉ đạo này của Chính phủ đã được Quảng Ninh quyết liệt thực hiện ngay từ ngày 1/4 và cách ly xã hội đã trở thành mệnh lệnh đối với đội ngũ cán bộ trong toàn tỉnh. Cụ thể hóa Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chiều 31/3, UBND tỉnh ngay lập tức ban hành Điện khẩn về việc thực hiện nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch trong giai đoạn phức tạp, cao điểm với nhiều nội dung cụ thể, quyết liệt. Từ 0h00', ngày 1/4, các nhiệm vụ cấp bách theo chỉ đạo được triển khai đồng loạt trên toàn địa bàn tỉnh.
Các địa phương trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều nội dung sát với thực tế của địa phương, đảm bảo tính quyết liệt, chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Cán bộ cấp xã, cấp thôn khu trên toàn tỉnh thực hiện việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, vận động bà con nhân dân chấp hành nghiêm việc không tổ chức đám cưới, đám hỏi; tổ chức đám tang phải đảm bảo các quy định. Hơn 1.500 thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh đã lập chốt kiểm soát y tế để kiểm tra thân nhiệt, giám sát người ra vào địa bàn. Các đám cưới được hoãn lại. Các đám tang đều hạn chế số người đến viếng trong cùng 1 thời điểm và tổ chức an táng trong vòng 12h... Toàn tỉnh yêu cầu người dân nghỉ lễ Giổ tổ Hùng Vương, Tết Thanh Minh tại nhà, không tổ chức thanh minh, tảo mộ, không mở cửa kinh doanh hàng hóa không thiết yếu… Các cơ quan đơn vị nhà nước bố trí cho CB,CC,VC sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Những cán bộ cần đến cơ quan làm việc đều chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch.
Sở Công thương đã yêu cầu các siêu thị, doanh nghiệp chủ động hàng hóa, điều tiết trong hệ thống, chủ động đảm bảo nguồn hàng hóa tại quầy, kệ, kho đảm bảo đủ hàng hóa cho nhân dân; tăng cường bán hàng qua kênh thương mại điện tử và thực hiện giao hàng tại nhà cho người dân.
Các huyện, thị xã, thành phố cũng chủ động bố trí địa điểm bán hàng, nhân lực phối hợp với Sở Công thương và các đơn vị phân phối sẵn sàng tiếp nhận hàng hóa thiết yếu để điều tiết, cung ứng kịp thời phục vụ nhân dân.
Đồng chí Vũ Văn Diện, Bí thư Thành ủy, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 TP Hạ Long, cho biết: “Ngay trong ngày 1/4, TP Hạ Long đã nhanh chóng cụ thể hóa và triển khai ngay các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó nội dung được chú trọng là thực hiện ngay các chốt kiểm soát đường bộ, kiểm soát chặt chẽ đến mức tối đa người, phương tiện ra/vào địa bàn thành phố. Trong tuần đầu tiên thực hiện cách ly toàn xã hội, thành phố vừa thực hiện theo các chỉ đạo từ cấp trên, vừa liên tục thảo luận, chỉ đạo các phương án để tạo điều kiện lưu thông thuận lợi cho các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu, đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân...”.
Đồng chí Nguyễn Thành Sang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đông Xá, huyện Vân Đồn cũng cho biết: Sau khi có Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của tỉnh, của huyện, xã đã thành lập 3 chốt kiểm dịch, 16 tổ kiểm tra, đo thân nhiệt tại địa bàn các thôn dân cư, bao gồm 97 người là lực lượng công an, dân phòng, y tế, bí thư, trưởng thôn. Xã cũng cắt giảm 50% số lượng cán bộ, công chức đến làm việc trực tiếp tại cơ quan, ở nhà làm việc qua hệ thống mạng, tránh tình trạng tiếp xúc đông người, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại xã tạm thời ngừng giao dịch. Sau 1 tuần triển khai, người dân trên địa bàn tỉnh đều rất đồng tình, nhất trí thực hiện cách ly toàn xã hội. Tôi tin rằng, xã Đông Xá nói riêng, Quảng Ninh nói chung sẽ thực hiện thành công chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo Chỉ thị của Thủ tướng ngày 31/3/2020, kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 thực hiện cách ly toàn xã hội trong thời gian 15 ngày. Trong tuần đầu tiên thực hiện, hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh đều nhận thức đúng đắn về yêu cầu cách ly và triển khai thực hiện tốt. Tại các tuyến phố, các nơi sinh hoạt công cộng như khu vực cột Đồng hồ, ngã tư Loong Toòng, Kênh Liêm... trước đây thường xuyên ùn tắc giao thông thì nay vắng người qua lại. Các cơ sở kinh doanh, nhà hàng đóng cửa; các cơ quan, đơn vị tiết giảm người đến công sở làm việc; sự giao tiếp, tương tác giữa con người hạn chế đến mức tối đa.
Chị Nguyễn Thùy Trang, một hộ kinh doanh quần áo ở đường Tô Hiến Thành, phường Yết Kiêu, TP Hạ Long, cho biết: Cửa hàng của gia đình tôi không kinh doanh hàng hóa thuộc danh mục thiết yếu nên khi cán bộ phường đến tuyên truyền, chúng tôi chấp hành và đóng cửa ngay. Chúng tôi hiểu rằng đây là giai đoạn quan trọng trong công tác phòng chống dịch nên đều tự giác, nâng cao ý thức cách ly để đảm bảo sức khỏe cho mình, gia đình và xã hội. Cả khu phố của tôi đều kinh doanh cả nhưng đều đóng cửa hết. Biết là 15 ngày không bán hàng có thể thu nhập giảm nhưng vì sức khỏe, tính mạng nên ai cũng phải chấp hành nghiêm túc. Cả nước đều khó khăn chung. Ai cũng phải chấp nhận hy sinh lợi ích để làm tốt việc cách ly thì mới dập dịch được.
Không chỉ ở TP Hạ Long, tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, các tầng lớp nhân dân cũng đồng thuận, hưởng ứng tích cực cách ly toàn xã hội bằng những việc làm cụ thể. Tại các nơi này, hầu hết các cơ sở kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ không thiết yếu đều đã đóng cửa ngừng kinh doanh. Hầu hết các tuyến đường mật độ phương tiện tham gia giao thông thưa thớt. Anh Lương Phương Thuận, một lái xe taxi cho biết: Trước khi thực hiện cách ly xã hội, Quảng Ninh đã yêu cầu ngừng hoạt động của xe taxi, cách ly thêm 15 ngày có nghĩa là chúng tôi sẽ nghỉ thêm. Tuy nhiên, anh em lái xe rất đồng tình, ủng hộ. Bởi đây là biện pháp thiết thực, thích hợp trong thời điểm hiện nay để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Sự đồng tình, ủng hộ cách ly toàn xã hội không chỉ được người dân Quảng Ninh thể hiện bằng sự nghiêm túc thực hiện mà trên các hội nhóm, trang mạng xã hội của người dân cũng thể hiện rõ quyết tâm đó. Nhóm facebook Otofun Quảng Ninh với 12.270 thành viên thường xuyên đăng tải những thông tin chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về cách ly toàn xã hội và khuyến khích việc tuân thủ, lên án những hành vi chưa tốt như không đeo khẩu trang khi ra đường; tụ tập quá 2 người ở nơi công cộng.
Đặc biệt, khi tỉnh đẩy mạnh việc thực hiện cách ly có thu phí đối với những người đến từ/đi qua vùng dịch về Quảng Ninh hầu hết các hội, nhóm, fanpage của người Quảng Ninh hết sức ủng hộ. Trên nhóm Otofun Quảng Ninh, tài khoản Ngân Vũ nói: “Tôi còn muốn là không cho ai thò đầu ra khỏi cửa sổ nữa cơ, chứ như này đã là gì. Ngồi trong nhà hết ăn lại lăn ra ngủ có 2 tuần có làm sao, điện thoại, ti vi... tỉ thứ tiêu khiển buồn gì mà buồn! Còn tiền chậm 14 cũng không mất được cơ hội đâu mà lo”.
Trên nhóm Xe một chiều Quảng Ninh - Hà Nội, tài khoản Nguyễn Hk Phương bình luận: "Tôi rất hoan nghênh sự sáng suốt và quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Người dân Quảng Ninh rất an tâm với quyết định này."
Tương tự như thế, trên các fanpage của các cơ quan của Quảng Ninh, các nhóm facebook đều thấy sự đồng tình, ủng hộ của hàng trăm ngàn người dân ở khắp các địa phương trong tỉnh. Điều này cho thấy rất rõ về sự đồng thuận của nhân dân nói riêng và của toàn xã hội, quyết tâm thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh về cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 00 giờ ngày 1/4.
Trong những ngày chống dịch, nỗi lo chi dùng cho cuộc sống của 3 mẹ con khi dịch bệnh còn kéo dài trĩu nặng tâm tư chị Nguyễn Thị Hương, hộ cận nghèo ở phường Hồng Hà (TP Hạ Long). Gánh rau xanh chị cất bán héo dần khi người đi chợ thưa vắng hàng ngày, dù lãi lời chỉ 30.000 đồng/ngày nhưng với 3 mẹ con chị đó là chi dùng, tiết kiệm đủ để 2 đứa trẻ ăn học. Ngày 31/3 chị xem tivi biết HĐND tỉnh họp thống nhất hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trong phòng chống dịch bệnh đã khấp khởi mừng thầm, rồi bác Tổ trưởng dân phố đến nhà thông báo chị nằm trong diện được tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng/3 tháng (tháng 4, 5, 6/2020). Cầm sổ hộ cận nghèo trên tay chị Hương nói: Không ai nắm tay được đến sáng, tôi vì chồng ốm đau, bệnh tật rồi mất sớm, kinh tế gia đình kiệt quệ, một thân một mình nuôi hai con còn tuổi ăn tuổi học nên rất khó khăn. Trong suốt thời gian qua luôn nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ của bà con lối phố, của chính quyền địa phương nên cuộc sống ba mẹ con cũng tạm ổn qua ngày. Đợt này do dịch bệnh kéo dài với những người thất nghiệp như chúng tôi được tỉnh hỗ trợ quý giá vô cùng, ít nhất ba mẹ con không phải quá lo lắng vì miếng cơm, bữa cháo nữa. Mong dịch mau qua để cuộc sống trở về bình thường, người dân lại có công việc làm, chăm chỉ làm ăn vượt qua hoàn cảnh.
Không thể diễn tả hết sự mong chờ, niềm vui của những người được hưởng chính sách từ Nghị quyết 245/2020/NQ-HĐND ngày 31/3/2020 của HĐND tỉnh, đặc biệt là khi nghị quyết có hiệu lực ngay sau khi được ban hành trong bối cảnh toàn tỉnh cùng cả nước đang trong những ngày cao điểm phòng chống dịch bệnh Covid-19. Theo Nghị quyết, tỉnh sẽ dành hơn 1.000 tỷ đồng từ các nguồn tiết kiệm chi để trang sắm trang thiết bị y tế tốt nhất phục vụ cho công tác điều trị, chăm sóc người bị nhiễm bệnh Covid-19; công tác phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ cho người lao động trong các hộ cận nghèo, hộ nghèo, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng, mất việc do dịch bệnh Covid-19.
Khi HĐND tỉnh Quảng Ninh ban hành nghị quyết này dư luận xã hội đã rất đồng thuận và cho rằng đây là minh chứng cụ thể nhất sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các giải pháp về phòng, chống dịch với mục tiêu bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng cho người dân, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để quyết tâm, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch. Hơn 1.000 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị y tế tốt nhất, để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả nhất, để những người yếu thế trong xã hội được trợ lực sớm nhất – đó chính là tính nhân văn, trách nhiệm của tỉnh Quảng Ninh, để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến này.
Vào cuộc cùng với tỉnh để chiến thắng dịch bệnh, mỗi người bằng trách nhiệm, khả năng của mình đã có những đóng góp vô cùng ý nghĩa và trân trọng. Đó là cụ bà Vũ Thị Sim, 103 tuổi ở tổ 1, khu Thủy Sơn, phường Cẩm Sơn (TP Cẩm Phả) đã bảo con cháu đưa lên UBND phường để trao số tiền ủng hộ 1 triệu đồng mà cụ tiết kiệm được từ tiền con cháu biếu để cụ ăn quà vặt. Là Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngăn (90 tuổi), khu 2, phường Hà An (TX Quảng Yên) đã trao tặng 5 triệu đồng mẹ dành dụm trong nhiều năm qua cho phường Hà An để thực hiện công tác phòng chống dịch. Còn rất nhiều những tấm lòng đang được nhân lên bằng những hành động cao đẹp, nhân văn, ý nghĩa trong cuộc chiến chống giặc Covid-19.
Quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, thực hiện tốt đảm bảo an sinh xã hội và giữ được nhịp phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Ninh trong hơn 3 tháng qua đang nỗ lực đạt mục tiêu “kép” năm 2020. Kết thúc quý I/2020 mặc dù lĩnh vực du lịch, dịch vụ - một trong những động lực tăng trưởng của tỉnh, chiếm tỷ trọng tới 45,9% trong cơ cấu kinh tế năm 2019 bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, song tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I ước tăng 7,2%, thuộc mức cao trong cả nước. Thu NSNN trên địa bàn ước đạt 13.067 tỷ đồng, bằng 27% dự toán, tăng 7% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa đạt 9.801 tỷ đồng, bằng 26% dự toán, thu xuất nhập khẩu đạt 3.255 tỷ đồng, bằng 29% dự toán. Quảng Ninh cũng tổ chức thành công 100% đại hội chi bộ, 21% đại hội chi, đảng bộ cơ sở; hoàn thành mục tiêu 100% bí thư đồng thời là trưởng thôn theo quy trình “dân tin, đảng cử”. Nhịp sản xuất để đảm bảo kinh tế phát triển tiếp tục được thực hiện. Mọi hoạt động sản xuất được đưa vào phương án chống dịch trong thời kỳ cao điểm, tất cả các phân xưởng, công trường, nhà máy sản xuất đều thực hiện gắt gao quy trình kiểm soát y tế đối với người, phương tiện ra/vào, nguồn cung nguyên liệu phục vụ cho sản xuất được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, thông suốt.
Dịch bệnh chưa biết ngày nào sẽ hết nhưng với người Quảng Ninh, càng khó khăn tinh thần “kỷ luật, đồng tâm” càng được vun bồi mạnh mẽ để chung sức, đồng lòng cùng với cả nước chiến thắng dịch bệnh.
Ngọc Lan - Hà Chi
Trình bày: Tất Đạt
Ý kiến ()