Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:36 (GMT +7)
Văn hóa công nhân mỏ - Nền tảng xây dựng văn hóa con người Quảng Ninh
Chủ nhật, 19/02/2023 | 07:54:28 [GMT +7] A A
Văn hóa công nhân mỏ cùng với văn hóa biển và văn hóa các dân tộc thiểu số là những yếu tố nội sinh, cấu thành nền văn hóa Quảng Ninh thống nhất trong sự đa dạng, phong phú. Trong đó, văn hóa công nhân mỏ là nét đặc sắc riêng có và là một trong những nền tảng để xây dựng văn hóa, con người Quảng Ninh.
Các nhà nghiên cứu về văn hóa cho rằng, sự phong phú, đa dạng nhiều sắc màu của văn hóa Vùng mỏ có được là do có sự giao thoa kỳ diệu giữa nhiều vùng văn hóa với nhau. Quảng Ninh là vùng đất tụ hội dân cư nhiều nơi về sinh sống, làm ăn từ thời kỳ Pháp thuộc cho đến tận ngày nay. Trong đó, chủ yếu là các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, từ Nghệ An, Hà Tĩnh ra các tỉnh phía Bắc. Qua thời gian được học tập, làm việc, tôi luyện qua môi trường công tác có tính kỷ luật cao, có trình độ kỹ thuật hiện đại, đã từng bước trở thành những công nhân lành nghề, sản xuất hiệu quả, làm giàu cho bản thân và xã hội.
Trong lịch sử, thế hệ thợ mỏ đi trước đã tạo dựng và để lại nhiều giá trị văn hóa vật thể cho Vùng mỏ. Có thể kể ra hàng loạt các di tích như: Di tích miếu mỏ địa điểm khai thác than đầu tiên, đền Bà Chúa Kẽm, tượng đài Ngô Huy Tăng, di tích nơi mở đầu cuộc bãi công năm 1936, di tích lưu niệm Bác Hồ thăm mỏ Đèo Nai, khu di tích Vũng Đục v.v.. Bên cạnh đó còn có các di tích: Nhà làm việc của Vavasseur - viên quan đại lý người Pháp, dinh thự của chủ nhất và bệnh viện thời Pháp, cổng vòm và trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (gọi tắt tiếng Pháp là SFCT), núi Bài Thơ và cẩu trục Poóc-tích số 1 Xí nghiệp Bến Cửa Ông - nơi cắm cờ Tổ quốc ngày tiếp quản Vùng mỏ.
Thợ mỏ đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau cùng với những người dân gốc tại Quảng Ninh đã cùng chung sống hài hòa, tạo nên sự giao thoa đặc biệt về văn hóa. Những gia đình thợ mỏ nhiều thế hệ, xóm thợ, làng mỏ, phố mỏ đông đúc cùng với những tập quán riêng có là nét độc đáo trong cộng đồng dân cư ở Quảng Ninh hiện nay.
Trong các giá trị văn hóa phi vật thể của công nhân mỏ, có thể khẳng định giá trị cốt lõi nhất, làm nên đặc trưng của ngành Than là tinh thần kỷ luật và đồng tâm. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, giá trị văn hóa ấy của những người thợ mỏ đã góp phần tô điểm, làm sinh động văn hóa giai cấp công nhân Việt Nam. Đây là tài sản tinh thần vô giá - văn hóa phi vật thể, nhưng đã có sức mạnh to lớn làm nên lịch sử và tầm vóc của giai cấp công nhân mỏ cũng như cả Vùng mỏ anh hùng.
“Kỷ luật và đồng tâm” là sự biểu hiện tập trung, đầy đủ nhất về bản chất cách mạng, bản lĩnh đấu tranh đặc sắc về phương thức, phương pháp tập hợp lực lượng tạo nên sức mạnh to lớn, mạnh mẽ của đội ngũ thợ mỏ. Tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm" được người thợ mỏ thể hiện trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, sản xuất như: Trong đấu tranh cách mạng giành độc lập và chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước; trong lao động sản xuất; trong hoạt động xã hội, trong phong trào văn hóa, thể thao. Truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” đã cùng với giai cấp công nhân mỏ, với nhân dân tỉnh Quảng Ninh đi suốt chiều dài lịch sử từ phong trào đấu tranh cách mạng giành độc lập rồi đến công cuộc đổi mới xây dựng đất nước. Truyền thống đó đã hiện thực hóa thành sức mạnh vật chất làm nên những thắng lợi vẻ vang của tỉnh Quảng Ninh.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” một lần nữa được khơi dậy, phát huy để có đóng góp tích cực vào nhiệm vụ bảo vệ nhà máy, hầm lò, xí nghiệp, chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Đặc biệt, cuộc đấu tranh bền bỉ và anh dũng chống thực dân Pháp của quân và dân Quảng Ninh để giải phóng khu mỏ, trong chiến thắng trận đầu và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong thời bình, nhất là giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, công nhân ngành Than, nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để khai thác hàng triệu tấn than làm giàu cho Tổ quốc.
Trong phong trào văn hoá, thể thao của thợ mỏ cũng có những nét văn hóa rất riêng. Ngay cả những danh hiệu như “Nghệ sĩ Vùng mỏ”, “Thợ mỏ vẻ vang”, "Người thợ mỏ - người chiến sĩ"... cũng rất đặc biệt mà chẳng nơi nào, ngành nào có được. Văn học dân gian của công nhân mỏ, đặc biệt là ca dao Vùng mỏ là kho tàng phong phú, đa dạng mà lớp tác giả công nhân và khuyết danh đã để lại cho hậu thế.
Tóm lại, sự hội tụ của nhiều vùng văn hóa khác nhau trên Vùng mỏ đã thực sự mang lại những nét văn hóa đặc sắc của thợ mỏ, văn hóa ngành Than, một yếu tố căn cốt để hình thành văn hóa Quảng Ninh đa dạng trong thống nhất. Đó vừa là di sản văn hóa lại vừa là tài sản có thể phát huy giá trị trong đời sống xã hội đương đại.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()