“Mặc dù chưa có tiền lệ trong lịch sử, song qua gần 35 năm phát triển, cho đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã chứng minh tính độc lập, sáng tạo và đúng đắn trên thực tế, khi giúp đất nước ta thoát khỏi thời kỳ khó khăn, đạt tốc độ tăng trưởng cao. Từ nước nghèo, thu nhập thấp, Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình, hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với kinh tế thế giới”, là chia sẻ của Tiến sĩ Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, với phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thuật ngữ khá khác biệt trên thế giới ngay từ khi mới ra đời cho đến thời điểm hiện nay. Khác biệt này có “dị biệt”?
Từ Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được nhận thức trong tư duy nhưng phải đến Đại hội lần thứ VII của Đảng, lần đầu tiên kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được ghi trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011. Kể từ đó thuật ngữ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã trở thành vấn đề thường trực về lý luận và thực tiễn trong tất cả các văn kiện của Đảng.
Trên thế giới, vào những năm 2000 - 2008, Trung Quốc cũng đề cập đến vấn đề kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa nhưng cũng mất 10 năm đại luận chiến mới chính thức được ghi trong Văn kiện Đại hội XIV, XV, XVI. Nói như vậy để thấy rằng kinh tế thị trường là sản phẩm chung của nhân loại, là sản phẩm tất yếu của nền văn minh nhân loại chứ không phải của riêng chủ nghĩa tư bản. Khi nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được tổ chức thực tiễn thành công rất quan trọng ở Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nhật Bản nhận định: “Đây là bước đột phá sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một con đường trong lịch sử chưa một ai đi qua”. Đó là hiện thân của sự phát triển cái chung cái riêng, cái phổ biến và cái đặc thù trên phương diện rất khó khăn này.
Diện mạo, bản chất cũng như thành công của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được công nhận ngay từ ban đầu?
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là bước nhận thức và phát triển tất yếu trong việc kiến tạo và phát triển nền kinh tế Việt Nam. Song việc đổi mới tư duy và nhận thức kinh tế thị trường trên con đường xã hội chủ nghĩa phải nói là một cuộc vật lộn và đầy gian truân. Phải chờ đến độ chín mùi, từ văn kiện Đại hội lần thứ VII cho đến Đại hội lần thứ IX của Đảng, nó trở thành quyết sách chính trị chiến lược. Nghĩa là chúng ta phải mất 10 đến 15 năm để nhận thức ngày càng rõ hơn về diện mạo, bản chất của nền kinh tế thị trường nói chung và quyết định xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa . Từ đó đến nay, hơn 25 năm chúng ta kiên định, kiên trì và nỗ lực phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đã giành thắng lợi rất quan trọng để kiến tạo và phát triển nền kinh tế Việt Nam. Nó trở thành mô hình kinh tế tổng quát của chúng ta.
Các thế lực thù địch, phản động luôn phủ nhận cho rằng nếu có kinh tế nhà nước thì không có kinh tế thị trường. Vậy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có phải là sự gán ghép chủ quan giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội?
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng... Chúng ta không câu nệ tỉ lệ phần trăm của kinh tế nhà nước là bao nhiêu mà quan trọng là khả năng điều tiết vĩ mô, qua nó, của Nhà nước đối với nền kinh tế. Ở những lĩnh vực then chốt nhất, ở những lĩnh vực đòi hỏi nhân văn nhất như thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, lúc đó nền kinh tế nhà nước xuất hiện. Ở những cú sốc của nền kinh tế thị trường khi chúng ta vấp phải thì chúng ta thấy kinh tế nhà nước là chủ đạo, dẫn dắt và điều cần thiết.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta phát triển nội hàm tổng quát về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Như vậy, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là sự gán ghép chủ quan giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội, mà là sự nắm bắt và vận dụng xu thế vận động khách quan của kinh tế thị trường trong thời đại hiện nay.`
Việc kỳ thị và phủ nhận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chắc chắn phục vụ ý đồ nào đó?
Việc cho rằng, nếu có kinh tế nhà nước làm chủ đạo thì không có kinh tế thị trường, là nhắm vào phủ định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Tôi cảm giác các thế lực thù địch và những người kỳ thị với chúng ta khi bàn về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, liên quan đến kinh tế thị trường và một bộ phận kinh tế thị trường là kinh tế nhà nước, họ thổi phồng kinh tế tư nhân mà tư nhân hóa nền kinh tế thì không còn xã hội chủ nghĩa nữa. Họ đòi kinh tế tư nhân thay thế vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế quốc dân, khác gì họ mong đẻ ra chủ nghĩa tư bản ở Việt Nam. Đó là ý đồ chính của họ. Trong khi trên thực tế không một quốc gia, dân tộc nào dù là tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa lại buông lơi kinh tế nhà nước.
Chúng ta kiên định và đấu tranh với những luận điệu phủ nhận của các thế lực thù địch, phản động bằng thực tiễn, đặc biệt là việc kiến tạo thể chế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Qua đó, từng bước khẳng định vị thế, sức mạnh của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Đây cũng là luận cứ rất mạnh mẽ bác bỏ những ý kiến còn hồ nghi, phủ nhận sạch trơn tất cả những nỗ lực của toàn dân tộc ta, dưới ngọn cờ của Đảng, trên con đường phát triển đất nước Việt Nam.
Đảng ta đã thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như thế nào?
Từ Đại hội VI đến nay, tức là trải qua 7 kỳ đại hội, chúng ta tiếp tục phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn một cách độc lập, sáng tạo và hiệu quả. Từ thực tiễn phát triển, những bài học lớn được tổng kết đều được các đại hội của Đảng từng bước nâng lên thành lý luận, trở thành bước phát triển đột phá sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã đưa Việt Nam đi trên một con đường lịch sử mà chưa một ai đi qua. Tức là sự khám phá và sáng tạo của Đảng trên từng lĩnh vực và qua từng chặng một, liên tục điều chỉnh và phát triển...
Tiến sĩ Nhị Lê trao đổi với Giám đốc - Tổng biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước Nguyễn Thị Minh Nhâm |
Tại Đại hội XIII, Đảng ta nhận thức toàn vẹn hơn nền kinh tế thị trường, đặc biệt là không ngừng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Nghĩa là trong hơn 30 năm qua, Việt Nam đã có trên dưới 40 luật và bộ luật liên quan đến kiến tạo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về mặt thể chế. Điều quan trọng bậc nhất là qua mỗi bước đi, qua mỗi lần thử nghiệm chúng ta không ngừng hoàn thiện và để đến Đại hội XIII chúng ta có nhận thức ngày càng toàn vẹn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: định danh, nội hàm và khẳng định nó là mô hình phát triển nền kinh tế Việt Nam. Điều nhấn mạnh ở đây, sự phát triển về mặt lý luận là một đóng góp rất quan trọng vào kho tàng lý luận thế giới trên lĩnh vực kinh tế.
Chúng ta đã kiên định với lựa chọn kinh tế thị trường. Chắc chắn sự lựa chọn này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng?
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là bước nhận thức và phát triển tất yếu trong việc kiến tạo và phát triển mô hình nền kinh tế Việt Nam. Đại hội XIII đã gánh vác trách nhiệm lịch sử tổng kết 35 năm đổi mới, trong đó có 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011. Chúng ta đã từng bước tổ chức thực tiễn qua nhiều lần thử nghiệm và cho đến hôm nay có thể nói, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền tảng và động lực kiến tạo và phát triển nền kinh tế Việt Nam. Từ diện mạo, bản chất, thể chế, lộ trình bước đi, những điều kiện cần và đủ trên tất cả mọi phương diện để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm nên thành tựu có ý nghĩa lịch sử, rất to lớn trong 35 năm đổi mới vừa qua.
Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Đại hội XIII của Đảng đã xác định với các mục tiêu cụ thể:
- Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Ông có niềm tin chúng ta sẽ thành công?
Khi con đường đã rõ, lộ trình đã tỏ, lực lượng được chuẩn bị một cách bài bản, chưa bao giờ như bây giờ, sức mạnh toàn dân tộc của gần 100 triệu dân bao gồm đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài lại lên cao đến như vậy. Đó là thế nước cũng là vận nước Việt Nam! Với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; bản lĩnh và kinh nghiệm dày dạn của Đảng và nhân dân Việt Nam đã được kiểm nghiệm, đúc kết trong thực tiễn gian khổ, khó khăn, tạo niềm tin và hiện thực vững chắc đi tới tương lai thành công.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nội dung: Minh Nhâm - Khánh Diễm (baobinhphuoc)
Thiết kế: Thanh Khoa (baobinhphuoc)
Ý kiến ()